Mùa Tuốt Lá Mai - Báo Đà Nẵng

Một đời mai có khi hàng trăm năm tuổi và trải qua nhiều thế hệ trong gia đình. Vì vậy, việc tuốt lá mai thường dành cho người già và trẻ nhỏ. Trong vườn mai hanh hao giá rét, mái đầu bạc lúi húi bên mái đầu xanh tạo nên một nét yên bình của những ngày cuối năm.

Trong vườn mai thời tiết se lạnh, một già một trẻ lúi húi tuốt lá mai Tết, tạo nét yên bình của những ngày cuối năm.
Trong vườn mai thời tiết se lạnh, một già một trẻ lúi húi tuốt lá mai Tết, tạo nét yên bình của những ngày cuối năm. Ảnh: N.H

1. Đầu tháng 11 âm lịch, trời phất phất mưa bụi giăng mờ cây cỏ, chị Nguyễn Thị Hiếu Vân ở tổ 3 thôn Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) vẫn lúi húi bên những cội mai già để tuốt lá. Nhiều người đi ngang ngõ hỏi vọng vào: “Năm ni răng tuốt mai sớm rứa?”. Không thấy mặt người, chỉ nghe tiếng chị Vân trả lời sau vùng lá mai xanh thẫm: “Có mấy cây lá tốt quá, phải tuốt sớm để nở kịp Tết. Còn cây mô yếu, sẽ tuốt sau…”.

Vườn mai nhà chị Vân có hơn 40 gốc mai xuân (thanh diệp mai), loại mai vàng 5 cánh có đọt lá màu xanh do cha chị gầy dựng sau ngày hòa bình (1975). Đây là loại cây truyền thống Tết Nguyên đán của người dân miền Trung. Mười năm trở lại đây, con trai chị trồng thêm gần 20 gốc hồng diệp mai (mai lá đỏ), bông dày, nhiều cánh, nở từng chùm to trông rất mãn nhãn.

Theo kinh nghiệm của những người trồng mai lâu năm, trước khi trổ những đóa hoa vàng lộng lẫy thì cây thường rùng trút bỏ hết lớp lá già cỗi mà nó mang trên mình suốt 12 tháng. Làm sao để những cội mai nở đúng Tết luôn là vấn đề nan giải đối với người trồng mai. Thời tiết được xem là yếu tố chi phối quá trình mãn khai của hoa mai. Nếu từ tháng 9 trở đi mà thời tiết thuận lợi, nắng ấm, ít mưa thì mai sẽ trổ hoa vào đúng dịp Tết; còn rét lạnh kéo dài, sẽ ảnh hưởng nhiều đến thời điểm hoa mai nở. Do đó, việc tuốt lá mai là một biện pháp hỗ trợ cho cây mai nở hoa trong khoảng thời gian nhất định trước Tết. Theo kinh nghiệm dân gian, mùa tuốt lá mai thường bắt đầu từ giữa tháng 11 âm lịch, tức khoảng 45 ngày trước Tết.

Đối với nhiều người, mùa tuốt lá mai đã trở thành một ký ức đẹp gắn liền với bao vui buồn ở quê nhà. Anh Nguyễn An Đông, quê ở Hòa Phong, Hòa Vang, hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhớ cây mai già trước ngõ nở vàng sắc nắng mỗi khi xuân về. Tết quê nhà trong anh không chỉ là đêm giao thừa ngồi canh nồi bánh tét, hay đi coi hàng xóm mổ heo chuẩn bị cúng tất niên mà còn là những ngày lăng xăng phụ ông nội tuốt lá mai trong cái lạnh se se tháng 11. Những năm không về quê ăn Tết, anh vẫn gọi điện về hỏi chừng mấy đứa em: “Cây mai nhà mình đã lặt lá chưa?” Vì vậy chỉ cần thấy làng trên xóm dưới lục đục bắc ghế, bắc thang tuốt lá mai cũng có nghĩa là xuân sắp về trước ngõ…

Nghề tuốt lá mai trong dịp Tết là công việc thời vụ đem lại thu nhập cho nông dân như chị Nguyễn Thị Hiếu Vân. Ảnh: N.H
Nghề tuốt lá mai trong dịp Tết là công việc thời vụ đem lại thu nhập cho nông dân như chị Nguyễn Thị Hiếu Vân. Ảnh: N.H

2. Thời gian lý tưởng nhất cho hoa mai nở là từ 23 tháng Chạp đến mồng 10 tháng Giêng. Vì vậy, dân chơi mai phải nắm bắt được quy luật thời tiết mỗi năm để can thiệp kịp thời. Ông Đặng Văn Hường, cựu chiến binh, một trong những người chơi mai chuyên nghiệp hiện có trong tay 3 vườn cây cảnh “Đặng Gia viên” ở các đường Lê Thanh Nghị và Phạm Hùng, trong đó có 60 cây mai thuộc loại tầm cỡ, tiết lộ: “Năm nay lạnh có thể kéo dài tới Tết nên mai sẽ “lỳ” ra hoa. Đó là lý do vì sao mới đầu tháng 11 âm lịch mà nhiều nhà vườn lại tuốt lá sớm”.

