Muốn Dùng Dầu Dưỡng Da Không Lo Nổi Mụn Thì Phải Nhớ 7 điều Sau

Trong những năm gần đây, dầu dưỡng da (facial oil) dần trở nên phổ biến và trở thành xu hướng mới trong giới làm đẹp bởi các công dụng tuyệt vời mà nó mang lại. Tuy nhiên, khi mới làm quen với phương thức dưỡng da này, nhiều người sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ từ việc lựa chọn loại dầu phù hợp cho đến cách sử dụng sao cho hiệu quả. Để sử dụng dầu dưỡng cấp ẩm cho da mà không lo nổi mụn thì hãy luôn ghi nhớ những điều sau đây nhé

Chọn dầu dưỡng ẩm phù hợp với loại da

Mỗi loại dầu đều có chứa thành phần hóa học khác nhau. Yếu tố quan trọng để quyết định một loại dầu có phù hợp cho làn da dầu/da khô hay không chính là tỷ lệ giữa linoleic acid và oleic acid có trong dầu. Đây là hai nhóm acid béo thiết yếu cho làn da và cơ thể.

  • Oleic Acid (Omega-9 fatty acid) là loại acid béo làm cho dầu có kết cấu dày, đặc và có độ dưỡng ẩm cao. Vì vậy, dầu dưỡng có tỷ lệ oleic acid cao sẽ phù hợp cho làn da khô bẩm sinh, lớp màng lipid bị thiếu hụt oleic acid. Nhưng acid này sẽ gây mụn cho làn da dầu, hỗn hợp thiên dầu.
  • Linoleic Acid (Omega-6 fatty acid) là loại acid béo mà khi da bị thiếu hụt sẽ dẫn đến làm tăng lượng Oleic Acid khiến dầu tự nhiên trên da trở nên dày, dính, gây bít tắc lỗ chân lông sinh mụn. Vì vậy, dầu dưỡng da chứa hàm lượng Linoleic Acid cao sẽ là lựa chọn tối ưu cho làn da dầu mụn để cân bằng độ Oleic và Linoleic Acid trên da.

Một số loại dầu điển hình giúp bạn dễ dàng lựa chọn hơn:

  • Dầu giàu Oleic Acid: Olive Oil (dầu ô-liu), Almond Oil (dầu hạnh nhân), Avocado Oil (dầu quả bơ)…
  • Dầu giàu Linoleic Acid: Grapeseed Oil (dầu hạt nho), Maracuja/Passion Fruit Oil (dầu chanh dây), Rosehip Seed Oil (dầu hạt tầm xuân)…
  • Dầu có hàm lượng Oleic Acid và Linoleic Acid cân bằng: Argan Oil, Jojoba Oil, Castor Oil, Pomegranate Seed Oil (dầu hạt lựu)…

Ngoài ra thì kích thước phân tử của dầu cũng quyết định đến độ thẩm thấu của sản phẩm trên da. Các loại dầu có kích thước phân tử nhỏ hơn như dầu argan, dầu squalane và dầu jojoba là lựa chọn tốt nhất. Chúng thẩm thấu rất nhanh vì thế không thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Nên tránh xa việc sử dụng dầu dừa để dưỡng da mặt vì nó sẽ nằm trên bề mặt da rất lâu sau khi thoa và làm bí da.

Đừng nhầm lẫn giữa dầu dưỡng da và tinh dầu

Dầu dưỡng da (facial oil), dầu nền (carried oil) và tinh dầu (essential oil) là những khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng lại rất hay bị nhầm lẫn:

  • Dầu dưỡng da (facial oil): là sản phẩm dầu dưỡng có thể sử dụng trực tiếp lên mặt để cung cấp dưỡng chất cho da, thường được pha trộn giữa các loại dầu nền và tinh dầu theo tỉ lệ nhất định tùy vào hãng sản xuất.

  • Dầu nền (carried oil): thường được chiết xuất từ hạt của các loại quả cây bao gồm hạt giống, hạt mềm hoặc phần thịt của hạt sau khi tách lớp vỏ cứng. Dầu nền có thể dùng trực tiếp để massage da mặt, tẩy trang… hoặc mix với tinh dầu làm thành dầu dưỡng da.

  • Tinh dầu (essential oil): tinh dầu nguyên chất tự nhiên được tìm thấy trong các phần khác nhau của thực vật – hoa, quả, lá, thân, vỏ, gỗ hoặc nhựa cây. Thông qua quá trình chiết tách phức tạp như chưng cất bằng hơi nước, ép hay tách chiết dung môi… mới có thể thu được tinh dầu nguyên chất. Tinh dầu nguyên chất cần được pha loãng với dầu nền mới có thể sử dụng được lên mặt, hoặc pha loãng với nước để xông mặt, tuyệt đối không được sử dụng trực tiếp.

Ngoài ra, trên thị trường còn có thể chia ra 3 nhóm dầu dưỡng da chính như sau:

  • 100% nguyên chất là loại dầu được ép hay chiết xuất từ một loại hạt duy nhất không pha trộn thêm bất cứ loại dầu nào khác hay chất nào khác. (ví dụ: Trilogy Certified Organic Rosehip Oil).

  • Pure Blended Oils bao gồm nhiều loại dầu nguyên chất pha trộn với nhau (ví dụ: Trilogy Rosehip Oil Light Blend).

