Mùa Dâu Tằm Chín - Báo Lao Động Thủ đô

Mưa “rớt” bão Những gánh hồng bì gợi nhớ gợi thương

Vào dịp này, nếu quá bước ra ngoại thành Hà Nội, bạn sẽ “lạc” vào những vườn dâu tằm đang chín rộ. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, họ sẽ không phun thuốc trước khi thu hái mà để cho dâu chín tự nhiên. Do đó, ta sẽ được ngắm những trái dâu ửng hồng, chín đỏ, tím thẫm trĩu trịt khắp các cành trên cành dưới của cây.

Mùa dâu tằm chín
Ảnh minh họa

Sở dĩ, người nội trợ gọi quả “dâu tằm” để phân biệt với quả “dâu tây” thường được đưa từ Đà Lạt ra. Trong các bài thuốc dân gian, loại quả này giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, lá non của cây còn dùng làm rau luộc, xào, nấu canh vừa ngon vừa mát. Đặc biệt, si-rô làm từ quả dâu là thức uống được nhiều người yêu thích bởi có tác dụng giải nhiệt, xua tan những cơn oi nóng của mùa hè.

Mỗi khi tới mùa dâu tằm chín, mẹ tôi lại vội mua về để làm si-rô dâu. Bởi lẽ, mùa dâu chín rất ngắn, chỉ kéo dài trong khoảng 3 – 4 tuần mà thôi. Mua được mớ dâu tằm chín về, mẹ thường lựa những quả to nhất, chín mọng rửa sạch cho vào cái bát bằng gốm phần tôi. Đi học về, tôi vui sướng reo lên khi nhìn thấy bát dâu chín.

Những quả dâu chỉ to bằng ngón tay, tím thẫm, căng mọng. Trước khi ăn, tôi thường nâng niu, cầm vào cái cuống màu xanh xinh xắn mà hít hà hương thơm thanh nhẹ của quả dâu tằm chín. Bỏ quả dâu vào miệng, chao ơi, vị chua chua, ngòn ngọt lan tỏa nơi đầu lưỡi thật thú vị làm sao.

Sau khi thưởng thức quả dâu chín, tôi giúp mẹ làm si-rô dâu. Quả dâu được thả vào chậu nước đầy, rửa thật nhẹ tay. Mẹ dạy tôi cách rửa dâu từng vốc nhỏ sao cho không bị dập nát mà vẫn sạch hết cát, bụi bám vào quả. Trong khi tôi rửa dâu, mẹ đun sôi một nồi nước to với một chút muối rồi bắc ra, để nguội bớt. Dâu rửa sạch được mẹ tôi dùng cái “vá” thả từng đợt vào nồi nước, ngâm khoảng vài phút rồi vớt ra rổ cho ráo nước. Mẹ tôi lấy chiếc bình thủy tinh lớn, miệng rộng, nhẹ nhàng rải lần lượt cứ một lớp dâu lại đến một lớp đường. Khi đã rải hết số dâu và đường vào bình, mẹ tôi đậy kín lại.

Qua vài ngày, tôi cứ ra vào nắc nỏm thăm bình dâu. Khi đường tan hết và dâu đã tiết ra rất nhiều nước màu tím đỏ, mẹ tôi đổ tất cả vào nồi đun sôi rồi hạ lửa liu riu trong khoảng 40 phút thì tắt bếp. Đợi nồi dâu nguội, mẹ tôi lọc lấy phần nước cốt, cho vào lọ, đậy chặt lại, cất vào nơi thoáng mát để bảo quản. Sau này, nhà có tủ lạnh thì mẹ tôi cất vào ngăn mát của tủ. Phần bã dâu được xay nhuyễn, thêm chút đường, cho lên bếp sên đến khi đặc quánh.

Khi mứt dâu đã nguội hẳn, mẹ tôi cất vào một chiếc lọ thủy tinh. Mấy anh em tôi rất thích ăn sáng bằng bánh mì quết mứt dâu. Mùa hạ đến, có những ngày nắng như đổ lửa, khi về nhà, chỉ cần rót một ít si-rô dâu vào cốc, thêm chút đường, vài viên đá lạnh, vậy là đã có cốc nước đánh bay oi nóng ngày hè. Sau này, dù đi nhiều nơi, uống nhiều loại nước ngọt khác nhau, nhưng tôi vẫn không thể quên cốc nước dâu ánh lên sắc tím hồng, với hương vị chua chua ngòn ngọt dịu dàng.

Thời gian trôi, mỗi khi những gánh dâu tằm chín thấp thoáng trên phố, tôi lại nhớ dáng mẹ tảo tần ướp dâu, sên mứt năm nào. Tôi tin rằng, mùa dâu tằm chín thật ngắn nhưng thật dài, thật đậm sâu trong ký ức của biết bao người.

Từ khóa » Dâu Tằm Có Phun Thuốc Không