Muốn Con Nghe Lời Mà Không Cần đánh - VnExpress

Nhưng khoảng tháng nay, bé bướng bỉnh hơn nhiều, thích gì làm nấy, mẹ nói không được, thậm chí có lúc bé còn cố tình làm ngược điều mẹ nói. Khi bé mắc lỗi, mẹ cầm roi cũng không sợ, thậm chí mẹ đánh cho sưng mông chỉ khóc, nhất quyết không thèm xin lỗi, mặt còn tỏ ra thách thức. Tôi rất lo không biết nên dạy con thế nào? Có cách nào để không phải đánh mà con vẫn nghe lời không? (Hải Yến)

kid-9458-1396579862.jpg

Ảnh minh họa: Insureakid.

Trả lời

Chào bạn,

Với những đặc điểm tâm lý của bé xuất hiện trong thời gian gần đây mà bạn chia sẻ như bé bướng bỉnh, thích gì làm nấy, không sợ cha mẹ, kể cả đòn roi thì đó là tâm lý thường thấy của trẻ nhỏ khi các bé ở độ tuổi lên 3 - độ tuổi các chuyên gia tâm lý trẻ em gọi đó là “thời kỳ khủng hoảng” về tâm lý.

Đây là độ tuổi trẻ đã nhận thức được vị trí của bản thân, muốn khẳng định mình và muốn gây ảnh hưởng của mình lên người khác, vì vậy trẻ thường tỏ ra rất bướng bỉnh.

Mức độ biểu hiện của khủng hoảng và thời gian khủng hoảng dài hay ngắn của các bé phụ thuộc vào môi trường giáo dục và bản thân trẻ. Các bé càng được dạy nhiều kỹ năng, khả năng ngôn ngữ tốt và được bố mẹ giáo dục đúng cách thì mức độ khủng hoảng sẽ ít đi. Chúng tôi xin chia sẻ với bạn một số thông tin để giúp bạn đồng hành cùng bé vượt qua giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3” này như sau:

Thường xuyên chơi cùng con, giao tiếp với con nhiều để con được thỏa mãn nhu cầu học hỏi, khám phá, tìm tòi ở độ tuổi lên ba. Cha mẹ có thể chơi các trò chơi mang tính xã hội cùng con như trò chơi đóng vai, trò chơi nấu ăn hoặc trò chơi lái xe, xếp hình… bên cạnh đó là các trò chơi học tập như hát, đọc truyện, đọc thơ, tô màu, chơi với đất nặn… thông qua đó giáo dục cho trẻ hiểu biết về xã hội của người lớn, rèn các đức tính kiên trì, cẩn thận, giúp trẻ phân biệt thiện - ác, tốt - xấu…

Mở rộng phạm vi giao tiếp cho trẻ: lúc này phạm vi giao tiếp của trẻ cần được mở rộng hơn, trẻ không chỉ có nhu cầu giao tiếp với các thành viên trong gia đình mà cần có môi trường giao tiếp với bạn cùng tuổi, với cô giáo và người lớn khác xung quanh. Nếu trẻ chưa đi học thì đây là độ tuổi phù hợp nhất để trẻ bắt đầu đến trường.

Ứng xử với tình huống khi trẻ mắc lỗi cha mẹ cần lưu ý: trước hết, cha mẹ cần phải hết sức bình tĩnh, tuyệt đối không để tâm lý bị kích động bởi lỗi mà trẻ vừa mắc phải. Khi đã giữ được bình tĩnh cho bản thân rồi cha mẹ bắt đầu nghĩ cách đối phó với lỗi của con.

Cha mẹ không nên quát tháo hoặc đánh mắng trẻ, vì làm như vậy trẻ có thể sẽ học theo cách ứng xử của bố mẹ để ứng xử với mọi người xung quanh hoặc trẻ sẽ trở lên lì đòn dẫn đến đòn roi không có tác dụng. Cha mẹ nên nghiêm khắc nhắc nhở hành vi sai đó của con.

Khi bé ăn vạ, bố mẹ có thể nghiêm sắc mặt, yêu cầu con dừng hành vi đó lại. Nếu bé tiếp tục, bạn có thể lờ đi, thu hút sự chú ý của con sang việc khác chẳng liên quan gì đến việc đó nữa ví dụ như “cái ô tô của ai đậu ngay trước nhà mình thế kia?”. Đây chính là chiến thuật phân tâm để bé không ăn vạ nữa mà bạn cũng không phải ức chế vì chuyển sang một hoạt động khác.

Có một cách nữa để làm giảm bớt căng thẳng là khi trẻ tỏ ra bướng bỉnh và đối phó là lờ trẻ đi. Trong trường hợp cha mẹ bảo con không được xem TV nhiều quá và trẻ đòi xem cho bằng được, cha mẹ nên mang những đồ chơi khác ra cho trẻ, hướng sự chú ý của trẻ đi nơi khác.

Bên cạnh đó mẹ cần hiểu những thay đổi tâm lý của trẻ để tìm cách giải tỏa giúp con. Nếu trẻ đang ốm đau, buồn ngủ, đói… hãy thỏa mãn nhu cầu của trẻ trước. Cha mẹ không cần làm quá trầm trọng việc trẻ bướng bỉnh.

Chúc bạn luôn đồng hành cùng con trên từng chặng đường phát triển.

Thạc sĩ Nguyễn Thị QuỳnhTrung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC

  • Tại sao trẻ khủng hoảng tuổi lên 3
  • Khủng hoảng tâm lý khiến trẻ lên 3 thường hư hỗn

Từ khóa » Con 3 Tuổi ương Bướng