Mười Năm Gia Nhập WTO - Thành Tựu Cơ Bản, Thách Thức Cho Việt ...

 

 

  Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và sau đó là Đại hội XII đã đề ra đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, trong đó có chủ trương rất quan trọng là "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế". Cụm từ ngày cũng được mô tả rõ hơn về nội hàm trong Nghị quyết 22-NQ/TW 10/04/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Từ phạm trù "hội nhập kinh tế quốc tế" trong  văn kiện của các kỳ Đại hội trước Đại hội XI chuyển sang "hội nhập quốc tế" không đơn thuần là việc thay đổi cú pháp mà đó thực sự là một phát triển quan trọng về chất trong tư duy đối ngoại, thể hiện đường lối đối ngoại mang tính toàn diện của Đảng ta. Chúng ta cùng nhớ lại sự kiện vào tháng 01 năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Từ chỗ bị bao vây, cấm vận kinh tế, nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước”[1],  chúng ta đã tham gia vào hầu hết các thiết chế toàn cầu, trong đó có WTO. Trải qua 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã đang chứng tỏ năng lực có thể tham gia một cách đầy đủ và có trách nhiệm vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của WTO nhằm bảo vệ một cách tốt nhất lợi ích của mình tại diễn đàn đa phương lớn nhất toàn cầu về thương mại. Trải quả 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu mang tính đột phá (I), tuy nhiên cơ hội bao giờ cũng đi liền với thách thức, do đó hiện nay cũng đang đặt ra hàng loạt các vấn đề mà chúng ta phải giải quyết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4[2] đang diễn ra với tốc độ chóng mặt (II). I. NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN SAU MƯỜI NĂM GIA NHẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO) Việc gia nhập WTO là kết quả của 11 năm đàm phán gay go, phức tạp, trong bối cảnh mang tính nền tảng là đất nước đang thực hiện chính sách Đổi mới, Hiến pháp năm 1992 ghi nhận một cách rõ ràng quyền sở hữu tư nhân và công nhận khu vực này là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo sự bình đẳng của các thành phần kinh tế khác nhau trong khi vẫn duy trì vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Cải cách doanh nghiệp đã được mở rộng để chuyển đổi DNNN thành các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần thông qua quá trình cổ phần hóa. Cải cách về đất đai cho phép hộ gia đình có quyền quản lý và hưởng lợi, trong khi vẫn duy trì quyền sở hữu toàn dân về đất đai, hợp pháp hóa việc bán, trao đổi, thừa kế, thế chấp, cho thuê quyền sử dụng đất. Chính sách đổi mới cũng thiết lập một hệ thống ngân hàng hai cấp với việc Ngân hàng Nhà nước từ bỏ chức năng ngân hàng thương mại và thay vào đó tập trung vào các chức năng của một ngân hàng trung ương. Các cải cách khác liên quan đến chính sách tài khoá, tiền tệ, lập pháp và phân cấp quản lý hành chính với việc giao một số chức năng và thẩm quyền quan trọng của cơ quan trung ương cho chính quyền địa phương, và một số cải cách khác. Tính đến thời điểm Việt Nam gia nhập WTO kể từ khi Hiến pháp 1992 được ban hành, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 368 luật và pháp lệnh, và Chính phủ đã ban hành hàng ngàn nghị định hướng dẫn thi hành. Mục đích của các đạo luật này là mang lại năng lực sản xuất của đất nước và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và giúp cho các doanh nghiệp nhận thức được năng lực sản xuất của mình và sử dụng nguồn lực của mình hiệu quả hơn. Hệ thống pháp luật được cải cách đã đóng góp vào việc tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh cho doanh nghiệp bằng việc bảo vệ quyền kinh doanh và cấm cạnh tranh không lành mạnh phù hợp với các quy tắc của WTO. Đặc biệt, Luật và các quy định của Việt Nam đảm bảo sự đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá khách quan của WTO, những thành tựu đáng kể đã đạt được trong việc thiết lập kinh tế thị trường ở Việt Nam được coi là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Kết quả là, các đối tác thương mại lớn như Ốt-x-trây-li-a, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Thụy Sỹ cũng như nhiều các quốc gia khác ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á và châu Âu đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ phù hợp với quy định của WTO[3].

1.Một số thành tựu về phát triển kinh tế và chính sách Thương mại[4]

