Muỗi Vằn- Thủ Phạm Gây Ra Bệnh Sốt Xuất Huyết - CDC An Giang

Muỗi vằn (Aedes) có hình dạng nhỏ, có khoang đen khoang trắng hoặc khoang đen khoang nâu trên cơ thể. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 200C. Đây là loại muỗi có khả năng mang vi rút sốt xuất huyết (SXH) Dengue và truyền từ người này sang người khác thông qua việc chích và hút máu.

Muỗi vằn là vật trung gian chính truyền bệnh SXH. Nhiệt độ thích hợp cho muỗi sinh trưởng và phát triển là khoảng 200C đến 250C. Muỗi trưởng thành có thể tìm thấy 50 mét xung quanh ổ với khoảng cách bay tối đa là khoảng 200 mét từ ổ loăng quăng. Chỉ cần 1/100 số muỗi trong vùng bị nhiễm vi rút là có thể gây dịch. Trứng tồn tại khá lâu, chịu đựng được nhiều tháng trong mùa khô. Các ổ chứa loăng quăng thông thường là những dụng cụ chứa nước như: chum vại, bể, chai lọ, lốp ô tô cũ, phuy chứa nước, bát kê chân tủ đựng thức ăn trong bếp, bể chứa nước trong nhà tắm, bể chứa nước không có nắp đậy, giếng nước cạn, khay nước của tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, lọ hoa ở trong nhà, dụng cụ chứa nước quanh nhà những nơi râm mát. Ngoài ra, còn gặp ở hốc cây, thân tre, vỏ ốc, vỏ dừa, kẽ bẹ lá, ít khi gặp trên hốc đá. Trong điều kiện bình thường, muỗi cái sống khoảng 2 tháng và đẻ trung bình khoảng 6 đến 8 lần. Sau mỗi lần đi đẻ muỗi chết khoảng 50%. Muỗi đực nuôi dưỡng bằng cách hút nhựa cây, sau khi giao phối chúng sống được một thời gian khoảng 10 đến 15 ngày. Muỗi cái sống càng lâu thì nguy cơ nhiễm bệnh và truyền bệnh sẽ càng cao. Đây là loài muỗi ưa thích đốt hút máu người, đốt ban ngày, thường hoạt động vào tầm chạng vạng tối hoặc sáng sớm, có thể đốt nhiều lần trong ngày nếu chưa no máu. Đặc biêt, chúng bay rất nhanh và chỉ bay đi khi đã hút no máu. Hoạt động tìm mồi hút máu muỗi vằn thường phát triển mạnh nhất vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20ºC. Muỗi đốt người này nhiều hơn người khác là do có sự khác biệt về các hóa chất tạo nên mùi của cơ thể và lượng khí CO2. Khi muỗi đốt người thì sẽ tạo ra phản ứng viêm, dị ứng, do đó nốt muỗi đốt thường sưng tấy và ngứa bởi trong nước bọt của muỗi có chất chống đông máu, chất giãn mạch, chống kết tập tiểu cầu… Hút máu là điều kiện cho sự đẻ trứng của muỗi cái. Khi chúng hút no, chúng tìm nơi trú ẩn để tiêu máu; đó là những nơi kín gió, ấm áp, ẩm thấp và tối tăm. Khi muỗi hoàn thành giai đoạn tiêu máu thì trứng cũng đã chín. Muỗi cái tìm nơi thích hợp để đẻ trứng. Sau khi đẻ trứng, muỗi lại bay đi tìm mồi hút máu.

Muỗi trưởng thành thường đẻ trứng ở bất kỳ dụng cụ chứa nước nào có thể tích trữ nước đến 7 ngày. Chu kỳ phát triển của muỗi vằn từ lúc đẻ trứng đến phát triển thành bọ gậy trung bình là 7 ngày; thời gian phát triển từ bọ gậy thành muỗi trưởng thành chỉ mất khoảng 2 đến 3 ngày. Chu kỳ vòng đời của muỗi trải qua 4 giai đoạn phát triển của muỗi đó là trứng, bọ gậy, loăng quăng và muỗi trưởng thành. Người là ổ chứa và là nguồn truyền nhiễm chủ yếu của bệnh SXH Dengue trong chu trình “người – muỗi vằn”. Ngoài bệnh nhân, người mang vi rút dengue không triệu chứng cũng có vai trò truyền bệnh quan trọng. Trong ổ dịch sốt xuất huyết Dengue cứ 1 trường hợp bệnh điển hình có hàng chục trường hợp mang vi rút tiềm ẩn, không có triệu chứng. Để phòng, chống sốt xuất huyết mỗi người, mỗi gia đình hãy theo khuyến cáo ngành y tế hiện tốt phương châm: “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có SXH”. Mặc dù nguy hiểm nhưng bệnh SXH có thể phòng ngừa được bằng những việc làm hết sức đơn giản, chỉ cần mỗi chúng ta không tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, không để muỗi chích là có thể bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Nguyễn Minh Thời TTYT Tịnh Biên

Từ khóa » Thông Tin Về Muỗi Vằn