Mỹ-Trung Căng Thẳng, Biển Đông Năm 2021 Sẽ Thế Nào? - PLO
Có thể bạn quan tâm
Với bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) không có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngày càng tăng thế này thì tình hình Biển Đông đến hết năm nay và trong năm tới 2021 sẽ thế nào? Nhà nghiên cứu cấp cao Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) có bài nhận định về viễn cảnh này trên báo South China Morning Post.
Theo ông, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh hồi tháng 3, căng thẳng ở Biển Đông cũng tăng mạnh. Đây chủ yếu là hậu quả của việc TQ liên tục đưa ra các yêu sách chủ quyền quá đáng cũng như sự suy giảm nhanh trong quan hệ Mỹ-Trung về hàng loạt vấn đề trong đó có bản thân Biển Đông.
Ông Storey cho rằng các hành động mà TQ thực hiện để khẳng định tuyên bố chủ quyền cũng như để cho các nước thấy đại dịch không ảnh hưởng được quyết tâm chính trị của TQ hay sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước này đã mang lại tác dụng ngược.
Biển Đông dậy sóng
Ông nhắc đến việc TQ huy động cả quân đội, lực lượng bảo vệ bờ biển, lực lượng dân quân hàng hải cùng hành động để theo đuổi mục tiêu này. TQ đưa tàu cá vào các vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia, triển khai tàu thăm dò đến vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Malaysia, Việt Nam, Philippines. TQ cũng lập (trái phép) cái mà nước này gọi là hai quận hành chính để quản lý Tây Sa và Nam Sa (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà TQ đang chiếm đóng trái phép). TQ cũng ngang nhiên đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông, và còn thử tên lửa ở vùng biển tranh chấp này.
Đáp lại, Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông cũng như tăng chỉ trích các hành động của TQ. Động thái quan trọng nhất của Mỹ thời gian qua có thể kể đến việc nước này rõ ràng hơn trong chính sách Biển Đông của mình, chọn công khai đứng về phía các nước Đông Nam Á (ĐNA) khi tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò theo “quyền lịch sử” của TQ vì không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Ngày 1-6, Mỹ gửi thư lên LHQ trình bày rõ quan điểm của mình. Ngày 13-7 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra một tuyên bố chứng nhận Mỹ ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông.
Ngày 26-8, Bộ Ngoại giao Mỹ trừng phạt một số lượng công dân Trung Quốc “chịu trách nhiệm, hay dính líu đến hoạt động cải tạo, xây dựng, quân sự hóa (trái phép) các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Bộ Thương mại Mỹ đưa 24 công ty nhà nước TQ liên quan đến hoạt động xây dựng (trái phép) của TQ ở bảy thực thể thuộc quần đảo Trường Sa.
TQ và Mỹ cáo buộc lẫn nhau kích động căng thẳng và quân sự hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ tăng cường triển khai các chiến dịch tuần tra tự do lưu thông hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông.
Trong bảy tháng đầu năm 2020, Hải quân Mỹ đã thực hiện bảy chiến dịch FONOPs ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, so với tám chiến dịch của cả năm 2019, năm chiến dịch của cả năm 2018, và bốn chiến dịch của cả năm 2017. Hải quân Mỹ cũng tiến hành một loạt cuộc tập trận quy mô và chất lượng ở Biển Đông, trong đó có việc lần đầu tiên kể từ năm 2014 Mỹ đưa một lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến vùng biển này. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng cường triển khai tàu ngầm và tuần tra hàng hải trên không ở Biển Đông.
Hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimizt của Hải quân Mỹ được triển khai đến tập trận ở Biển Đông giữa năm nay. Ảnh: REUTERS
Các nước ĐNA cũng phản ứng mạnh với TQ. Từ tháng 12-2019, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Philippines cùng gửi công hàm lên LHQ bác bỏ tuyên bố đường lưỡi bò của TQ ở Biển Đông dựa vào “quyền lịch sử” vì không phù hợp với UNCLOS. Đáng chú ý hơn, Việt Nam, Indonesia và Philippines đề cập đến phản quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Ngay cả Brunei – nước lâu nay không thường lên tiếng về vấn đề tranh chấp Biển Đông – cũng lần đầu tiên ra tuyên bố đơn phương về vấn đề này vào ngày 20-7, trong đó có đề cập phán quyết Tòa trọng tài năm 2016.