Việt Nam được các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế (WB, IMF, ADB…) nhận định là một trong những nền kinh tế Đông Á thành công nhất kể từ khi bắt đầu chính sách Đổi mới năm 1986. Tăng trưởng kinh tế đã vượt 9% mỗi năm ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 nổ ra, và vượt 8% hàng năm trước suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Với tư cách thành viên WTO, được hưởng những lợi thế từ tự do hóa thương mại mang lại, từ năm 2007 đến năm 2010, GDP của Việt Nam đã tăng 35,8% trong đó ba ba trụ cột tăng trưởng là: nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Tuy nhiên, trong nửa sau của những năm 2000, nền kinh tế bắt đầu trải qua một thời kỳ khó khăn do tăng trưởng chậm, khả năng cạnh tranh quốc tế kém và bất ổn định về kinh tế vĩ mô. Vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, Việt Nam phải đối mặt với kinh tế tăng nóng do dòng vốn đầu tư khổng lồ. Những nỗ lực để thanh lọc các dòng vốn này đã không thể ngăn sự bùng nổ tín dụng ngân hàng, lạm phát tăng nhanh, thâm hụt thương mại gia tăng và bong bóng giá tài sản. Ngoài ra, trong năm 2008, nền kinh tế nước ta, bên cạnh những thách thức trong nước, cũng bị cuốn vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ tháng 3/2008, Chính phủ đã thành công trong việc ổn định nền kinh tế và giảm thâm hụt thương mại xuống mức kiểm soát. Giai đoạn sau 2010, tăng trưởng GDP thực tế, giảm từ 6,42% trong năm 2011 xuống 5,25% (năm/năm) trong năm 2012, tốc độ chậm nhất kể từ năm 1999 do lượng cầu trong nước yếu chủ yếu vì lạm phát leo thang trong năm 2011 đã thay đổi kỳ vọng của người tiêu dùng và gây ra tăng trưởng tiêu dùng cá nhân giảm và FDI phát triển mờ nhạt. Tháng 3 năm 2013, lạm phát đã giảm từ 2 con số xuống khoảng 7 phần trăm (năm/năm) Với dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Thị trường tài chính êm ả trở lại do những nỗ lực không ngừng của Ngân hàng Nhà nước (SBV) trong việc cung cấp thanh khoản và sáp nhập một số ngân hàng yếu nhỏ. Thặng dư tài khoản vãng lai tăng lên hơn 9 tỷ đô la Mỹ trong năm 2012. Hiện tại, tổng dự trữ quốc tế tăng đến hơn 3 tháng của nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ước tính. Năm 2016 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều biến động. Tốc độ tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu đề ra; ngành nông – lâm – thuỷ sản gặp khó vì thiên tai, hại hán; ngành khai khoáng giảm sâu tác động mạnh đến mức tăng trưởng chung... Tuy nhiên, về chủ đạo, kinh tế Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể. Dù vậy, theo Tổng cục thống kê mức tăng trưởng năm 2016 tuy thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng là 6,7% đã đề ra nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn thì mức trên đã là một thành công. Tăng trưởng nhanh đồng hành với tăng đột biến về thương mại. Cải cách kinh tế trong nước và mở cửa thương mại liên tục là tâm điểm của sự bùng nổ của dòng vốn FDI và thương mại từ đầu những năm 1990 cho đến năm 2008. Từ năm 1990 đến năm 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 19,6%, và tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đạt trung bình 16%. Kết quả là, tỷ trọng thương mại trong GDP tăng từ 23% năm 1986 lên 67% vào năm 1991, sau đó đến 97% vào năm 1998 và 171% vào năm 2007. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu trung bình hàng năm đã giảm xuống còn 13,5% và 13, 9% trong giai đoạn 2001 - 2006, tiếp tục giảm từ năm 2007 đến năm 2011 đạt chỉ 10,85% và 11,90% chủ yếu là do GDP và thương mại tăng chậm trong năm 2008, và giảm cả nhập khẩu và xuất khẩu năm 2009. Tuy nhiên, từ năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu đã phục hồi khá tốt, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Riêng năm 2016 vừa qua, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, thể hiện trên cả hai phương diện quy mô và tốc độ tăng so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đây là một kết quả khả quan trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực[5]. Xuất siêu khoảng 2,52 tỷ USD. Xuất siêu năm 2016 đạt được do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, đã đảo ngược cán cân thương mại từ thâm hụt năm 2015 sang thặng dư năm 2016. Thặng dư cán cân thương mại đã góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu và máy móc thiết bị phục vụ chủ yếu cho sản xuất trong nước và gia công, xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao (88%) tổng kim ngạch. Những kết quả trên đây của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2016 là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề cho sự phát triển của xuất nhập khẩu nói riêng và cả nền kinh tế nước ta nói chung trong những năm tới.

