Năm 2022, Trồng Mới Khoảng 230.000ha Rừng - ThienNhien.Net

Những năm gần đây, công tác trồng cây, gây rừng ở nước ta có nhiều tiến triển tích cực, nhờ đó tỷ lệ độ che phủ rừng ngày càng tăng cao.

Nhân dịp Tết trồng cây Nhâm Dần 2022, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Quốc Trị.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết kết quả cụ thể sau một năm triển khai thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh”?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Năm 2021, mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, nhưng thực hiện Chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh”, cả nước đã trồng được 277.000ha rừng tập trung và gần 100 triệu cây phân tán (vượt 10% so với kế hoạch). Kết quả đó thể hiện tinh thần lao động cần cù, chịu khó, vượt qua thách thức, sự hưởng ứng và tăng cường xã hội hóa của cộng đồng; cùng với phương châm hành động, kiến tạo, quyết liệt của Chính phủ.

PV: Năm 2022, ngành lâm nghiệp sẽ trồng mới khoảng 230.000ha rừng tập trung (rừng sản xuất), tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng. Vậy ông cho biết cụ thể ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng rừng như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Hiện nay, diện tích đất trồng rừng sản xuất ổn định, không còn quỹ đất để phát triển, mở rộng. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng rừng, bố trí cơ cấu các loại rừng phù hợp là nội dung hết sức cần thiết và đặc biệt ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Khi nâng cao được chất lượng rừng thì trên cùng một đơn vị diện tích rừng sẽ có năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn và từ đó giá trị của rừng trên một đơn vị diện tích được nâng cao.

Năm 2022, chúng ta không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng rừng mà còn phải thực hiện điều chỉnh hài hòa các loại rừng, để phát huy mục tiêu của rừng. Để nâng cao chất lượng rừng, giai đoạn tới, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Rà soát, đánh giá diện tích đất lâm nghiệp và rừng để bố trí hài hòa các loại rừng: Phòng hộ, đặc dụng và sản xuất; đánh giá, lựa chọn, lập danh mục cơ cấu loài và giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng; nghiên cứu chọn tạo giống mới, khảo nghiệm các giống cây trồng lâm nghiệp đã được công nhận theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và thúc đẩy hoạt động chuyển giao những giống mới vào sản xuất; nghiên cứu xây dựng kỹ thuật tối ưu về chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng cung cấp gỗ lớn, trồng lại rừng sau khai thác, trồng rừng mới theo hướng thâm canh…

Cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên địa bàn Quân khu 2 hưởng ứng Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần do Chủ tịch nước phát động tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, sáng 6-2. (Ảnh: DIỆP ANH)

PV: Từ năm 2014, chúng ta đã thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Vậy để bảo vệ rừng, đồng thời khai thác tiềm năng của loại rừng này đối với việc phát triển kinh tế, như trồng dược liệu dưới tán rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ, du lịch sinh thái… được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, còn việc khai thác, sử dụng các giá trị khác, ngoài gỗ của rừng tự nhiên, như: Lâm sản ngoài gỗ; du lịch sinh thái, chi trả dịch vụ môi trường rừng… để tạo nguồn thu cho chủ rừng, tạo thêm nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng bền vững được khuyến khích thực hiện và thực hiện theo các quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Điều 30 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ có quy định: Chủ rừng được trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, nhưng không được làm suy giảm diện tích, chất lượng, tái sinh của rừng. Hoặc Điều 32 quy định: Chủ rừng được tự tổ chức hoặc hợp tác với các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hoặc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương án quản lý rừng bền vững, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

PV: Hằng năm, mỗi dịp Tết đến, xuân về cũng là “Tết trồng cây”. Vậy “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2022, ngành lâm nghiệp đã chuẩn bị những gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu, đồng bào cả nước lại tham gia trồng cây, trồng rừng giúp cho đất nước ta ngày càng xanh tươi; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò phòng hộ của rừng, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phong trào “Tết trồng cây” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong những ngày vui Tết, đón xuân.

Nối tiếp truyền thống do Bác Hồ gây dựng hơn 60 năm qua, để chuẩn bị cho Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Chỉ thị số 9095/CT-BNN-TCLN ngày 30-12-2021 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Nhâm Dần và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2022.

Thực hiện chỉ thị trên, đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, ban hành chỉ thị hoặc văn bản chỉ đạo tổ chức Tết trồng cây tại địa phương. Theo đó, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ phát động trồng cây vào dịp đầu xuân; còn các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ phát động trồng cây vào dịp sinh nhật Bác Hồ (19-5), phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Nguyễn Nghinh Xuân/Báo Quân đội Nhân dân

Bài liên quan:

  1. Chuyển nhượng carbon rừng: Thách thức và khuyến nghị
  2. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  3. Sản xuất cao su bền vững hướng tới phát thải thấp
  4. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  5. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
  6. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ
  7. Thủ tướng chỉ thị tổ chức Tết trồng cây, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng
  8. Buôn bán trái phép ĐVHD cần được xem là hình thức tội phạm nghiêm trọng nhất
  9. Suy thoái tài nguyên rừng trên thế giới – Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp
  10. Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam

Từ khóa » Diện Tích Rừng Việt Nam 2022