Mùi Hôi Chân: Nguyên Nhân Cách điều Trị Dứt điểm

Nội dung bài viết

  • 1. Nguyên nhân đến từ đâu?
  • 2. Điều trị hôi chân như thế nào?

Da là một tổ chức đặc biệt và cũng là nơi sinh sống của nhiều loại sinh vật khác nhau như vi khuẩn vi nấm, virus và các loại mạt da. Những lớp sinh vật thường trú này góp phần vào hàng rào sinh vật bảo vệ da. Tuy nhiên trong một vài trường hợp chúng phát triển rất mạnh gây nên các vấn đề về da. Và mùi hôi đến từ bàn chân cũng xuất phát từ đó. Vậy nguyên nhân gây nên sự phát triển quá mức của hệ sinh vật gây mùi hôi là gì? Cách để giảm thiểu tình trạng này như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ tìm hiểu nhé!

1. Nguyên nhân đến từ đâu?

1.1 Tăng tiết mồ hôi

Mồ hôi đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo độ pH bề mặt của da, kháng khuẩn, tác động dưỡng ẩm và cân bằng nội môi.

Chúng ta vẫn thường hay lầm tưởng mồ hôi thực chất có mùi nhưng sự thật không phải vậy. Bản chất của mồ hôi là không mùi, nhưng môi trường ẩm của mồ hôi gây phát triển hệ vi khuẩn trên da và gây mùi. Trong đó mặt trước của bàn chân là vị trí tiết mồ hôi nhiều nhất.

Nguyên nhân của mùi hôi bàn chân đến từ đâu ?
Nguyên nhân của mùi hôi bàn chân đến từ đâu ?

Tăng tiết mồ hôi có thể đến từ yếu tố bên trong cơ thể hay đến từ bên ngoài cơ thể. Tăng tiết mồ hôi có thể xuất phát từ các nguyên nhân từ bên trong cơ thể như:

  • Sốt.
  • Chứng đổ mồ hôi trộn.
  • Hồi hộp.
  • Bệnh lý về chuyển hóa.
  • Một số loại thuốc.

Nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi đến từ bên ngoài là do mang giầy vớ chật hoặc dùng sản phẩm giầy dép bít kín hơi. Các loại giầy bịt kín khi dùng mà không kèm với vớ (tất) thì sẽ tạo điều kiện cho mồ hôi, chất bẩn, chất dầu tích tụ từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây mùi phát triển.

1.2 Bệnh lý do vi nấm

Vi nấm cũng là một trong những nguyên nhân gây bàn chân có mùi. Bên cạnh tăng tiết mồ hôi, nhiễm nấm tại bàn chân còn có các triệu chứng khác như:

  • Đỏ da, đóng nhiều vảy trắng.
  • Xuất tiết dịch ở kẽ ngón chân.
  • Có thể ngứa hoặc không kèm ngứa.

1.3 Bị nhiễm trùng da bàn chân

Nhiễm trùng da nông do vi khuẩn gây bệnh lý bong sừng dạng lỗ làm bàn chân bốc mùi khó chịu. Các vi khuẩn gây nên bệnh lý này có đặc điểm chung là ưa thích môi trường ẩm ướt và độ pH da trung tính.

Vi khuẩn gây phá hủy tế bào sừng bằng cách phóng thích ra các enzyme phân giải protein, sau đó xâm nhập vào lớp sừng da và gây bệnh lý. Mùi hôi gây ra bởi các gốc lưu huỳnh được sinh sản bởi vi khuẩn hoặc do sản phẩm chuyển hóa từ mồ hôi.

1.4 Vết thương bàn chân từ bệnh mạn tính

Một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh lý mạch máu, hoại tử mô cũng gây nên mùi hôi thối khó chịu tại các vết thương bàn chân. Khi mắc những bệnh lý này vết thương vùng bàn chân sẽ lâu lành và là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tăng sinh gây mùi.

2. Điều trị hôi chân như thế nào?

2.1 Điều chỉnh lối sống

  • Mang giày dép, vớ đúng kích cỡ vừa vặn với bàn chân.
  • Hạn chế dùng giày dép, hoặc vớ kín hơi.
  • Đảm bảo vệ sinh giày dép vớ sạch sẽ. Rửa chân bằng xà phòng hoặc dung dịch kháng khuẩn.
  • Cần thấm khô chân sau khi tắm rửa, không để bàn chân ướt khi ngủ nghỉ.
  • Cắt móng sạch sẽ vì là nơi trú ngụ của vi khuẩn nhiều nhất, kỳ cọ chân tẩy đi lớp tế bào chết ở bàn chân bằng xơ mướp đá mài…

2.2 Dùng thuốc hoặc phương pháp điều trị khác

Bên cạnh điều chỉnh lối sống, bạn có thể khử mùi hôi chân bằng các phương pháp như:

  • Dùng phèn chua hoặc các chất khử mùi tự nhiên như lá trà xanh pha nước ngâm chân mỗi tối. Sau đó giảm tần suất sử dụng xuống còn vài lần mỗi tuần. Bạn cần lưu ý tình trạng dị ứng, kích ứng da khi dùng các chất này.
  • Điện di da là phương pháp dùng dòng điện để đẩy ion cơ chất có hoạt tính vào da.
  • Phương pháp dùng botulium toxin và phẫu thuật cắt hạch giao cảm cũng nên được cân nhắc khi dùng những biện pháp trên không hiệu quả và bạn không thuốc nhóm bệnh nhân có chống chỉ định.
  • Đối với tình trạng nhiễm khuẩn gây bong sừng da dạng lỗ, có thể bác sĩ sẽ cho bạn dùng kháng sinh bôi tại chổ hoặc dung dịch kháng khuẩn để ngâm chân. Nếu tình trạng nhiễm là nấm (bệnh viêm kẽ do nấm) thì có thể dùng thuốc kháng nấm tại chỗ hoặc uống thuốc có tác dụng toàn thân để điều trị.
  • Đối với những vết thương tại bàn chân có kèm bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh lý mạch máu… cần thiết phải có sự hướng dẫn chăm sóc và điều trị bệnh lý từ các bác sĩ chuyên khoa sâu.

Mùi hôi đến từ bàn chân là một vấn đề nan giải gây khó chịu trong sinh hoạt cho người mắc phải. Người bị hôi chân muốn điều trị triệt để cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, thay đổi lối sống sinh hoạt để đạt hiệu quả điều trị. Một khi tình trạng mùi hôi vẫn còn kéo dài, dù đã qua điều chỉnh lối sống sinh hoạt lành mạnh, thì bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Từ đó có phương pháp điều trị và chăm sóc một cách hợp lý.

Có thể bạn quan tâm :

  • Đau gót chân: Những nguyên nhân thường gặp
  • Mùa đông và những cơn đau chân
  • Bài tập cho người bàn chân bẹt

Từ khóa » Chân Hôi Mùi