  1. Một số thành tựu về tái cơ cấu nền kinh tế

Năm 2012, Chính phủ đã nỗ lực đổi mới để ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện trong "Đề án tổng thể về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng cải thiện chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020" được thông qua ngày 19 tháng 2 năm 2013. Đề án tổng thể nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo ra một hệ thống tăng trưởng kinh tế lành mạnh, ổn định và dài hạn, đặc biệt là dựa vào ưu đãi về thuế và các biện pháp đầu tư khác, thúc đẩy việc phân phối và sử dụng các nguồn lực xã hội hỗ trợ các lĩnh vực và sản phẩm có tính cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, xây dựng cấu trúc kinh tế hiệu quả, khuyến khích công nghiệp sử dụng công nghệ cao, cải thiện nội lực của nền kinh tế và tăng cường hội nhập quốc tế. Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, chúng ta đã đạt được một số thành quả tích cực bước đầu trong tái cơ cấu ngành ngân hàng: sự an toàn và lành mạnh mang tính hệ thống đã được cải thiện đáng kể; các ngân hàng yếu kém đã được quản lý chặt chẽ và được giải quyết bằng những biện pháp thích hợp do đó thị trường tiền tệ giữ được ổn định; (iii) tỷ lệ NPL (nợ xấu/tổng dư nợ) tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Việt Nam đã thực hiện một chương trình đánh giá lĩnh vực tài chính (FSAP) với sự hỗ trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Chương trình này cung cấp một bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực tài chính và quy định những định hướng quan trọng cho những cải cách tài chính và ngân hàng sau này.   Về tổ chức lại khu vực DNNN, Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế tiếp tục thực hiện Đề án "Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2012, trong đó hướng dẫn các Bộ phân loại DNNN theo tính chất hoạt động, vai trò trong nền kinh tế và mức độ sở hữu Nhà nước. Việc phân loại sẽ tạo cơ sở để tiếp tục cổ phần hóa DNNN cũng như hợp lý hóa cơ cấu của khu vực DNNN. 3. Một số thành tựu về chính sách cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Cả trong quá trình đàm phán gia nhập cũng như từ khi trở thành thành viên WTO, Chính phủ luôn thừa nhận một cách nhất quán vai trò không thể thiếu của chính sách cạnh tranh hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, cũng như những lợi ích mà thị trường cạnh tranh mang lại đối với sự phát triển và hiệu quả kinh tế. Được ban hành vào ngày 3 tháng 12 năm 2004 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2005, Luật Cạnh tranh[6] (đạo luật đầu tiên về cạnh tranh của Việt Nam) là kết quả của quá trình soạn thảo bốn năm, có sự tham khảo quy định của 9 nước khác và luật mẫu được UNCTAD và WB khuyến nghị, được đánh giá là đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về cạnh tranh. Mục tiêu của Luật Cạnh tranh là thúc đẩy môi trường kinh doanh cạnh tranh và phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Luật Cạnh tranh áp dụng đối với mọi doanh nghiệp mà không phân biệt đối xử giữa các loại hình sở hữu doanh nghiệp (trong và ngoài nước, nhà nước hoặc tư nhân). Kể từ năm 2005 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền về cạnh tranh của Việt Nam (Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam) đã xử lý hơn hàng trăm vụ việc hạn chế cạnh tranh, hàng ngàn vụ liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và khoảng hơn 30 vụ tập trung kinh tế (chủ yếu là sáp nhập và mua lại).           4. Một số thành tựu trong thực hiện các cam kết gia nhập WTO Là thành viên của Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện tất cả các cam kết quốc tế nói chung, trong đó có cam kết gia nhập WTO. Ngay cả trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên cho cải cách thương mại và quy chế đầu tư nhằm tuân thủ đầy đủ các cam kết gia nhập WTO. Thực ra, Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO trước ngày chính thức trở thành thành viên của WTO. Chính phủ đã bắt đầu thiết lập một kế hoạch hành động chuẩn bị các cơ quan hành chính có liên quan ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh để thực hiện các cam kết gia nhập. Cụ thể là, Chính phủ đã xây dựng khung pháp lý để thực hiện cam kết gia nhập của Việt Nam yêu cầu không chỉ rà soát lại toàn bộ hệ thống của pháp luật trong nước mà còn rà soát hệ thống pháp lý liên quan. Để bảo đảm rằng không có kẽ hở trong các cam kết gia nhập Việt Nam trong luật pháp quốc gia, một điều khoản đã được bổ sung vào Luật Điều ước quốc tế (2005 và 2015) quy định rằng, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.           4.1. Về thuế quan Chúng ta đã có những cam kết trần trong toàn bộ Biểu thuế quan (10.600 dòng). Kết quả là, thuế suất tính theo giá trị trung bình ở mức 17,5% giảm xuống còn 11,4% vào năm 2019. Đối với sản phẩm nông nghiệp, cắt giảm thuế quan đã được thực hiện từ mức 22,4%  xuống 20,9% và thuế quan cho các sản phẩm phi nông nghiệp cắt giảm sẽ dẫn đến thuế quan trung bình được hạ từ 13,1% xuống 12,6% trong giai đoạn thực hiện.  Như tất cả các thành viên mới gia nhập khác, Việt Nam đã cam kết tham gia một số các thỏa thuận tự do hóa ngành và các sáng kiến. Một trong những lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thực hiện sự tham gia đầy đủ là công nghệ thông tin với Hiệp định Công nghệ Thông tin (ITA). Việt Nam đã liên tục thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để thực hiện các cam kết theo Danh mục cắt giảm thuế quan[7]. Tiến độ cam kết cắt giảm thuế quan đã được thực hiện hoặc theo lộ trình hoặc nhanh hơn so với dự kiến. Mức thuế suất nhập khẩu trung bình năm 2012 của Việt Nam là 10.4%, thấp hơn nhiều so với cam kết trong WTO do nhiều mặt hàng Việt Nam đã cắt giảm nhanh hơn so với cam kết. Đối với sản phẩm phi nông nghiệp, nói chung các mức thuế áp dụng hiện nay là thấp hơn so với cam kết đến cuối năm 2009. Việc giảm thuế cao nhất được áp dụng đối với thủy sản, dệt may, dệt may, gỗ và giấy, sắt thép, điện tử và các sản phẩm chế biến khác. Đối với thủy sản, khoảng hai phần ba tổng số dòng thuế áp dụng thấp hơn so với mức cam kết, những dòng thuế còn lại tương đương với mức đã cam kết. Hạn ngạch thuế quan được áp dụng cho trứng, đường tinh luyện và đường thô, nguyên liệu thuốc lá và muối. Việt Nam thực hiện các cam kết này theo đúng lộ trình.