Mưa Lũ Lại ập Xuống Miền Trung - Tuổi Trẻ Online
Đợt mưa lũ đầu tháng 10 chưa rút hết thì mưa lũ mới lại ập đến. Mưa lớn, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam đang lên nhanh. Trong khi đó, một cơn bão cực mạnh tiến về biển Đông.
Sáng nay 15-10, ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng Ban Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh, cho biết đêm 14-10 ở huyện Hương Sơn xuất hiện mưa lớn và gây lũ quét làm 1 người chết.
Phóng to |
Lũ ở huyện Hương Sơn đang lên và đã có người chết - Ảnh: Văn Định |
Phóng to |
Nước lũ dâng cao, người dân Sơn Thủy (Hà tĩnh) lội trong nước lũ - Ảnh: Văn Định |
“Đến 8g sáng nước lũ ở sông Ngàn Phố ở Sơn Diệm đang lên và đã vượt trên báo động 2 trên 20cm. Các xã Sơn Hàm, Sơn Mai, Sơn Phúc, Sơn Thủy, Sơn Trường bị ngập. Đường quốc lộ 8 đi qua thị trấn Sơn Tây bị tê liệt vì nước lũ”, ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn - thông tin.
Nạn nhân chết do lũ ở xã Sơn Thủy. Vào sáng 15-10, em Đoàn Quang Đồng, học lớp 9, trên đường đi học đã bị nước lũ cuốn trôi.
Phóng to |
Nhiều xã ở huyện Hương Sơn bị ngập nặng - Ảnh: Văn Định |
Đêm 14 và rạng sáng 15-10, trên địa bàn huyện Hương Sơn xuất hiện mưa trên diện rộng. Lượng mưa đo được ở Sơn Diệm trên 210mm, Phố Châu 172mm. Hiện nước ở trên thượng nguồn đổ về rất lớn.
Mưa lũ về trong đêm khiến hàng nghìn người dân Hương Sơn không kịp di dời tài sản nên bị thiệt hại rất lớn. Ngay sáng nay, ông Nguyễn Thiện, phó chủ tịch Hà Tĩnh đã trực tiếp chỉ công tác phòng chống lũ ở huyện Hương Sơn. Công tác di dời dân trong vùng có nguy cơ ngập nặng, sạt lở đang được huyện Hương Sơn triển khai khẩn cấp.
Đến chiều 15-10, nước lũ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã làm 16 xã cô lập và ngập úng. Hơn 1.500 hộ dân bị ngập nặng.
Do mưa lớn đã gây ra lũ quét ở 4 xã đầu nguồn của huyện Hương Sơn gồm Sơn Kim I, Sơn Kim II, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh. Hơn 10 hộ dân phải di dời khẩn ngay trong đêm.
Ở vùng hạ nguồn của huyện Hương Sơn cũng bị ảnh hưởng nặng. Đặc biệt các xã Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Tiến, Sơn Hàm, Sơn Mỹ, Sơn Thịnh bị chia cắt và cô lập. Bên cạnh đó do mưa lớn khiến cho Sơn Châu, Sơn Bình, Sơn Trà, Sơn Hà, Sơn Long, Sơn Tân, Sơn Mỹ, Sơn Châu, Sơn Hòa bị ngập nặng, đường sá không thể đi lại được.
Theo Ban Phòng chống bão lụt huyện Hương Sơn đến 16g ngày 15-10, mực nước trên sông Ngàn Phố tại trạm thủy văn Sơn Diệm là 10,71m. Lượng mưa tại Sơn Diệm 246,6m.m, tại Phố Châu 210,09mm.
Phóng to |
Nhiều con đường thôn xóm ở huyện Hương Sơn bị nước nhấn chìm và chia cắt |
Người phụ nữ này bất chấp nguy hiểm lao ra dòng nước lũ vớt gỗ |
Đến thời điểm này mưa lũ làm cho huyện Hương Sơn thiệt hại rất nặng. Hơn 410 ha lúa mùa, 1.200 ha ngô đông bị ngập và hư hại nặng. Ước tính ban đầu có đến 150 chiếc cầu cống bị cuốn trôi hư hỏng, có 10 trạm xá và điểm bưu điện văn hóa xã bị ngập.