Dưới quyền chủ tịch của Việt Nam trong năm nay, Hiệp hội các quốc gia ĐNA (ASEAN) đã có sự nhấn mạnh thường xuyên và rõ ràng hơn đến UNCLOS như là “nền tảng trong việc xác định quyền hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán, và các quyền lợi hợp pháp ở các vùng hàng hải”.
Trong 18 tháng tới, khả năng căng thẳng dịu lại là không cao, theo nhà phân tích Storey. Quan hệ Mỹ-Trung sẽ còn tệ thêm bất kể tổng thống Mỹ mới tới đây là ai. TQ và Mỹ sẽ tiếp tục tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, làm tăng nguy cơ đối đầu. Việc gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan cũng sẽ ảnh hưởng đến tranh châp Biển Đông. Ông Storey cho rằng việc các nước ĐNA muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và thông qua thương lượng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với TQ để bảo vệ quyền chủ quyền của mình sẽ không giúp nhiều cho việc giải quyết tranh chấp.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Đối đầu Mỹ-Trung sẽ còn xấu hơn
Sự leo thang tình trạng đối đầu chiến lược giữa Mỹ và TQ sẽ tiếp tục làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Bất hòa giữa TQ và Mỹ có thể sẽ gia tăng mạnh trong giai đoạn nước rút của kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Với sự đồng lòng của lưỡng đảng tại Mỹ trong chống TQ, chính phủ Washington tương lại dù có thay người lãnh đạo từ ông Donald Trump sang ông Joe Biden thì cũng không có nhiều hy vọng Mỹ sẽ có chính sách hòa giải hơn ở Biển Đông.
Còn nếu ông Trump tái đắc cử thì khả năng rất lớn chính phủ của ông sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với TQ ở Biển Đông. Vì thế trong 18 tháng tới theo ông Storey khả năng lớn Mỹ sẽ còn tăng hơn nữa các chiến dịch quân sự ở Biển Đông, như tăng hiện diện, tăng bay tuần tra, tăng tập trận, tăng các chiến dịch tuần tra hàng hải FONOPs. Khả năng cũng sẽ có thể trừng phạt của Mỹ với các cá nhân và công ty TQ mà Mỹ cho là thực hiện chính sách của TQ ở Biển Đông.
Máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. Ảnh: AFP
Thông qua việc triển khai hàng hải ở vùng đặc quyền kinh tế Malaysia và qua tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo Mỹ đã cho thấy mình có ý định tăng cường ủng hộ các nước Đông Nam Á có tranh chấp ở Biển Đông. Khả năng Mỹ cũng sẽ có các hoạt động hỗ trợ, chuyển giao các thiết bị như radar, máy bay không người lái, xuồng tuần tra để các nước này giám sát tốt hơn hoạt động của TQ trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, đặc biệt hoạt động đánh bắt cá trái phép và sự hiện diện của tàu chính phủ TQ. Ông Pompeo cũng từng ngụ ý rằng Mỹ có thể sẽ ủng hộ về pháp lý với các nước ĐNA.
Phần mình, TQ sẽ tăng cường hơn nữa việc đưa ra các tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông cũng như tăng áp lực lên Đài Loan. Theo ông Storey điều này nhằm tăng uy tín của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cũng như chuyển hướng chú ý của người dân khỏi các vấn đề kinh tế của TQ. Các hoạt động quân sự của Mỹ kể cả các chiến dịch FONOPs sẽ không dễ cản trở được TQ. Một khi Mỹ tăng các chiến dịch FONOPs trên Biển Đông, quân đội TQ có thể sẽ có phản ứng theo hướng đối đầu hơn với các tàu Mỹ đi qua hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nguy cơ xung đột trên biển cũng tăng thêm và có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự trong quan hệ Mỹ-Trung.
