Mycoplasma Hyopneumoniae Vẫn Là Một Thách Thức Lớn
Có thể bạn quan tâm
.
-->Giới thiệu
-->Kết hợp với vi-rút PRRS
-->Kết hợp với PCV2
-->Kết hợp với SIV và các tác nhân gây bệnh khác
-->Mycoplasma ở heo nái và các heo nái hậu bị thay thế
-->Mô hình loại thải Mycoplasma trong đàn heo
-->Vai trò của tiêm phòng Mycoplasma
-->Kết luận
-->Lưu ý
.
MYCOPLASMA HYOPNEUMONIAE VẪN LÀ MỘT THÁCH THỨC LỚN
(Mycoplasma hyopneumoniae - still a major challenge)
Tác giả: Tiến sĩ John Baker, người sở hữu và sáng lập Viện Thú y Warrick, Booneville, Indiana, Hoa Kỳ
.
GIỚI THIỆU
Mycoplasma hyopneumoniae là nguyên nhân gây bệnh hô hấp thường gặp trên toàn thế giới. Nó gây ảnh hưởng đến nền chăn nuôi heo công nghiệp như làm giảm hiệu suất trên heo nhiễm bệnh và tạo cơ hội gây bệnh trên đường hô hấp cho các tác nhân khác. Mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu lâm sàng và thiệt hại kinh tế thay đổi giữa các heo và giữa các đàn heo khác nhau. Tiêm phòng Mycoplasma được giới thiệu tại Mỹ trong những năm 1980 và cho thấy sự kiểm soát tuyệt vời trước căn bệnh Mycoplasma hyopneumoniae.
Tuy nhiên, với mật độ heo trong trại và trong chuồng nuôi ngày càng dày như hiện nay, nguy cơ mắc căn bệnh này đã trở thành mối quan tâm hàng đầu và nghiêm túc hơn.
Bị nhiễm Mycoplasma đã trở thành một tác nhân quan trọng của Bệnh Hô hấp Phức hợp trên Heo (Porcine Respiratory Disease Complex: PRDC). Đây là căn bệnh truyền nhiễm phức hợp trên heo trưởng thành do các vi-rút gây bệnh trên hệ thống hô hấp gây ra, như vi-rút PRRS, Porcine Circovirus type 2 (PCV2), và một số trường hợp có sự tham gia của vi-rút Cúm Heo (Swine Influenza virus: SIV).
^ Đầu trang
.
KẾT HỢP VỚI VI-RÚT PRRS
Mycoplasma hyopneumoniae tấn công các tế bào đệm liên kết ở mặt trong đường dẫn khí của phổi. Lớp đệm liên kết này chính là cơ quan tiết nước và tiết nhờn (mucocillary apparatus) có vai trò làm ẩm, làm sạch không khí trước khi vào phổi, vì thế đây là tuyến phòng thủ đầu tiên trước sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh hiện diện trong không khí. Ngoài việc làm tổn hại lớp đệm liên kết ở mặt trong đường dẫn khí, Mycoplasma hyopneumoniae còn kích thích tế bào sản xuất dịch nhầy để bắt giữ các tác nhân gây bệnh trong không khí. Sau đó, các tác nhân này sẽ di chuyển khi heo ho và bị tống ra khỏi phổi.
Sự tương tác giữa vi-rút gây bệnh như PRRS và Mycoplasma hyopneumoniae là không nhỏ và ảnh hưởng lên cả khả năng gây bệnh của chúng. Ví dụ như ở heo nhiễm vi-rút PRRS, hay thậm chí là một vi-rút khác như PCV2 hay SIV thì cơ chế phòng thủ tự nhiên của heo bị tổn hại đã tạo cơ hội cho sự xâm nhập của Mycoplasma, do đó, áp dụng tiêm phòng vắc-xin trong trường hợp này cần phải suy xét kỹ.