Ban Phòng chống bão lụt huyện Hương Sơn đã ráo riết chỉ đạo các biện pháp đối phó trước diễn biến của mưa lũ, cắt cử người trực 24/24 theo dõi, nắm tình hình diễn biến của mưa lũ để triển khai công tác di dời dân ra khỏi những nơi có nguy cơ sạt, ngập nặng.
Ngày 15-10, nhiều cơ quan dự báo khí tượng quốc tế cảnh báo một cơn bão cực mạnh có tên Megi hình thành trên khu vực tây bắc biển Thái Bình Dương đang tiến về biển Đông. Bão Megi chủ yếu di chuyển theo hướng bắc tây bắc với vận tốc 15km/giờ. Dự báo ngày 16-10, bão Megi tiếp tục mạnh thêm thành siêu bão và tăng tốc di chuyển lên 20km/giờ. Trong khi đó, trang dự báo khí tượng của Hong Kong dự báo bão Megi sẽ đổ bộ vào khu vực phía bắc đảo Luzon (Philippines) trước khi vào biển Đông. |
Chiều tối 15-10, cơn mưa giông xối xả trút xuống địa bàn tỉnh Nghệ An. Trên điạ bàn TP Vinh, nhiều tuyến đường nước dâng ngập, gây ách tắc giao thông cục bộ. Các huyện Yên Thành, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò nhiều diện tích hoa màu dang chìm dần trong nước lũ.
Hiện nước từ thượng nguồn đổ về làm nước khu vực hạ nguồn sông Lam đang lên nhanh.
Phóng to |
Lũ sông Lam đoạn cầu Bến Thủy (nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) đang lên nhanh, nước đục ngầu - Ảnh: An Khánh |
Trước tình hình trời mưa giông xối xả, đảo Ngư (trên vùng biển Nghệ An) gió Đông-Đông Bắc cấp 6, cấp 7, biển động mạnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban chỉ huy tiền phương đóng tại trụ sở Hải đội 2 (thuộc địa phận Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) sẵn sàng nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Ban chỉ huy tiền phương do Đại tá Trần Xuân Sơn (Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An) trực tiếp trực chỉ huy.
Trưa 15-10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An nhận được thông báo kêu cứu từ tàu HT-20245 TS bị hỏng máy trên vùng biển Nghệ An và Hà Tĩnh. Con tàu do ông Trương Văn Tuyến (trú thôn 1, xã Cẩm Lĩnh. huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) làm thuyền trưởng. Trên tàu có 6 ngư dân. Hải đội 2, Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng cùng hai con tàu ra tìm kiếm cứu nạn, nhưng do sóng lớn, biển động mạnh không tiếp cận được tàu HT-20245 TS. Bộ đội biên phòng Nghệ An kêu gọi các tàu hoạt động gần khu vực tàu bị nạn giúp hỗ trợ cứu nạn, đồng thời huy đông tàu có sức chịu đựng sóng gió cao hơn tàu của Hải đội 2, để tìm kiếm cứu nạn.
Đến chiều tối nay (15-10), lực lượng tìm kiếm cứu nạn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) và người thân vẫn chưa tìm thấy hai ngư dân là ông Ngô Văn Thương (sinh năm 1950) và anh Trần Văn Tuấn (sinh năm 1980, cùng trú xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị mất tích trên biển.