[8]  4.2. Các cam kết khác về thương mại hàng hóa Bên cạnh các cam kết về thuế quan, Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều cam kết gia nhập khác về thương mại hàng hóa.  Về thuế tiêu thụ đặc biệt, chẳng hạn như đối với đồ uống có cồn, sự chênh lệch trước thuế tồn tại giữa hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu đã được loại bỏ khi Luật sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2009 và Nghị định hướng dẫn thi hành số 26/2009/NĐ-CP.  Từ khi gia nhập WTO Việt Nam đã bãi bỏ tất cả các loại trợ cấp xuất khẩu cho cả sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của Hiệp định về Nông nghiệp, Việt Nam vẫn có thể dành hai hình thức trợ cấp xuất khẩu cho phép của WTO cho các nước đang phát triển để giảm chi phí tiếp thị xuất khẩu nông sản và các chi phí vận tải quốc tế và hàng hóa.  Liên quan đến quyền quyền nhập khẩu và xuất khẩu, Việt Nam đã cam kết cấp quyền nhập khẩu đầy đủ ngang bằng giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FIEs) từ 01 tháng 01 năm 2007, ngoại trừ một số sản phẩm mà quyền nhập khẩu đầy đủ đã được cấp từ 01 tháng 01 năm 2009 và có thể vẫn còn trong ngoại lệ vĩnh viễn. Kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng đã thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thi hành cam kết gia nhập[9]. Trong lĩnh vực hải quan, Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ nguyên tắc của WTO về phí hải quan, nguyên tắc xác định trị giá hải quan theo Hiệp định trị giá hải quan của WTO; đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại hơn nữa.           Đối với quản lý giá, thực hiện cam kết WTO, cơ chế quản lý giá đã từng bước được đổi mới, hoàn thiện theo hướng phù hợp với sự vận động của nền kinh tế thị trường. Việc ban hành Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Giá đã thể hiện rõ nét những thay đổi trong công tác quản lý giá trên các phương diện: định giá, bình ổn giá và đăng ký, kê khai giá, trong đó Nhà nước đã từng bước giao quyền định giá cho các doanh nghiệp. Từ 1/1/2013 Luật Giá đã thay thế Pháp lệnh giá. Với sự ra đời của Luật mới, phạm vi điều chỉnh và áp dụng của việc đăng ký giá và công bố giá đã bị thu hẹp đáng kể. 4.3. Thương mại dịch vụ Trong cam kết dịch vụ, Việt Nam đã cam kết cụ thể trong 11 lĩnh vực gồm khoảng 110 trong số 155 phân ngành trong bảng phân loại của WTO. Tất cả cam kết tiếp cận thị trường và các đối xử quốc gia đã được thực hiện.  Đối với các cam kết, trong đó cung cấp mức độ cao hơn tiếp cận thị trường hoặc đối xử quốc gia với các dịch vụ nước ngoài và các nhà cung cấp dịch vụ hơn so với quy định đã có từ trước, Chính phủ đã ban hành văn bản pháp luật mới để nội luật hóa các cam kết. Các lĩnh vực có liên quan là phân phối[10], ngân hàng[11], bảo hiểm[12], viễn thông[13] và các dịch vụ liên quan đến chứng khoán[14] (một phần của dịch vụ ngân hàng trong danh sách phân loại của WTO). Đối với các dịch vụ còn lại, các cam kết đã được thực hiện tuân thủ Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.  Trong lĩnh vực ngân hàng, đến năm 2011, quy định hạn chế huy động tiền gửi Việt Nam đồng tại các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được bãi bỏ; các ngân hàng nước ngoài được phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài và thực hiện các hoạt động giống như các ngân hàng trong nước. Đến thời điểm này, tất cả các cam kết gia nhập WTO trong lĩnh vực ngân hàng đã được thực hiện đầy đủ. Các tổ chức tín dụng nước ngoài có thể tham gia thị trường Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài, ngân hàng cổ phần thương mại…  Trong lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán, Việt Nam cho phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài dưới hình thức công ty cổ phần và cho phép doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và công ty chứng khoán nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam tạo sân chơi minh bạch và bình đẳng cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài.  Trong lĩnh vực viễn thông, ngay sau khi gia nhập, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập liên doanh với đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam. Đối với dịch vụ có hạ tầng mạng, sở hữu nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 49% (đối với các dịch vụ cơ bản) và 50% (đối với các dịch vụ giá trị gia tăng) vốn điều lệ của công ty liên doanh; và người sở hữu 51% được coi là kiểm soát quyền lực trong hội đồng quản trị. Đối với dịch vụ không có hạ tầng mạng, sở hữu nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 70% (đối với các dịch vụ mạng riêng ảo) và 65% (đối với các dịch vụ khác) vốn điều lệ của công ty liên doanh.  Trong lĩnh vực phân phối, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phép thành lập từ ngày 1 tháng 01 năm 2009.  Đáng chú ý là, lần đầu tiên trong ngành bán lẻ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được miễn kiểm tra nhu cầu kinh tế khi mở cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ đầu tiên nếu cơ sở này nhỏ hơn 500 mét vuông và nằm trong khu vực được quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hoá. 4.4. Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại Trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại, Việt Nam đã tiến hành thực hiện đầy đủ tất cả các quy định của Hiệp định TRIPS, kể từ ngày gia nhập WTO, mà không cần đến bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp. Trong năm 2008, năm tiếp theo năm Việt Nam gia nhập WTO, hệ thống luật pháp về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được Hội đồng TRIPS rà soát. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tháng 6 năm 2009, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn những sửa đổi đối với Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật hình sự với việc bổ sung các tội phạm xâm phạm quyền SHTT để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về sở hữu trí tuệ có liên quan.

