Mười Sự Kiện Thế Giới Nổi Bật Năm 2021

1. “Cuộc đua” giữa con người và virus SARS-CoV-2 vẫn chưa kết thúc

Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: Xinhua)

Sau 1 năm dịch bệnh hoành hành, con người đã đạt được những thành tựu quan trọng khi điều chế được các loại vaccine COVID-19, với hiệu quả được chứng minh lên tới hơn 90% đối với các biến thể ban đầu của virus SARS-CoV-2.

Hiện hơn 1 nửa dân số thế giới đã được chủng ngừa vaccine. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine vẫn đang đặt ra những thách thức trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Đây là một thực tế đáng quan ngại bởi virus SARS-CoV-2 luôn biến đổi không ngừng và những “lỗ hổng” tiêm chủng chính là thời cơ để xuất hiện những chủng virus mới. Biến thể Delta, được xác định lần đầu tiên vào tháng 12/2020 tại Ấn Độ, có khả năng lây nhiễm mạnh hơn các biến thể trước đó và đã nhanh chóng trở thành chủng trị trên toàn thế giới. Vào tháng 11/2021, các nhà khoa học Nam Phi đã xác định được sự xuất hiện của biến thể Omicron và chỉ trong vài tuần, nó đã lan ra khắp thế giới. Chúng ta bước sang năm 2022 với một thái độ “lạc quan thận trọng” bởi trong những ngày cuối cùng của năm 2021, những thông tin về biến thể Omicron vẫn chưa được giải mã hoàn toàn. Trong khi đó, số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh không ngừng gia tăng theo từng giờ, từng phút đã cho thấy “tính cấp bách” của những hành động mạnh mẽ, quyết đoán để con người không bị “tụt lại phía sau” trước sự biến đổi không ngừng của virus.

2 . Những “chuyển động tích cực” trong quan hệ các nước lớn

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình bên phải) ngày 16/11/2021. Ảnh: Reuters.

* Trạng thái “bình thường mới” trong quan hệ Mỹ-Trung

Khi ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, đã có những kỳ vọng rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ cải thiện thay vì “rơi tự do” như thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, hy vọng đã nhanh chóng bị dập tắt khi Tổng thống Biden xác định Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21”. Tranh cãi thương mại bị hâm nóng, chạy đua công nghệ tăng tốc, cạnh tranh địa chính trị trở nên gay gắt … 2021 lại là một năm quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục “chạm đáy”. Dẫu vậy, do tính chất quan hệ có nhiều lợi ích, ràng buộc đan xen, trong năm qua, xu hướng hợp tác, đối thoại vẫn là chủ đạo trong quan hệ Trung-Mỹ. Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên vào sáng 16/11, cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương trong thúc đẩy sự phát triển của hai nước và bảo vệ môi trường quốc tế hòa bình, ổn định

*Những tín hiệu tích cực trong quan hệ Nga-Mỹ

Điểm lại các sự kiện thế giới trong năm 2021, có thể thấy những bất đồng giữa Nga và Mỹ chiếm một phần không nhỏ. Điển hình là việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga do các cáo buộc về bầu cử, còn Nga cáo buộc tin tặc từ Mỹ tấn công trang mạng của Ủy ban Bầu cử trung ương Nga trong cuộc bầu cử Duma quốc gia vào tháng 9/2021. Tiếp đó là cuộc khủng hoảng ngoại giao, rồi đến cuộc cạnh tranh giành thị trường khí đốt châu Âu, căng thẳng liên quan tới vấn đề Ukraine... Tuy nhiên, ngay cả khi còn tồn tại nhiều bất đồng khó hóa giải, mối quan hệ Nga-Mỹ vẫn là một trong những quan hệ đối ngoại quan trọng, then chốt nhất trên thế giới, với nhiều lợi ích đan xen. Đó cũng là nền tảng để hai bên nhất trí gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) vào tháng 2/2021. Việc Tổng thống hai nước tiến hành hai Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp và trực tuyến trong năm qua, bất chấp những trở ngại do đại dịch COVID-19 ít nhất đã nói lên nhu cầu cần đến nhau của cả hai nước.

3. Thách thức về biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu

Xe hơi chất đống do ngập lụt tại bùng binh ở Verviers, Bỉ hôm 15/7/2021. Ảnh: AFP.

