“MUỐI CỦA RỪNG” – ĐI TÌM CÁI THIỆN CỦA CON NGƯỜI
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều truyện ngắn về đề tài đi săn như: “Sói trả thù”, “Trái tim hổ”, “Con thú lớn nhất” hay “Muối của rừng”. Tuy nhiên tác giả không đơn thuần chỉ kể chuyện đi săn mà thông qua đó còn gửi gắm những vấn đề nhân sinh rất phổ quát. Đó là một cuộc đấu tranh không ngừng giữa cái thiện với cái ác, giữa con người và thế giới tự nhiên. Ở “Muối của rừng”, con người xuất hiện trong một cuộc đi săn, dưới sự cứu rỗi của cái đẹp đã xóa dần những tấm màn ảo tưởng, những định kiến mà họ tự dựng lên và tin vào trước đó. Cuối cùng con người đối mặt với chính mình – dù trần trụi, lạnh lùng nhưng vô cùng đẹp đẽ với thứ duy nhất còn lại chính là thiên lương thuần khiết.
Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác
Trong cảm quan hậu văn học hậu hiện đại, con người không còn là một lát cắt nguyên phiến với những mặt tốt đẹp đáng ngợi ca. Thế giới tâm hồn người luôn tiềm ẩn những điều kỳ lạ, những góc tối khuất lấp cần khám phá. Điều đó đòi hỏi nhà văn phải đi sâu khai thác các khía cạnh nội tâm để khắc họa tính chất đa nguyên của con người. Nhưng dù khai thác con người ở mức độ nào, nhà văn vẫn phải hướng đến bản chất của con người là “tổng hòa các quan hệ xã hội” và phải luôn có sự hài hòa giữa thực thể sinh học – xã hội. Ở “Muối của rừng”, Nguyễn Huy Thiệp đã nhìn con người như một phần khăng khít của đời sống tự nhiên, và cũng chính ông ngầm chỉ ra rằng tự nhiên như một phẩm chất của con người, như bản chất Người.
Bằng trí tưởng tượng huy hoàng Nguyễn Huy Thiệp đã đưa người đọc bước vào một cuộc hành trình đầy chất thơ. Đó là một sớm xuân: “Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm”. Khung cảnh thanh bình ấy lại chính là dịp để nhân vật ông Diểu “bắt đầu cuộc đi săn”. Nhân vật đi vào rừng mang theo bao hệ lụy trần thế ám ảnh. Ông nhìn thiên nhiên cũng như cách ông đánh giá về cuộc đời. Ông tự gán những suy nghĩ cay đắng về con người cho loài vật: “Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn” hay “bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm”. Ở đây tác giả đã cố tình tạo ra tình huống nhân vật bị nhầm lẫn giữa những bản thể, giữa con người và loài vật để hợp lí hóa cho sự thay đổi tâm trạng và các hành động kế tiếp.
Từng cung bậc của tâm trạng của ông Diểu có sự thay đổi. Bắt đầu từ lúc tiếp cận đàn khỉ “không buồn, không vui, không lo lắng cũng không tính toán” đến “mỉm cười và chăm chú nhìn”. Rồi và cuối cùng là “niềm vui nhen lên từ khi ở nhà ra đi trong ông vơi đi một nữa”. Ông quyết định bắn hạ con khỉ đực với “một tiếng súng dữ dội”. Ông Diểu làm điều ác và tại thời điểm đó ông vẫn hài lòng với kết quả dù có chút “run lên” như “người vừa mới làm xong việc nặng”.
Nhưng khi nhìn đôi mắt con khỉ đực, người đàn ông ấy bổng dấy lên một niềm “thương hại” và “mủi lòng”. Hành động “tránh nhìn vào đôi mắt” con vật như là một điềm báo hiệu về xung đột bắt đầu nảy sinh trong quá trình chinh phục và chiếm đoạt của con người. Để từ cái điềm báo ấy, ông Diểu chuyển từ tâm trạng hài lòng khi làm điều ác sang trạng thái hoảng loạn, bối rối. Ông tìm cách “hái lá đắp cho con khỉ” hay loay hoay “cởi chiếc quần lót” – mảnh giáp cuối cùng trên cơ thể để băng bó cho nó. Trải qua một hành trình vất vả, chứng kiến và suy nghiệm nhiều thứ, đặc biệt là hình ảnh con khỉ con rơi xuống vực sâu thăm thẳm và con khỉ cái cứ kiên trì lẽo đẽo theo ông đi xuyên rừng, người đàn ông ấy chợt cảm thấy “cay cay sống mũi” và thức nhận “một nỗi buồn tê tái đến tận đáy lòng”. Những tâm trạng và hành động không nhất quán ấy biểu hiện cho một sự giằng xé nội tâm giữa tham vọng và tình thương, giữa khả năng của một ông già và sức mạnh của thiên nhiên, giữa phần “con” và phần “người” cũng chính là cái ác và tính thiện trong nhân vật.