  1. .Về tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp kể từ khi gia nhập WTO

Về giải quyết tranh chấp, Việt Nam luôn ủng hộ quan điểm đề cao hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp là rất cần thiết. Với gần 7 năm trở thành thành viên của WTO, Việt Nam đã sử dụng các quy định giải quyết tranh chấp của WTO để bảo vệ lợi ích của mình trong 03 vụ việc với tư cách nguyên đơn (vụ kiện tôm DS404 và DS429) và 27 vụ việc với tư cách bên thứ ba. Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế, thương mại thế giới. Việc này cũng đồng nghĩa với sự tham gia ngày càng tích cực vào các tranh chấp thương mại quốc tế, xét cả từ phía doanh nghiệp cũng như từ phía Nhà nước. Trong bối cảnh đó, 02 vụ kiện Tôm có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích thương mại cho Doanh nghiệp, lợi thế về ngoại giao kinh tế cho Nhà nước, 02 vụ kiện tôm cũng có thể đem lại những kinh nghiệm hữu ích trong giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, ở nước ngoài cũng như tại WTO trong tương lai. Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại toàn bộ sự việc, từ khâu chuẩn bị đến tiến hành, và kết thúc vụ kiện, có thể nhận thấy việc xác định phạm vi của vụ kiện và thời điểm khởi kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với kết quả của vụ kiện tôm của Việt Nam nói riêng cũng như các vụ kiện tại WTO nói chung. Có thể việc xác định phạm vi và thời gian khởi kiện chính là hai trong số những nhân tố tạo nên sự chưa trọn vẹn trong “thắng lợi” của Việt Nam tại vụ kiện này. 4.5. Về minh bạch hóa chính sách: Từ khi tham gia WTO, các chính sách và quy định pháp luật ban hành đều phải bảo đảm phù hợp với các nguyên tăc WTO đồng thời phải phù hợp với điều kiện của đất nước. Đó là nguyên tắc được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và 2015. Vai trò của chính phủ trở thành người lãnh đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện tối đa đặc biệt là việc cung ứng các hàng hoá công cộng và dịch vụ công cho hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu sự can thiệp có tính chất hành chính của chính phủ vào hoạt động kinh doanh cả doanh nghiệp. Đồng thời, có sự tách dần quyền sở hữu và quyền kinh doanh và xuất hện cơ chế quản trị công ty khác với quản lý nhà nước. Năng lực điều hành của chính phủ sẽ được cải thiện khi những tiêu chuẩn mới đựoc hình thành rõ ràng.  Các tiêu chuẩn của một hệ thống pháp luật minh bạch bao gồm: - Rõ ràng, nhất quán: Đây là tiêu chuẩn đòi hỏi sự thống nhất và đồng bộ trong các chính sách và văn bản pháp luật với các quy định đã ban hành hoặc sẽ ban hành trong nước đồng thời phải thống nhất với các nguyên tắc và quy định của WTO, các cam kết Việt nam đã phê chuẩn. Tránh đến mức tối đa trình trạng âchồng chéo, bỏ sót hoặc duy trì các quy định lạc hậu so với quy định của WTO. Văn bản pháp luật rõ ràng, cụ thể và tạo cách giải thích thống nhất cũng như thực thi nhất quán. Từ các quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn cần được thực hiện đồng thời. Do đó, các thuật ngữ sử dụng trong bàn hành văn bản cần thống nhất với các thuật ngữ sử dụng trong WTO. - Minh bạch và có thể dự đoán: Quá trình xây dựng và ban hành chính sách được thực hiện theo một quy trình minh bạch, đơn giản đến mức cao nhất có thể. Các loại chính sách, quy định cần được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi công dân, thể nhân trong và ngoài nước có thể tiếp cận một cách thuận lợi nhất và nhanh chóng nhất. Việc ban hành, điều chỉnh và hoàn thiện chính sách được thực hiện theo một chiều hướng nhất định để tránh gây ra tình trạng thay đổi và điều chỉnh đột ngột làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và toàn xã hội. Các chính sách hỗ trợ hoặc các “gói kích cầu” của chính phủ cũng đã được thực hiện công khai. - Huy động sự tham gia của công chúng vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật: Luật ban hành VBQPPL năm 2008 và 2015 đã chính thức mở ra cơ chế huy động sự sự tham gia của công chúng vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật thông qua các hình thức như: góp ý dự thảo đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử, tham gia phản biện xã hội…Chính vì vậy, nhiều dự thảo quy định vô lý, thiếu tính khả thi đã được ngăn chặn kịp thời như quy định ngực lép không được điều khiển xe máy, quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng… II. MỘT SỐ THÁCH THỨC TIẾP TỤC ĐẶT RA CHO VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP TOÀN DIỆN VÀ KIẾN NGHỊ

  1. Về tái cơ cấu nền kinh tế:

Thực tế trong 10 năm qua cho thấy, việc gia nhập WTO không phải là “ngọn đũa thần” có thể giải quyết toàn bộ các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều ý kiến còn chỉ trích chúng ta mở cửa thị trường quá vội vã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “thua ngay trên sân nhà”, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.           Tuy nhiên, không thể phủ nhận các thành quả do việc gia nhập WTO mang lại. Vấn đề là Chính phủ cần quyết tâm theo đuổi thành công công cuộc tái cơ cấu như đã đề ra trong "Đề án tổng thể về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng cải thiện chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020"[15], theo đó tái cơ cấu trong lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp Nhà nước, và đầu tư công là các ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch ngắn hạn để tạo điều kiện tốt hơn trong việc phân phối lại nguồn lực một cách hiệu quả, tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế và tái tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Đối với Việt Nam, việc thực hiện thành công Đề án này là rất quan trọng nhằm đạt tăng trưởng kinh tế theo xu hướng mới, hiệu quả và mang tính cạnh tranh toàn cầu đến năm 2020 và đạt mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020. 

  1. Về cải cách hành chính:

Thực tiễn cả trên thế giới và Việt Nam ngày càng cho thấy nền hành chính trong đó đặc biệt là thủ tục hành chính đang ngày một trở thành yếu tố “đầu vào” quan trọng của thương mại hàng hóa, dịch vụ. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện thành công cải cách hành chính nhà nước, một trong những nhân tố cơ bản trong chính sách chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cải cách hành chính nhà nước còn là điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và giảm nghèo cũng như hội nhập hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 nhằm mục tiêu thiết lập hệ thống hành chính công hoạt động minh bạch, hiệu quả và tuân thủ pháp luật cần được thực thi một cách hiệu quả thực chất, gắn với chống quan liêu, tham nhũng và lãng phí.

