Mừng Nhà Rông Mới Của Dân Tộc Gia Rai ở Kon Tum

  • Tiếng Việt
  • English
  • Trang chủ
  • Chính quyền
    • Giới thiệu
      • Lịch sử hình thành
      • Điều kiện tự nhiên
      • Đơn vị hành chính
      • Dân số và lao động
      • Bản đồ hành chính
    • Bộ máy tổ chức
      • Tỉnh ủy
      • Ủy ban nhân dân tỉnh
      • Các sở, ban, ngành
      • UBND các huyện, thành phố
    • Hoạt động của Lãnh đạo
    • Thông tin chỉ đạo điều hành
  • Nhà đầu tư
  • Thủ tục hành chính
    • Hệ thống thông tin giải quyết TTHC
    • Dịch vụ công trực tuyến
    • Công khai thủ tục hành chính
  • Sản phẩm địa phương

Thứ 3, Ngày 07/01/2025 -

  • Công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thôn Kon Tu Peng, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum
  • Công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thôn 1B, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum
  • Công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thôn 1 và 2 xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum
  • Công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc làng Lung, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum
  • Tổ đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri tại xã Ngok Bay
Đất và người Kon Tum Người Gia Rai ở Kon Tum và Hơk h’mô Rôông râu - mừng nhà Rông mới của dân tộc Gia Rai ở Kon Tum Ngày đăng: 12/07/2012 09:07 Đọc tin bài Xem: 5794 In trang Mặc định Cỡ chữ

Sơ lược về dân tộc Gia Rai:

Tên gọi các nhóm, địa bàn cư trú:   Gia Rai (Jơrai, J’rai) là một trong những dân tộc thiểu số bản địa cư trú lâu đời, có số dân đông nhất ở Tây Nguyên. Ngôn ngữ của họ thuộc dòng Malayô - Pôlinêsia. Địa bàn cư trú ở tẩt cả các tỉnh Kon Tum (phía bắc) đến Lâm Đồng (phía Nam) cao nguyên miền Trung. Ngoài ra, còn ở các tỉnh Đông Bắc Campuchia, nơi có biên giới tiếp giáp với các tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Khác với một số dân tộc cùng địa bàn cư trú thuộc dòng ngôn ngữ Môn- Khơme  như Ba Na, Xơ Đăng… người Gia Rai có dòng ổn định. Các dòng họ nổi tiếng như Ksor, Rơô, Rơlan, Kpă, Rơ Chăm, Siu, Nay,… họ có chữ viết riêng khá sớm và ổn định, giàu có về từ vựng (đã có từ điển hai chiều tiếng Việt và Gia Rai). Dân tộc Gia Rai có các nhóm chính : Chor, Hơdrong, Chưti, M’thur, Aráp, Tbuăn…   Gia Rai Chor:  là người Gia Rai ở thung lũng, vùng thấp và được coi là gốc của cả dân tộc. Họ cư trú chủ yếu ở huyện Ayunpa, trước giải phóng (1975) là tỉnh Phú Bổn (Cheo Reo). Hiện nay thuộc tỉnh Gia Lai và được chia thành hai huyện Ayunpa và Yapa.   Gia Rai M’thur: cư trú vùng giáp ranh giữa Gia Lai và Đăk Lăk ở lưu vực sông Ba. Đó là các huyện Krông Pa (Gia Lai) và huyện Lắk, huyện Krông Pách (Đăk Lăk). M’thur có thể là hệ quả hợp huyết giữa hai dân tộc lớn (Ê đê và Gia Rai) tương tự như Rơ Ngao (của người Ba Na và Xơ Đăng ở Kon Tum). Bởi có Gia Rai M’thur và cũng có cả Ê Đê M’thur.   Gia Rai Hơdrong: Hơdrong  là tên gọi của núi Hàm Rồng (thành phố Pleiku - Gai Lai), gắn với các nhóm Gia Rai sinh sống quanh vùng núi đó. Gia Rai Hơdrong thuộc các huyện Chư Sê, Chư Prông và ven thành phố Plei Ku của tỉnh Gia Lai. Gia Rai Chưti: Cư trú một phần phía bắc huyện ChưPrông, huyện Đức Cơ (thuộc Gia Lai) và vùng biên giới Campuchia với các địa bàn nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ như Lệ Ngọc, Bàu Cạn, Pleime…   Gia Rai Tbuăn: Cư trú theo triền sông Pô Cô, thuộc huyện Yagrai, một phần huyện Chư Pảh (vùng thác YaLy), thuộc tỉnh Gia Lai. Gia Rai Aráp: Địa bàn cư trú là lưu vực sông Đăk Bla một bên là huyện Chư Pảh (Gia Lai), một bên là địa phận tỉnh Kon Tum. Aráp nghĩa Gia Rai là con voi.   