Phóng to |
Người thân chờ thông tin ông Ngô Văn Thương và anh Trần Văn Tuấn (ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh, Lưu, Nghệ An) bị chìm tàu, mất tích trên biển - Ảnh: An Khánh |
Lúc 12g trưa ngày 14-10, con tàu NA-5133 TS do anh Trần Văn Tuấn làm trưởng tàu, chở 8 ngư dân vào bờ trú ẩn, bị sóng đánh chìm trên vùng biển Nghệ An. Sau khi cứu, đẩy được ngư dân Bùi Văn Quang (trú xóm 7, xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu) bị mắc kẹt trong khoang ra khỏi tàu, bơi lên mặt biển, anh Tuấn và ông Thương bị mắc kẹt chìm mất tích cùng con tàu trong lòng biển.
Anh Quang cùng sáu ngư dân đang bơi trên sóng dữ thì may mắn gặp tàu ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu cứu sống, đưa về nhà.
Trước đó, lực lượng tìm kiếm cứu nạn và gia đình đã tìm thấy thi thể anh Cao Duy Phương (sinh năm 1964, trú xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị chìm tàu chết trên vùng biển tỉnh Hà Tĩnh. Bảy ngư dân đi trên con tàu NA-3280 TS cùng anh Phương khi chìm tàu đã bơi hơn hai giờ đồng hồ vượt sóng dữ vào bờ biển Hà Tĩnh.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết: Trong hai ngày qua ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam đã có mưa to đến rất to. Tính đến 19 giờ ngày 15-10, lương mưa phổ biến từ 150 - 200mm, riêng vùng từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam từ 200 – 250mm; một số nơi trên 250mm, như Sơn Diệm (Hà Tĩnh): 265mm, Đồng Tâm (Quảng Bình): 322mm, Kiến Giang (Quảng Bình): 260mm, Tà Lương (Thừa Thiên Huế): 255mm. Lũ các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam đang lên, riêng các sông ở Quảng Bình đang ở mức cao. Mực nước lúc 19g giờ ngày 15-10 trên một số sông như sau: • Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt: 8,07m, trên báo động 1: 0,57m; • Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm: 10,58m, trên báo động 1: 0,58m; • Sông Gianh tại Mai Hóa: 5,80m, dưới báo động 3: 0,70m; • Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,27m, trên báo động 2: 0,07m; • Sông Bồ tại Phú Ốc: 2,34m, dưới báo động 2: 0,66m; • Sông Hương tại Kim Long: 1,63m, dưới báo động 2: 0,37m; • Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 8,15m, trên báo động 2: 0,15m. Dự báo lũ các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam tiếp tục lên. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. |
Chiều 15-10, Quảng Bình vẫn tiếp tục có mưa lớn khiến nước các sông Gianh, Kiến Giang, Nhật Lệ... lên rất nhanh.
Phóng to |
Đường Hồ Chí Minh tiếp tục sạt lở nặng |
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ Online tại các huyện miền núi Quảng Bình như Minh Hóa, Tuyên Hóa, trời mưa rất to, nước từ thượng nguồn đổ về như thác. Nhiều đoạn đường từ các xã đến trung tâm huyện Tuyên Hóa bị chia cắt do nước tại các ngầm dâng cao chảy xiết. Tại huyện Lệ Thủy người dân xã Lâm Thủy bị chia cắt với bên ngoài do mực nước ở tỉnh lộ 10 lên cao.
Đường Hồ Chí Minh - đoạn đi qua huyện Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) vẫn tiếp tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở nặng. Sạt lở nặng nhất là tại địa phận xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), mặt đường bị ăn sâu vào hơn một nửa khiến cho việc giao thông bị ách tắc. Hàng chục phương tiện khi đến điểm sạt lở buộc phải quay đầu vì không thể qua được.
Phóng to |
Suốt cả ngày mưa lớn làm nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh |
Tại những điểm này, khối lượng đất đá, cây cối từ các khe núi đổ ra sau trận lũ vừa qua đã bịt các miệng cống làm cho nước tràn lên mặt đường tiếp tục gây xói lở.