Trong một báo cáo dài 4.000 trang công bố vào tháng 8/2021, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gióng lên một “hồi chuông báo động đỏ” cho nhân loại về tình trạng biến đổi khí hậu thảm khốc trừ khi mức khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính được cắt giảm. Bên cạnh tình hình về dịch bệnh COVID-19, thời tiết khắc nghiệt cũng là những nội dung được các bản tin truyền thông nhắc tới nhiều trong năm 2021. Trong đó phải kể đến hạn hán kỷ lục bao trùm miền Tây Nam nước Mỹ, lũ lụt kỷ lục tàn phá nước Bỉ và miền Tây nước Đức, cháy rừng hoành hành ở Hy Lạp, gió mùa tàn phá Ấn Độ và Nepal…

Không chỉ có những thông tin bất lợi về thời tiết, trong năm qua, thế giới cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đó là việc Tổng thống Mỹ J.Biden cam kết quay trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức. Tiếp đến là việc Trung Quốc đồng ý ngừng cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài và Iceland mở một nhà máy tách khí CO2 ra khỏi không khí vào tháng 9/2021. Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP-26 ở Glassgow (Anh) vào tháng 11/2021, các nước cam kết thực hiện các bước để đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu, bao gồm cả duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 1,5 độ C. Hội nghị COP-26 đã thể hiện một bước tiến trong tiếp cận toàn cầu đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cam kết mới chỉ là sự khởi đầu, điều quan trọng là quyết tâm mạnh mẽ để biến cam kết thành hành động cụ thể.

4.Ông Joe Biden trở thành Tổng thống 46 của nước Mỹ

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Lễ nhậm chức. Ảnh: Reuters

Ngay từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trải qua những diễn biến khác biệt chưa từng có tiền lệ, không chỉ do đại dịch COVID-19 mà còn do những tranh cãi xoay quanh một sự kiện chính trị là tâm điểm của dư luận thế giới. Ngày 6/1, một đám đông người biểu tình ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm D.Trump đã xông vào Điện Capitol nhằm ngăn các nhà lập pháp chứng nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Trước cáo buộc kích động những người ủng hộ tiến hành cuộc bạo loạn, ông D.Trump đã trở thành Tổng thống đầu tiên của Mỹ bị luận tội (và được tuyên trắng án) hai lần. Hạ viện đã thành lập một ủy ban độc lập để điều tra âm mưu phá vỡ quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở Mỹ. Hơn 600 người sau đó đã bị buộc tội vì vai trò trong cuộc bạo loạn ở đồi Capital.

Ngày 20/1, ông J.Biden đã nhậm chức Tổng thống thứ 46 còn bà Kamala Harris trở thành nữ Phó Tổng thống da màu Nam Á đầu tiên của nước Mỹ. Ngay sau khi nhậm chức, ông J.Biden đã đưa ra nhiều quyết sách mạnh mẽ để vực dậy vị thế của nền kinh tế số 1 thế giới sau tác động của đại dịch COVID-19, trong đó có việc ký ban hành một gói cứu trợ kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vốn đang lao đao vì đại dịch. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gồm cả sự bùng phát liên tiếp của làn sóng các biến thể nguy hiểm Delta và Omicron trong năm qua đang đè nặng áp lực lên mục tiêu “đưa nước Mỹ trở lại” mà ông J.Biden đã đưa ra từ những ngày đầu nhậm chức.

5. “Tượng đài” Merkel từ giã chính trường

Ông Olaf Scholz tặng hoa cho bà Angela Merkel trước cuộc họp của nội các Đức, ngày 24/11/2021. (Ảnh: Reuters)

Kỷ nguyên Angela Merkel kết thúc vào ngày 8/12 khi nữ Thủ tướng được ví như "tượng đài" của nước Đức chính thức rời nhiệm sở sau 16 năm cầm quyền.

Bà Angela Merkel, 67 tuổi đã được đảm bảo một vị trí trong sử sách ngay khi bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức vào ngày 22/11/2005. Trong 16 năm tiếp theo, bà được ghi nhận là người đã trao “quyền lực mềm” cho nước Đức, nỗ lực cùng nhau xây dựng một Liên minh châu Âu vững chắc, quản lý hàng loạt cuộc khủng hoảng trên nhiều phương diện.

Hôm 8/12, ông Olaf Scholz - đã chính thức được Quốc hội Đức bầu người kế nhiệm bà Merkel. Trên cương vị mới, ông Scholz sẽ lãnh đạo chính phủ liên minh ba bên gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự Do (FDP) hiện thực hóa các cam kết về thúc đẩy đầu tư xanh và tăng cường hội nhập châu Âu. Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Sholz được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, nhất vào thời điểm bất ổn ngoại giao ở Liên minh châu Âu (EU) đang gia tăng và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

6. Taliban quay trở lại nắm quyền ở Afghanistan

Cuộc họp báo đầu tiên của Taliban kể từ sau khi giành chính quyền tại Afghanistan (Ảnh: The New York Times).