  1. Về ký kết các Hiệp định thương mại khu vực tự do RTA/FTA:

Các RTA/FTA vẫn luôn bị coi là mối đe dọa đối với sự tồn tại của hệ thống thương mại đa phương. Tuy nhiên, giống như tất cả các nước, Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách hội nhập kinh tế và thương mại thông qua tự do hóa trên các cấp độ đa phương, khu vực và song phương. Trong khuôn khổ WTO, bất chấp sự bế tắc của vòng đàm phán Doha, Việt Nam vẫn cam kết tiếp tục ủng hộ sự thành công của tất cả các nhóm đàm phán, bao gồm cả về nông nghiệp, NAMA, Các quy tắc và Dịch vụ, với mong muốn thấy được những bước tiến mới về các điều kiện tiếp cận thị trường trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh việc cam kết củng cố hệ thống thương mại đa phương và tiếp tục tự do hóa thương mại thông qua các đàm phán đa phương trong khuôn khổ WTO, Việt Nam cũng theo đuổi các chính sách thương mại khu vực và song phương để tự do hóa thương mại hơn nữa qua các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại chủ yếu. Chính phủ Việt Nam cho rằng các hiệp định thương mại khu vực là nhân tố bổ sung cho thương mại đa phương và cần phải phù hợp với các quy định tương ứng của WTO. Nguyên tắc tham gia thương mại khu vực của Chính phủ Việt Nam là việc tham gia FTA phải có sự chọn lọc, phải xem xét khả năng đóng góp của FTA tương lai vào phát triển bền vững của đất nước, các lợi ích kinh tế và cơ hội mới, các lợi thế so sánh và đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 và các giai đoạn tiếp theo. Việc tham gia các FTA phải phù hợp với năng lực hội nhập, trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chúng ta cần tiếp tục tiến trình hội nhập khu vực, đặc biệt là thông qua các hiệp định trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN cộng về thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ cũng như các hiệp định thương mại tự do khác đã ký kết khác mà Việt Nam đã cam kết thực hiện đầy đủ các cam kết tự do hoá theo tiến độ và thời gian đã thống nhất. Đối với các hiệp định song phương và khu vực đang đàm phán, Việt Nam cần cố gắng hết sức mình để kết thúc đàm phán các hiệp định này theo tiến độ mục tiêu mà các bên đàm phán mong muốn. 4. Về nâng cao hiệu quả của Việt Nam tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO           Thực tiễn 10 năm tham gia WTO cũng chính là 10 năm học hỏi và làm quen với cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Qua 02 vụ kiện tôm như đã nói ở trên, muốn nâng cao hiệu quả của Việt Nam tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, chúng ta cần phải giải quyết một số thách thức sau: - Tiếp tục hoàn thiện thể chế về vai trò của các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ theo hướng tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức này cũng như các chuyên gia, nhà khoa học được tham gia sâu, tiếp cận sớm với hồ sơ, tài liệu của vụ kiện để có ý kiến tư vấn, phản biện, giúp cho các cơ quan chính phủ có thêm cơ sở khoa học để xử lý tốt hơn công việc của mình. Trong 02 vụ kiện Tôm, tiếng nói của chuyên gia đã đóng góp một phần đáng kể vào thắng lợi quan trọng nhất của phía Việt Nam. Cụ thể là, để chứng minh phương pháp Quy về không đơn giản (simple zeroing) được sử dụng bởi USDOC trong cuộc điều tra bán phá giá ban đầu cũng như các đợt rà soát hành chính tiếp theo đối với các DN Việt Nam, Việt Nam đã trình lên Panel Bản khai có tuyên thệ của một chuyên gia phân tích thương mại có tên là Michael Ferrier, người từng làm việc cho USDOC trong phân tích cơ sở dữ liệu trên máy tính dùng để áp dụng phương pháp Quy về không. Bản khai có tuyên thệ của ông Michael Ferrier đã được Panel chấp nhận như một phần trong hồ sơ của Việt Nam, được dùng như một chứng cứ hữu hiệu để Panel đi đến kết luận là phương pháp Quy về không đơn giản trên thực tế đã được áp dụng bởi phía Hoa Kỳ. Tương tự, liên quan đến nội dung khiếu kiện của Việt Nam về phương pháp Quy về không về mặt pháp lý (zeroing “as such”), Bản khai có tuyên thệ của ông Micheal Ferrier cũng được Panel sử dụng như một chứng cứ quan trọng, làm cơ sở cho kết luận về sự vi phạm của Hoa Kỳ. Đặc biệt, liên quan đến nội dung này, để bác bỏ lập luận của Hoa Kỳ cho rằng Bản khai có tuyên thệ của ông Micheal Ferrier không được coi là một “ý kiến của chuyên gia” nhằm chứng mình phương pháp Quy về không “as such” của Hoa Kỳ, Panel đã trích dẫn các án lệ của Ban Phúc thẩm, theo đó Panel có quyền sử dụng các tài liệu trong hồ sơ của các bên trong vụ tranh chấp bất chấp mục đích ban đầu của người cung cấp chứng cứ đó. - Tăng cường năng lực cán bộ (đặc biệt đội ngũ luật sư công trong tương lai). Trong 02 vụ kiện trên, cơ bản chúng ta đều phải thuê  đội ngũ luật sư nước ngoài. Việc làm này vừa rất tốn kém, mặt khác cũng đặt ra nhiều hoài nghi về vấn đề bảo mật thông tin. Tất nhiên, không thể hy vọng một sớm một chiều chúng ta có thể đào tạo được ngay một lực lượng luật sư đủ khả năng tham gia tranh tụng tại WTO, nhưng về lâu dài chúng ta không thể không tính đến điều này. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Đề án đào tạo luật sư, chuyên gia pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010” (Đề án 123) trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện. Vừa qua Bộ Tư pháp đã tổng kết Đề án này và kết quả cho thấy vẫn còn ở mức độ rất khiêm tốn. Về lâu dài có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của Trung Quốc, Ấn Độ. Họ cử “đội ngũ nguồn” đi học luật thương mại quốc tế ngay từ bậc đại học tại các nước phát triển, sau đó trở về phục vụ Chính phủ với chế độ đãi ngộ thích đáng. - Tăng cường năng lực cho hệ thống dự báo/cảnh báo sớm: hệ thống cảnh báo sớm (early warning system) là sản phẩm của các nước phát triển ngay từ khi GATT 47 ra đời. Theo đó hệ thống cảnh báo sớm sẽ giúp Chính phủ nói chung và doanh nghiệp nói riêng (i) Xác định sớm các mối đe dọa/nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu trước khi chính thức có đơn khởi kiện từ các ngành sản xuất của nước ngoài; (ii) Các doanh nghiệp có đủ thời gian và điều kiện để kịp thời điều chỉnh nhằm loại bỏ những mối đe dọa và chủ động đối phó với các cuộc điều tra của các cơ quan có liên quan của nước ngoài. Nhóm đối tượng hưởng lợi trực tiếp của hệ thống này là các doanh nghiệp xuất khẩu. Họ sẽ được tiếp cận với các thông tin, số liệu về xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực vào các thị trường chính. Họ cũng sẽ được cảnh báo nếu có nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại và được tư vấn để phòng tránh các vụ kiện cũng như giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp vụ kiện xảy ra. Việt Nam đã chính thức khai trương hệ thống này vào năm 2010, tuy nhiên kết quả đạt được có thể nói là còn ở mức độ khiêm tốn. Trong thời gian tới Chính phủ cần đầu tư thích đáng cho hệ thống này, bao gồm nhiều khâu từ mua thông tin thương mại, nâng cấp cơ sở dữ liệu thương mại, phân tích các án lệ, phát huy vai trò “tiền phương” của các cơ quan đại diện ở nước ngoài… -  Tăng cường năng lực cho cơ quan đại diện ở nước ngoài; cơ chế tham gia sâu vào DSB: đối với các nước phát triển và mới nổi, họ rất quan tâm đầu tư cho lực lượng luật sư/chuyên gia pháp lý tại các cơ quan đại diện, đặc biệt tại các địa bàn đa phương. Trước mắt, Chính phủ nên quan tâm hơn nữa đến đội ngũ này tại một số địa bàn như Geneva, New york, Brussels-là những địa bàn tiền phương quan trọng tham gia vào giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Cần xây dựng lộ trình để Việt Nam từng bước tham gia sâu vào hoạt động của Cơ quan giải quyết tranh chấp cùa WTO (cử chuyên gia tham gia các Panel, ứng cử vào Cơ quan giải quyết tranh chấp, Chủ tịch DSB, chair của các nhóm đàm phán DSU...). Ngay tại địa bàn Geneva cũng cần quan tâm tăng cường số lượng cán bộ pháp lý vì trên thực tế, tại Phái đoàn thường trực của các nước lớn như Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản...thường có từ 3-5 cán bộ pháp lý. Một số Phái đoàn ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia cũng có 02 cán bộ pháp lý. - Đối với doanh nghiệp: hiện nay ở các Bộ, ngành công tác pháp chế rất được quan tâm, tuy nhiên ở khối doanh nghiệp thì dường như mới chỉ có các tập đoàn lớn (tổng công ty 90, 91) mới quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2008/NĐ-CP ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong thời gian tới cần thực hiện tốt Nghị định này. Ngoài ra, cần tăng cường năng lực cho Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (trực thuộc Bộ Tư pháp) đặc biệt là tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, tọa đàm chuyên sâu về các tranh chấp thương mại quốc tế. - Tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp với Chính phủ: vụ kiện tôm có thể coi là ví dụ điển hình cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ. Trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa sự phối hợp này, đặc biệt là thông qua vai trò của các hiệp hội như đã nói ở phần trên. - Tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp với cơ quan đại diện ở nước ngoài: hiện nay sự liên hệ, phối hợp với cơ quan đại diện ở nước ngoài dường như mới chỉ khoanh vùng ở vai trò của các cơ quan chính phủ (vụ kiện Tôm là một ví dụ). Đối với các nước phát triển, doanh nghiệp có thể tạo kênh liên hệ, trao đổi trực tiếp với cơ quan đại diện, đặc biệt là cung cấp thông tin, dữ liệu thương mại, đề nghị cơ quan đại diện làm cầu nối cho các tiếp xúc song phương và đa phương... Tóm lại, việc tăng cường hiệu quả tham gia của Việt Nam vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp, trước mắt cho doanh nghiệp, cho người nông dân của ta mà còn tiếp tục củng cố, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần "giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; quán triệt và vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn” như tinh thần của Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10 tháng 4 năm 2013 về hội nhập quốc tế.

