Mỹ Nỗ Lực Chống Nạn Tội Phạm Trà Trộn Cảnh Sát - Công An Nhân Dân

  • Cảnh sát ghì gối làm chết người đàn ông da màu phải chuyển tù vì nghi tự sát
  • Chương trình huấn luyện chuyên gia đàm phán của cảnh sát Mỹ

Sau khi những đối tượng trên giải ngũ, chúng sẽ trở thành “cánh tay” đắc lực cho các ông trùm. Điều đáng lo ngại hơn nữa là quân đội không phải nạn nhân duy nhất của tội phạm có tổ chức. Lực lượng cảnh sát tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ đã loang lổ biến tướng từ phía trong bởi tội phạm.

Ung nhọt

Công chúng Mỹ từ lâu đã biết đến sự thoái hóa, biến chất của cảnh sát Los Angeles. Vào năm 1998 của thế kỷ trước, gần như toàn bộ đơn vị chống tội phạm có tổ chức của Sở Cảnh sát Los Angeles bị đưa ra tòa vì 106 cáo buộc phạm tội khác nhau. Tội ác của họ bị phanh phui sau khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) “đào sâu” vào vụ việc sĩ quan cảnh sát thuộc đơn vị dùng súng cướp 722,000 USD từ một ngân hàng.

Đơn vị chống tội phạm có tổ chức hoạt động không khác gì một băng đảng. Họ ăn trộm cocaine từ phòng thu giữ tang vật để đem đi bán. Họ “cài” ma túy vào người lương thiện để đổ vấy tội cho họ. Họ còn ám sát thành viên các băng đảng tội phạm để loại trừ đối thủ cạnh tranh. Trường hợp hy hữu nhất xảy ra khi một viên cảnh sát mặc thường phục buộc phải bắn hạ sĩ quan thuộc đơn vị nói trên sau khi người này đi ra giữa đại lộ và xả súng vào các xe đang lưu thông.

canh.jpg -0
Cảnh sát trưởng Alex Villanueva của lực lượng cảnh sát Los Angeles.

Vụ scandal khiến dư luận không khỏi phẫn nộ, nhưng họ giận sự biến chất của cảnh sát một phần, còn giận cách xử lý của tòa án đến chín phần. 70 sỹ quan bị đưa ra xét xử thì chỉ có 24 cá nhân bị kết án, trong đó 12 bị cáo chịu những án phạt treo, 7 người buộc phải từ chức hoặc nghỉ hưu sớm, và vỏn vẹn 5 người bị cách chức. Cách xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” này vô hình chung đã tạo điều kiện để các đối tượng tội phạm lọt lưới và lan ra khắp mạng lưới của Sở Cảnh sát Los Angeles.

Nữ phóng viên Cerise Castle là người có công nhiều nhất trong việc vạch trần những hành vi tội phạm của cảnh sát Los Angeles. Cô bắt đầu điều tra cảnh sát sau khi chứng kiến họ dùng vũ lực giải tán đoàn người biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc vào mùa hè năm 2020. Cerise phát hiện trên cánh tay một số sỹ quan có hình xăm của những băng đảng như Banditos, Jump Out Boys, Executioners, Grim Reapers, v.v… Sau một cuộc điều tra kéo dài gần hai năm, phóng viên kết luận rằng, thành viên các băng nhóm trên đều là sĩ quan da trắng đang phục vụ tại sáu đồn cảnh sát ở các khu dân cư tập trung nhiều người lao động da đen và Mỹ Latinh sinh sống.

Cerise nhận xét: “Gần như tất cả các băng đảng “đội lốt” cảnh sát đều được đặt tại các khu dân cư nghèo và hay mất an ninh trật tự. Trái lại, không có tổ chức tội phạm nào hoạt động ở những khu vực có thu nhập cao như Malibu. Điều này là bằng chứng cho thấy những đối tượng cảnh sát biến chất đã tính toán rất kỹ trong việc lựa chọn địa bàn hoạt động. Chúng biết ở đâu có thể sử dụng bạo lực mà không thu hút sự chú ý của báo giới”.