  • Oils with active ingredients là dầu nguyên chất pha với các thành phần khác như tinh dầu, retinol, vitamin, chất bảo quản… (ví dụ: Kiehl’s Midnight Recovery Concentrate).

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà bạn có thể lựa chọn loại phù hợp. Nên sử dụng dầu dưỡng da của các thương hiệu uy tín, hạn chế việc tự ý pha trộn dầu theo các công thức trên mạng hoặc dùng dầu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt đối với các sản phẩm dầu nguyên chất cần phải xem xét mức độ tinh khiết và cách thức làm ra dầu (100% ép lạnh hay có xử lý nhiệt, xử lý hóa chất…).

Sử dụng đúng thứ tự trong chu trình dưỡng da

Dầu dưỡng da có thể được xem như là một chất khoá ẩm, giúp da giữ được sự ẩm mịn lâu hơn. Và nước không thể đi xuyên qua dầu, vì vậy trong quy trình dưỡng da, những sản phẩm như serum và lotion nền nước nên được sử dụng trước dầu dưỡng da.

Nếu bạn sử dụng kem dưỡng ẩm nền nước có dạng gel thì có thể thoa kem dưỡng trước dầu dưỡng luôn nhé. Ngược lại với kem dưỡng ẩm nền dầu dạng đặc thì nên thoa sau dầu dưỡng.

Sử dụng đúng thời điểm

Buổi tối chính là thời điểm hoàn hảo nhất cho việc sử dụng dầu dưỡng, vì lúc này là thời điểm da cần được bổ sung dưỡng chất và độ ẩm giúp cho quá trình hồi phục và tái tạo diễn ra tốt hơn. Bên cạnh đó, nhiệt độ môi trường vào ban đêm thường thấp hơn sẽ làm giảm cảm giác dính dấp của dầu dưỡng lên da.

Vào buổi sáng, thay vì sử dụng các loại dầu dưỡng có kết cấu nặng như dầu bơ hay dầu dừa có thể khiến da mặt bóng nhẫy như chảo mỡ, bạn nên xem xét lựa chọn các sản phẩm lotion/gel dưỡng ẩm lỏng nhẹ để thay thế (đặc biệt là với da dầu, dễ bị mụn). Hoặc nếu vẫn muốn sử dụng dầu dưỡng thì phải chọn các loại dầu có kích thước phân tử nhỏ, thấm hút nhanh.

Lưu ý: Một số loại tinh dầu như chanh hoặc bưởi nếu dùng ban ngày sẽ phản ứng với ánh sáng khiến cho da bạn bị viêm và mẩn đỏ. Vì thế các chuyên gia cho rằng tốt nhất là dùng dầu dưỡng da vào ban đêm nhé.

Sử dụng đúng liều lượng

Cái gì nhiều quá đều không tốt, với dầu dưỡng cũng không ngoại lệ. Nếu bạn thoa dầu lên da sau 10 phút mà vẫn còn tồn một lượng dầu không thấm hết, có nghĩa là bạn đã dùng nhiều hơn mức cần thiết. Đối với da thường, mỗi lần chỉ cần 2-3 giọt cho toàn bộ khuôn mặt. Đối với loại da khác, việc tăng giảm sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của làn da bạn.

Nếu dùng trong khi make-up, 1-2 giọt dầu mix với kem nền/bb-cream sẽ giúp bạn có được lớp nền căng bóng tự nhiên, da trông mềm mại hơn và đủ ẩm, giảm tiết dầu.

Thoa lên vùng da cần thiết

Bạn có thể thoa dầu dưỡng lên toàn mặt, hoặc chỉ vùng những cụ thể cần được bổ sung thêm dưỡng chất. Ví dụ: Bạn sở hữu vùng chữ T dầu nhờn nhưng vùng chữ U lại khô căng thì lựa chọn tối ưu nhất chính là sử dụng serum/gel dưỡng ẩm cấp nước cho vùng T và dầu dưỡng ẩm cho vùng U.

Thoa đúng cách

Phương pháp chuẩn nhất để thoa dầu dưỡng da đó chính là làm nóng – áp lên da. Cho dầu vào lòng bàn tay, sau đó áp hai bàn tay lại chà xát với nhau cho đến khi dầu ấm lên rồi áp tay lên da mặt.

Khi làm nóng, dầu dưỡng sẽ dễ thẩm thấu vào da hơn. Nhiệt độ ấm áp từ lòng bàn tay còn giúp kích thích lưu thông máu, giãn nở lỗ chân lông giúp sản phẩm hấp thụ tốt hơn vào da. Đồng thời việc ấn ép như vậy sẽ tác động lực, để đẩy dưỡng chất từ dầu vào sâu bên trong tế bào da.

TỔNG KẾT

Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho các bạn đầy đủ thông tin để có thể “master” được việc sử dụng dầu dưỡng da để cấp ẩm sao cho thật hiệu quả, không bị nổi mụn nhé!

Xem thêm:

Hướng dẫn sử dụng dầu dưỡng “đa zi năng” nhất định phải biết

Ghi nhớ cách chọn dầu dưỡng cho từng loại tóc

Từ khóa » Cách Sử Dụng Oil Dưỡng Da