Muồng Trâu: Đằng Sau Vị Thuốc Trị Hắc Lào Hiệu Quả

Nội dung bài viết

  • 1. Đặc điểm Cây Muồng trâu 
  • 2. Hoạt chất trong cây Muồng trâu 
  • 3. Muồng trâu và công dụng điều trị 
  • 4. Bài thuốc dân gian từ Muồng trâu 
  • 5. Lưu ý khi dùng Muồng trâu

Muồng trâu còn có tên gọi khác là Cây lác, Muồng lác. Sở dĩ có tên gọi như vậy là do hiệu quả điều trị Lác đồng tiền (Hắc lào) của loại cây này. Theo Đông y, Muồng trâu có vị đắng, mùi hắc, tính mát, có tác dụng sát trùng, giải nhiệt, nhuận tràng, lợi tiểu. Theo Y học hiện đại, Muồng trâu có hiệu quả trong điều trị các bệnh như Viêm họng, táo bón, viêm da…Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn đầy đủ về công dụng cũng như cách dùng của vị thuốc này

1. Đặc điểm Cây Muồng trâu 

1.1. Mô tả cây  

Muồng trâu có tên khoa học là Cassia alata L. thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae). Cây nhỏ, cao khoảng 1.5 m hoặc hơn. Thân mập, cành nằm ngang, có lông rất nhỏ.

Lá mọc so le, dài 30 – 40 cm, gồm 8 – 14 đôi lá chét hình chữ nhật hoặc hình bầu dục tròn ở hai đầu, cuống lá to, hơi có cánh, lá kèm thẳng, nhọn. 

Cụm hoa mọc thành bông nhiều hoa ở kẽ lá, dài tới 30 – 40 cm, hoa màu vàng nhạt. Quả dẹt, có cánh ở hai bên rìa, dài 8 – 16 cm, bên trong có tới 60 hạt, hình quả trám. 

Mùa hoa quả: tháng 10 – 12.

Hoa Muồng trâu
Hoa Muồng trâu

1.2. Đặc điểm sinh trưởng, thu hái  

Cây có nguồn gốc ở Nam Mỹ, hiện nay được trồng ở khắp các nước vùng nhiệt đới. 

Ở Việt Nam, cây phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi, ở miền Nam và miền Trung như Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Hà Tĩnh…Ở miền Bắc cây được trồng trong các vườn thuốc y học dân tộc.

Quả chín khô tách thành 2 mảnh, hạt rơi xuống đất, tồn tại qua đông và sẽ nảy mầm vào cuối mùa xuân năm sau. Cây có khả năng tái sinh sau khi bị chặt, còn có thể trồng bằng cành. 

1.3. Bộ phận dùng 

Lá và thân cành, thu hái trước khi cây ra hoa, dùng tươi hay phơi khô. Rễ thu hái vào mùa thu, phơi khô.

lá muồng trâu
Lá muồng trâu

2. Hoạt chất trong cây Muồng trâu 

Trong lá, quả và rễ Muồng trâu đều có chứa các dẫn chất anthraquinone với tỷ lệ 2,2% trong quả, 3,4% trong lá. Từ dịch chiết cồn của lá và rễ, người ta đã tách riêng một flavonoid là kaempferol – 3 – O – sophoroside. Các thành phần này có khả năng chống viêm rất tốt.  

3. Muồng trâu và công dụng điều trị 

3.1. Điều trị Hắc lào, Lang ben nhờ hoạt tính kháng nấm 

Bệnh nấm da, hay Hắc lào, là bệnh do vi nấm thuộc nhóm Dermatophytes gây nên, ba loại thường gặp nhất là: Microsporum, Trychophyton và Epidermophyton. Lá Muồng trâu từ lâu đã được người dân sử dụng và mang lại hiệu quả cao điều trị.

Trong một nghiên cứu mới đây, hoạt chất được chiết xuất từ lá Muồng trâu đã chứng minh có tác dụng kìm hãm sự phát triển của nấm: Trichophyton rubrum, Microsporum gypseum, Epidermophyton inguinale, Pityriasis versicolor. Với nồng độ càng cao thì thời gian duy trì tính kháng nấm của dược liệu càng lâu. 

3.2. Tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và chống oxy hóa 

  • Kháng khuẩn 

Thử nghiệm in vitro về hoạt tính kháng khuẩn của chiết suất từ lá Muồng trâu trên 2 loại vi khuẩn: Staphylococcus aureus và Escherichia coli. Kết quả cho thấy Muồng trâu có hoạt tính kháng khuẩn trung bình đối với Staphylococcus aureus, vẫn thấp hơn so với nhóm đối chứng: Chloramphenicol, Penicillin; và không có hoạt tính kháng khuẩn đối với E. coli.