Theo số liệu Cerise Castle thu thập được, trong số 133 vụ đọ súng có sự tham dự của cảnh sát Los Angeles, hơn một nửa được gây ra bởi thành viên của những băng đảng kể trên. Họ cũng là những đối tượng chịu nhiều khiếu nại nhất từ phía người dân trong số công chức, viên chức tại Los Angeles. 80% trong số nạn nhân tử vong và bị thương do trúng đạn của cảnh sát là người da đen hoặc người Mỹ Latinh.

Điều đáng lo ngại hơn là các đối tượng tội phạm “đội lốt” cảnh sát đều ít nhiều mang hơi hướm phát xít. Băng đảng Vikings đã nổi tiếng từ cuối thập niên 1990 vì những vụ hành quyết người da đen man rợ của mình. Vào năm 2016, tòa án bang Los Angeles đã kết án 5 năm tù giam với Paul Tanaka, nguyên Phó trưởng cảnh sát Los Angeles, vì che giấu tội ác của cấp dưới. Ông này là thành viên cấp cao của băng Vikings. Paul Tanaka sử dụng quyền hạn của mình để che giấu hai vụ hành quyết, một vụ ăn trộm tang vật, và hơn mười vụ quấy rối người da đen. Ngoài Tanaka, FBI còn đưa ra tòa 21 sĩ quan khác có liên quan đến vụ việc.

nguoi.jpg -0
Người dân khu vực Los Angeles không còn tin lực lượng cảnh sát của họ.

FBI từ lâu đã lên tiếng cảnh báo việc các đối tượng phát xít gia nhập hàng ngũ cảnh sát Los Angeles. Tuy vậy, họ chỉ mới hành động thực sự mạnh tay trong vòng hơn mười năm trở lại đây. Một nguyên nhân được những người trong ngành kể ra là mối quan hệ “khăng khít” giữa cảnh sát Los Angeles và các cơ quan quyền lực cấp bang.

Ông Tomas Sankrit, cố vấn cấp cao của FBI, trả lời tờ The Intercept: “Sở Cảnh sát Los Angeles hiện có 18.000 sỹ quan quản lý khoảng 10 triệu người dân. Họ còn đông hơn cả quân đội một số quốc gia. Bất kỳ thẩm phán hay chính trị gia California nào cũng rất ngại phải “đụng chạm” tới đội ngũ cảnh sát Los Angeles. Chỉ nói riêng về lá phiếu dân chủ thì họ cũng đã có thể khiến bất kỳ ứng cử viên tranh cử nào thất bại”.

Cuộc chiến

Phóng viên Cerise Castle sử dụng kết quả điều tra của mình cộng với báo cáo do tòa án cung cấp để tạo ra một cơ sở dữ liệu liệt kê các sĩ quan cảnh sát đã “nhúng chàm” ở Los Angeles. Bản danh sách lúc này đã dài tới hơn 300 cái tên, trong đó có cả vị Sở trưởng Cảnh sát Los Angeles Alex Villanueva. Bất kỳ ai đọc qua các tội ác được liệt kê trong cơ sở dữ liệu cũng sẽ không khỏi rợn mình.

nu.jpg -0
Nữ phóng viên Cerise Castle lúc nào ra khỏi nhà cũng phải mặc áo giáp chống đạn.

Tại một trại tạm giam ở hạt Castaic có đến 25 quản giáo là thành viên của băng đảng IPA, một chi nhánh của tổ chức da trắng cực đoan KKK khét tiếng. Trong số này, quản giáo Konrad Thieme bị cáo buộc đã hãm hiếp 3 nữ tù nhân. Tên này bắt tù nhân phải ở trong phòng biệt giam nhiều ngày liền, sau đó bắt họ “phục vụ”. Đấy là chưa kể những vụ tù nhân khiếu nại khác sau khi bị quản giáo đánh đập tàn nhẫn.

