Năm 2020 Và Mục Tiêu Không Còn Bạo Lực Học đường

Hội thảo quốc gia giới thiệu Bộ công cụ “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học”. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 31/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo quốc gia giới thiệu Bộ công cụ “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học” dưới sự hỗ trợ của UNESCO tại Việt Nam, cùng với sự tham gia đồng hỗ trợ của các tổ chức xã hội khác.

"Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học" là một công cụ giáo dục do Đại học Melbourne (Australia) xây dựng. Bộ công cụ giúp giải quyết các vấn đề bạo lực học đường trên cơ sở giới, đã được các đối tác trong khu vực công nhận (như đối tác trong khu vực Đông Á, Sáng kiến Giáo dục cho Trẻ em gái của Liên Hợp Quốc tại châu Á…).

Căn cứ vào các nghiên cứu khoa học và những kinh nghiệm thực hiện chương trình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, công cụ này sẽ hỗ trợ các giáo viên THCS, đặc biệt là cán bộ phụ trách công tác tư vấn trong trường học, giải quyết bạo lực học đường trên cơ sở giới (BLHĐTCSG) thông qua các hoạt động, các bài giảng đề cao các mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng và hòa nhập trong học sinh.

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến – Tổ tư vấn trong nước của UNESCO công bố báo cáo nghiên cứu BLHĐTCSG tại Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện tại 6 tỉnh ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam), mỗi tỉnh 2 miền với 4 trường học THCS và THPT với 3.698 người, trong đó học sinh là 2.636 em.

Kết quả cho thấy, 41% các em nam và 28% các em học sinh nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực thể chất trong nhà trường. Có 32% các em nam và 25% các em nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực lời nói; 33% các em nam và 39% các em nữ bị bạo lực xã hội.

Học sinh nam có nguy cơ trở thành nạn nhân lớn hơn về bạo lực thể chất, với tỷ lệ 64,7%, trong khi nữ là 51,1%, học sinh LGBT 71%.

Trong khuôn viên nhà trường, có nhiều chỗ học sinh không cảm thấy an toàn. Đặc biệt là khu nhà vệ sinh hoặc những chỗ xa văn phòng nhà trường hoặc xa chỗ thầy cô giáo hay những chỗ không có các phương tiện theo dõi, giám sát.

Theo ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT): Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã qui định trong mỗi trường phổ thông thành lập tổ tư vấn tâm lý để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Các giáo viên tham gia công tác tư vấn tâm lý sẽ được tham gia bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo qui định của Bộ GDĐT… Theo các chuyên gia tâm lý, đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Bộ GDĐT trong chỉ đạo các nhà trường trong bước đầu triển khai đồng bộ, thiết thực công tác tư vấn cho học sinh, trong khi điều kiện thực tế hiện nay chưa có đội ngũ chuyên viên tư vấn học đường chuyên nghiệp như mô hình tiên tiến tại các nước phát triển trên thế giới.

Ông Bùi Văn Linh cho biết, hiện cả nước có 14.000 trường phổ thông (THCS, THPT), dự tính mỗi trường cần có 3 đến 5 giáo viên tư vấn tâm lý để thực hiện công tác tư vấn cho học sinh, tập trung ưu tiên làm công tác giáo dục, tư vấn toàn diện, phòng ngừa cho tuyệt đại học sinh (thường chiếm trên 80% theo mô hình nghiên cứu các nhà khoa học); hỗ trợ giải quyết các khó khăn, rối nhiễu nhẹ tâm lý của học sinh (khoảng 15%); can thiệp chuyên sâu xử lý các tình huống rối loạn tâm lý (chiếm 5%). Như vậy, sẽ có khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 1,5-2 năm tới với mục tiêu đến năm học 2020 sẽ cơ bản không còn tình trạng bạo lực học đường xảy ra trong khuôn viên các trường học. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng khuyến khích các trường tiểu học đồng thời triển khai hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh với các nội dung phù hợp lứa tuổi. Làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh sẽ xử lý triệt để nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định: “Nói tới chất lượng giáo dục, chúng ta không chỉ nói đến thành tích, điểm số hay năng lực của học sinh mà còn cần nói tới môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và bình đẳng, ở nơi mà mọi học sinh đều có suy nghĩ tích cực về ngôi trường, về lớp học, bạn bè và thầy cô của mình… Đây chính là yếu tố quan trọng đối với một hệ thống giáo dục có chất lượng, quan trọng như chính chương trình đào tạo. Chỉ khi đưa được các yếu tố này vào giáo dục thì chúng ta mới có thể khẳng định trường học là một môi trường toàn diện và hòa nhập”.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm Bộ công cụ “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học” tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hà Giang. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Bộ GD&ĐT, UNESCO sẽ có những đánh giá hiệu quả của việc triển khai tại 4 tỉnh để từ đó nhân rộng ra các trường học trong cả nước. Đồng thời, cần nghiên cứu biên soạn thành các chuyên đề để giới thiệu cho sinh viên các trường sư phạm và làm tài liệu để bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên phổ thông.

Nhật Nam

Từ khóa » Thống Kê Bạo Lưc Học đường 2020