Trong năm 2021, cuộc chiến dài hơi của Mỹ ở Afghanistan đã kết thúc tại xuất phát điểm của 20 năm trước: đó là sự quay trở lại nắm quyền của Taliban. Vào năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đạt được một thỏa thuận với Taliban yêu cầu rút toàn bộ quân đội Mỹ trước ngày 1/5/2021. Hai tuần trước thời hạn đó, Tổng thống J.Biden đã chỉ thị Mỹ rút quân hoàn toàn muộn nhất là vào thời hạn chót 11/9/ 2021 – dịp tròn 20 năm vụ tấn công 11/9. Vào thời điểm Mỹ rút quân, quân đội Afghanistan sụp đổ và Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước. Ngày 15/8, thủ đô Kabul thất thủ khiến hàng nghìn người bị mắc kẹt và các sân bay rơi vào tình cảnh hỗn loạn. Trước bối cảnh đó, Mỹ và các đồng minh đã phát động một chiến dịch lớn để sơ tán công dân khỏi Afghanistan trước thời hạn do Taliban đặt ra là vào ngày 31/8.

Tổng thống J.Biden đánh giá kế hoạch rút quân của Mỹ “một sự thành công phi thường”. Tuy nhiên, phần lớn người dân Mỹ lại không đồng ý với điều này, dẫn tới tỷ lệ ủng hộ ông J.Biden bị kéo xuống mức thấp kỷ lục. Cuộc chiến “hao người tốn của” của Mỹ ở Afghanistan đã tiêu tốn hơn 2,3 nghìn tỷ USD (tương đương khoảng 300 triệu USD mỗi ngày) trong khoảng thời gian 20 năm. Hơn 2.500 quân nhân và 4.000 nhà thầu dân sự Mỹ đã bỏ mạng ở Afghanistan. Trong khi số người Afghanistan thiệt mạng có thể lên tới 170.000 người.

Sau khi lên nắm quyền, chính phủ mới do Taliban lãnh đạo đã đưa ra nhiều cam kết thay đổi, với mong muốn hòa nhập và được cộng đồng thế giới công nhận. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi. Sau 20 năm chìm trong bom đạn chiến tranh, đất nước Afghanistan vẫn đang trượt dài bất ổn.

7. Chính biến ở Myanmar

Binh sĩ Myanmar đứng gác tại một trạm kiểm soát sau khi chính quyền quân sự ban bố tình trạng khẩn cấp. Ảnh: Reuters

Myanmar rơi vào bất ổn kể từ cuộc chính biến ngày 1/2/2021 khi chính quyền quân sự nắm chính quyền và tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm. Một loạt lãnh đạo dân sự Myanmar, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, đã bị bắt giữ và đối mặt các tội danh tham nhũng. Thống tướng Min Aung Hlaing nắm quyền kiểm soát đất nước.

Việc quân đội Myanmar tiến hành đảo chính được xem là hệ quả tất yếu của những mâu thuẫn kéo dài giữa quân đội với chính quyền dân sự ở quốc gia này, kể từ sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020, với kết quả Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà San Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo. Quân đội cáo buộc đã có gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020 và cho biết đây là lý do dẫn đến chính biến.

Cuộc chính biến đã gây bùng phát các cuộc biểu tình trên diện rộng, đẩy nền kinh tế vào suy thoái và khiến tình hình dịch bệnh COVID-19 thêm phức tạp. Theo số liệu từ các tổ chức theo dõi tình hình Myanmar, hơn 1.300 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự kể từ chính biến.

Trước những diễn tiến khó lường trong cuộc chính biến tại Myanmar, nhiều quốc gia, tổ chức đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình tại đây, đồng thời kêu gọi quân đội nước này tôn trọng các quy định của luật pháp.

8. Thế vận hội Olympic Tokyo: Thế Vận hội đặc biệt nhất lịch sử

Olympic Tokyo 2020 chính thức bắt đầu từ ngày 23/7/2021 sau 1 năm trì hoãn vì dịch bệnh. (Ảnh: AFP)

Sau 1 năm bị hoãn vì COVID-19, Thế vận hội mùa Hè Olympic 2020 và Thế vận hội thể thao người khuyết tật Paralympic 2020 đã được tổ chức tại Nhật Bản từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2021. Đây là kỳ Thế Vận Hội đặc biệt nhất trong lịch sử phong trào Olympic hiện đại, diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới.

