Mùa Quýt Năm Sau - Vagabond Blog

Cái tựa bài không phải là tựa của một truyện ngắn hay một bài thơ, cũng không phải là tựa của một tiểu thuyết hay tham luận gì cả, nó đơn giản chỉ là câu nói cửa miệng của dân miền Tây sông nước. Không biết thì quýt có chu kỳ ra trái như thế nào nhưng theo câu nói cửa miệng của những cư dân trẻ tuổi ở đồng bằng sông Cửu Long thì chắc có lẻ là lâu lắm. Họ sử dụng cụm từ đó một cách thân mật để diển đạt một sự chờ đợi vô vọng mù mịt như chúng ta hay nói “chờ đến tết Công Gô” vậy.

Cũng không biết cụm từ đó có xuất xứ từ đâu và cũng chẳng quan tâm đến khởi nguồn của nó, chỉ biết chấp nhận nó như những phương ngữ khác của vùng sông nước này. Thật dễ thương lắm khi nghe họ nói “đi mần” thay vì đi làm, con cá rô thì được kêu bằng “cá gô”, còn đi về thì lại nói “đi dzìa”… Và cũng vì cái dễ thương đó nên tôi cũng quen miệng nói với bạn bè, em út mình “Cho mày chờ đến mùa quýt sang năm luôn”

Tôi là dân Sì Gòong chính hiệu, vì mưu sinh và cũng vì cái máu phiêu bồng của mình nên tôi thường lui về miền Tây, có khi tôi ở đó 6,7 tháng mới về lại thành phố. Để rồi khi về lại thành phố, thì chỉ không lâu sau tôi lại nhớ cái mùi khói đốt đồng ngai ngái, nhớ những “cánh đồng bất tận” xanh mướt dọc 2 bên quốc lộ, nhớ những chuyến phà ngang sông, nhớ những cây cầu khì mà trong câu hát ru gọi là “cầu tre lắt lẻo”, nhớ những món ăn đậm chất của những người khai hoang, nhớ muỗi Năm Căn có thể chích qua cả lớp quần jean dày cộp. Tôi nhớ, nhớ nhiều lắm, nỗi nhớ có thể ví như nhớ nhà cũng không có gì là sai cả.

Không dám nhận là am hiểu nhưng cũng tự hào rằng chưa có tỉnh nào trong số 13 tỉnh của Mekong mà tôi chưa đặt chân tới, chưa có một danh lam thắng cảnh nào ở nơi đó mà thiếu dấu chân tôi. Tôi lang thang nơi đó không phải như một lữ khách đơn thuần mà như nới đó là quê nhà vậy. Tôi làm việc nơi đó với đám nhân viên hiền lành chân chất của mình, để rồi được mọi người trong công ty yêu mến gán cho biệt hiệu “Song kiếm trấn ải”. Tôi sống nơi đó như mình là một cư dân chính gốc, tôi ăn những món ăn của họ, tôi trò chuyện với họ bằng những phương ngữ của họ để rồi quen mồm ngọng nghịu đến nổi phải có người nhắc lỗi chính tả cho mình. Và vì những thân thuộc đó nên tôi … tiếc

Ừ thì tiếc thật. Cảm giác tiếc rẻ của tôi đến sau khi tôi xem xong bộ phim đang nổi đình nổi đám “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn việt kiều Nguyễn Phan Quang Bình. Cái cảm giác tiếc rẻ của một bữa ăn thịnh soạn nhưng trong món rau lại có con sâu, cái tiếc rẻ của một người đi sắp hết con đường nhưng lại bị hụt hơi không đáng. Tôi tiếc đến nổi phải viết cái này với cái mở đầu dài dòng như thế dù bộ phim được bản thân tôi đánh giá là HAY

Cái tiếc thứ nhất ở vai nữ chính. Tôi chưa từng thấy cô gái điếm nào … đẹp như thế, sang như thế ở miền Tây, dù cô có hóa trang như thế nào đi nữa thì cái đẹp đó, cái sang trọng đó cứ lồ lộ ra trước mặt người xem, trong khi đó mô tả của cô gái trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư thì hoàn toàn khác. Cô gái trong truyện là một cô gái nạ dòng thuần chất miền tây mà ta có thể gặp bất cứ nơi nào ờ vùng sông nước đó, nhan sắc bình thường, trí tuệ bình thường, khắc khổ vì kiếp mưu sinh, an nhiên chấp nhận số phận nửa bán quán, nửa bán hoa. Và vì thuần chất như thế nên cô bắt buộc PHẢI…  nói tiếng miền tây, với các phương ngữ miền tây như đúng nguyên tác nhưng… …Khi cô diễn viên nữ chính cất lên những lời thoại đầu tiên thì tôi sững sốt (cả mẹ tôi cũng thế), cái cảm giác của món thịt cầy béo ngậy lại không phải ăn với lá mơ mà lại thay bằng rau răm, lúc đầu có thể lạ nhưng sau đó là chán. Dù mê đắm với những cảnh quay đẹp như tranh nhưng tôi lại cảm thấy khó chịu khi nghe giọng bắc trong bức tranh đó. Tôi cũng tự hỏi tại sao, rồi cũng tự trả lời theo cái kiểu miền tây “Đồ ẩu tả!”.