Cái thiện “ca khúc khải hoàn”
Tâm trạng ông Diểu, từ khi đi qua một chặng đường dài vào rừng săn thú cho tới khi cay đắng hiểu ra rằng “hóa ra ở đời trách nhiệm đè lên từng sinh vật quả thật nặng nề” thể hiện một sự thức tỉnh của lương tâm con người. Như Bielinsky đã nói: “Người cao thượng không phải là người không bao giờ đê tiện. Người cao thượng là người biết mình có những lúc đê tiện”. Nhân vật sau một hành trình dài chợt nhận ra mình đang làm điều ác và quyết định buông bỏ tất cả . Nhận thức được cái ác có nghĩa là đã chiến thắng được cái ác. Để rồi sau đó trí tưởng tượng của tác giả lại tiếp tục tung hoành đẩy nhân vật “cất cánh” trong một kết thúc đầy nhân văn. Ông Diểu quyết định “phóng sinh” cho con khỉ. Dù cho con người tham vọng ban đầu tưởng như đã chiếm ưu thế, nhưng người đàn ông ấy vẫn biết “mủi lòng” trước những sinh linh, thức nhận những giá trị của yêu thương khi chứng kiến tình cảm của giống loài – ở đây là loài khỉ cũng không hề xa lạ với con người. Ông trở về cùng hai bàn tay trắng và con người trần truồng với phần người trỗi dậy và thắng thế. Khi đó ông bắt gặp loài hoa tử huyền, biểu tượng của hạnh phúc, của cái thiện và những trận mưa bụi mùa xuân đã che chở cho thân thể ông suốt quảng đường về. Hình ảnh hoa tử huyền đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, tô đậm thêm ý nghĩa về giá trị khởi nguyên, giá trị cội nguồn và ý niệm về con người hướng thiện.
Con người ra đi với ý định huỷ hoại thiên nhiên, hủy hoại cuộc sống, khi trở về lại trong tâm thế hòa vào lòng thiên nhiên, vào lòng cuộc sống: “Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau, bóng ông đã nhòa vào màn mưa.” Ông Diểu trở lại hình hài ban đầu của con người tưởng như chưa từng phạm tội và trong sạch trước cuộc đời. Đúng như những hình ảnh rất đẹp của nhà phê bình PGS- TS Nguyễn Thị Minh Thái khi viết về “Muối của rừng”: “Ra khỏi rừng, được chính cuộc đi săn tẩy rửa, chỉ mang theo“tấm thân rày đã nhẹ nhàng”, với độc trọi cảm giác “phóng sinh” trong trẻo, lâng lâng đốn ngộ”[1]. Nhân vật “Muối của rừng” cuối cùng đã thực hiện “khúc ca khải hoàn” của cái thiện trong một cuộc đấu tranh khốc liệt, dằng xé.
Một vấn đề nhân sinh phổ quát
“Muối của rừng” đã đưa ra một vấn đề nhân sinh phổ quát đó là mâu thuẫn giữa cái ác và cái thiện trong mỗi một con người. Con người trong thời đại nào cũng thế, luôn luôn tồn tại cuộc đấu tranh giữa phần bản năng sinh vật đê tiện thấp hèn và phẩm chất người cao quý. Đó không chỉ là câu chuyện của trí tưởng tượng mà còn là câu chuyện muôn đời. Đó là triết lý nhân sinh về lẽ sống, lẽ làm người trong cuộc đấu tranh bền bĩ và dai dẳng cho việc hoàn thiện nhân cách con người.
Nguồn gốc của mọi tội lỗi, của những điều ác suy cho cùng cũng do con người đang bị mất niềm tin vào các giá trị. Họ trở nên tách rời nhau, tách rời với tình yêu và cội nguồn của sự sống. Từ đó con người luôn có cảm giác sợ hãi và thiếu an toàn. Cũng từ nỗi sợ hãi, con người trở nên tham lam với khát vọng muốn sở hữu, muốn chiếm đoạt (những thứ như vật chất, sự ca tụng, sự quan tâm của người khác…) để làm mình có giá trị hơn. Con người trong hành trình mải miết tìm cách khỏa lấp nỗi sợ đó đã quên đi tính thiện luôn ẩn chứa bên trong của mình. Chúng ta để nỗi sợ lấn át tiếng gọi của trái tim, của thiên lương thuần khiết và cứ thế chạy theo trò chơi cuộc đời. Ranh giới giữa cái thiện và cái ác trở nên rất mong manh và nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Nếu con người chỉ sơ sẩy bước chệch chân đã lao ngay vào hố sâu thăm thẳm của cái ác mà khó lòng thoát ra được. Lúc ấy chỉ có cái đẹp xuất hiện mới đủ sức cứu rỗi và nâng đỡ con người thoát khỏi vòng bủa vây của cái ác. Nhân vật “Muối của rừng” đã may mắn có được điều đó.
