Mường Nhé (Điện Biên): Chú Trọng Phát Triển Đảng Trong đồng Bào ...

Những năm qua, huyện Mường Nhé đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Điện Biên. (ảnh: Trần Quỳnh)

Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ hàng đầu

Mường Nhé là huyện có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh phía cực Tây của Tổ quốc, có 2 tuyến biên giới dài hơn 132 km (trong đó với Lào dài 91,3 km, với Trung Quốc là 40,8 km). Mường Nhé có 11 đơn vị hành chính cấp xã, với 110 tổ dân cư, thôn, bản, điểm bản; dân số toàn huyện hơn 45 nghìn nhân khẩu, thành phần dân tộc thiểu số chiếm tới 93,6% dân số toàn huyện (Mông 64,4%; Hà Nhì 11,7%, Thái 10%; còn lại là các dân tộc khác).

Là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước (đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Nhé là 62,43%). Cũng vì kinh tế kém phát triển, chủ yếu sản xuất nông nghiệp trên đất dốc; kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa chưa đồng bộ; trình độ dân trí và đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn nhiều khó khăn… Bù lại, do dân số ít, quỹ đất còn nhiều, nên đã từng xảy ra tình trạng dân từ các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái ồ ạt di cư vào Mường Nhé gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Điển hình là vụ việc cách đây gần 10 năm xảy ra tại thôn Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, từ ngày 30/4 đến ngày 6/5/2011, một số phần tử xấu do thế lực bên ngoài xúi giục, tiếp tay, đã dùng nhiều thủ đoạn kích động, lừa mị, lôi kéo hàng nghìn đồng bào dân tộc Mông từ nhiều xã trong huyện và ở các địa phương khác như: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk… tụ tập về bản Huổi Khon để hòng thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông tự trị” làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không chỉ ở địa phương, mà còn ảnh hưởng đến nhiều địa phương khác.

Sự việc đáng tiếc trên đã được giải quyết. Những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đã bị xử lý, Mường Nhé đã trở lại yên bình.

Đồng chí Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Để không lặp lại những vụ việc tương tự, những năm qua, huyện Mường Nhé đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Điện Biên. Kinh tế phát triển ổn định, văn hóa xã hội có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đảng bộ, chính quyền huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé (bên trái) trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. (ảnh: PK)

Coi trọng công tác phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số

Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, Huyện ủy Mường Nhé đã rất chú trọng công tác xây dựng, củng cố và phát triển Đảng.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển Đảng, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò hạt nhân lãnh đạo của các đảng viên là người dân tộc thiểu số, người có uy tín và đặc biệt quan tâm phát triển Đảng đối với đội ngũ trưởng thôn, trưởng bản. So với đầu nhiệm kỳ trước (2015 - 2020), đến nay, Đảng bộ huyện đã kết nạp được thêm 699 đảng viên, trong đó có 487 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, 100% thôn, bản đã có đảng viên; 99/110 thôn, bản đã có chi bộ, trong đó có 75 chi bộ thôn, bản mới được thành lập. Là một địa bàn có nhiều nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nên huyện Mường Nhé cũng đặc biệt quan tâm thực hiện quy định về kết nạp đảng viên là người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 tổ chức tôn giáo lớn là Đạo Tin lành và Đạo Công giáo với 70 điểm, nhóm đã được cấp phép sinh hoạt tại 9/11 xã, thị trấn. Hằng năm, Huyện ủy Mường Nhé mở trung bình 10 - 12 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và đảng viên mới, trong đó lồng ghép các chuyên đề với nội dung về dân tộc, tôn giáo và các chính sách đối với lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.

Qua công tác phát triển Đảng đã làm cho vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ đảng viên là người dân tộc thiểu số am hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc mình sẽ đảm nhiệm vai trò đi đầu và trở thành hạt nhân chính trị, là nòng cốt trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; phát huy tính tiền phong, gương mẫu thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thông mới ở địa phương, cơ sở.

Đồng chí Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu thường xuyên trao đổi với Thiếu tá La Quý Bằng, Quân nhân chuyên nghiệp được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu để thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy xã. (Ảnh: PK)

Nữ đồng chí Pờ Mỳ Lế (sinh năm 1983, dân tộc Hà Nhì), Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu là một ví dụ. Sinh ra ngay tại bản Tả Khố Khừ thuộc xã Sín Thầu, Pờ Mỳ Lế là một trong số rất ít nữ sinh dân tộc Hà Nhì được gia đình cho đi học hết phổ thông trung học, rồi học lên cao đẳng kinh tế - kỹ thuật. Học xong, Pờ Mỳ Lế quay trở về công tác tại chính quê hương Sín Thầu của mình. Có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, gần gũi đoàn kết với mọi người, chị Pờ Mỳ Lế được cử tri, hội viên các tổ chức đoàn thể tín nhiệm bầu vào các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở từ nhiều năm qua. Từ tháng 5 năm 2015, chị Pờ Mỳ Lế được Huyện ủy Mường Nhé tín nhiệm phân công giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu. Hai mục tiêu mà nữ Bí thư đặt ra cho nhiệm kỳ của mình là thay đổi nhận thức của người dân về phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo và đưa chủ trương của Đảng vận dụng vào thực tiễn. Chỉ trong thời gian ngắn, từ một xã có trên 70% là hộ nghèo, thì đến nay đã giảm còn xấp xỉ 30%, Sín Thầu đã hoàn thành 18/19 tiêu chí để hướng đến xã nông thôn mới.

Trong quá trình kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, Huyện ủy Mường Nhé quyết tâm phấn đấu không để tình trạng thôn, bản không có tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Nơi nào chưa đủ điều kiện phát triển bằng nguồn nhân lực tại chỗ thì thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ các ngành của huyện và của lực lượng vũ trang trên địa bàn xuống bám, nắm địa bàn. Điều này vừa rèn luyện cán bộ, giúp cán bộ nắm chắc tình hình thực tiễn ở cơ sở, đồng thời cũng giúp bổ sung, củng cố, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng công tác đối với đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở địa phương.

Đồng chí Vũ Thái Thụy, Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhé tâm sự: Trước đây, đồng chí là Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện. Cuối năm 2019, đồng chí được Huyện ủy điều động, phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhé. Từ môi trường cơ quan thuộc khối chính quyền, chuyển sang công tác, làm nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo bên cơ quan khối Đảng đã đòi hỏi đồng chí phải tự bổ sung thêm các kiến thức và kỹ năng về công tác Đảng; đồng thời có thêm điều kiện trao đổi, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong Đảng ủy xã. Hiện nay, đồng chí đang theo học lớp tiếng Mông để tăng cường khả năng giao tiếp với quần chúng và cán bộ, đảng viên đa số là người dân tộc thiểu số ở địa phương.

Dù vẫn còn muôn vàn khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền huyện luôn quyết tâm phấn đấu xây dựng Mường Nhé thành một trong những điểm sáng nơi địa đầu cực Tây của Tổ quốc, nơi có ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, “Một con gà gáy, ba nước nghe chung”./.

Từ khóa » Nhé Mường