Khi đàn bị nhiễm vi-rút PRRS, heo con sẽ bị nhiễm tự nhiên vi-rút này ngay từ khi ra đời. Khi heo mẹ có khả năng miễn dịch với PRRS thì heo con của chúng sẽ không bị nhiễm bệnh trong giai đoạn mang thai và sẽ không hiện diện vi-rút trong giai đoạn theo mẹ. Vì thế, thách thức chủ yếu trong quy trình kiểm soát PRRS là tất cả heo nái đều tạo miễn dịch với vi-rút, nếu không vào thời điểm cai sữa, khi một số lứa bị nhiễm PRRS trong khi các lứa khác thì không, sẽ gây nguy hiểm cho khả năng mắc bệnh của heo con.
Khi heo con bị trộn lẫn trong giai đoạn sau cai sữa, thì sự lan tràn mầm bệnh sẽ xảy ra cho các heo không bị nhiễm PRRS chỉ trong vòng vài ngày. Trong các trại, heo con sau cai sữa thường được nuôi trong 6 - 8 tuần. Khi các trại này không áp dụng quy trình “cùng vào - cùng ra” (all-in, all-out), thì cho dù tại thời điểm cai sữa, tất cả heo con không bị nhiễm PRRS, nhưng vào giai đoạn sau cai sữa vẫn xảy ra sự lây lan bệnh từ các heo lớn hơn. Như đã thảo luận trước đó, vấn đề có thể xảy ra khi tiêm phòng Mycoplasma là đáp ứng miễn dịch ở heo bị suy giảm khi trong máu của chúng đang hiện diện vi-rút gây bệnh tại thời điểm tiêm phòng Mycoplasma. Chính vì lý do này mà Mycoplasma nên được tiêm phòng trước khi heo bị nhiễm vi-rút máu.
Nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả bảo vệ vẫn có ở các heo tiêm phòng ngay từ giai đoạn sớm, vào lúc một ngày tuổi. Mặc dù trong thời điểm này, mức độ kháng thể mẹ truyền cao sẽ tương tác với kháng nguyên trong vắc-xin và ảnh hưởng đến khả năng tạo ra kháng thể bảo vệ chống lại Mycoplasma.
Nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Chae cho thấy các heo tiêm phòng vào bảy ngày tuổi sẽ có đáp ứng miễn dịch tế bào cao hơn các heo tiến hành tiêm phòng tại thời điểm cai sữa với chính vắc-xin đó hay các vắc-xin tương tự.
^ Đầu trang
.
KẾT HỢP VỚI PCV2
Heo nhiễm đồng thời PCV2 và Mycoplasma hyopneumoniae thường có khả năng xuất hiện Hội chứng Suy nhược Đa-hệ-thống sau khi cai sữa (Post-weaning Multi-systemic Wasting Syndrome: PMWS) nhiều hơn so với heo chỉ bị nhiễm PCV2. Lúc đầu, nhiều báo cáo cho rằng, chính việc tiêm phòng Mycoplasma là nguyên nhân tạo cơ hội cho PCV2 xâm nhập vào heo và làm bùng nổ dịch PMWS. Tuy nhiên, kinh nghiệm thật tế lại cho thấy tiêm phòng Mycoplasma giúp giảm thiểu tác động của PMWS ở các heo nhiễm đồng thời PCV2 và Mycoplasma khi so với trường hợp xuất hiện đột ngột PMWS. Điều này có nghĩa là tiêm phòng Mycoplasma nên được tiến hành trước khi PCV2 xâm nhập vào máu để có sự kiểm soát PMWS tốt nhất.
^ Đầu trang
.
KẾT HỢP VỚI SIV VÀ CÁC TÁC NHÂN GÂY BỆNH KHÁC
Mycoplasma hyopneumoniae xâm nhập vào các heo hoàn toàn khỏe mạnh trong môi trường nuôi sạch và được sự quản lý tốt thường sẽ bị giới hạn khả năng gây bệnh. Nếu chỉ bị nhiễm Mycoplasma hyopneumoniae, heo sẽ hồi phục rất nhanh khi điều trị bằng kháng sinh như Lincomycin khi kháng sinh được pha với nước hay thức ăn hoặc tiêm thẳng vào heo. Các heo bị nhiễm này có thể xuất hiện dấu hiệu ho nhẹ. Mặc dù sự phân lập Mycoplasma hyopneumoniae ở các mẫu lấy cùng một trại khác nhau về độc tính trên tế bào nuôi cấy, nhưng điều đó không có ý nghĩa khác biệt thật tế.