Như vậy, hầu hết địa bàn cư trú của dân tộc Gia Rai tập trung ở tỉnh Gia Lai. Kon Tum chỉ có một nhóm đó là Gia Rai Aráp.   Dân tộc Gia Rai Aráp ở Kon Tum:   Địa bàn cư trú gồm: Xã Hòa Bình, xã Đoàn kết (nay thuộc phường Nguyễn Trãi), xã Ya Chim của thành phố Kon Tum. Các xã Yaly, Ya Tăng, Ya Xiêr, Mo Rai, thị trấn Sa Thầy (thuộc huyện Sa Thầy). họ sống xen kẽ và hòa thuận với một số dân tộc khác như Kinh, Ba Na Rơ Ngao, Rơ Măm trên cùng địa bàn.   Tiếp cận với người Gia Rai Aráp, đa phần người ta đều nói về nguồn gốc xa xưa là từ huyện Chư Pảh (tỉnh Gia Lai). Quá trình di cư là do làm ăn, vượt sông Đăk Bla xâm canh sang địa phận tỉnh Kon Tum ngày nay. Sông Đăk Bla là đoạn chảy qua thị xã Kon Tum, gặp Kroong Pô Cô rồi ngược hướng tây, phân ngả sang Cămpuchia, dòng chính đổ về thác YaLy. Yah’rai là dòng chính chảy qua địa phận Sa Thầy, một đơn vị hành chính mới được thành lập sau giải phóng (thành lập năm 1979). Tên huyện (Sa Thầy) là trại tiếng gọi tên của sông Hơrai.   Là dân tộc có số dân đông nhất ở Tây Nguyên nhưng ở Kon Tum chỉ có một nhóm (Aráp) nên dân tộc Gia Rai có số dân chỉ đứng hàng thứ tư, sau Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng.   Vốn mang họ rõ ràng như đã nêu ở phần trên nhưng họ của người Gia Rai ở Kon Tum đã biến đổi sâu sắc, không ổn định nữa. Nhiều vùng người Gia Rai nhưng lại mang tên họ như những dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ Môn - Khơme : Nam (A), nữ (Y). Thậm chí còn ghép họ, hiện tượng này mới xuất hiện vào cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Dù người ta thông thoáng, dễ tính mà bỏ qua nhưng về lâu dài và ý nghĩa dân tộc học thì đây là cả vấn đề cần nghiên cứu giải pháp trả lại tên, họ cho đúng nguồn gốc.   Hệ thống lễ hội dân gian:   Người Gia Rai Aráp có truyền thống và còn lưu giữ được hầu hết các lễ hội dân gian của dân tộc mình. Những lễ hội ấy cũng không nằm ngoài ba đường dây chính là: Cây lúa rẫy, đời người và cộng đồng. Từ những lễ hội ấy, góp phần quan trọng hình thành phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc của họ . Ở đường dây  đời người , có lễ Pơthi (bỏ mả) rất độc đáo và là một loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng kèm theo, đó là nghệ thuật tượng nhà mồ (đẽo tượng gỗ tròn, các loại cột Klao, Kút và kiến trúc nhà mồ).  
Tượng nhà mồ của người Gia Rai ở Sa Thầy
  Ở đường dây cộng đồng có hai lễ hội quan trọng: Bênya(cúng bến nước) và Hơk h’mô rôông râu (mừng nhà Rông mới) :   Tiến trình lễ hội Hơk h’mô Rôông râu:   Công tác chuẩn bị và điều kiện mở lễ:   Khi nói mừng nhà Rông mới có nghĩa là nhà Rông đã xây dựng xong (làm mới chứ không phải sửa chữa). Nhà Rông của dân tộc Gia Rai rất hoành tráng, tốn kém nhất là cột. Đây là công việc của cả làng, phải cùng ý nguyện và có sự nhất trí cao mới thực hiện. Dựng Nhà Rông là công việc hệ trọng, có khi kéo dài hàng tháng, chuẩn bị hàng năm mới làm được.  