Theo đại diện Công ty TNHH 483 (Quảng Bình) đơn vị đang khắc phục, sửa chữa những đoạn đường bị hư hỏng thì chỉ riêng 45 km đi qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đã có đến 98 điểm sạt, trong đó có 4 điểm sạt lở rất nặng.
Phóng to |
Sạt lở đe dọa đường dây điện trung thế 35 KV trên đường Hồ Chí Minh |
Phóng to |
Đường Hồ Chí Minh tiếp tục sạt lở nặng |
Hiện vùng núi Quảng Bình vẫn có mưa rất lớn và đường đã xuất hiện thêm các điểm sạt lở mới nên nguy cơ tắc đường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Còn trên đoạn đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông) tại khu vực đèo Đá Đẽo (huyện Tuyên Hóa) có đến 40 điểm sạt lở, đất đá tràn ra đường trên đoạn dài cả cây số gây vô vàn khó khăn cho việc đi lại, khắc phục hậu quả cơn lũ lịch sử cũng như công tác cứu trợ đối với bà con vùng lũ.
Tại Quảng Trị, tính đến 16g chiều ngày 15-10, đợt mưa lớn liên tục trên diện rộng bắt đầu từ đêm 14-10 vẫn chưa có dấu hiệu ngớt, một số nơi lượng mưa còn tăng thêm. Nguy hiểm nhất là mưa to tập trung ở các huyện miền núi làm cho nước nguồn đổ tới tấp về hướng các sông hạ lưu.
Phóng to |
Mực nước sông Đakrông chảy xiết, nhiều bản làng ven sông đối mặt với nguy cơ lũ quét nếu mưa tiếp tục (ảnh chụp 16g30 chiều 15-10) - Ảnh: Quốc Nam |
Cụ thể, lượng mưa tại Khe Sanh (Hướng Hóa) tính đến 16g chiều 15-10 là 216mm; Đakrông là 206mm, các vùng khác ở đồng bằng như Đông Hà, Hải Lăng, Triệu Phong lượng mưa đều trên 150mm. Mưa lớn nên chỉ hơn 1 ngày đêm, mực nước trên các sông của Quảng Trị đều đang lên nhanh. Có nơi như sông Bến Hải tại Gia Voong, sông Ô Lâu tại Hải Lăng đã vượt báo động 1.
Theo dự báo của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh, nếu mưa tiếp tục kéo dài với cường độ cao như thế đến hết ngày 16-10 thì nguy cơ lũ quét trên các sông suối miền núi sẽ rất cao, còn các sông ở đồng bằng sẽ chạm báo động 2.
Tại Bình Định, nước lũ đã chia cắt nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Tuy Phước.
Theo Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Bình Định, Lương Ngọc Lũy, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới qua khu vực Nam Trung bộ (khoảng 10 - 12 độ vĩ Bắc) và đới gió đông trên cao, nên từ ngày 11-10 đến nay thời tiết ở khu vực Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to.
Lượng mưa trong những ngày qua cùng với nước từ thượng nguồn đổ về đã làm chia cắt nhiều tuyến đường giao thông đi về các xã khu Đông: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng và Phước Hiệp của huyện Tuy Phước. Có nơi mực nước ngập sâu khoảng 0,5 - 0,7m, người dân phải dùng đò để di chuyển.
Theo trung tâm khí tượng tượng thủy văn Bình Định, trong 3 ngày tới trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có các đợt mưa vừa đến mưa to.
Phóng to |
Tỉnh lộ DT 640 đi về các xã khu Đông huyện Tuy Phước bị chia cắt nhiều đoạn - Ảnh: Xuân Vinh |
Phóng to |
Người dân dùng đò di chuyển qua bờ tràn Sông Tranh (thuộc địa bàn xã Phước Hiệp) - Ảnh: Xuân Vinh |
Sáng 15-10, mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ xảy ra tại tỉnh Quảng Ngãi đã làm cho hàng loạt tuyến đường của trung tâm TP Quảng Ngãi như Hùng Vương, Quang Trung, Phan Đình Phùng... bị ngập sâu trong nước.
