Mỹ Sắp Hết Tên Lửa Chống Tăng Javelin để Cung Cấp Cho Ukraine?

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hàng ngàn tên lửa chống tăng Javelin, song số lượng tên lửa này trong kho vũ khí của Mỹ đang cạn kiệt, theo trang Business Insider.

Lính Mỹ phóng tên lửa Javelin tại thao trường ở Hawaii năm 2016. Ảnh: Patrick Kirby/US Army

Lính Mỹ phóng tên lửa Javelin tại thao trường ở Hawaii năm 2016. Ảnh: Patrick Kirby/US Army

Mỹ có lẽ đã cung cấp 1/3 số tên lửa Javelin có trong kho vũ khí của nước này cho Ukraine. Vì thế Mỹ đang tiến gần thời điểm buộc phải giảm chuyển tên lửa này để duy trì đủ kho dự trữ cho các kế hoạch chiến tranh của nước này. Việc sản xuất tên lửa mới đang diễn ra chậm chạp và sẽ mất vài năm mới có thể bổ sung vào kho dự trữ.

Mỹ lo lắng kho dự trữ vũ khí sắp cạn

Javelin là tên lửa chống tăng dẫn đường tầm xa, chỉ cần ekip một người tự mang và vận hành. Đây là loại tên lửa tinh vi, hiệu quả và đắt tiền nhất trong số các loại vũ khí chống tăng tầm xa mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các quốc gia khác đang cung cấp cho Ukraine. Mỹ cho biết nước này đã gửi 7.000 tên lửa Javelin cho Ukraine.

Binh sĩ Ukraine phóng tên lửa chống tăng Javelin trong cuộc tập trận ở Ukraine hồi tháng 2. Ảnh: Ukrainian military/Handout/REUTERS

Binh sĩ Ukraine phóng tên lửa chống tăng Javelin trong cuộc tập trận ở Ukraine hồi tháng 2. Ảnh: Ukrainian military/Handout/REUTERS

Một điểm quan trọng cần lưu ý là Javelin là tên lửa chống tăng hiệu quả nhất và nổi tiếng nhất trong số các hệ thống vũ khí chống tăng nhưng không phải là nhiều nhất. Vũ khí chống tăng có số lượng nhiều nhất phải kể đến NLAW – một hệ thống chống tăng dẫn đường nhưng không tinh vi như Javelin và tầm bắn ngắn hơn.

Ngoài ra, các quốc gia khác đã cung cấp vũ khí chống tăng riêng cho Ukaine, chẳng hạn Đức cung cấp Panzerfaust 3, Thụy Điển cung cấp Carl Gustav.

Mỹ không công bố số liệu về kho tên lửa Javelin của nước này nên phải dựa vào suy luận.

Theo hồ sơ ngân sách của Lục quân Mỹ, có tổng cộng 37.739 tên lửa Javelin được sản xuất kể từ năm 1994.

Mỗi năm, lực lượng Mỹ sử dụng vài tên lửa để huấn luyện và thử nghiệm. Vì thế có thể trong kho còn lại 20.000-25.000 tên lửa Javelin. 7.000 tên lửa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine chiếm khoảng 1/3 kho Javelin của Mỹ.

Con số này nghe có vẻ không nhiều vì vẫn còn 2/3 trong kho. Tuy nhiên, các nhà hoạch định quân sự Mỹ có thể đang lo lắng. Mỹ dự trữ vũ khí cho một loạt các cuộc xung đột toàn cầu có thể xảy ra với Iran, Triều Tiên hay Nga.

Tại một thời điểm nào đó, kho dự trữ sẽ thấp tới mức các nhà hoạch định quân sự phải đặt câu hỏi liệu các kế hoạch chiến tranh có thể thực hiện được hay không. Mỹ có thể đang tiến gần đến thời điểm đó.