Nhà Rông Gia Rai
  Nhà Rông dựng xong, tùy điều kiện kinh tế mà khai thông sử dụng vì đây là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, không thể làm xong rồi để đấy. Nếu chưa làm lễ hội chính thức (ăn mừng) được thì người ta làm lễ nhỏ hơn (lễ vào nhà Rông) chỉ cần một ít thủ tục đơn giản như : Khấn xin phép, đào cả gốc một loại mây gai rừng, một vài con heo cùng với gà, rượu cần… Già làng và đại diện các gia đình hành lễ xong là có thể sinh hoạt bình thường. Nói như vậy nhưng dù đã được phép sử dụng sau khi làm lễ vào, dân làng vẫn muốn có được một lễ hội ăn mừng nhà Rông như truyền thống ông bà để lại. Muốn vậy phải chuẩn bị công phu: định thời gian, vật liệu trồng cây nêu, vật hiến sinh phải đủ (trâu, dê và heo) lương thực, thực phẩm khác. Đó là những điều kiện bắt buộc phải có thì mới được là Hơk h’mô Rôông râu.   Vì có trâu (đâm tượng trưng) nên nói đầy đủ thì đây phải là: Ăn trâu mừng nhà Rông mới  (cần phân biệt giữa lễ hội Đâm trâu và lễ hội có trâu hiến sinh -  ăn trâu). Hơk h’mô Rôông râu thường kéo dài 4 ngày liên tục, nhưng ngày thứ 4 chỉ mang ý nghĩa nội bộ của làng.    Tiến trình lễ hội:   Ngày thứ nhất (mở lễ)   Vật hiến sinh bắt buộc phải có là: Pu, Pé, Pao (heo, dê, trâu). Heo thì sao cũng được nhưng dê và trâu đều phải màu đen (da, lông) và là đực. Trâu đen đực nhưng phải là trâu tơ, người Gia Rai xem xét qua độ phát triển của sừng. Trâu đạt yêu cầu phải béo (mập), sừng chuẩn bị cong, đầu vuốt của nó chỉ dài bằng tai. Khi hành lễ, chỉ có trâu và dê là được cột vào cây nêu. Heo lớn được xẻ thịt trước làm đồ cúng, đồ ăn, thay vào đó là một con heo nhỏ (tương trưng) cột vào cùng với trâu. Các lễ thức diễn ra như sau:  
Cây nêu của người Gia Rai ở Sa Thầy
  * Mút prạ(cho trâu và dê vào thòng lọng): Từ 14 giờ.   Bắt đầu bằng việc trồng cây nêu (gưng). Đất chọn để trồng nêu là khoảng trống trước của nhà Rông (sang Rôông). Cây nêu của dân tộc Gia Rai có 2 loại : đầy đủ có 3 tầng, thiếu là bằng (cụt) chỉ có phần gốc, nhưng rất chắc chắn. Lễ mừng nhà Rông người ta trồng nêu loại cụt. Có hai cây nêu được dựng đồng thời, một con trâu và một con dê.   Thủ tục trồng cây nêu: Sau khi chọn vị trí đất, người ta cắt tiết gà trống cho vào đĩa. Đĩa tiết là vật thiêng, đàn bà, trẻ con tuyệt đối không sờ vào đĩa này. Cây Goòng gai (Pơ lang) được chặt từ rừng về, một đầu sẽ được chôn xuống đất, đầu kia bịt kín bằng lá rừng. Sau nay, cây Pơ lang sẽ bén lễ đâm trâu. Điều này cũng lý giải rằng, chỉ cần nhìn vào số lượng cây Pơ lang trước nhà Rông ở vùng Gia Rai là người ta có thể hình dung ra cuộc sống giàu có hay ngược lại của làng.   Một đĩa khác đựng đầy sáp ong, có dây làm tim (bấc) để đốt lửa khi khởi sự, lễ thức này là Tuyk phui yân klả nhan.  Để tránh gió thổi tắt lửa, khoảng bốn, năm người đàn ông giăng, nối những tấm đắp mới vây xung quanh.   Tiết gà sẽ được già làng đổ xuống vị trí để dựng hai cây nêu. Lần lượt, đốt lửa (đĩa sáp ong) để bên cạnh và bắt đầu đào đất, dựng cây nêu (nêu cột trâu làm trước, sau đó là cây nêu cột dê). Sau thủ tục này, tốp người giăng những tấm đấp che lửa hết nhiệm vụ, đĩa nến tắt. Tiếp theo là chỉnh sửa hai cây nêu cho đẹp và vững chắc. Nêu cột trâu rất công phu và khi chém, đâm trâu, nó đau và sẽ chạy vòng quanh cây nêu. Nếu không chắc, cây nêu sẽ bị lung lay, bị đổ, rất nguy hiểm và lễ hội bị hủy bỏ. Trồng nêu chỉ được coi là xong khi hai chiếc thòng lọng đã được tròng vào gốc của hai cây nêu. Thòng lọng được làm bằng dây mây rừng, rất chắc cầu kỳ, tạo cả những hoa văn trang trí đẹp mắt, tinh xảo.   