Phóng to |
Người dân TP.Quảng Ngãi "lặp lại" cảnh bì bõm trong nước |
Hàng trăm phương tiện đi lại hết sức khó khăn, nhiều xe máy bị chết máy giữa đường do ngập nước. Vài giờ sau đó, dù lượng mưa giảm nhưng nước vẫn rút rất chậm. Theo phản ánh của người dân thì nguyên nhân gây ra tình trạng hễ mưa xuống thì ngập thành phố là do hệ thống thoát nước ở TP.Quảng Ngãi còn nhiều điểm yếu, thêm vào đó là việc đào đường thi công hệ thống thoát nước ở các tuyến đường đã ngăn dòng chảy của nước gây ngập nặng.
Trong ngày 15-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa lớn, mực nước trên các sông đang lên. Tại huyện miền núi Tây Trà xuất hiện hàng chục điểm nguy cơ cao sạt lở núi, bờ sông đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. Hàng loạt trụ sở làm việc của các đơn vị như Hạt Kiểm lâm, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Trung tâm Y tế huyện đứng trước nguy cơ núi lở.
Ông Hồ Văn Cảnh, chủ tịch UBND huyện Tây Trà, cho biết toàn huyện hiện còn trên 200 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Số hộ dân này đã được lên phương án di dời tạm trong trường hợp nguy hiểm. Ngoài ra, để khắc trục tình trạng thiếu lương thực trong mùa mưa lũ năm 2010, huyện Tây Trà cũng đã chủ động dự trữ 20 tấn gạo, và phân bổ 9 xã mỗi xã 2 tấn, 40 thùng mì tôm để cấp phát cho dân trong trường hợp bị cô lập.
Phóng to |
Ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra lương thực dự trữ mùa mưa bão tại huyện Tây Trà |
Trong khi đó, UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ di dời khẩn cấp 22 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao ở thôn Mỹ Long, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn.
Để di dời các hộ này đến vùng an toàn, huyện Bình Sơn kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ di dời khẩn cấp 22 hộ với kinh phí 22 triệu đồng. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo lực lượng sẵn sang di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Từ khóa » Trận Lũ 2010
-
Lũ Ngấp Nghé Mức Lịch Sử Năm 2010, Khắp Miền Trung Cảnh Nhà ...
-
10 Trận Bão Lũ Ghê Gớm Tàn Phá Thế Giới Năm 2010 - Zing
-
Tổng Quan Về Trận Lũ Lịch Sử ở Hà Tĩnh
-
Nhìn Lại Những Trận Lũ Lịch Sử ở Việt Nam - Báo Nghệ An
-
Toàn Cảnh Thiệt Hại Của Trận Lũ Lịch Sử Gây Ra Tại Hà Tĩnh Khiến 147 ...
-
Quảng Bình Hứng Chịu đợt Lũ Vượt Mốc Lịch Sử 2010
-
Trận Lũ Lịch Sử Hơn 40 Năm Qua ở Hà Tĩnh: Nhiều Người Chỉ Còn Mỗi ...
-
Lũ Lịch Sử ở Quảng Bình: Hơn 34.000 Nhà Dân Ngập Lụt, Dân Cuống ...
-
Bản đồ Ngập Lụt Lưu Vực Sông Lam ( Trận Lũ Tháng X/2010) - Hình ảnh
-
Nhìn Lại Những Trận Lũ Lụt Kinh Hoàng Nhất Trong Lịch Sử Việt Nam
-
Mưa Lũ Lịch Sử ở Miền Trung: Đánh Thức Lòng Trắc ẩn Trong Mỗi Người!
-
Cận Cảnh Lũ Lụt Tại Miền Trung Việt Nam - UNICEF
-
Cùng điểm Lại Những Trận Lũ Lụt Kinh Hoàng Nhất Trong Lịch Sử Việt Nam