Nam Bộ, Thời Khẩn Hoang: Phảng, Cù Nèo Và Ruộng Cỏ - Báo Tuổi Trẻ

Khác mùa huê nở trường đông...Mùa màng, mộng mạ, giống má thất bát, cà đun (*) gieoPhảng kia phát chế, kèo nèo huơ, kèo nèo huơ...

(Lý cây phảng)

R8lkWOOT.jpgPhóng to
Các loại nọc cấy và phảng cấy
TTCT - 1- Khoảng năm 1985, trong đợt điều tra về các hình thức diễn xướng dân gian ở ngoại thành TP.HCM, tôi được chị Nguyễn Thị Mười hát cho nghe mấy bài lý, trong đó có bài Lý cây phảng trên đây.

Cũng xuất thân là “người Việt gốc ruộng”, nhưng kinh nghiệm canh tác ở Trung bộ của tôi đã không giúp tôi thấu hiểu được cái công việc một tay dùng phảng “phát chế” và một tay cầm “kèo nèo (cù nèo) huơ huơ”... là ra làm sao.

Cái phảng ở Trung bộ là “con dao trành”, tức loại dao dài độ 40 phân, mép dày, lưỡi không sắc mấy, dùng để phạt cỏ hai bên bờ ruộng trong công việc vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cấy lúa. Ở Quảng Nam, do vậy, gọi là dao phạt cỏ bờ. Ở đồng bằng Bắc bộ, vật dụng này gọi là “dao phát bờ”. Và nói chung ở Trung Bắc bộ thì đây “là loại nông cụ không được dùng phổ biến và thông dụng như cày cuốc” (1). Đó là điều khác biệt hẳn so với cái phảng ở Nam bộ.

2- Xem lại Gia Định thành thông chí (biên soạn đầu thế kỷ XIX), chúng ta thấy ở đất phương Nam thời trước có hai loại ruộng là sơn điền (ruộng núi) và thảo điền (ruộng cỏ). Sơn điền thì canh tác bằng phương pháp “đao canh hỏa nậu” tức “cày bằng dao” (dùng dao chặt phát cây cối) và bừa bằng lửa (đốt cây cỏ cháy sạch để gieo cấy). Điều này giải thích cho chúng ta nội dung câu ca dao miêu tả hình ảnh người đi mở cõi thuở xa xưa ấy:

Ra đi dao bảy dắt lưngNgó truông truông rộng, ngó rừng rừng cao

Cái dao bảy, dài bén như dao xắt chuối, đắc dụng cho người khai phá vùng ruộng núi (sơn điền). Còn với loại ruộng cỏ lùng, lác, bùn lầy thì có hai cách: 1) ở Phiên An (gồm TP.HCM, Long An, Tây Ninh... ngày nay) và Biên Hòa thì dùng trâu có móng chân cao để cày, nếu trâu thấp thì “ngã ngập trong bùn không đứng dậy nổi”; 2) từ Định Tường, Vĩnh Long đến phía tây sông Hậu (Long Xuyên, Kiên Giang, Cà Mau...) thì “không dùng trâu được mà phải đợi lúc hạ thu giao đại có nước mùa đầy dẫy, cắt bỏ lùng lác (trảm thảo, trảm phạt), cào cỏ đắp làm bờ, rồi chỏi đất cấy mạ xuống” (hiểu là cấy bằng “nọc cấy”) (2).

Để làm công việc trảm thảo/trảm phạt nhằm “cắt bỏ lùng lác” đó, cái phảng và cái cù nèo là thứ nông cụ đắc dụng - thay cho cày và bừa. Phảng và cù nèo trở thành công cụ khẩn hoang lập điền “danh giá” là như vậy. Có người cho rằng các loại phảng ở Nam bộ vốn gốc của người Khơme, được người Việt tiếp thu và cải tiến ít nhiều. Ý kiến này có cơ sở lịch sử của nó, nhưng xin được giả định thêm là cái lưỡi phảng đó tưởng như có hình bóng của lưỡi dao bảy sắc lẻm của những lưu dân hồi “ra đi dao bảy dắt lưng”.

3- Huỳnh Tịnh Của, trong Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn, 1895) cho chúng ta biết có ba loại phảng: phảng gai, phảng giò nai và phảng cổ cò. Theo kích thước đo đạc các hiện vật thuộc sưu tập nông cụ Nam kỳ của Trương Ngọc Tường thì:

Phảng gai là loại phảng ngắn lưỡi dùng để đốn, chặt cây gai, cán gỗ dài khoảng 50cm, cong gãy khoảng 1600, lưỡi cũng chỉ dài 50cm và rộng 8cm.

Phảng giò nai giống như cẳng con nai, cán ngắn khoảng 20cm, cổ dài 0,35cm tạo góc gãy với cán khoảng 1350, lưỡi phảng dài 65cm, rộng 7cm.

Phảng cổ cò cong và eo nhỏ lại như cổ con cò. Cán phảng cổ cò giống như cán phảng giò nai, tức khoảng 20cm, cổ phảng dài cũng khoảng 20cm, tạo góc cong khoảng 1300, lưỡi phảng dài 85cm, rộng 7cm.

