Mùa đông 1991: Quá Khứ Và Hiện Tại | Thời Sự

Mùa đông 1991: Quá khứ và hiện tại TRƯƠNG KHẮC TRÀ 28/12/2021 05:30

Liên Xô sụp đổ nhưng để lại nhiều ký ức đẹp, một phần vĩnh viễn của lịch sử thế giới và là bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá.

Tổng Bí thư Gorbachev thuyết phục người dân Litva thôi bạo động, nhưng bất thần

Tổng Bí thư Gorbachev (ở giữa) thuyết phục người dân Litva thôi bạo động, nhưng bất thành!

>>K. Marx nhà tư tưởng vĩ đại

Đài truyền hình TPHCM đang công chiếu bộ phim “Mùa đông 1991” hồi tưởng lại chặng đường hình thành, phát triển và suy tàn của nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên, lớn nhất lịch sử thế giới, đó là Liên Xô và khối các nước Đông Âu.

Dù Liên Xô không còn sau 30 năm nhưng linh hồn của nhà nước này đã trở thành một mảnh ghép không thể thiếu khi nhắc đến lịch sử cận hiện đại. Bởi những đóng góp to lớn về kinh tế, khoa học công nghệ, mô hình tổ chức nhà nước và xã hội, hiện thực hóa, bổ sung phát triển một trong những học thuyết chính trị nổi tiếng nhất thế kỷ XIX và XX. Học thuyết Marx - Engels - Lenin.

Với Việt Nam và các nước XHCN còn lại, sự kiện 1991 là bài học quý giá và là sự bừng tỉnh cần thiết để nhìn lại cách thức áp dụng lý thuyết Marx; đâu là mối nguy của chế độ, khâu nào yếu nhất cần bổ sung, điều chỉnh,…như Marx, Engels nhiều lần khẳng định, học thuyết này là hệ thống mở, cần được bổ sung điều chỉnh thông qua thực tiễn cách mạng.

Các vấn đề của Liên Xô bắt đầu xuất hiện từ trước thời điểm 1991 rất lâu, Lenin chỉ làm Tổng Bí thư 5 năm kể từ 1917 - thành tựu vĩ đại nhất về kinh tế là chính sách NEP. Từ 1922, Josef Stalin trở thành người cầm quyền tuyệt đối suốt 31 năm tiếp theo.

Stalin bác bỏ NEP, đồng nghĩa với việc xóa gần hết những gì tốt đẹp nhất về kinh tế, xã hội XHCN mà Lenin đã lên ý tưởng, thay vào đó bằng “học thuyết Stalin” đậm đặc duy ý chí. Xóa bỏ hẳn nền kinh tế thị trường, đưa nền kinh tế sang một mô hình tập trung cao độ, mọi phương tiện sản xuất đều nằm trong tay nhà nước thông qua chỉ hai hình thức “sở hữu toàn dân” và “sở hữu tập thể”.

Không thể phủ nhận, chính sách kinh tế hà khắc của Stalin đã công nghiệp, điện khí hóa đất nước một cách phi thường, gặt hái nhiều thành công rực rỡ, không hề kém cạnh Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu.

Nhưng Stalin và những người kế nhiệm sau đó như Khrushchov,  Brezhnev, đặc biệt là Gorbachov đã mắc phải lời nguyền Lenin “kéo dài ưu điểm sẽ thành nhược điểm”. Tức là giữ mô hình kinh tế bao cấp quá lâu, nội lực từ người dân bị bào mòn và những người cộng sản trong Đảng không còn giữ được cái đầu lạnh, bắt đầu tha hóa, tham nhũng, phai nhạt lý tưởng do thể chế quan liêu không có chỗ cho phản biện, đóp góp ý kiến.

V. Lenin mất sớm cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô

V. Lenin mất sớm cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô

>>Putin và chủ nghĩa dân tộc Nga kiểu mới

Mãi đến 1985 khi tình hình trở nên trầm trọng thì Gorbachev mới khởi động cải cách, nhưng đã quá muộn, những mâu thuẫn lớn nhất giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, ý thức xã hội và tồn tại xã hội phát tác mạnh. Cộng thêm tác động từ bên ngoài như giá dầu rớt xuống thấp, chiến tranh Afghanistan, thiếu hụt ngoại tệ, các thành viên Đông Âu bất mãn với cách thức “trung ương tập quyền của Moscow”.

Tôi cho rằng, điều may mắn đầu tiên với Việt Nam là không cùng không gian địa lý với Liên Xô và Đông Âu nên tránh được “cơn domino” sụp xuống, mặc dù khoảng thời gian trước 1986 Việt Nam gặp vô vàn khó khăn, nhiều vấn đề y hệt các nước cùng ý thức hệ.

Phần nào đó, Việt Nam không quá phụ thuộc vào Liên Xô như các nước Đông Âu nên mọi quyết định cải cách được đưa ra nhanh chóng. Hơn nữa tư duy kinh tế thị trường (nông nghiệp) rất tiến bộ đã xuất hiện trong một vài nhân tố chủ chốt của Đảng từ giữa thập niên 60.  “Khoán chui” của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ), Kim Ngọc là “thí nghiệm” rất dũng cảm đã mào đầu để Bộ Chính trị mạnh dạn ban hành “Khoán 10” năm 1988.