Những vật hiến sinh (heo, dê, trâu) phải là của làng. Nếu không có mà đi mua từ làng khác cũng phải mua trước đó ít nhất là 10 ngày để nó được ăn cỏ, ăn đồ của làng thì mới có ý nghĩa.   Cây nêu dựng xong, trâu và dê được dắt ra để làm Mút prạ (cho vào thòng lọng). Lễ này hoàn tất vào khoảng 17 giờ cùng ngày, mặt trời đã đổ xuống ở chân trời phía Tây. Lễ hội hoàn tất trước sự chứng kiến của toàn thể dân làng, trong những tiếng hú, tiếng hò kéo dài.   * H’rế prang (một thủ tục tâm linh)   Một lát sau, già làng làm chủ trì một lễ thức quan trọng. Các trống lớn, kẻng, tù và được đồng thời nổi lên. Dân chúng trong làng, không thiếu một ai, từ già đến trẻ kéo nhau hết về nhà Rông, trang phục lễ hội rất đẹp.   Già làng dùng một sợi dây dài (được nối lại từ một vỏ cây đập dập, đã từng làm khố áo thời xa xưa), một đầu buộc vào thòng lọng ở cổ con trâu. Từ điểm tựa này, sợi dây kéo dài ra và mọi người phải được cầm vào sợi dây ấy. Tùy vào số nhân khẩu trong làng mà sợi dây có thể dài hay ngắn, có khi dài tới hàng nửa cây số. Ai vì một lý do gì đó vắng mặt ở lễ thức này thì quả là không may mắn, thiệt thòi cho chính họ. Khi tất cả đã được nắm vào sợi dây, sợi dây lại được già làng chuyển sang buộc vào thòng lọng ở cổ con dê. Thủ tục tiếp tục được tiến hành như lần trước. Đây là hành vi để cả làng được tiễn đưa vật hiến sinh và cầu mong sức khỏe, cuộc sống no đủ, bình yên và cho mình và dân làng.   Sau lễ thức này, mọi người tản ra khi trời vừa chạng vạng. Những nét chấm phá đầu tiên của phần hội bắt đầu khởi sắc. Đó là việc xẻ thịt con heo lớn, huy động thêm các loại thịt, cá, rau, rượu cần từ các gia đình tập trung về nhà Rông. Cồng chiêng lên tiếng, chưa có nhảy múa (xoang).   Họ vừa ăn, uống, vui chơi trước cửa nhà Rông, xung quanh hai cây nêu có cột trâu và dê. Người Gia Rai gọi đêm này là đêm Thức cùng trâu, dê (Pao, pé).   Khoảng 10 giờ đêm, đội cồng chiêng rời Nhà Rông, vừa đi vừa đánh tới tất cả các gia đình để chúc mừng. Đáp lại, các gia đình biếu (thưởng) cho đội cồng chiêng, có khi là con gà, gạo, trái bí, rượu, tiền… Hoạt động này kéo dài hết đêm. Số quà mà các gia đình thưởng, sẽ có người thu gom và đem về nhà Rông. Ngay trong đêm, nhiều gia đình vui vẻ và khá giả có thể mời cả đội cồng chiêng vào nhà mình uống rượu.   Cũng trong đêm, ai ai cũng phải lo trang phục, trang sức đẹp nhất để dự lễ chính thức vào sáng sớm hôm sau.      Ngày thứ hai (chính lễ):   Khi mặt trời lên rõ, khoảng 7 giờ, đại diện các gia đình (chỉ có đàn ông hoặc con trai) tập trung về nhà Rông, mỗi người mang theo một dúm gạo. Gạo được gom lại đặt trong một đĩa bằng sản phẩm đan lát và giao cho người chăm sóc nhà Rông (Nhô t’ha plei wai Rôông).   Ông bưng đĩa gạo này hướng về phía mặt trời mà khấn (soi). Vừa khấn, vừa vãi gạo thành nhiều đợt trên lưng, trên đầu, khắp mình trâu và dê. Đây là gạo thiêng mang ý nghĩa tiễn đưa.   