Tên lửa Javelin được vận hành từ xa gắn trên xe bọc thép Stryker tại thao trường Mỹ ở Đức năm 2018. Ảnh: US Army/Markus Rauchenberger

Tên lửa Javelin được vận hành từ xa gắn trên xe bọc thép Stryker tại thao trường Mỹ ở Đức năm 2018. Ảnh: US Army/Markus Rauchenberger

Một giải pháp là chắc chắn phải chế tạo tên lửa mới cũng như các thiết bị đi kèm. Mỹ đã mua khoảng 1.000 tên lửa Javelin mỗi năm. Công suất sản xuất tối đa là 6.480 chiếc một năm dẫu có thể mất một năm hoặc lâu hơn mới đạt được mức đó. Thời gian giao hàng là 32 tháng, tức là khi có đơn hàng thì sẽ mất khoảng 32 tháng tên lửa mới có thể được giao đi.

Điều này có nghĩa là sẽ mất 3-4 năm để Mỹ có tên lửa mới thay thế cho những tên lửa đã gửi sang cho Ukraine. Nếu Mỹ cung cấp thêm tên lửa cho Ukraine, thời gian thay thế này sẽ kéo dài.

Mỹ không chỉ cấp tên lửa Javelin cho Ukraine

Mỹ đang cung cấp rất nhiều loại vũ khí khác cho Ukraine, chẳng hạn như vũ khí nhỏ, radar theo dõi và xe tải bọc thép. Tuy vậy, số lượng những vũ khí này được cung cấp tương đối nhỏ so với lượng vũ khí trong kho của Mỹ.

Ví dụ, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 50 triệu viên đạn. Nghe thì có vẻ rất nhiều nhưng tổng số đạn dược Mỹ sản xuất cho mục đích quân sự và dân sự là 8,7 tỉ viên mỗi năm. Các chuyến hàng gửi đến Ukraine chiếm chưa tới 1% số đó.

Binh sĩ Mỹ phóng tên lửa phòng không Stinger trong một cuộc tập trận bắn đạn thật năm 2019. Ảnh: US Army/Sgt. Thomas Mort

Binh sĩ Mỹ phóng tên lửa phòng không Stinger trong một cuộc tập trận bắn đạn thật năm 2019. Ảnh: US Army/Sgt. Thomas Mort

Một hệ thống không còn nhiều trong kho vũ khí của Mỹ là tên lửa phòng không Stinger. Theo tờ thông tin của Nhà Trắng, Mỹ đã cung cấp 2.000 tên lửa Stinger cho Ukraine. Mỹ đã không mua thêm tên lửa Stinger kể từ năm 2003. Vào thời điểm đó, tổng sản lượng được công bố là 11.600 tên lửa.

Với việc tỉ lệ hao hụt do được sử dụng để huấn luyện và thử nghiệm là 1%/năm, số tên lửa Stinger còn lại trong kho vũ khí Mỹ là khoảng 8.000 chiếc. Vì thế, Mỹ đã gửi khoảng ¼ tên lửa Stinger cho Ukraine.

Năm 2013, thời điểm gần nhất Mỹ mua Stinger, khả năng sản xuất được công bố là 275 tên lửa và 720 tên lửa ở công suất tối đa. Thời gian sản xuất là 24 tháng. Điều đó có nghĩa là sẽ mất ít nhất 5 năm để thay thế số tên lửa đã gửi sang Ukraine.

Vấn đề là dây chuyền sản xuất dường như chỉ hoạt động để đáp ứng một lượng nhỏ đơn hàng từ nước ngoài, vì thế có thể mất hơn 24 tháng. Hơn nữa, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nghĩ tới hệ thống phòng không tầm ngắn thế hệ tiếp theo và có thể không muốn mua thêm tên lửa Stinger.

Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Nga có 2.800 xe tăng và 13.000 phương tiện bọc thép khác (gồm xe trinh sát và chiến đấu bộ binh) trong các đơn vị cùng với 10.000 xe tăng và 8.500 xe bọc thép trong kho dự trữ.

TRI TÚC Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Giá Của Tên Lửa Chống Tăng