“Khoán 10” không chỉ giúp nông nghiệp bứt phá mà còn là tham luận chính sách giúp Đảng có cái nhìn gần Marx, Lenin, Hồ Chí Minh hơn về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, về quan hệ “công - nông - trí”. Sau này Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Công lao anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc”.

Tiếp đến, phải nói nhãn quan chính trị sắc bén của các Tổng Bí thư Lê Duẫn và Nguyễn Văn Linh - những người đã lèo lái chế độ qua thời khắc nguy hiểm đặc biệt về chính trị. Biểu hiện ở giai đoạn từ 1985 - 1991, nổi bật là “Đại hội đổi mới” lần thứ 6 năm 1986.

Tạm qua thời kỳ “nhạy cảm chính trị”. Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách ngoại giao đúng đắn - tôi cho rằng, giai đoạn từ 1991 trở đi, ngoại giao và mở cửa đã mang Việt Nam hòa vào dòng chảy chung toàn cầu, hợp quy luật “không đi ngược bánh xe lịch sử” nên tiếp tục giữ vững chế độ và từng bước phát triển kinh tế.

Xe buýt ở Việt Nam những năm 90

Xe buýt ở Việt Nam những năm 90

Rất tiếc là Liên Xô giai đoạn sau này càng khu biệt với thế giới, tự nổi lên thành một cực phân tranh kịch liệt với phương Tây, không tiếc nguồn lực chạy đua vũ trang, chinh phục vũ trụ, bao cấp toàn bộ Đông Âu để giữ thành trì từ xa. Như một quy luật tất yếu của chủ nghĩa Marx, chẳng bao giờ có cuộc đua song mã nào tồn tại mãi mãi, sẽ có ai đó phải thất bại!

Làm sao có thể tách rời hoàn toàn chủ nghĩa tư bản nếu muốn quá độ thành công? Điều này các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx và những nhà cách mạng học Marx như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn đạt rất rõ “cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới”.

Mở đầu bằng sự kiện bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Tôi cho rằng, ý nghĩa trước tiên của mối quan hệ này không phải là kinh tế, mà là thông điệp muốn nói với thế giới tư bản, rằng: Việt Nam đã là quốc gia độc lập, yêu chuộng hòa bình, mong muốn hợp tác, phát triển trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Vì thế, lăng kính của người Mỹ và phương Tây áp dụng cho Việt Nam (cấm vận) là không nên tồn tại.

Thời điểm này, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế, có mối quan hệ sâu, rộng và hài hòa với hàng trăm quốc gia, giữ vai trò “địa chính trị” ở châu Á-Thái Bình Dương.

Đối với bài học Liên Xô mà nói, cái đáng sợ nhất của thiết chế XHCN không phải là “thế lực thù địch”, tiếng nói phản biện,… mà là suy thoái từ chính nội bộ những người cộng sản. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điểm chính xác vấn đề nên những năm qua công tác phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn tự diễn biến, tự chuyển hóa rất được coi trọng.

Một vài quốc gia sử dụng tư tưởng Marx-Lenin đang làm rất tốt công việc bổ sung, điều chỉnh và phát triển tư tưởng, tiếp thu các tiến bộ nhân loại, hòa vào xu thế chung nhưng vẫn giữ được đặc sắc chính trị. Một trong số đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và mô hình XHCN đặc sắc Trung Quốc.

Thực tế, kể cả những nền kinh tế tư bản điển hình hiện nay bắt đầu có xu hướng tăng vai trò kiểm soát, điều tiết của nhà nước. Các các đảng dân chủ xã hội đang thành công ở khu vực Bắc Âu, Tây Âu trong việc xây dựng nhà nước phúc lợi. Những áp lực như phong trào "áo vàng" ở Pháp đặt ra đòi hỏi về tái phân phối của cải xã hội công bằng hơn. Dĩ nhiên, đó là mục tiêu lý tưởng của nhà nước XHCN.

Học thuyết Marx, đặc biệt là triết học với những quy luật, phạm trù rất có ích nếu biết áp dụng

Học thuyết Marx, đặc biệt là triết học với những quy luật, phạm trù rất có ích nếu biết áp dụng

Học Marx, làm theo Bác thì phải dựa vào chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, dựa và quy luật để tồn tại và dùng quy luật để đạt được lý tưởng hướng tới. Bởi vì vi phạm quy luật khách quan là điều tối kỵ với các chính Đảng cộng sản.

Có thể bạn quan tâm

  • K. Marx - nhà tư tưởng vĩ đại!

    K. Marx - nhà tư tưởng vĩ đại!

    07:10, 05/05/2020

  • Nobel kinh tế 2021: David Card người kế nghiệp Karl Marx

    Nobel kinh tế 2021: David Card người kế nghiệp Karl Marx

    05:30, 17/10/2021

  • [Giải bài toán năng suất lao động] Bài 1: Tìm về K. Marx

    [Giải bài toán năng suất lao động] Bài 1: Tìm về K. Marx

    05:00, 01/05/2019

Từ khóa » Thuyết Stalin