Một đối tượng khác đang được dư luận chú ý là sỹ quan William Dorsey Jones. Jr., người đã giết chết anh Daniel Elena Lopez, 24 tuổi, ở cửa hàng tiện lợi trên phố North Hollywood. Daniel Lopez mắc bệnh trầm cảm và bất ngờ lên cơn khi đang đi mua sắm. Thay vì giải quyết vấn đề một cách hòa bình, sĩ quan Jones lại rút súng bắn chết nạn nhân. Cô bé 14 tuổi Valentina Orellana Peralta đứng gần đó cũng bị tử vong vì trúng đạn lạc. William Jones trước đó từng bị cáo buộc là thành viên băng đảng Grim Reapers và đã phải chịu án phạt 4 tháng không được công tác vì đánh hội đồng một người đàn ông.

Cơ sở dữ liệu do Cerise Castle lập nên đã giúp cô trở thành “người hùng” trong mắt cư dân Los Angeles, nhưng nó cũng đặt nữ phóng viên vào vòng nguy hiểm. Cô kể lại rằng: “Tối nào trước cửa nhà tôi cũng xuất hiện hai chiếc xe van hú còi inh ỏi suốt đêm. Ảnh camera cho thấy một trong những người ngồi trong xe chắc chắn là sĩ quan cảnh sát… Tôi thường xuyên nhận được những lời đe dọa nặc danh đòi giết tôi. Bây giờ tôi ít đi ra ngoài vào buổi tối, và lúc nào rời khỏi nhà cũng phải mặc áo chống đạn”.

Cerise Castle tuy vậy vẫn cảm thấy mình may mắn hơn nhiều đồng nghiệp. Mới đây trong một buổi họp báo, cảnh sát trưởng Alex Villanueva đã công kích một nam phóng viên của tờ The Daily Beast vì “tội”… dám điều tra cảnh sát. Tuy Alex Villanueva sau đó phải rút lại phát biểu của mình và công khai xin lỗi, hành động của ông ta vẫn là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền tự do báo chí.

de.jpg -0
Để che giấu hình xăm gangster của mình, một viên cảnh sát sẵn sàng nhờ bạn bắn vào chân mình.

Sau nhiều tháng trì hoãn, cuối cùng cơ quan thanh tra cảnh sát Los Angeles đã công bố mở cuộc điều tra sở cảnh sát thành phố này. Quyết định được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền bang California sửa đổi bộ luật quản lý hồ sơ nhân viên nhà nước. Luật mới cho phép các cơ quan thanh tra dễ dàng truy suất hồ sơ của đối tượng điều tra.

Ông Sean Kennedy, Giám đốc Tổ chức hoạt động vì quyền bình đẳng pháp lý Loyola, nói với phóng viên tờ Los Angeles Times như sau: “Nếu như trước đây chỉ có bộ phận điều tra nội bộ của cảnh sát mới có thể tiếp cận hồ sơ liên quan đến các tội sỹ quan lạm dụng vũ lực, hãm hiếp hay giả mạo bằng chứng, thì nay ngay cả cơ quan dân sự cũng được trao quyền này. Sự tham gia của bên thứ ba sẽ giúp tăng tính công bằng và trung thực trong quá trình điều tra, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” như những phiên tòa xử cảnh sát trước đây”.

Mới đây đã xảy ra một vụ việc hy hữu tại đồn cảnh sát hạt Kern, ngoại ô Los Angeles. Chuyện thế này: sỹ quan Wyatt Waldron bắn vào chân một đồng nghiệp nhằm xóa hình xăm của người này. Theo lời khai của Waldron, sỹ quan đồng nghiệp kia muốn xóa hình xăm băng đảng trên cổ chân mình nên đã nhờ Waldron dùng lửa để đốt. Khi đốt không được thì Waldron dùng súng bắn vào chân đồng nghiệp. Ẩn dưới hành động ngu ngốc này là một nỗi sợ rất thật. Các đối tượng cảnh sát biến chất cảm thấy áp lực của công lý đang ngày càng đè nặng lên mình. Họ sẽ cố vũng vẫy. Nhưng sự thật là không còn lâu nữa lực lượng cảnh sát Los Angeles sẽ chứng kiến một cuộc “thay máu” hoàn toàn.

  • Cảnh sát cải trang thành ông già Noel bắt tội phạm
  • Tan tành “giấc mơ Mỹ”

Từ khóa » Các Lực Lượng Cảnh Sát Mỹ