Nam Cao - Nhà Văn Của Câu Chuyện Nhân Cách Và Tình Thương

Nam Cao - nhà văn của câu chuyện nhân cách và tình thương
Nhiều tác phẩm của Nam Cao còn nguyên giá trị cho đến hôm nay

Nhà văn Nam Cao được biết đến với vai trò là nhà văn hiện thực với thiên chức dùng ngòi bút chống lại cái ác, chống lại sự tha hóa của chế độ cũ. Từ làng ra phố, Nam Cao nhìn rõ hơn về cuộc sống người dân quê. Những người nông dân kiêm thợ thủ công thất nghiệp, mất dần ruộng vườn về tay cường hào ác bá. Nhà văn Nguyễn Thế Vinh, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam cho biết: Từ những tấn bi kịch của người nông dân và trí thức trong xã hội cũ, chúng ta thấy Nam Cao quan tâm sâu sắc tới hai vấn đề lớn của con người là quyền được sống lương thiện và điều kiện để phát huy tài năng để sống một cuộc sống có ích, có ý nghĩa. Những cuộc đời như Chí Phèo, Lão Hạc, thầy giáo Thứ... mỗi người một tính cách, một số phận, một diện mạo riêng, nhưng tất cả đều là những con người vốn lương thiện, họ muốn làm người lương thiện, khát khao vươn tới hạnh phúc.

Theo nhà văn Nguyễn Thế Vinh, những tác phẩm đầy sức khám phá và sáng tạo của Nam Cao là thông điệp thể hiện khát vọng cháy bỏng của những con người chân chất lam lũ về một ngày mai tốt đẹp hơn, nhất định sẽ trở thành hiện thực, và sự thật đã trở thành hiện thực. Đồng quan điểm, nhà phê bình văn học Trần Đăng Suyền cũng cho biết: Nam Cao không chỉ đồng tình với khát vọng sống lương thiện mà còn đòi hỏi cho mỗi con người được phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình, cổ vũ cho khát vọng được cống hiến, được sáng tạo của người trí thức, người nghệ sỹ chân chính. Cao cả và đẹp đẽ biết bao lý tưởng nhân văn của Nam Cao được gửi gắm qua dòng suy ngẫm của nhân vật Thứ về sự sống “Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại” (Sống mòn).

Nếu cần khái quát thật gọn tư tưởng nghệ thuật của Nam Cao, cái linh hồn và cũng là cái lớn lao toát lên từ toàn bộ sáng tác của ông theo quan điểm của PGS,TS. Lê Quang Hưng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đó là: nhà văn của câu chuyện nhân cách và tình thương. Nam Cao luôn đăm đăm soi xét nhân cách con người trong tương quan với môi trường sống, với hoàn cảnh xã hội. Ông đau đớn, xót xa khi nhân cách con người bị lăng nhục, bị chà xát. Ông mừng vui phấn khởi khi con người bảo toàn được nhân cách trước sự xô đập của hoàn cảnh, sự đe dọa tha hóa bởi chính mình, qua Lão Hạc, Dì Hảo, anh đĩ Chuột trong Nghèo.

Các nhân vật của Nam Cao, từ trạng thái “chết mòn” của một thế hệ trí thức, và từ những cái “chết thật” vì đói hoặc “khùng điên” của người nông dân một vùng quê, thể hiện thái độ của nhà văn khi đón nhận cách mạng tháng Tám thật sự như một cuộc đổi đời. GS. Phong Lê nhận định, ngót sáu năm cho một hành trình cùng nhân dân, từ nông thôn ra thành thị, từ miền xuôi lên miền núi, cùng bộ đội và dân công, với vũ khí vẫn chỉ là ngòi bút và trang viết, những trang viết gắng viết theo kịp những chuyển động muôn mặt của sự sống, và là một sự sống gắng được soi nhìn bằng một đôi mắt mới, nên sớm chuyển được vào đường ray cách mạng.

Có thể nói, với việc phản ánh đa dạng và rất thành công những loại nhân vật bị tước nhân phẩm, đòi lấy lại nhân phẩm, đấu tranh gìn giữ và vươn tới nhân phẩm của con người, cho dù trong hoàn cảnh khó khăn, đen tối nhất, những sáng tác của Nam Cao đã mang lại những lại giá trị lớn lao nhiều mặt cho đời sống văn chương nói riêng, cho xã hội nói chung. PGS, TS. Phan Thị Việt Trung, Đại học Thái Nguyên nhận xét: “Các sáng tác đó góp phần thanh lọc tâm hồn con người; nó kêu gọi tình thương và trách nhiệm của con người đối với nhau và đối với xã hội. Trong xã hội ngày nay, những khát vọng hưởng thụ được đẩy lên ở mức độ cao khó cưỡng đối với một số khá đông người trong cộng đồng, thì những sáng tác của Nam Cao vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí còn mang tính thời sự nữa”.

Từ khóa » Câu Chuyện Về Nam Cao