'Nấc Ruộng Bậc Thang đa Giá Trị' Cho Trung Du, Miền Núi Phía Bắc

Ngày 15/4, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan có bài tham luận tại Hội nghị Quán triệt, Triển khai Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng Phát triển Kinh tế - Xã hội, Bảo đảm Quốc phòng, An ninh Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dùng hình ảnh ruộng bậc thang để nói về phát triển nông nghiệp cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dùng hình ảnh ruộng bậc thang để nói về phát triển nông nghiệp cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Ảnh minh họa.

Đa giá trị

"Tôi xin bắt đầu nội dung tham luận bằng câu chuyện “Khi Mù Cang Chải trồng lúa để… bán hương”. Nếu chỉ đặt ra mục tiêu về năng suất, sản lượng, quy mô, việc canh tác lúa ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái khó có thể so sánh với các địa phương tại các vựa lúa lớn", ông mở đầu.

Nhưng theo Bộ trưởng, nếu biết cách giới thiệu, khai thác nét đặc sắc, độc đáo từ thiên nhiên, cảnh quan, thổ nhưỡng, văn hoá các dân tộc thiểu số, những thửa ruộng bậc thang có thể tạo nên giá trị tích hợp, lan toả, bền vững. Đây là quan điểm tiếp cận tiếp nối tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Phát triển nông nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng hàng hoá, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản”.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, với góc nhìn này, nông nghiệp không chỉ thể hiện ở “tư duy sản xuất” đơn thuần, mà cần được chuyển đổi thành “tư duy kinh tế”, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”, hay nói cách khác, chính là “tối ưu hoá giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích”.

Trước đây, khi đánh giá, nhìn nhận về tiềm lực, khả năng phát triển kinh tế - xã hội của một vùng đất, một địa phương, một khu vực, những nguồn lực hữu hình, như đất đai, điều kiện địa lý, tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động,… thường được phân tích, nhấn mạnh.

Bên cạnh nguồn lực hữu hình, vốn luôn bị giới hạn, còn có những nguồn lực vô hình, như “nguồn vốn văn hoá”, “nguồn vốn xã hội” là vô giá và không có giới hạn. Chính những “nguồn vốn văn hoá”, “nguồn vốn xã hội” phong phú, giàu chiều sâu, đậm bản sắc mới có thể tạo nên điểm nhấn khác biệt cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và sức bật lớn lao cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản ở các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, đạt được hiệu quả cao, dựa trên những cách làm mới mẻ, khác biệt. Đó là luôn gắn với đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng ở những nơi quy mô đất đai không lớn, như vùng trung du và đồi núi chúng ta. Đó là luôn giới thiệu nét đẹp văn hoá độc đáo, nhất là văn hoá các dân tộc định cư lâu đời. Đó còn là sự cam kết về cách thức, quy trình sản xuất nông nghiệp tử tế, an toàn, thân thiện với môi trường, đặt sức khoẻ của người tiêu dùng lên ưu tiên hàng đầu.

"Tham khảo các mô hình hiệu quả này, Bộ NN-PTNT đang triển khai, kết nối doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia am tường, để trao đổi, thảo luận, thí điểm các mô hình nông nghiệp phù hợp, phát huy thế mạnh và nét khác biệt của vùng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thêm thu nhập và nâng cao chất lượng sống của người nông dân", bài tham luận có đoạn.

Một hướng tiếp cận khả thi đó là kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm cộng đồng, xúc tiến quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng vùng, trên cơ sở phát huy các giá trị vô giá từ nguồn tài nguyên bản địa phong phú. Gửi gắm thông điệp “hội tụ giá trị, lan toả văn hoá”, mỗi một sản phẩm nông nghiệp, mỗi một dịch vụ du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn đều được chăm chút tinh tế, chuyển tải câu chuyện kể khơi gợi cảm xúc từ hồn đất, hồn người, nét đẹp văn hoá đặc sắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Bên cạnh đấy, cần quan tâm phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, quyết không đánh đổi tăng trưởng bằng sự suy thoái môi trường, làm mất đi đa dạng sinh học, cân bằng tự nhiên. Một cây xanh, một khu rừng không chỉ có giá trị từ ngành khai thác, chế biến gỗ, mà hơn hết, còn được xem là một nguồn lực thiên nhiên, với tính “đa dụng”, “đa chức năng”.

Cùng với giá trị kinh tế từ sản xuất gỗ thô, rừng còn là không gian bảo tồn các động vật hoang dã, là nơi trải nghiệm cảnh quang thiên nhiên, là nơi gìn giữ tính đa dạng sinh học, hấp thụ khí các-bon. Những giá trị gần như vô hình đó tạo ra không gian sống hài hoà, thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Cân bằng hệ sinh thái giúp con người được tận hưởng những “món quà” thiên nhiên ban tặng.

Ngoài ra, còn vô số những những loài thảo mộc tự nhiên, dược liệu có giá trị dinh dưỡng cao. Cần trân trọng những “giá trị dưới chân mình”, cần chăm chút cho giá trị kinh tế dưới tán rừng. Những tán rừng nguyên sơ, ngành dược liệu tự nhiên sẽ là giá trị mới, điều mà Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lai Châu và nhiều địa phương khác đang theo đuổi và thành công bước đầu. Bộ NN-PTNT đang định hướng “Chương trình phát triển kinh tế rừng đa dụng”.

