Múa Sư Tử Mèo – Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể Quốc Gia

Múa sư tử là hoạt động thể hiện khát vọng của con người về cuộc sống tốt đẹp hơn. (Ảnh: Sơn Tùng)

Múa sư tử mèo – Trò diễn độc đáo ở xứ Lạng

Múa múa sư tử mèo là hình thức biểu diễn tổng hợp, trong đó múa là chủ đạo, nhưng không tách rời khỏi nhạc và trò diễn. Đi đôi với múa là biểu diễn các bài quyền, kiếm, binh khí, đạo cụ không thể thiếu như: Mặt báo đông, mặt nả lình (còn gọi là mặt khỉ), chiêng (là), chũm chọe (xụp xè, xấp xóa, nghé xả), đinh ba chạc (sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm, dao nhọn… trong múa sư tử mèo.

Ngoài việc thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào miền núi qua những cũ điệu mạnh mẽ, khoẻ khoắn. Múa sư tử còn là một hoạt động thể hiện khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi đồng bào nơi đây quan niệm sư tử là tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, sư tử đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Vậy nên ở Lạng Sơn, vào đầu năm mới đồng bào Tày, Nùng thường mời các đội múa sư tử vào nhà mình múa với quan niệm: sư tử xuất hiện sẽ xua đuổi tà ma, diệt mọi ôn dịch, biểu hiện sự thái bình và niềm tin vào một năm mới sung túc.

Những động tác võ thuật đẹp mắt

Người múa sư tử mèo sẽ điều khiển một chiếc đầu có hình dáng gần giống đầu sư tử, nhưng có khuôn mặt của con mèo. Đầu sư tử được làm bằng nguyên liệu sẵn có, kết hợp với nhiều màu sắc sặc sỡ như đỏ, đen, vàng hay xanh đậm... Bởi quan niệm của người Tày, Nùng là múa sư tử mèo để xua đi những điều xấu, mang lại may mắn nên khuôn mặt sư tử mèo càng dữ càng tốt, điệu múa võ càng mạnh mẽ càng hay. Đồng bào quan niệm, sư tử đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đi đến đó. Trong bài múa sư tử mèo, không thể thiếu phần biểu diễn các động tác võ thuật như các bài quyền, kiếm, binh khí thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai của con người. Sức mạnh ấy, luôn để bảo vệ dân làng trước mọi hiểm nguy.

Khi múa sư tử mèo, những động tác múa võ vừa nhanh, vừa uyển chuyển kết hợp với tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã khiến người xem vô cùng náo nức, khí thế. Cứ theo nhịp trống, thanh la, chũm chọe, người múa phải di chuyển sư tử mèo lên cao, xuống thấp, xoay vòng đúng tiết tấu. Thông qua những đường võ thế di chuyển và những động tác lên xuống nhịp nhàng người ta có thể nhận ra được những yếu tố tín ngưỡng mà sư tử truyền tải tới con người và thần linh. Một bài múa chỉ kéo dài 7 phút, nhưng nó đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện của người biểu diễn.

Trước khi vào hội múa sư tử thì đội trưởng đội múa sư tử phải mời cốc bản – nơi diễn ra hội hoặc Thày Tào trong bản đến miếu để thắp hương cho sư tử xin phép thần Thổ Công cho múa sư tử. Người Nùng quan niệm nếu không xin phép thì sư tử sẽ bị thần linh phạt vạ. Tiếp đó khi sư tử múa ở hội, những động tác cúi thấp, khi nhô cao lúc hạ xuống chính là những hành động cúi chào thần linh bốn phương. Rồi những tục diễn như nhảy qua vòng lửa, nhảy qua vòng dao... chính là biểu hiện của tín ngưỡng nông nghiệp, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây cối đơm chồi nảy lộc, mùa màng bội thu.

Theo quan niệm của người Tày, Nùng là múa sư tử mèo để xua đi những điều xấu nên khuôn mặt sư tử mèo càng dữ càng tốt. (Ảnh: Sơn Tùng)

Múa sư tử mèo – Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có gần 100 đội múa Sư tử mèo, với gần 1000 biểu diễn cùng hàng chục nghệ nhân làm đầu sư tử mèo. Mỗi đội múa sư tử mèo có từ 8 - 16 người, gồm: Người múa sư tử, đười ươi, mặt khỉ và đội múa võ dân tộc. Cũng tùy vào không gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu múa sư tử mèo có nhiều bài múa cho phù hợp như: Múa chào thần thánh, bái tổ, cầu may, múa tại hội lồng tồng, nhào lộn qua vòng lửa…

Với những giá trị văn hóa truyền thống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Múa sư tử của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn là loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Qua đó nhằm đưa loại hình này trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn riêng có của xứ Lạng, góp phần làm phong phú thêm hành trình tham quan, khám phá, trải nghiệm của du khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn.

Từ khóa » Sư Tử Quê ở đâu