Muôn Nẻo Xuân Vùng Cao Tây Bắc - Báo Lao Động Thủ đô

muon neo xuan vung cao tay bac Trên những cung đường ngát hương
muon neo xuan vung cao tay bac Chưa đi những điểm này, chưa thấy hết nét đẹp Tây Bắc mùa cuối đông

Vùng núi phía Bắc đặc biệt trở nên quyến rũ hơn vào mùa xuân. Hơn tất cả, vùng đất này gieo thương nhớ vào lòng người bằng những mùa hoa xuân. Những cung đường hiểm trở không còn là trở ngại trong ý nghĩ mà biến thành quyết tâm chinh phục. Đây cũng chính là thời điểm tuyệt vời nhất để khám phá miền sơn cước.

Dọc theo những nẻo đường từ Hòa Bình lên Mộc Châu, tới thành phố Sơn La, rồi vòng qua Lai Châu, đến Điện Biên hay rẽ sang Sa Pa, Lào Cai, muôn loài hoa xuân đua nở chào đón lữ khách phương xa. Sau những ngày đông giá rét, nàng xuân đã mang nắng, gió và hơi ấm đánh thức núi rừng phương Bắc, giục giã nơi đây thay những chiếc áo xám lạnh lẽo bằng tấm áo choàng được dệt bằng những loài hoa xuân.

muon neo xuan vung cao tay bac
Hoa ban nở trắng vùng cáo Tây Bắc. Ảnh: L.H

Trên những rẻo cao địa đầu Tổ quốc, xuân về hoa nở tưng bừng với đào, mận, mơ,… làm cho cảnh vật núi rừng thay sắc. Những cánh hoa đào hồng, mơ mận trắng muốt lung linh trong nắng xuân đã khiến du khách say lòng dẫu có phải vượt qua những cung đèo hiểm trở, thót tim. Đó có thể là huyện Bắc Hà, Lào Cai với những vườn mận Tam Hoa nở hoa trắng tinh khôi ở các xã Lầu Thí Ngài, Na Hối, Tả Chải… Đó có thể là Lóng Luông ở huyện Vân Hồ, Sơn La với những vườn đào tung cánh ngất ngây.

Đó có thể là Mường Phăng, Điện Biên với những cánh rừng hoa ban tinh khôi, dịu dàng giữa núi rừng. Với người Thái, hoa ban được ví như tình yêu trong sáng, thủy chung son sắt. Hoa ban bung cánh nở rộ còn là dấu hiệu của mùa màng bội thu. Đó cũng có thể là rừng già Y Tý hay dãy Hoàng Liên Sơn có loài hoa Đỗ Quyên thầm lặng khoe sắc giữa không gian tĩnh mịch.

Cung đường đến với cao nguyên đá Hà Giang cũng tấp nập bởi các tour du xuân miền sơn cước. Hoa nở hai bên đường suốt từ thành phố Hà Giang lên Quản Bạ, Yên Minh và tập trung nhiều nhất ở Đồng Văn, Mèo Vạc. Những tín đồ xê dịch, ưa mạo hiểm thường chọn cung đường này để chinh phục. Ở nơi ấy có vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên ưu ái ban tặng.

muon neo xuan vung cao tay bac

Vẫn là hoa xuân, nhưng trên hành trình tới vùng núi đá Hà Giang, rong ruổi qua các bản làng, những nương hoa cải vàng rực rỡ khiến ta không khỏi ngỡ ngàng. Đôi khi là những bông cải nhỏ xinh xung quanh một cành ngồng như một dây hoa rung rinh theo gió. Lại có khi bắt gặp những thảm hoa cải vàng như đua sắc bên dưới những gốc đào, gốc mận cổ thụ hoa nở rực rỡ bên bờ rào đá. Những tay máy dù chuyên nghiệp hay tay ngang cũng sẽ không thể bỏ lỡ những hình ảnh ấn tượng này.