"Chúng tôi đang đặt hàng các viện, trường nghiên cứu giống và quy trình canh tác các loại cây dưới tán rừng, trong đó có cây dược liệu, cây gia vị, hoa cảnh dưới tán rừng, và có chính sách hỗ trợ từ sản xuất đến kết nối thị trường. Những sinh cảnh tuyệt đẹp với mặt hồ, sông suối kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, hoà quyện với màu xanh núi rừng, sẽ thu hút du khách tìm đến trải nghiệm, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên. Khái niệm “rừng vàng” mà ông cha ta gửi gắm, chuyển tải nhiều hàm nghĩa sâu sắc, chứ không chỉ đơn thuần là khai thác gỗ, sản vật quý hiếm theo tư duy “đơn giá trị”", lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết thêm.

Những mô hình hiệu quả, với sự tham gia của nhiều bên sẽ giúp nông nghiệp ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc phát triển xanh, bền vững và toàn diện. Ảnh: Tùng Đinh.

Những mô hình hiệu quả, với sự tham gia của nhiều bên sẽ giúp nông nghiệp ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc phát triển xanh, bền vững và toàn diện. Ảnh: Tùng Đinh.

Phải đi cùng nhau

Theo ông Lê Minh Hoan, để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng hàng hoá, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản, cần đến nguồn lực con người – sự tham gia tích cực của người nông dân, của đồng bào dân tộc thiểu số, của cộng đồng dân cư, với vai trò chủ thể. Chính yếu tố con người mới thật sự là động lực, xung lực tạo bước đột phá mạnh mẽ cho khu vực còn nhiều gian khó, điều kiện còn hạn chế này.

Cần có những kế hoạch cập nhật kiến thức, huấn luyện người dân thông qua đội ngũ khuyến nông cơ sở, ngay tại bản làng. Thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, chúng ta khuyến khích người nông dân tham gia vào các mô hình liên kết, hợp tác, các thiết chế cố kết cộng đồng dân cư.

Có hiểu được giá trị của sự hợp tác, có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hợp tác xã, mới thấm đẫm triết lý “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Người nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư cùng nhau làm du lịch nông nghiệp – nông thôn. Cùng nhau khôi phục làng nghề truyền thống. Cùng nhau gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá, tài nguyên bản địa. Cùng nhau nâng cao chất lượng sống ngày một tốt hơn.

Song song đó, cần phát huy vai trò đầu tàu của những nhân tố năng động như doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô vừa và nhỏ để dẫn dắt tiếp cận các mô hình mới. Cần khuyến khích sự thay đổi tích cực của người nông dân, của đồng bào dân tộc thiểu số, của cộng đồng dân cư trong cách nghĩ, cách làm, từ thói quen, tập quán sinh hoạt ngày thường cho tới cách thức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

"Tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều bạn thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số năng động, giàu nhiệt huyết, khởi sự lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Đó là bạn chủ nhiệm hợp tác xã ở Tuyên Quang một mình xuôi tàu hoả vào Nam để giới thiệu quả cam sành Hàm Yên tươi ngon, theo quy trình canh tác an toàn, theo hướng hữu cơ.

Đó là bạn chủ cơ sở du lịch lưu trú ở Vân Hồ, Sơn La miệt mài thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách phục vụ, đem đến những trải nghiệm thân thiện, gần gũi, đáng nhớ với du khách trong và ngoài nước. Đó là Khang A Tủa kiên định hành trình theo đuổi con đường học vấn, luôn đau đáu nỗi trăn trở: “Em nghĩ vùng cao không cần xây thêm trường nữa. Vì trường học ở vùng cao có lẽ đã tương đối đủ rồi. Chúng ta cần “xây” người dạy, và “xây” cách dạy nhiều hơn”.

Đó là câu chuyện của những người dân bản làng du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, Lai Châu quyết tâm thay đổi số phận, làm chủ vận mệnh, đem đến sức sống mới cho một bản làng heo hút từng là điểm đen về ma tuý", Bộ trưởng chia sẻ.

Theo ông, mỗi sự thay đổi, dù là nhỏ nhất, của người nông dân, của đồng bào dân tộc thiểu số, của cộng đồng dân cư, đều có thể tạo nên những bước ngoặt, tạo nên những kết quả tích cực. Qua đó, có thể nhận thấy rằng, bên cạnh sự hỗ trợ về điều kiện vật chất hay nguồn lực hữu hình, cần hướng đến việc “đồng hành, tiếp sức” đi nhiều vào chiều sâu, từng bước khơi gợi, tạo dựng những giá trị cốt lõi, căn cơ, bền vững.

Những thay đổi đang diễn ra đây đó ở các địa phương vùng trung du và miền núi phía Bắc, nếu được kích hoạt, lan toả, nối kết cộng hưởng với chiến lược phát triển các tuyến cao tốc, các khu logistics cửa khẩu, sẽ thu hút các doanh nghiệp tiềm năng đến để đánh thức tiềm lực đang ngủ yên trên vùng đất xinh đẹp này.

"Với sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, và hơn hết, chính là sự quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền, Người Dân các địa phương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, với cách nghĩ mới, cách làm mới, hội tụ tri thức bản địa, văn hoá đặc trưng, sẽ cùng nhau bắt thành những “nấc ruộng bậc thang đa giá trị” từng bước vững chãi, tiến gần đến mục tiêu “phát triển xanh, bền vững và toàn diện” như Nghị quyết 11 đã đặt ra", Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết lại bài tham luận.

Từ khóa » Họa Tiết Ruộng Bậc Thang