Nghệ thuật kể chuyện độc đáo
Muối của rừng xây dựng nhiều những hình ảnh ước lệ mang triết lý sâu sắc trong một giọng văn lạnh lùng, kiêu bạc thấm đẫm con chữ. Vẫn lối viết cực ngắn trong một cốt truyện đơn giản. Đi săn, trang bị đầy đủ, cuối cùng cởi truồng trở về. Nhưng nét hấp dẫn của văn Nguyễn Huy Thiệp là ở đó. Ngay trong cái hữu hạn của từng từ, từng chữ lại chứa đựng cái vô hạn về ý nghĩa mà độc giả hậu thế vẫn cứ mải mê kiếm tìm cái hay cái đẹp trong mỗi câu văn, trong tầng tầng lớp nghĩa của những hình ảnh đầy ẩn ý.
Cách xây dựng nhân vật và tình huống truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã được “lạ hóa”, chẳng giống bất kỳ ai. Một ông lão, cô độc, vào rừng đi săn trong một sớm xuân. Tên nhân vật cũng mang dụng ý của tác giả, thậm chí khó phát âm để tạo ấn tượng cho người đọc. “Diểu” theo từ điển Hán – Việt (Thiều Chửu) có nghĩa là sâu thẳm, mờ mịt khó xác định. Phải chăng đây là một yếu tố mà tác giả tạo ra để phù hợp tính chất huyền ảo của truyện ngắn.
Đọc “Muối của rừng” để thấy truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không phải chỉ có cái ác, cái xấu xa, cái ti tiện. Bức tranh về số phận con người trong những tác phẩm của ông không chỉ toàn màu đen. Ở đó vẫn ngời sáng những nhân cách đẹp, những tâm hồn thuần khiết, sáng trong tựa suối nguồn.
Vì vậy mà người đọc vẫn cảm thấy tin yêu cuộc đời, tin vào thiên lương, vào con người bản nguyên thuần phác. Lẽ dĩ nhiên, với nhiều hình ảnh biểu tượng, những tầng tầng lớp nghĩa ẩn dấu đằng sau mỗi câu chữ sẽ là một mạch nguồn vô tận cho nhiều độc giả có cách tiếp nhận “Muối của rừng” theo nhiều hướng khác nhau. Tất cả tùy thuộc vào sự kiếm tìm, lý giải của người đọc trước một “đề án mở” về con người mà nhà văn đã cố tình “để ngỏ”. Gấp sách lại, người viết cũng mong sao một lần được gặp loài hoa trắng muốt, bé li ti như hạt muối của rừng – để biết rằng mình đã tìm thấy cái thiện – thứ mà suốt đời này con người vẫn luôn theo đuổi và tìm kiếm.
[1] PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp:“Tôi là một người sống ảo”, Báo An ninh thủ đô, đăng ngày 9/9/2007
Chia sẻ:
Có liên quan
Từ khóa » Truyện Ngắn Muối Của Rừng
-
Truyện Ngắn Muối Của Rừng - Nguyễn Huy Thiệp - Dehoctot.
-
Đọc Truyện “Muối Của Rừng” Của Nguyễn Huy Thiệp | Văn Việt
-
Muối Của Rừng - Nguyễn Huy Thiệp # Mobile
-
Muối Của Rừng - Tạp Chí Sông Hương
-
Muối Của Rừng: Con Người Có Bắt Buộc Phải đối đầu Với Thiên Nhiên?
-
Truyện Ngắn Muối Của Rừng | Đọc Truyện đêm Khuya - YouTube
-
Tản Mạn Về Truyện “Muối Của Rừng” Của Nhà Văn Nguyễn Huy Thiệp
-
Muối Của Rừng Ppt - Tài Liệu Text - 123doc
-
Đọc "Muối Của Rừng" Từ Góc Nhìn Bát Chính Đạo
-
“Muối Của Rừng” (Nguyễn Huy Thiệp) – Bài Ca Về Tính Người Của Con ...
-
Liên Văn Bản Trong Sáng Tác Nguyễn Huy Thiệp, 2013 — Trang 6
-
Muối Của Rừng | Tiki