Tiêm phòng vẫn tạo ra một sự kiểm soát phù hợp đối với các bệnh hô hấp. Mức độ nghiêm trọng của Mycoplasma hyopneumoniae được xác định bằng số lượng và khả năng gây bệnh của các đồng tác nhân gây bệnh khác xâm nhập vào phổi đang hiện diện Mycoplasma. Ví dụ như, Mycoplasma hyopneumoniae phá hủy cơ quan tiết nước và tiết nhờn của đường hô hấp; Cúm Heo cũng tấn công vào cơ chế bảo vệ cần thiết này trong phổi. Khi SIV xâm nhập vào đàn, các heo dương tính với Mycoplasma sẽ có khả năng nhiễm bệnh và tỉ lệ chết cao hơn khi so với các heo không nhiễm bệnh này.
^ Đầu trang
.
MYCOPLASMA Ở HEO NÁI VÀ CÁC HEO NÁI HẬU BỊ THAY THẾ
Tại Mỹ, có một số tác nhân khác làm triệu chứng do Mycoplasma hyopneumoniae gây ra trầm trọng thêm. Việc thay thế đàn heo nái hậu bị từ các công ty giống thường không mang theo Mycoplasma, nhưng hầu hết các trại heo tại Mỹ lại dương tính với Mycoplasma. Một số heo hậu bị được mua từ các hội chợ có thể mang theo mầm bệnh Mycoplasma trong cơ thể. Khi chúng gia nhập vào đàn giống trong trại, và tiếp xúc với các heo trong đàn, Mycoplasma sẽ lây lan.
Nghiên cứu cho thấy heo có thể bài thải Mycoplasma đến 254 ngày. Do đó, các heo nái hậu bị nhiễm bệnh sẽ tiếp tục bài thải Mycoplasma trong giai đoạn mang thai và lây nhiễm sang heo con. Nghiên cứu cũng cho biết mức độ nhiễm Mycoplasma tại thời điểm cai sữa có nhiều mối tương quan với mức độ trầm trọng của bệnh hô hấp ở các heo thịt sắp xuất chuồng. Đàn có tỉ lệ tiêu hủy và tỉ lệ chết cao thường là đàn có nhiều heo nái hậu bị nhiễm Mycoplasma.
Nếu một lượng đáng kể Mycoplasma được tìm thấy ở heo con vào thời điểm cai sữa, một chương trình tiêm phòng tích cực nên được thực hiện ở các heo nái hậu bị thay thế. Tiêm phòng có thể làm giảm mức độ nhiễm bệnh có thể xuất hiện khi các heo nái hậu bị mới được nhập vào đàn giống có dấu hiệu dương tính với Mycoplasma. Điều này sẽ làm giảm thời gian bài thải mầm bệnh từ các heo này sang lứa đẻ đầu tiên của nó. Mặt khác, khi có quá nhiều sự thay thế heo nái hậu bị trong đàn giống có thể làm đàn mất tính ổn định.
Heo nái bị nhiễm bệnh thường được xác định bằng sự gia tăng các mức độ khác nhau của ho khan trong đàn. Các heo nái có thể tiếp tục ho và ít ăn. Nếu điều này xảy ra, nên tiêm phòng toàn bộ đàn heo giống trong vòng ba tháng cho đến khi không còn thấy hiện tượng ho trong đàn. Với việc thay thế đàn heo hậu bị đã tiêm phòng hiệu quả, các heo nái ban đầu sẽ không cần tiếp tục sử dụng trong đàn.
^ Đầu trang
.
MÔ HÌNH LOẠI THẢI MYCOPLASMA TRONG ĐÀN HEO
Tùy thuộc vào quy mô loại thải Mycoplasma hyopneumoniae (giới hạn trong đàn, vùng hay cả nước) mà phương pháp kiểm soát bệnh này sẽ khác nhau. Ban đầu, phương pháp thường được lựa chọn chính là heo con được sinh ra bằng phương pháp mổ trong môi trường vô trùng của buồng bong bóng có trang bị các thiết bị phẫu thuật. Heo con được thở bằng không khí lọc cho đến khi chúng được tách khỏi sự tiếp xúc với heo mẹ bị nhiễm.