Khấn xong, vãi hết gạo, ông bình tĩnh lấy Đeoteo, loại kiếm dài, sắm nhọn chém vào lưng con trâu và dê. Chém nhiều nhát, trâu và dê chảy máu. Đây là lễ thức mời các thần linh về chứng kiến và uống máu trước. Chỉ thế thôi rồi giao lại cho một đội ngũ những người khỏe mạnh, quen nghề mổ xẻ sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Đội quân này được làng chọn cử từ trước.   Trước hết họ đập chết con dê. Tiếp theo là lấy dây thừng cột 4 chân và sừng trâu. Cột dây cho chắc và họ cùng giật mạnh cho trâu đổ. Họ giữ chặt sừng trâu rồi chọc tiết. Tiết được hứng vào nồi đồng lớn (nồi bung). Thường khi tiết ra hết là trâu chết. Gặp phải trâu tơ khỏe mạnh chưa chịu chết thì họ lấy mác đâm vào huyệt dưới nách, lát sau, trâu chết hẳn. Trâu và dê (đã chết) được đưa đi chỗ khác để làm thịt.   Trong khi làm thịt trâu và dê thì các gia đình mang rượu tập trung về trước nhà Rông, mỗi gia đình một ghè (ché). Ghè quý nhất, cổ nhất được lựa chọn mang lên nhà Rông để làm lễ. Cùng với ghè rượu lễ, góc thiêng nhà Rông được xác định, đánh dấu bằng loại lá rừng (Kơyô ngăl). Ở dưới cửa chính của nhà Rông, già làng cầm một gốc cây mây đào cả củ mang từ rừng về. Đó là những thủ tục để vào nhà Rông.   Một tốp thanh niên khác được phân công đi lấy nước sạch để phục vụ việc mổ thịt. Nước mang về để rửa, cạo, làm thịt trâu, dê và các gia súc khác. Trâu và dê sau khi mổ, việc đầu tiên là cắt lấy đầu và một phần chót của đuôi. Con dê cũng xử lý như vậy. Đầu, đuôi của trâu và dê được đưa lên cột gưng, phần gốc (đế) để làm lễ khấn (soi). Gan của trâu và dê được cắt một phần mang lên cúng tại nhà Rông, còn lại chia đều cho cả làng. Gia đình nào cũng có phần, có khi chỉ là một miếng nhưng không gia đình nào bị thiếu.   Lễ cúng trên nhà Rông được coi là quan trọng nhất. Người cao tuổi nhất và hiểu biết nhất về phong tục dân tộc của làng được mời đến. Những người già, uy tín trong làng cũng được mời về, đại diện các gia đình cũng được tập trung, ở lễ này gồm toàn đàn ông, không có đàn bà. Người cao tuổi sẽ hướng dẫn cho già làng cách tiến hành và lời trong khi khấn, cúng, với ý nghĩa truyền dạy. Toàn bộ lễ thức diễn ra trên nền nhạc cồng chiêng, cũng được diễn tấu ngay trên sàn của nhà Rông. Lúc này chưa có nhảy múa (xoang).   Sẽ có hiệu lệnh : “Thịt làm xong rồi, đổ nước vào rượu đi”. Tất các các ghè rượu được đổ đầy nước để khoảng nửa giờ sau đó, rượu được hút qua cần ra những dụng cụ chứa sẵn rồi tiếp tục đổ đầy nước cho ngấm.   Trên nhà Rông lễ làm xong, thịt trâu và dê được chia cho các gia đình, dành lại một phần cho tập thể để già làng làm lễ và tiếp khách. Nhận được phần thịt, các gia đình tranh thủ đem về cúng tại nhà mình nhưng vẫn có đại diện có mặt ở nhà Rông.     Lúc này, tại khu vực nhà Rông đã cũng xong, đã có đồ ăn, thức uống, già làng ăn, uống phép và nhắc nhở mọi người cùng ăn, uống, mời khách. Khách từ các làng khác được mời từ trước hoặc vô tình đến làng, hoặc biết ở làng đó có lễ mà tìm đến… đều được đón tiếp và đối xử như nhau.   