Mùa Xuân Muộn | Tin Vắn Online

by Ninh Vũ

Late spring (1949) là bộ phim tiêu biểu, đánh dấu bước khởi đầu cho giai đoạn sau trong sự nghiệp của Ozu. Bộ phim kể về cuộc sống bình dị của một người đàn ông góa vợ và con gái duy nhất của ông. Điều khiến người cha lo lắng nhất là gả chồng cho con gái, trong khi cô gái lại không muốn lập gia đình vì không muốn để bố sống cô đơn.

Đề tài gia đình là đề tài chủ yếu trong phim của Ozu sau chiến tranh. Trong Late spring, Ozu đề cập tới vấn đề trách nhiệm của con cái khi cha mẹ già yếu. Đây là một vấn đề mang đậm tính phương Đông: đạo làm con, chữ “Hiếu” luôn phải đặt lên đầu. Đạo diễn còn đưa vào phim một vở kịch Nō khá dài, cùng những nghi thức của trà đạo, bên cạnh đó là những đặc trưng về kiến trúc, phong cách ứng xử  của con người, tất cả gợi lên một không khí rất Nhật bản.

Thay vì những xung đột hay kịch tính xã hội thông thường, bộ phim chỉ tập trung khắc họa những trạng thái tình cảm và suy nghĩ tế nhị, nhiều khi đối lập của hai nhân vật chính thông qua những bối cảnh hết sức thông thường như tiệc trà hay đám cưới. Trong Late spring, xung đột xảy ra không phải giữa kẻ xấu và người tốt mà là giữa những người tốt với nhau, giữa cha mẹ và con cái, đó là xung đột về suy nghĩ của họ về cùng một vấn đề trong cuộc sống. Phim không xây dựng nhiều sự kiện, chỉ xoay quanh việc cô gái đến tuổi lấy chồng trong khi người cha đã già yếu và cần người chăm sóc. Bi kịch của các nhân vật nảy sinh từ  những quy luật tất yếu của cuộc đời.

Đây là một trong những bộ phim đầu tiên của Nhật Bản sau chiến tranh thực sự  khắc họa sự quay trở lại của hòa bình và yên ổn trong xã hội Nhật, yếu tố được Ozu lặp lại nhiều lần trong các bộ phim sau này. Tuy vậy, trong phim, đạo diễn đã thể hiện rất rõ sự  xung đột giữa cuộc sống Nhật Bản truyền thống và những yếu tố hiện đại đang ngày càng xâm chiếm xã hội. Sự  đối lập này có khi được thể hiện giữa những người khác nhau. Trong Late spring là giữa Noriko và người bạn gái Aya. Noriko là người đại diện cho truyền thống với kimono, với việc lấy chồng qua mai mối, gia đình cô cũng là một gia đình rất truyền thống với phong cách kiến trúc, với trà đạo, và với cung cách ứng xử  giữa cha – con. Trong khi đó Aya đại diện cho cuộc sống hiện đại với áo vest, váy, mũ rộng vành và với quan niệm rất mới về việc hôn nhân. Ngôi nhà của Aya cũng được xây dựng và bài trí rất hiện đại với ghế bành, salon, đèn chùm…

Đặc điểm nổi bật trong phim của Ozu là những góc quay tĩnh, thấp với máy quay được đặt gần sát với mặt đất ngang tầm với nhân vật ngồi trên chiếu tatami, một kiểu ngồi truyền thống của người Nhật. Để mô tả cuộc sống thường ngày, Ozu thường dùng những cảnh tĩnh ẩn chứa những suy nghĩ của chính ông, một đặc điểm điển hình sau này trong phim Ozu. Đạo diễn cũng thường sử  dụng những cảnh trống để chuyển cảnh cho phim, đó là những khuôn hình rộng không có sự  xuất hiện của nhân vật, của con người, những cảnh trống rỗng của Ozu tương tự  như  những khoảng lặng trong âm nhạc giúp cộng hưởng nội dung của những cảnh quay trước đó.

Một điểm rất đáng chú ý trong cách dàn cảnh của Ozu là việc bố trí những khuôn hình với sự  cân đối đáng ngạc nhiên của bối cảnh, qua đó thể hiện cảm niệm của đạo diễn về sự  hài hòa trong triết lý của phương Đông. Chính điều này khiến cho việc sử  dụng đạo cụ trong từng khuôn hình được Ozu rất coi trọng và có phần khắt khe. Mỗi đạo cụ được ông đưa vào khuôn hình đều có lí do và đều được khai thác triệt để. Trong những khuôn hình đó, từng cử chỉ, dù là nhỏ nhất của các nhân vật, cũng xứng đáng có được sự  quan tâm của người xem.

Trong mỗi bộ phim của Ozu, người xem đều có thể cảm nhận được những thông điệp mà đạo diễn đề cập. Trong Late spring, những thông điệp này hầu hết được thể hiện thông qua nhân vật người cha. Trước tiên là thông điệp về cuộc sống hôn nhân: Hạnh phúc lứa đôi cần sự nỗ lực, không thể đòi hỏi hạnh phúc ngay khi mới bắt đầu; và quan trọng hơn là thông điệp về tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái: …với con gái, ta nuôi chúng lớn, rồi cuối cùng vẫn phải để chúng ra đi. Nếu chúng không kết hôn thì ta lo lắng, nhưng nếu chúng kết hôn, ta sẽ cảm thấy hụt hẫng. Nhưng dù sao, chúng ta đều phải kết hôn…,và cuối cùng thì hạnh phúc của con gái là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời cha mẹ.

Ozu phát biểu: “Tôi luôn nói rằng mình như  một người bán đậu phụ và chỉ biết làm đậu phụ. Cùng một người không thể tạo ra những bộ phim hoàn toàn khác nhau. Mặt khác, việc thưởng thức trong nhà hàng lớn nơi người ta phục vụ mọi thứ cũng không hẳn đúng đắn. Ngay cả khi chúng có vẻ giống nhau trong mắt người khác, các bộ phim của tôi cũng biểu lộ những điều hoàn toàn khác nhau và tôi luôn tìm được ở đó sự hứng thú tươi mới. Việc tôi làm giống hệt như một họa sĩ luôn tìm cách vẽ một bông hoa hồng duy nhất.”

Thông tin về bộ phim:

Tên tiếng Nhật: BANSHUN

Tên tiếng Anh: LATE SPRING

Thời lượng: 108 phút

Đạo diễn: Yasujiro Ozu

Kịch bản: Kazuo Hirotsu, Kōgo Noda

Diễn viên: Chishu Ryu, Setsuko Hara, Yumeji Tsukioka, Haruko Sugimura, Hohi Aoki, Jun Usami …

Giải thưởng:

–  Kinema Junpo Awards (1950):  Phim hay nhất

–  Mainichi Film Concours (1950):  Phim hay nhất, Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Setsuko Hara, Đạo diễn xuất sắc nhất cho Yasujiro Ozu, Kịch bản hay nhất cho Yasujiro Ozu và Kōgo Noda.

Photo(s) by: geocities.jp,  quixotando.files.wordpress,  theauteurs.com,  ur.umich.edu

Share this:

  • Facebook
  • X
  • Reddit
Like Loading...

Related

~ by Ninh Vũ on January 21, 2010.

Posted in Reviews Tags: banshun, late spring, Ozu, phim nhat ban

Từ khóa » Phim Mùa Xuân Muộn