Sau đó, heo con này được nuôi trong môi trường sạch mầm bệnh và được đưa đến các trại mới và sạch sẽ. Heo con được sinh ra bằng phương pháp mổ trong môi trường vô trùng, được nuôi dưỡng và theo dõi trong chương trình này, có tên gọi là heo sạch mầm bệnh (Specific Pathogen Free: SPF). Con cháu của đàn này được sử dụng để xây dựng trang trại mới hay trang trại sạch và được theo dõi trong môi trường tương tự. Chương trình thành công trong việc tạo ra các quần thể heo không bị nhiễm và không xuất hiện dấu hiệu lâm sàng do Mycoplasma hyopneumoniae gây ra.
Mô hình Cai-sữa Sớm Cô-lập (Segregated Early Weaning: SEW) và Cai-sữa Sớm Điều-trị (Medicated Early Weaning: MEW) được Tiến sĩ Hank Harris và cộng sự giới thiệu với mục đích loại thải Mycoplasma hyopneumoniae ra khỏi quần thể heo. Mô hình SEW đòi hỏi phải cách ly heo con khỏi heo mẹ tại thời điểm sáu ngày tuổi và nuôi chúng trong các trại cô lập và vệ sinh. Còn mô hình MEW, các heo nái được điều trị bằng kháng sinh trước khi mang thai để làm giảm thiểu và bài trừ hết vi sinh vật gây bệnh ra ngoài môi trường. Mô hình này cho phép cai sữa heo con vào thời điểm chúng lớn hơn, khi chúng dễ bị quản lý hơn. Cả hai mô hình này đều thành công khi tạo ra quần thể không có Mycoplasma hyopneumoniae, không có biểu hiện lâu sàng và kiểm tra chuẩn đoán không gì đáng ngờ vào thời điểm đó.
Trong những năm gần đây, một số mô hình được phát triển để bài thải Mycoplasma hyopneumoniae khỏi đàn nái bằng cách sử dụng kết hợp biện pháp cô lập đàn và điều trị bằng kháng sinh với tiêm kháng sinh hoạt tính kéo dài chống lại Mycoplasma hyopneumoniae. Phương pháp này cũng rất thành công.
Tuy nhiên, với tất cả các cách tiếp cận trên, Mycoplasma hyopneumoniae vẫn còn tồn tại trong không khí và các sai sót trong quy trình an toàn sinh học vẫn còn đó. Do đó, việc tái nhiễm trong quần thể heo và tái xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng của bệnh Mycoplasma hyopneumoniae là không thể tránh khỏi. Vì thế, làm thế nào để giữ cho đàn không bị tái nhiễm luôn là một thách thức cho trại heo. Khi Mycoplasma hyopneumoniae tái xuất hiện trong đàn chưa bao giờ bị nhiễm thì các heo trong trại chắc chắn biểu hiện các triệu chứng lâm sàng và thiệt hại sản xuất của trại đó sẽ rất nặng.
^ Đầu trang
.
VAI TRÒ CỦA TIÊM PHÒNG MYCOPLASMA
Tiêm phòng Mycoplasma quy mô rộng được giới thiệu tại Mỹ vào những năm 1980. Việc tiêm phòng dễ thực hiện và có hiệu quả cao trong việc làm giảm dấu hiệu lâm sàng và thiệt hại kinh tế có liên quan đến bệnh. Kết quả này giúp các trại giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh với mục đích kiểm soát bệnh hô hấp trên đàn heo thịt. Tiêm phòng Mycoplasma cho thấy các dấu hiệu lâm sàng của bệnh hô hấp do Mycoplasma sẽ giảm xuống. Và cũng làm giảm các tổn thương nghiêm trọng trên mô phổi trong khi vẫn cải thiện tăng trọng bình quân ngày và hiệu quả thức ăn.