Phảng gai dùng để phát hoang ở những vùng đất cao ráo hoặc để phạt cỏ bờ. Phảng giò nai và phảng cổ cò dùng để phát cỏ lác ruộng bưng. Kết quả nghiên cứu điền dã cho thấy phảng giò nai chỉ lưu hành ở vùng ruộng dọc sông Vàm Cỏ: Cần Đước, Cần Giuộc, Trảng Bàng, Mộc Hóa..., còn phảng cổ cò lại phổ biến khắp vùng đất ruộng hai bên sông Tiền và sông Hậu.

Ngoài ba loại phảng nêu trên, còn có phảng nắp, gồm hai loại: 1) phảng nắp lớn dài lưỡi ngắn cán (cán dài độ 25cm, lưỡi dài 90cm và rộng 9cm, cổ cong tạo một góc 750), 2) phảng nắp nhặt: cổ rất ngắn, tạo góc khoảng 750 (cán dài 30cm, lưỡi dài 90cm, rộng 7cm). Phảng nắp nói chung thích hợp với loại đồng cạn, ít cỏ.

4- Phát cỏ là công việc nặng nhọc và đòi hỏi phải có tay nghề. Tay phải cầm phảng phát một nhát, tay trái cầm cù nèo móc số cỏ đã đứt lìa gốc, kéo gom qua một bên cho trống chân cỏ để phát nhát phảng kế tiếp được sát gốc cỏ. Người phát cỏ phải khom lưng sao cho lưỡi phảng nằm ngang dưới nước, song song với mặt nước. Đồng thời phải khéo léo lia sao cho lưỡi phảng nương theo nước lướt tới mà không nghiêng lưỡi để bị nước cản, hạn chế lực của nhát chém.

Mỗi công phát cỏ từ 6g-11g trưa, người có tay nghề phát được một công đất. Đây là công việc rất tốn sức nên mỗi sáng họ thường ăn cơm cho chắc bụng, buổi chiều nghỉ dưỡng sức. Việc phát cỏ để cấy đúng vụ mùa rất khẩn trương. Phát cỏ sớm, trời chưa mưa, đất khô cỏ mọc lại. Phát muộn, nước ngập cao thì khó chém sát gốc cỏ. Do đó, thuở đất rộng người thưa, đến mùa vụ rất hiếm nhân công. Giải pháp tối ưu là trau dồi tay nghề để tăng hiệu suất làm việc. Qua thời gian, từ thực tế đã đúc kết thành những thủ thuật gọi là “phát thế”.

Theo Sơn Nam (trong Cá tính miền Nam), tổ sư của kỹ thuật “phát thế” này là ông Cai Thoại, làm chức cai đồn điền thời vua Tự Đức. Vào cuối thế kỷ XIX, khi lục tỉnh lọt vào tay giặc Pháp, ông lưu lạc khắp vùng Cà Mau, Rạch Giá. Tục truyền gặp ông, cọp bỏ chạy cong đuôi hoặc chầu chực bên cạnh khi ông nghỉ giữa rừng. Gặp ai làm việc nặng nhọc ông sẵn sàng tiếp tay, không đòi hỏi điều kiện gì. Sức ông làm bằng năm bảy người, trên vai luôn có cây phảng to và nặng gấp đôi cây phảng thường: cỡ 6kg, dài hơn 1m. Ai muốn phát cỏ nhanh để kịp mùa vụ thì cứ mời. Ông phát suốt ngày đêm, nhịn đói ròng rã đôi ba ngày, rồi sau đó ăn một nồi cơm to, ngủ suốt cả ngày.

Về sau, nhiều người đi phát cỏ dạo từ làng này sang làng khác, xưng là đệ tử hai đời của Cai Thoại. Khi ra ruộng họ phát cỏ như múa, tâm trí chuyên chú như kẻ bị nhập đồng và phát cỏ nhanh gấp đôi người thường, từ hai đến năm công mỗi ngày. Ai tò mò hỏi bí quyết, họ bảo là nhờ được “tổ sư truyền đạo”, nhờ “thánh thần phò trợ” nên luôn được mạnh khỏe.

Do đó, trong dân gian gọi đó là cách “phát thiếp”, hiểu là được thần thánh nhập vào! Trong số đó cũng không ít tay điếm đàng, nhận truyền nghề nhưng mượn một khoản thù lao kha khá để tiêu xài rồi xù, viện cớ chưa được tổ nhập hay bỏ trốn mất biệt! Thật ra, cái gọi là bí quyết chẳng qua là sức khỏe và kỹ thuật thao tác hợp lý.

Nói chung, cây phảng là nông cụ đặc biệt quan trọng trong cuộc khẩn hoang lập điền, trong hoàn cảnh đất rộng, sình lầy, trâu bò không cày bừa được. Mặt khác, đây là chứng tích của năng lực thích nghi đầy sáng tạo của những lưu dân ở một xứ sở lạ lùng, khác với những gì họ đã từng trải nơi quê hương bản quán.

sgcbmOH8.jpgPhóng to

(*) Một giống lúa ở ĐBSCL

(1) Nguyễn Quang Khải - Nông cụ và đồ gia dụng của nông dân đồng bằng Bắc bộ. NXB KHXH, H, 2003, tr. 35.

(2) Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo. Sài Gòn, 1972, tập hạ, tr. 30-31

Từ khóa » Cù Nèo Là Cái Gì