Mặc dù đại dịch kéo dài ở khắp mọi nơi trên thế giới đã gây trở ngại rất nhiều cho việc tập luyện của các vận động viên trên khắp thế giới suốt hơn một năm qua, nhưng Olympic Tokyo vẫn quy tụ đông đảo những tài năng thể thao đỉnh cao của khắp thế giới. Tổng cộng vẫn có 11.058 vận động viên đại diện cho 206 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp hành tinh đến Tokyo so tài.

Vượt lên trên những mối lo về dịch bệnh, nước chủ nhà Nhật Bản và Ủy Ban Olympic Quốc tế đã nỗ lực hết sức để duy trì sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua mọi thách thức của nhân loại. Điều này đã chứng minh cho sức sống mãnh liệt của thể thao, quyết tâm không khuất phục trước đe dọa dịch bệnh. Như vậy, sau 8 năm chuẩn bị kể từ thời điểm được chọn là quốc gia đăng cai, Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã chính thức khép lại cùng những “dấu ấn đặc biệt” không thể quên trong lòng người dân Nhật Bản cũng như người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới.

9. AUKUS: Liên minh thế hệ mới tại Ấn Độ - Thái Bình Dương

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại sự kiện công bố thiết lập thỏa thuận AUKUS. Ảnh: REUTERS

Vào ngày 15/9, Tổng thống Mỹ J.Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cùng công bố quan hệ đối tác an ninh ba bên mới mang tên AUKUS. Thỏa thuận AUKUS đánh dấu bước đi mới của Mỹ trong chiến lược xoay trục về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tạo nên những thay đổi trong cán cân chiến lược của khu vực. Phát biểu của lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia đưa ra đều khẳng định quan hệ đối tác AUKUS “dẫn dắt bởi những ý tưởng bền vững, cam kết chung với trật tự quốc tế dựa trên nền tảng luật pháp”.

Phần quan trọng nhất của thỏa thuận là Mỹ cam kết cung cấp cho Australia công nghệ để đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (nhưng không trang bị vũ khí hạt nhân). Quốc gia duy nhất khác nhận được quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ là Anh. Thỏa thuận được đánh giá là cần thiết để “duy trì an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Ngay lập tức, Pháp đã phản ứng mạnh mẽ trước việc AUKUS chấm dứt thỏa thuận trị giá 37 tỷ USD mà nước này đã ký với Australia vào năm 2016 để đóng hàng chục tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel điện. Rạn nứt xuất hiện, nhưng sẽ không dẫn đến đổ vỡ trong quan hệ đồng minh khi các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia đều lên tiếng trấn an Pháp, khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương vững chắc với Paris. Về phía Brussells cũng phát đi thông điệp: ở thời điểm hiện tại, EU chưa thay đổi quan điểm trong hệ song phương với Mỹ, Anh hay Australia.

10. Các nước giàu “chật vật” ứng phó với nạn di cư

Những người di cư bị chặn lại ở khu vực biên giới Ba Lan. Ảnh: Getty

Vấn đề di cư quốc tế bắt đầu nóng lên vào năm 2020 và cho đến năm 2021 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Đến tháng 10/2021, số người nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ đã lên tới con số 1,7 triệu người, cao nhất kể từ năm 1960. Đại dịch COVID-19, khó khăn kinh tế, bất ổn chính trị và thảm họa tự nhiên đã thúc đẩy sự gia tăng của số người di cư.

Cũng trong năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) chứng kiến số người di cư bất hợp pháp tăng hơn 70% so với năm trước đó khiến “lục địa già” đối mặt với nhiều thách thức. Sự gia tăng người di cư băng qua eo biển Manche từ Pháp đã gây ra xung đột ngoại giao giữa Paris và London. Trong khi đó, Belarus lại có động thái “bật đèn xanh” để người di cư băng qua lãnh thổ của mình để vào Latvia, Lithuania và Ba Lan nhằm gây sức ép buộc EU chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhằm phản đối cuộc bầu cử Tổng thống Belarus năm 2020. Theo số liệu thống kê, khoảng 84 triệu người trên khắp thế giới đã bị buộc phải di từ bỏ nơi sinh sống và tìm kiếm nơi ở mới. Xung đột, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng người di cư – một vấn đề nan giải, khó có thể được cải thiện ngay cả trong dài hạn./.

Từ khóa » Sự Kiện Xã Hội Nổi Bật 2021