Kể từ giờ phút này, phần Hội chính thức được phát động, vui chơi, ăn uống, nhảy múa hết buổi chiều và cả đêm. Bên cạnh cồng chiêng, nhảy múa, có trình diễn nghệ thuật dân gian mà họ thay nhau thực hiện. Quy định của làng khi vui chơi là cấm mọi hằn thù, hiềm khích, mâu thuẫn, xích mích cá nhân. Mọi tranh chấp, nợ nần đời thường… không ai được tính toán, xử lý trong lúc này.   Tinh thần của tất cả mọi người được giải thoát dưới sự che chở của thần nhà Rông (Yang sang Rôông), chỉ còn lại những niềm tin, niềm vui, sự say sưa cộng cảm của cả cộng đồng. Ngày thứ hai (chính lễ) từ từ kết thúc như vậy.    Ngày thứ ba (thường kéo dài sang ngày thứ tư - sau lễ):   * Ăn đầu trâu:   Đầu trâu và dê được làm khéo léo, lấy óc và lưỡi, thêm một quả trứng gà, được băm nhuyễn, trộn đều, hấp chín hoặc nấu dưới dạng cháo. Sau đó đưa lên nhà Rông cúng. Phần thịt của đầu trâu được bóc ra hết, sử dụng tự do. Đầu trâu lúc này chỉ còn xương và sừng.   Đồ cúng trên nhà Rông được già làng và đại diện các gia đình cùng ăn. Nói là ăn nhưng vì quá ít nên mỗi người chỉ được một chút. Có khi chỉ kịp chấm ngón tay vào rối mút hoặc bôi (quẹt) lên cổ mình thế là được, coi như đã có phần.   Ăn đồ cúng xong, ghè rượu quý đã được sử dụng thực hiện các lễ thức trên nhà Rông được đưa xuống, đặt giữa hai cây nêu (cột gưng). Già làng lấy sợi dây dài cột vào cổ ghè rượu. Khi đưa ghè từ nhà Rông xuống đất, mọi người trong làng đã được thông tin, lan truyền nhau và tất cả lại kéo ra để được nắm vào sợi dây ấy, giống như ngày đầu tiên đối với thòng lọng trâu và dê. Đây là lễ thức tâm linh lần thứ ba được thực hiện. Sau lễ thức này, công việc cơ bản của lễ ăn trâu mừng nhà Rông mới (Hơk h’mô rôông râu)  là xong. Ăn uống, vui chơi thỏa thích lại tiếp tục.   Ăn xương trâu: (Thường là ngày hôm sau, ngày thứ 4):   Chỉ có xương trâu vì xương dê thì quá nhỏ và mềm đã được ăn từ trước. Xương trâu được băm nhuyễn (rất mất công), chế biến cùng với một số loại rau rừng, chủ yếu là cây chuối non xắt mỏng rồi băm nhỏ.   Món xương, đúng hơn là cháo rau xương được mọi người cùng chia nhau ăn trong lúc uống rượu cần. Ở lễ thức ăn xương chủ yếu là để những người có trách nhiệm ngồi lại với nhau, giãi bày tâm sự, tình cảm. Họ rút kinh nghiệm với nhau về quá trình tổ chức lễ hội. Họ xem xét có trường hợp nào vì đau ốn, bệnh tật hoặc ở xa không thể hoặc không kịp về dự lễ, bàn cách chia sẻ với họ. Cũng xem xét như vậy với những gì xấu đã xảy ra như vi phạm luật tục, gây những chuyện không hay… Nếu có, sẽ quy định hình thức xử phạt, nhẹ thì gọi đến phê bình, nặng thì thông báo cho cả làng biết và định thời gian, hình thức xử phạt trong thời gian tới. Những người không có trách nhiệm thì cứ tùy sức mà ăn uống, vui chơi.   * Kết thúc lễ (Khoảng 12 giờ trưa):   Bằng việc đưa xương đầu trên lên treo ở vách mái (phía trong) nhà Rông. Đây cũng là lễ thức quan trọng, bởii vì từ đó, bất cứ ai đến nhà Rông cũng đều nhìn thấy và tự hiểu rằng, lễ mừng nhà Rông đã được làng tổ chức trọng thể. Người dân trong làng thì tự hào về nhà Rông của mình.   Cùng với việc đưa xương trâu lên nhà Rông, lễ thức định vị trồng cây Pơlang ở sân nhà Rông cũng được tiến hành. Cây Pơlang đặt ở giữa cây nêu được cẩn thận đào lên, lấy ra trồng ở vị trí cố định. Từ đó cây bén rể và phát triển bình thường (Pơlang là loại cây rất dễ sống). Nhà Rông nào có nhiều cây Pơlang là làng đó có nhiều sức mạnh, giàu có. Pơlang là thông tin từ bên ngoài về một lễ hội Hơk h’mô rôông râu.   Phần Hội trong lễ hội này thực hiện đan xen, liên tục cùng với các lễ thức kéo dài ba đến bốn ngày liền. Góp phần hòa quyện giữa các hình thái văn hóa dân gian, nét đặc trưng trong lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc Gia Rai.   Phạm Cao Đạt (sưu tầm) Ảnh: Nguyễn Đang - Duy Tiên Về trang trước Gửi email