Do chi phí đáng kể của các chương trình loại thải và chỉ một sai lầm nhỏ trong khi thực hiện có thể tạo ra sự tái xuất hiện tác nhân gây bệnh, mà các trang trại chấp nhận nhanh chóng và thực hiện biện pháp mới là tiêm phòng Mycoplasma. Tại thời điểm đó, các trang trại heo lớn ở Mỹ là một khu vực tiếp nhận heo mới liên tục, là các trang trại hỗn hợp nuôi nái mang thai và heo thịt. Các heo hậu bị thay thế phải tiếp xúc với Mycoplasma trong suốt giai đoạn trưởng thành của nó hay qua sự phân tán bằng đường không khí trong quy trình sản xuất.
Điều này có nghĩa chúng đi vào các đàn giống có sự miễn dịch với Mycoplasma. Vắc-xin thương mại đầu tiên có hai liều với mũi đầu tiên được tiêm cho tất cả heo vào thời điểm 5 - 14 ngày tuổi và thường kết hợp với quy trình thiến. Mũi nhắc lại được tiêm ít nhất hai tuần sau đó, thường là thời điểm cai sữa 4 - 6 tuần tuổi.
Với việc thay đổi quy trình sản xuất tại Mỹ, tuổi cai sữa đã giảm còn 13 - 16 ngày tuổi. Điều này không cho phép heo tiêm phòng hai liều vắc-xin cách nhau hai tuần trước khi cai sữa. Khi hai mũi tiêm phòng được thực hiện trong vòng 12 ngày thì hiệu quả của mỗi mũi sẽ giảm xuống đáng kể hoặc triệt tiêu lẫn nhau. Do đó, tiêm phòng Mycoplasma đã được chuyển sang thời điểm cai sữa và mũi nhắc lại 2 - 3 tuần sau đó.
Vắc-xin vẫn còn hiệu lực trong việc kiểm soát dấu hiệu lâm sàng của bệnh Mycoplasma. Tuy nhiên, việc tiêm nhắc lại cho heo sau cai sữa không được phổ biến. Thời điểm tiêm phòng mũi thứ hai chính là thời gian phơi nhiễm sớm với Mycoplasma từ các đàn nái thịt và dễ làm bùng phát Mycoplasma hyopneumoniae trong đàn heo thịt. Điều này đã làm ra đời các vắc-xin Mycoplasma một liều duy nhất. Vì thế, việc áp dụng sản phẩm này được chấp nhận nhanh chóng và tiêm phòng trở thành một bước thông thường cần thực hiện khi cai sữa. Kiểm soát Mycoplasma hyopneumoniae vẫn còn rất tốt trong hầu hết các trại.
Như đã nêu, tiêm phòng Mycoplasma không thể ngăn ngừa Mycoplasma trong các đàn đã bị nhiễm. Ngoài ra, tác nhân làm tổn thương đường thở hay giảm sức đề kháng tự nhiên của heo có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin Mycoplasma trong việc kiểm soát tổn thương do nhiễm bệnh. Mật độ heo dày trong chuồng làm tăng mức độ phơi nhiễm Mycoplasma, làm giảm sức đề kháng của heo và áp lực cao khiến heo dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Trong nghiên cứu được thực hiện bởi Alex Hogg, các heo tiêm phòng với Mycoplasma được nuôi chung với các heo chưa tiêm phòng vẫn cải thiện được 6.82 lb (tức 3.09 kg) trọng lượng sống. Tương tự, nhóm heo được tiêm phòng với vắc-xin Mycoplasma và được nuôi chung với đàn chưa tiêm phòng có trọng lượng sống cao hơn 20 lb (9.07 kg) so với nhóm đối chứng.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng đáp ứng vắc-xin sẽ tăng khi toàn bộ sự hiện diện của Mycoplasma giảm. Để có được đầy đủ lợi ích của tiêm phòng Mycoplasma, quản lý tốt đàn heo và môi trường là rất quan trọng.
Nên hiểu rằng mặc dù vắc-xin sẽ giúp kiểm soát Mycoplasma hyopneumoniae trong mọi trường hợp, nhiễm đa bệnh và các đồng tác nhân gây bệnh khác, nhưng nếu còn sót lại những sai lầm không nhận dạng được có thể dẫn đến biểu hiện lâm sàng không chấp nhận được của các bệnh hô hấp và việc tiêm phòng vắc-xin sẽ thất bại.