Cái tiếc thứ hai là ở cái cảnh nhạy cảm trong phim, cảnh sex. Ở cảnh đó, tôi tin rằng với tài nghệ của 2 diễn viên đó, họ có thể diễn tốt tất cả trạng thái cảm xúc nào trong việc làm tình nhưng đạo diễn đã làm hư hết. Người đàn ông trong phim và trong truyện là một người bị phản bội đến độ phải đốt nhà rồi đem con đi biệt xứ, cái uẩn ức của một người đàn ông hết lòng yêu thương vợ mình nhưng lại bị phản bội phủ phàng, cái mâu thuẩn trong tâm trạng khi nhìn đứa con gái càng lớn càng giống mẹ để rồi chuyện cũ như một vết thương không khép miệng bao giờ, cái dồn nén của một người đàn ông luôn mơ về một mái ấm nhưng phải nuốt căm hận vào lòng. Người đàn ông đó không còn tình yêu và chuyện xác thịt cũng chỉ là những đòi hỏi bản năng. Cảnh làm tình trong phim thật đẹp, nhưng là cái đẹp không cần thiết. Tôi không hề thấy cái dữ dội của một con đực bị thương tổn trong cảnh này, thà rằng cứ hùng hổ, thô bạo, đặc quánh những trút bỏ trong từng động tác…, còn hơn là cứ bình thường như hai người đang yêu nhau như thế. Chọn góc máy khéo để làm gì khi không chuyển tải được những tâm lý nhân vật. Tôi cứ tiếc mãi.

Cái tiếc thứ ba thì nằm ở… portrait của phim. Chắc đạo diễn hiểu từ “cánh đồng” theo đúng nghĩa đen của nó mà không cần quan tâm đến bối cảnh chân phương trong cốt chuyện. Cánh đồng của Nguyễn Ngọc Tư là một cánh đồng mùa nước mới nổi, cái mùa mà cá linh nhảy xoi xói, cái mùa nông nhàn mà dân miền tây thường tranh thủ đánh bắt làm khô mắm, cái mùa của bông điên điển. Chắc ông đạo diễn là việt kiều nên không thể nào biết được cái mùa nước nổi ở nơi đó, cái mùa mà cứ ngồi trong nhà nhìn ra trước cửa thấy mênh mông là nước, không biết nơi nào là ruộng của mình, nơi nào là đất của người ta. Và chắc vì không biết nên ông mới trương lên cái portrait như thế này…

Phim hay, cảnh quay cực đẹp, diễn viên đóng tròn vai (thậm chí còn phải gọi là xuất sắc nữa) nhưng những “hạt sạn” đó đã làm cho nó “không còn là nó”. Một sự “điều chỉnh” thô bạo làm cho chính tác giả của nó không vui, và những người xem đã đọc truyện ngắn đó bực dọc (như tôi vậy). Sự bực dọc của tôi giống như là có một thằng nhân viên vạch đường vẽ lối cho đi nhưng lại cãi rồi đi hướng khác rồi gắn vào nó cái tên “sáng tạo”. Ừ thì “sáng tạo” nhưng muốn “tối tạo” như thế cũng nên hỏi qua ý kiến cái người đã mang nặng đẻ đau ra nó. Đừng để chính tác giả phải nhìn đứa con của mình qua tay người khác rồi thành một… quái thai.

Mà cũng lạ, chẳng phải nhà phê bình phim cũng bày đặt ngồi viết cái này. Trong thời buổi mà Lý Công Uẩn vẫn đeo nhẩn cưới SJC và Lê Long Đỉnh để râu như Brat Pitt thì những “hạt sạn” của “Cánh đồng bất tận” cũng giống như nước mưa hắt qua cửa sổ quên đóng mà thôi. Khi nào mà thiên hạ nghiêm túc với nguyên tác như Hollywood thì khi đó ta phải chờ đến… mùa quýt năm sau vậy.

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Khi Nào đến Mùa Quýt