Tin tức liên quan

  • Trải nghiệm văn hóa Giẻ-Triêng tại Làng du lịch cộng đồng Đắk Răng (27/08/2024)
  • Gặp gỡ những người trở về từ Chiến thắng Đăk Pék (16/05/2024)
  • Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pek được xếp hạng di tích quốc gia (15/05/2024)
  • Kon Tum - Chuyển đổi số để tăng tốc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn (26/03/2024)
  • Huyện Đăk Hà: 30 năm xây dựng và phát triển (13/03/2024)
Giới thiệu
  • Lịch sử hình thành
  • Điều kiện tự nhiên
  • Đơn vị hành chính
  • Dân số và lao động
  • Bản đồ hành chính
Bộ máy tổ chức
  • Tỉnh ủy
  • Ủy ban nhân dân tỉnh
  • Các sở, ban, ngành
  • UBND các huyện, thành phố
Chính quyền số
  • Hệ thống theo dõi CĐĐH
  • Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính
  • Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp.
  • Hệ thống quản lý VB&ĐH
  • Văn bản chỉ đạo điều hành
  • Thư điện tử công vụ
  • Lịch công tác UBND tỉnh
  • Tài liệu họp
Thông tin báo cáo thống kê
  • Báo cáo hiện trạng môi trường và Bộ chỉ thị môi trường
  • Báo cáo kinh tế - xã hội
Dự án đầu tư
  • Dự án hoàn thành
  • Dự án đang triển khai
  • Dự án chuẩn bị đầu tư
  • Dự án kêu gọi đầu tư
  • Đấu thầu, mua sắm công
Quy hoạch & Phát triển
  • Quy hoạch xây dựng, đô thị
  • Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
  • Quy hoạch thu gom, tái chế, xử lý chất thải
Chương trình & Đề tài
  • Chương trình, đề tài khoa học
  • Kết quả nghiệm thu
  • Đề tài/Dự án đã đăng ký thực hiện nhiệm vụ KH&CN
Liên kết website Website Tỉnh, Thành phố Tỉnh An Giang Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Tỉnh Bạc Liêu Tỉnh Bắc Giang Tỉnh Bắc Ninh Tỉnh Bến Tre Tỉnh Bình Dương Tỉnh Bình Định Tỉnh Bình Phước Tỉnh Bình Thuận Tỉnh Cà Mau Tỉnh Cao Bằng Thành phố Hà Nội Thành phố Hải phòng Thành phố Hồ Chí Minh Website Bộ, Ngành Bộ Công thương Bộ Giao thông Vận tải Bộ Khoa học và Công nghệ Bộ Nội vụ Bộ Quốc phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Thanh Tra Chính phủ Ủy ban Dân tộc Văn phòng Chính phủ Liên kết khác Tạp chí Cộng sản Đảng cộng sản Việt Nam Quốc hội Chính phủ
  • Trang chủ
  • Liên hệ
  • Góp ý
  • Sơ đồ cổng
  • RSS

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH KON TUM Giấy phép số 08/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum cấp ngày 20/12/2019 Quản lý kỹ thuật: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum, số 70 Lê Hồng Phong, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đăng Trình - Chánh Văn phòng UBND tỉnh. Điện thoại hỗ trợ: 0260.3797799; Email: bbtcongttdt@kontum.gov.vn

Đang truy cập: 95 . Tổng lượng truy cập: 98.534.013

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready

Từ khóa » Dân Tộc Gia Rai