^ Đầu trang
.
KẾT LUẬN
Mycoplasma hyopneumoniae không thể bị phớt lờ. Tiêm phòng sẽ cải thiện sự kiểm soát ngay lập tức căn bệnh tốn kém này. Sửa chữa các vấn đề trong môi trường và phương cách quản lý sẽ tăng khả năng kiểm soát Mycoplasma bằng vắc-xin. Hợp tác với bác sĩ thú y để hiểu rõ hơn tình trạng sức khỏe của đàn nhằm giúp tăng cường chương trình kiểm soát đã được thiết kế và giảm thiểu xuất hiện tình trạng phức hợp với các bệnh khác khi đang bị nhiễm Mycoplasma hyopneumoniae. Hiểu rõ về hiện trạng PRRS trong đàn cũng sẽ giúp chương trình tiêm phòng Mycoplasma đạt được hiệu quả cao nhất.
^ Đầu trang
.
LƯU Ý:
- Đàn heo giống sắp nhập nên được bảo vệ với vắc-xin Mycoplasma để làm giảm bớt sự bài thải mầm bệnh sang heo con.
- Đàn heo giống nên được giữ ổn định với việc nhiễm bệnh Mycoplasma để làm giảm thiểu tối đa sự bài thải mầm bệnh sang heo con.
- Heo nên được tiêm phòng vào thời điểm sớm, tốt nhất trong vòng bảy ngày đầu tiên trong cuộc đời nó để gia tăng tối đa sự bảo vệ trước sự phát triển của các dấu hiệu lâm sàng của bệnh Mycoplasma.
- Heo nên được tiêm phòng trước khi xảy ra hiện tượng vi-rút PRRS xâm nhập vào máu.
- Nếu sự phơi nhiễm Mycoplasma xảy ra giai đoạn sớm, nên làm giảm thiểu sự hiện diện của Mycoplasma dù cho phải sử dụng kháng sinh như Lincomycin trong thức ăn để kiểm soát sự nhiễm bệnh, cho đến khi hệ miễn dịch phù hợp xuất hiện và đủ khả năng chống đỡ.
^ Đầu trang
.
Bài báo này được đăng trên tạp chí “Asian Pork”, tháng Mười năm 2012 ©Copyright 2012, All Rights Reserved.
.
<< Trở lại trang Bệnh Viêm phổi địa phương trên heo
<< Trở lại trang Các bệnh thường gặp
Chủ đề khác: suyễn heo thách thức lớn kết hợp prrs cúm heo heo bệnh thường gặp viêm phổi địa phương mycoplasma hyopneumoniae tiêm phòng
Từ khóa » Tiêm Vắc Xin Suyễn Cho Lợn
-
Phòng Trị Bệnh Suyễn Lợn - Tạp Chí Chăn Nuôi Việt Nam
-
Hướng Dẫn Phòng Chống Bệnh Suyễn Lợn Và Bệnh Circovirus Type 2 ...
-
VẮC XIN PHÒNG BỆNH SUYỄN HEO ( MYPRAVAC SUIS 10 Liều )
-
VẮC XIN SUYỄN LỢN
-
Bệnh Suyễn Lợn (heo) - Lời Giải Nào Cho Người Chăn Nuôi! - VietDVM
-
Bệnh Suyễn Lợn - Hanvet
-
Hoàn Thiện Quy Trình Sản Xuất Vắc-xin Phòng Bệnh Viêm Phổi Do MH ...
-
MYPRAVAC® SUIS - HIPRA
-
Lịch Tiêm Phòng Vacxin Cho Lợn
-
Res-Vac - ANOVA BIOTECH
-
Lịch Tiêm Vắc Xin Cho Heo Con Từ Khi Sinh Ra đến Khi Trưởng Thành
-
Hướng Dẫn Lịch Tiêm Vacxin Cho Lợn An Toàn Và Hiệu Quả Nhất
-
Quy Trình Tiêm Phòng Vắc Xin Phòng Bệnh Cho Lợn Con, Lợn Nái, Nái ...