Thoạt nhìn cái việc tuốt lá cho mai tuy đơn giản, không nặng nhọc nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và chú tâm không tạp niệm. Lá mai già những ngày cuối năm bắt đầu vàng và đã sẵn sàng rời cành nên rất dễ tuốt. Chỉ một động tác đưa tay lách vào cuống lá, vuốt ngược theo cành là một tiếng “tách” khẽ vang lên. Nếu vơ ngón tay quá đà, một tiếng “tạch” khô khan cất lên, ấy là đã “phạm” phải nụ hoa chưa kịp bung vỏ trấu. Nghe mà tiếc đứt cả ruột gan!

Ông Hường chia sẻ kinh nghiệm: “Thường thì mai lá đỏ lặt lá 30 ngày trước Tết. Mai ta, tức mai xuân, lặt lá trước 45 ngày. Nếu thời tiết lạnh quá, ấm quá trời có sương muối hay nước thủy cục nhiễm mặn thì phải gia giảm thời gian bứt lá. Trồng mai mà không để ý đến mấy cái trên trời rơi xuống như rứa thì còn chỉ còn mốt chớ kể chi đến mai…!”.

Mỗi nhà ở nông thôn trước đây đều trồng một vài cây mai trước ngõ hay trước sân như một thông điệp báo xuân sang. Một đời mai có khi hàng trăm năm tuổi và trải qua nhiều thế hệ trong gia đình. Vì vậy, việc tuốt lá mai thường dành cho người già và trẻ nhỏ. Trong vườn mai hanh hao giá rét, mái đầu bạc lúi húi bên mái đầu xanh tạo nên một nét yên bình của mùa xuân vừa chớm nở.

Bây giờ trước nhu cầu chơi mai ngày Tết của thị dân, nhiều nhà vườn trồng mai kinh doanh thu hút nhiều lao động có kinh nghiệm trồng và chăm sóc loại cây hoa Tết truyền thống này. Và nghề tuốt lá mai ra đời như một công việc lao động thời vụ đem lại thu nhập cho người nông dân trong dịp Tết. Chị Nguyễn Thị Hiếu Vân phấn khởi khoe rằng: “Tranh thủ tuốt xong vườn mai nhà mình, tôi sẽ đi làm cho mấy vườn mai ngoài đường Phạm Hùng. Tháng 11 ni kín lịch hết rồi”.

Trong khi dân trồng mai miền Trung cuối năm như chạy đua với thời gian để tuốt lá mai bằng tay thì các chủ vựa mai lớn từ Bình Định trở vào Nam lại sử dụng chế phẩm dạng xịt hoặc phân bón làm rụng lá mai già, bật chồi hoa. Cũng chưa có thông tin nào cho biết một cách chính xác phương pháp nào là tối ưu nhưng nghĩ cho cùng việc tuốt lá mai thủ công từ bao đời nay không chỉ là công việc lao động đơn thuần mà còn là một nét văn hóa đẹp trong ngày Tết cổ truyền dân tộc.

3. Ở thôn Thái Lai, xã Hòa Phong, người quanh làng gọi cây mai trước nhà cổ Tích Thiện Đường của ông Đỗ Hữu Minh là “lão mai”. Đây được xem là cây mai to nhất vùng với chiều cao 4m, đường kính 7m. Theo lời ông Minh, “cụ” mai này được cha ông bứng ở Đà Sơn, thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, về trồng đến nay cũng hơn 100 năm tuổi. Cây mai cổ thụ có thân 5 nhánh như bàn tay xòe che phủ khoảng sân gạch của ngôi nhà cổ mái ngói thâm nâu. Trong không gian của khu vườn đầy hoài niệm, ông Minh tâm sự: “Gia đình tôi không bao giờ tuốt lá mai mà luôn để cho nó tự rụng và trổ hoa. Bởi trước hay sau Tết đều là mùa xuân”.

Không chỉ riêng ông Minh mà nhiều gia đình ở vùng nông thôn Hòa Vang sở hữu những “lão mai” trồng đời cụ kỵ, đều có cùng suy nghĩ “thuận theo tự nhiên”. Vì vậy, có năm thời tiết thuận lợi, những cội mai già trổ bông sáng rực như một kiệt tác của đất trời. Năm nào, thời tiết khắc nghiệt hoặc năm nhuần thì Tết năm ấy chỉ lác đác ra hoa… Bên cạnh đó, những cây mai cổ thụ thường cao tầm 3m đến 4m, cành lá khẳng khiu rất khó trèo tận ngọn tuốt lá. Nên chi nhiều nhà không có nhân lực đành để mặc cây mai ngủ đông rồi âm thầm rụng lá một mình…

Sau khi được tuốt lá, trổ hoa rực rỡ đón xuân, những chậu mai vốn âm thầm ở góc vườn ngày nào sẽ được chưng bày trang trọng trong nhà ngày Tết. Hoa nở đều, nhiều cánh, nhiều nụ đồng nghĩa với bình an, tài lộc dồi dào. Khách đến chơi xuân, uống trà, thưởng hoa đều cảm nhận được thân tâm an lạc từ màu hoa được cho là tượng trưng cho khí tiết của người quân tử.

NHƯ HẠNH

Từ khóa » Khi Nào Lặt Lá Mai 2021