TQ sẽ tiếp tục triển khai tàu khảo sát tới các vùng đặc quyền kinh tế của các nước ĐNA và quấy rối tàu thăm dò của các nước này. Mục đích hành động này của TQ là nhằm cưỡng ép các chính phủ ĐNA ký các thỏa thuận phát triển chung với mình, và cũng nhằm làm các tập đoàn năng lượng quốc tế nản lòng trong hợp tác khai thác với các nước ĐNA.
Lựa chọn của Đông Nam Á
Các nước ĐNA tranh chấp Biển Đông xác định bảo vệ các tuyên bố chủ quyền và quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Các nước ĐNA cũng xác định không để bị lôi kéo vào căng thẳng giữa TQ và Mỹ ở Biển Đông.
Các nước ĐNA có hai lựa chọn chính sách. Một là tiếp tục nhấn mạnh quyền hàng hải của mình được xác định trong UNCLOS và được bảo vệ trong phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Hai là thương lượng COC với TQ với hy vọng thỏa thuận này sẽ kiềm chế động thái của TQ và làm giảm căng thẳng.
Tuy nhiên theo ông Storey cả hai chính sách này đều khó ngăn được TQ. Thứ nhất, TQ không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và sẽ không nề hà chuyện mình bị giảm uy tín trên trường quốc tế vì điều này. Thứ hai, tiến trình thương lượng COC đang bị ngưng trệ vì đại dịch COVID-19.
Thậm chí ngay trước đại dịch nhiều nước ASEAN đã lo ngại về khả năng hai bên thống nhất được COC vào năm 2021. Nếu vậy có khả năng việc đàm phán sẽ kéo dài đến 2022 thậm chí 2023, và trong thời gian này TQ có thể củng cố hơn vị thế của mình ở Biển Đông.
(PLO)- Chính phủ Trung Quốc liên tục bắn tín hiệu “không nổ súng trước” và “sẵn sàng đàm phán hòa bình” với Mỹ, nhưng sự thật là Bắc Kinh muốn gì? ĐĂNG KHOATừ khóa » Căng Thẳng Mỹ Trung Tại Biển đông
-
Giải Pháp Xoa Dịu Căng Thẳng Mỹ - Trung ở Biển Đông - PLO
-
Cạnh Tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông: Cơ Hội Từ Những Thách Thức
-
Căng Thẳng Mỹ - Trung ở Biển Đông : Một Sự Leo Thang Nguy Hiểm
-
Mỹ - Trung Cùng Triển Khai Tàu Sân Bay ở Biển Đông Khi Căng Thẳng ...
-
Trung ở Biển Đông Cập Nhật Mỹ đưa Tàu Ngầm Trung Quốc Vào Tầm ...
-
Các Nước Lên Tiếng Trước Sự Căng Thẳng Leo Thang Trên Biển Đông ...
-
Trung Quốc - Mỹ Hành động Gia Tăng Căng Thẳng Tại Biển Đông | FBNC
-
Căng Thẳng Mỹ - Trung Tăng Nhiệt Trên Biển Đông - VnExpress
-
'Trung Quốc đã Quân Sự Hóa Hoàn Toàn Một Số đảo Nhân Tạo Trên ...
-
Mỹ - Trung đang Cố Gắng 'phá Băng'
-
Tại Sao Biển Đông Làm Căng Thẳng Quan Hệ Mỹ -Trung? - CAND
-
Mỹ-Trung "vờn" Nhau Giữa Lợi ích Kinh Tế Và Mâu Thuẫn Biển Đông
-
COVID-19 Năm Thứ 2: Mỹ-Trung Từ Thương Chiến Sang Gia Tăng đối ...
-
Nguy Cơ Xung đột Mỹ - Trung ở Biển Đông - Báo Người Lao động