Xuân vùng cao phía Bắc thúc giục người miền xuôi lên miền ngược không chỉ bởi những cánh hoa, không chỉ bởi tấm áo choàng rực rỡ. Ở nơi ấy còn có những tiếng đàn môi, tiếng khèn, những điệu múa xòe bên gốc đào rừng, có tiếng cười khúc khích của bày trẻ thơ bên gốc mận có thảm hoa trắng xóa, có chén rượu ngô nồng ấm cùng tình cảm mộc mạc của bà con dân bản thôi thúc du khách tiếp nối những mùa hoa…

Cùng với các nghi lễ trong gia đình, những hoạt động vui chơi ngày hội, xuân trên vùng cao còn khiến lòng người rộng mở. Đó là khi cả không gian dày đặc tiếng khèn, tiếng sáo hòa cùng giọng ca trong trẻo. Đó là cánh đồng bạt ngàn cải trắng như mây bên sườn núi, là chồi xanh non nhú lên từ những gốc đào mốc thếch. Đất trời vùng cao như được khoác tấm áo choàng rực rỡ sắc màu mùa xuân.

Cũng giống như nhiều dân tộc anh em khác, mùa xuân là dịp để đồng bào các dân tộc vùng núi cao nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả trên nương rẫy. Tết là dịp để họ có thời gian thăm hỏi nhau, làm những món ăn cổ truyền của dân tộc mình dâng lên tổ tiên và thết đãi bạn bè.

Với người Mường ở Sơn La, tết Nguyên Đán là Tết quan trọng nhất, lớn nhất trong năm. Trong dịp Tết, mỗi nhà tổ chức một bữa cơm thịnh soạn để cúng tổ tiên và thần thánh. Ngoài hoa quả, trầu cau thì phải có thêm những lễ vật như: Gà, lợn, bánh chưng, bánh dày, bánh trôi. Bánh trôi làm để cúng tổ tiên, bố mẹ. Người già nói lời chúc cho con cháu sang năm mới mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt... Còn với người Thái ở Sơn La thì nghỉ việc đồng áng từ cuối tháng Chạp để chuẩn bị củi đun, lá dong, lương thực, thực phẩm để đón năm mới.

Chiều 29 Tết, các gia đình người Thái ở đây làm bánh ngọt cúng thần bếp để cảm ơn một năm qua thần bếp đã giữ lửa cho gia đình. Với người Thái lửa có vị trí quan trọng không những duy trì công việc nấu nướng mà còn là vũ khí xua đuổi tà ma, thú dữ. Người Thái nơi đây gói 3 loại bánh cho ngày Tết, đó là bánh vuông, bánh tét và bánh sừng trâu. Các loại bánh thờ cúng vào dịp Tết của người Thái nơi đây gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp thể hiện sự trân trọng biết ơn của bà con đối với thiên nhiên vạn vật...

Tết đến, người Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng cũng hối hả chuẩn bị làm món bánh Khẩu sli và bánh Khảo truyền thống của mình. Bánh Khẩu sli thơm ngọt giòn tan như tiếng cười của cô gái đôi mươi là hai loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ đón Tết của dân tộc Tày, Nùng. Cùng với các nghi lễ trong gia đình, những hoạt động vui chơi ngày hội, xuân trên vùng cao còn khiến lòng người rộng mở. Đó là khi cả không gian dày đặc tiếng khèn, tiếng sáo hòa cùng giọng ca trong trẻo. Đó là cánh đồng bạt ngàn cải trắng như mây bên sườn núi, là chồi xanh non nhú lên từ những gốc đào mốc thếch. Đất trời vùng cao như được khoác tấm áo choàng rực rỡ sắc màu mùa xuân.

Người Mông cũng có Tết riêng của dân tộc mình vào đầu tháng Chạp, khi những nương hoa cải, hoa tam giác mạch nở bung xòe cánh. Lễ hội Gầu Tào của người Mông diễn ra trong khoảng từ mồng một đến ngày rằm tháng Giêng. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông ở các tỉnh vùng cao phía Bắc. Người Mông chuẩn bị đón Tết với thực phẩm truyền thống, áo váy đẹp và không thể thiếu những trò chơi dân gian vui hội đầu xuân…

Hà Phong

Từ khóa » Hình ảnh Mùa Xuân Trên Vùng Cao