  1. Về tiếp tục cải cách hệ thống pháp lý

Hệ thống pháp luật của nước ta có thể nói đã tiến một bước dài trong 10 năm qua cả về số lượng và chất lượng văn bản. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề đặt ra đối với việc tiếp tục cải cách hệ thống pháp lý trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng hiện nay, cụ thể như sau: - Đối với Chính phủ: rõ ràng việc thực thi hiệu quả các cam kết WTO phụ thuộc phần lớn vào tầm nhìn và kế hoạch của Chính phủ. Do đó, cần có một tầm nhìn rõ ràng, đầy đủ và chi tiết và cần đưa ra một kế hoạch được thiết kế phù hợp. Kế hoạch này cần đưa ra các công việc cho tất cả các cấp chính quyền và đảm bảo sự đồng bộ với các nỗ lực cải cách khác trong nước (hành chính, pháp lý và tư pháp). Chính phủ cần tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý, quy định và các biện pháp áp dụng chung hiện hành để tìm ra các điểm không phù hợp với các quy tắc và cam kết trong WTO. Dựa trên kết quả rà soát, cần đưa ra các đề xuất pháp lý cụ thể. Điều quan trọng là các cam kết cần được áp dụng một cách khả thi đối với tất cả các đối tượng: sản phẩm, dịch vụ, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt là các VBQPPL do chính quyền địa phương ban hành tiềm ẩn rất nhiều rủi ro pháp lý cần phải rà soát kỹ vì có thể làm phát sinh các vụ kiện đầu tư quốc tế. Chính phủ cũng cần tiếp tục xây dựng các chương trình giáo dục và đào tạo liên quan tới WTO. Việc này cần làm song song với các cải cách hành chính cần thiết trong cơ cấu của Chính phủ, dịch vụ công và các thủ tục hành chính. - Đối với doanh nghiệp: các doanh nghiệp nếu được trang bị đầy đủ thông tin và kiến thức về WTO thì sẽ học hỏi nhanh chóng để cạnh tranh trong môi trường mới. Do đó, các chương trình nâng cao nghiệp vụ về WTO cần được xây dựng cho doanh nghiệp và vì doanh nghiệp. Ở đây, bên cạnh hướng dẫn và thông tin từ Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực (thông qua nhiều phương tiện khác nhau như phát triển nguồn nhân lực, sử dụng luật sư, tự mình cập nhật thông tin…để tận dụng các quy tắc pháp lý mới (chủ động góp ý đối với dự thảo luật và văn bản hướng dẫn, có phản ứng hợp lý khi bị tác động trên cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài...).