  • Kháng viêm và Chống oxy hóa 

Khả năng chống oxy hóa của các thực vật thể hiện qua hoạt tính của các enzyme oxy hóa như enzyme C-ase, P-ase, Vit.C… Đây là những thành phần quan trọng, giúp cơ thể thực vật khử các gốc tự do sinh ra trong quá trình trao đổi chất của cây. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng, cao chiết từ lá có hoạt tính kháng viêm và chống oxy hóa. Có thể giải thích là do thành phần các chất Chrysarobin, Tannin, Kaempferol, Isochrysophanol có trong lá. 

3.3. Tác dụng nhuận tràng, trị táo bón

Dẫn xuất Anthraquinone chiết từ lá Muồng trâu có tác dụng hiệu quả cao giúp nhuận tràng và điều trị táo bón.

3.4. Hỗ trợ điều trị Viêm khớp

Trong nghiên cứu gần đây sử dụng mô hình viêm khớp bằng tá chất freund trên chuột. Dịch chiết từ lá Muồng trâu (500 mg/kg) cho thấy hiệu quả cao trong việc làm giảm chu vi khớp gối (sưng), lượng bạch cầu trong máu và trong dịch khớp gối so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, kết quả vẫn thấp hơn so với nhóm được điều trị với Diclofenac (25mg/kg). Kết quả này mở ra hướng đi mới trong tương lai cho việc sử dụng dịch chiết từ Muồng trâu để điều trị viêm mãn tính trong các bệnh như viêm khớp dạng thấp. 

3.5. Hỗ trợ bảo vệ gan 

Hoạt động bảo vệ gan của nước sắc từ lá khô cây Muồng trâu đã được nghiên cứu chống lại tổn thương gan do Paracetamol gây ra ở chuột bạch tạng. Tác dụng này được thể hiện ở việc làm giảm các chỉ số: SGPT, SGOT, ALP, GGT. Quan sát mô bệnh học cũng cho thấy tác dụng bảo vệ tương tự. Kết quả chỉ ra rằng nước sắc từ lá có tác dụng bảo vệ gan. Điều này được lí giải có thể là do hoạt chất flavonoid có trong lá.

3.6. Các tác dụng khác 

Ngoài các tác dụng chính nêu trên, Muồng trâu còn được sử dụng nhiều để điều trị giun sán ở châu Phi. Các hoạt chất chứa trong Muồng trâu đang được nghiên cứu thêm về khả năng hỗ trợ trong điều trị các bệnh lý như Đái tháo đường, Rối loạn mỡ máu và Ung thư. 

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm về Sử quân tử: Vị thuốc trị giun có sẵn ngay trong vườn nhà hay bài viết Trinh nữ hoàng cung: Thực hư về tác dụng kháng u

4. Bài thuốc dân gian từ Muồng trâu 

  • Chữa Hắc lào, Lang ben

Lá muồng trâu tươi, thêm muối, giã nát. Lấy nước bôi ngày 2 lần sáng – chiều. Lưu ý sau bôi khoảng 10 – 15 phút đi rửa ngay vì có thể gây bỏng nhẹ nếu để lâu. 

  • Chữa táo bón 

Muồng trâu 20g, Chút chít 20g, Đại hoàng 4 – 6g. Sắc uống trong ngày. Hoặc có thể dùng nước uống lá tươi hoặc nước sắc từ lá khô cũng có tác dụng tương tự. 

  • Chữa viêm họng 

Lấy lá muồng trâu, ép lấy nước, pha loãng nước đó dùng súc miệng mỗi ngày. 

  • Chữa thấp khớp 

Muồng trâu 40g, Vòi voi 30g, Tang ký sinh, Quế chi, Dứa dại, Rễ cỏ xước, mỗi vị 20g. Sắc uống ngày một thang, trong 7 – 10 ngày.

  • Chữa đau thần kinh tọa 

Muồng trâu 24g, cây lức 20g, Thần thông, Rễ nhàu, Kiến cò, mỗi vị 12g và Đỗ trọng 8g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa ban chẩn 

Lá muồng trâu 8g, Hương bài 10g, Đọt tre non, Ké đầu ngựa, Mùi tàu, cây lức, mỗi vị 8g, Mứt hoa trắng 6g, Vỏ quýt 4g, Đăng tâm 2g. Sắc uống ngày một thang. 

5. Lưu ý khi dùng Muồng trâu

Cần thận trọng dùng cho phụ nữ mang thai.

Không nên sử dụng trong một thời gian dài, những người có tỳ vị hư hàn (thường bị lạnh bụng, tiêu chảy) thì không nên uống lá muồng trâu, vì sẽ dễ bị tiêu chảy.

Muồng trâu là loài thực vật mọc hoang nhiều nơi. Công dụng đã được chứng minh, rất hiệu quả trong điều trị các bệnh như hắc lào, lang ben, viêm họng, táo bón… Tuy nhiên bất cứ vị thuốc nào khi sử dụng đều có hai mặt lợi và hại như nhau. Quý độc giả nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi dùng để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất. 

Từ khóa » Cây Muồng Lác