TS. Nguyễn Hữu Huyên Phó Vụ trưởng - Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp Nguyên Tham tán Phái đoàn thường trực CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức Quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ)  

 

 

[1] Văn kiện Đại hội VII của Đảng (6/1991) đề ra chủ trương “hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị – xã hôi khác nhau, trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình”, với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

[2] Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution) được hiểu là kỷ nguyên công nghiệp lớn thứ tư kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên từ thế kỷ 18. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể được mô tả như là một loạt các công nghệ mới đang kết hợp các thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học, và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế và các ngành công nghiệp.đến tất cả các ngành kinh tế và ngành công nghiệp. Trung tâm đến cuộc cách mạng này đang nổi lên những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D, và công nghệ nano. (https://www.weforum.org/agenda/2016/01/the-fourth-industrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond/).

 

[3] https://www.wto.org/english/tratop_e/tpr_e/tp387_e.htm.

[4] Nguồn thông tin tham khảo từ Economist Intelligence Unit ( http://country.eiu.com/vietnam).

[5] Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 14/03/2017, kim ngạch xuất khẩu toàn cầu năm 2016 đạt khoảng 14.806 tỷ USD, giảm 2,6% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của một số nước trong khu vực giảm so với năm trước như Trung Quốc đạt 2.098 tỷ USD, giảm 7,7%, Ấn Độ đạt 264 tỷ USD, giảm 1,3%, Indonesia đạt 144 tỷ USD, giảm 3,9%, Malaysia đạt 189 tỷ USD, giảm 4,9%, Singapore đạt 330 tỷ USD, giảm 4,9%. Xuất khẩu của Thái Lan năm 2016 đạt khoảng 215 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với năm 2015.

[6] Tác giả có cơ hội được tham gia biên tập và thẩm định dự thảo Luật này.

[7] Cam kết cắt giảm thuế quan và thuế xuất khẩu hàng hóa được quy định tại Quyết định số 39/2006/QĐ-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2006, Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20 tháng 12 năm 2007 và Quyết định số 123/2008/QĐ-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2008, Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12 tháng 11 năm 2009 , Quyết định số 1474/QĐ-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2009.

[8] Các văn bản quy phạm pháp luật về hạn ngạch thuế quan gồm Quyết định số 35/2006/QD-BTM ngày 8/12/2006 về lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2007; Quyết định số 77/2006/QD-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2006 ban hành danh mục hàng háo và thuế suất theo hạn ngạch thuế quan; Quyết định số  14/2007/QD-BCT ngày 28/12/2007 về lượng hạn ngạch thuế quan áp dụngcho hàng hóa nhập khẩu năm 2008; Thông tư  16/2008/TT-BCT ngày 9/12/2008 hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục điều hành hạn ngạch thuế quan năm 2009; Thông tư 37/2009/TT-BCT ngày 15/12/2009 hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục điều hành hạn ngạch thuế quan năm 2010; Thông tư 188/2009/TT-BTC ngày 22/9/2008 quy định danh mục hàng hóa và thuế suất thuế nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan; Thông tư  45/2010/TT-BCT ngày 31/12/2010 quy định nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục quản lý nhập khẩu và xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2011; Thông tư 02/2012/TT-BCT ngày 18/1/2012 quy định nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá theo hạn ngạch thuế quan năm 2012; Thông tư 22/2012/TT-BCT ngày 6/8/2012 vè nhập khẩu muối, đường trứng theo hạn ngạch thuế quan năm 2012; Thông tư 111/2012/TT-BTC ngày04/7/2012 quy định danh mục hàng hóa và huế nhập khẩu hàng hóa tuân theo hạn ngạch thuế quan; Thông tư 04/2013/TT-BCT ngày 8/2/2013 về nhập khẩu muối, đường, trứng theo hạn ngạch thuế quan 2013; Thông tư 02/2013/TT-BCT ngày 18/1/2013 về nhập khẩu nguyen liệu thuốc lá theo hạn ngạch thuế quan 2013.

[9] Nghị định 23/2007/NĐ-CP của Chính phủ (12 tháng 02 năm 2007) triển khai thực hiện Luật Thương mại về hoạt động kinh doanh và phân phối của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Thông tư 09/2007/TT-BTM (ngày 07 tháng 07 năm 2007) hướng dẫn Nghị định 23, Thông tư số 05/2008/TT-BCT (14 tháng 4 năm 2008) sửa đổi, bổ sung Thông tư 09. Ngày 22 tháng 04 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BCT hướng dẫn việc nhập khẩu, xuất khẩu, và phân phối hàng hoá của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. 

[10] Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư số 09/2007/TT-BTM ngày 17 tháng 7 năm 2007 hướng dẫn Nghị định số 23/2007/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2008/TT-BCT ngày 14 tháng 8 năm 2008; Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM ngày 21 tháng 5 năm 2007 Công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá, Thông tư số 08/2013/TT-BCT thay thế hai Thông tư kể trên.

[11] Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2006 Về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nư­ớc ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng % vốn nư­ớc ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng n­ước ngoài tại Việt Nam thay thế một phần Nghị định 57/2012/ND-CP ngày 20/7/2012 về quản lý tài chính đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 03/2007/TT-NHNN ngày 05 tháng 7 năm 2007 hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 22/2006/NĐ-CP; Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2007 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam; Thông tư số 07/2007/TT-NHNN ngày 29 tháng 11 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định 69/2007/NĐ-CP.

[12] Nghị định 45/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm, bị thay thế bởi Nghị định 123/2011/N Đ-CP ngày 28/12/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều  của Luật Kinh doanh bảo hiểm , và sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 45/2007/NĐ-CP.

[13] Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009; Nghị định số 121/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2008 về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính viễn thông ( bị thay thế bởi Nghị định 25/2011/N Đ-CP ngày 6/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.

[14] Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2009 về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam

[15] Ban hành kèm theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ khóa » Khó Khăn Của Việt Nam Khi Gia Nhập Wto