Nam Sinh Bỏ Đại Học Y Theo Nghiệp 'gõ đầu Trẻ' - Tiền Phong

“Sẽ không có những người trò giỏi nếu “đầu vào” cùa người thầy chỉ ở mức 3-4 điểm/môn.” - chàng cử nhân quê xã Vân Diên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) khẳng định.

Bỏ Y, chọn Sư phạm

Liên tiếp trong hai năm lớp 11, 12, Lê Văn Tú (nguyên học sinh lớp chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An niên khóa 2010-2013) đoạt giải Ba rồi giải Nhì kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học.

Sư phạm không phải là mơ ước từ nhỏ của Tú. Đến năm học cấp 2, ước mơ theo nghiệp “gõ đầu trẻ” bắt đầu hình thành khi em bắt đầu định hình về tương lai của mình. Niềm mơ ước càng được nuôi dưỡng khi Tú xa nhà, xuống Vinh theo học lớp chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

“Các thầy cô giáo, đặc biệt là thầy Hoàng Thanh Phong - chủ nhiệm lớp, ngoài việc giúp đỡ em trong cuộc sống, trong học tập, thầy còn là người truyền cảm hứng cho em về nghề giáo”, Tú tâm sự.

Khi quyết định theo ngành Sư phạm, Tú không nhận được nhiều ủng hộ bởi thời điểm đó em đủ điểm vào khoa Bác sỹ đa khoa, ĐH Y Hà Nội - một nghề “hot” lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Tú không phải suy nghĩ quá nhiều tới quyết định theo nghề Sư phạm bởi vì em đã xác định con đường đi của mình từ trước.

Nam sinh bỏ Đại học Y theo nghiệp 'gõ đầu trẻ' ảnh 1

Lê Văn Tú vừa tốt nghiệp Khoa sư phạm Hóa học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với tấm bằng loại Giỏi

“Thuộc diện tuyển thẳng vào trường Sư phạm và xác định sẽ theo con đường này nhưng em vẫn quyết định tham dự kỳ thi Đại học vì không muốn mình “rỗi rãi” quá. Hơn nữa, tỉnh Nghệ An luôn có chính sách tuyên dương học sinh có kết quả thi đại học cao nên em thi để… lấy tiền thưởng. Em đạt 27 điểm khối B vào ĐH Y, cộng với giải Nhì Học sinh giỏi quốc gia, em được lĩnh tiền thưởng hai lần”, Lê Văn Tú cười.

Năm 2013, Tú cũng là học sinh giỏi quốc gia duy nhất đăng ký vào khoa Sư phạm Hóa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Điều này khiến em cũng khá bất ngờ bởi “không có nhiều người cùng chí hướng”.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, Lê Văn Tú tốt nghiệp khoa Sư phạm Hóa học với điểm số trung bình toàn khóa 3.53/4. Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi, Tú về quê lập nghiệp đúng lúc Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu “khuyết” 1 giáo viên Hóa. Tú mạnh dạn viết thư ngỏ và cầm hồ sơ xin việc đến gặp Hiệu trưởng nhà trường.

“Thầy hiệu trưởng nhận hồ sơ và bảo em chuẩn bị một số đề án. Nếu được nhận vào công tác tại chính ngôi trường đã nuôi dưỡng ước mơ cho mình, đối với em thực sự là một điều may mắn. Nhưng nếu không được nhận thì em vẫn quyết theo đuổi nghề Sư phạm, có thể phải đi xa nhưng được sống đúng với mục tiêu của mình”, Tú chia sẻ.

"Đừng chọn Sư phạm nếu không đam mê"

Thời điểm Tú quyết định theo nghề giáo, ngành Sư phạm đã không còn là ngành “hot”. Thời điểm em ra trường, ngành Sư phạm phải nhận “cú sốc” lớn khi điểm xét tuyển đầu vào xuống thấp, có thể nói là thấp nhất trong lịch sử khi mà chỉ cần mỗi môn 3-4 điểm cũng có thể đậu.

“Thực sự sau khi đọc những thông tin về việc “3, 4 điểm cũng có thể vào sư phạm” em rất buồn. Điều đó cũng chứng tỏ các em không xem trọng nghề Sư phạm, xã hội cũng không xem trọng nghề này. Một xã hội không coi trọng giáo dục thì sẽ rất khó phát triển.

Có thể là hơi phiến diện nhưng em nghĩ điểm thi thấp, chứng tỏ người ấy có quá trình học tập không nghiêm túc. Nếu cố chọn ngành Sư phạm chỉ để đi học đại học hay sau kiếm một cái nghề, thì đó là một sự thất bại.

Đừng chọn Sư phạm vì không đam mê. Cũng đừng chọn Sư phạm vì “bố mẹ muốn thế” hay vì cho rằng nghề này là nhàn hạ. Thành công của người thầy là ở những người học trò. Sẽ không có những người trò giỏi nếu “đầu vào” của người thầy chỉ ở mức 3-4 điểm/môn”, Lê Văn Tú trải lòng về nghề.

Nam sinh bỏ Đại học Y theo nghiệp 'gõ đầu trẻ' ảnh 2

Được nhận vào công tác tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu hay không Lê Văn Tú cho biết em vẫn quyết theo đuổi niềm đam mê sư phạm của mình.

Nghề Sư phạm là nghề đòi hỏi sự nghiêm túc, thời gian lao động và cường độ lao động cao. Tuy nhiên một trong những nguyên nhân khiến nghề sư phạm không nằm trong những nghề “hot” hiện nay là do nghề này chưa được trả lương đúng mức. Bởi thế nhiều bạn trẻ cho rằng nghề sư phạm không đáng để theo đuổi.

Theo Tú, để theo đuổi nghề giáo viên phải có sự kiên trì lớn, không chỉ ở chuyên môn mà còn nhiều kỹ năng khác. Hơn thế, để làm một giáo viên biết truyền được cảm hứng cho học trò lại càng khó hơn.

Nghề giáo cần nhất là lòng yêu nghề. Khi đã có lòng yêu nghề, có đam mê, nhiệt tình với nghề sẽ không bị những khó khăn hiện tại của nghề đánh gục. Nếu đến với nghề Sư phạm để xem đây là một công cụ để kiếm tiền thì sẽ khiến cho nghề trở nên tầm thường và làm tổn hại xã hội.

Nam sinh bỏ Đại học Y theo nghiệp 'gõ đầu trẻ' ảnh 3

Nghề giáo, cần nhất là lòng yêu nghề. Khi đã có lòng yêu nghề, có đam mê, nhiệt tình với nghề sẽ không bị những khó khăn hiện tại của nghề đánh gục

“Lúc bố em còn sống, bố bảo, nghề giáo là nghề giàu không đến nơi nhưng nghèo không đến chân. Có thể nghề giáo không giàu nhưng có những niềm vui mà những nghề khác không có được. Em chỉ muốn nói với các bạn nếu đã chọn lựa nghề Sư phạm thì hãy cố gắng để lựa chọn của mình là không sai lầm”, Lê Văn Tú tâm sự.

Nhiều ĐH Sư phạm tốp đầu tuyển bổ sung: Có ngành lấy tới 27 điểm
Nhiều ĐH Sư phạm tốp đầu tuyển bổ sung: Có ngành lấy tới 27 điểm 17/08/2017
Siết chất lượng ngành sư phạm: Trường nào sẽ không được tuyến sinh?
Siết chất lượng ngành sư phạm: Trường nào sẽ không được tuyến sinh? 17/08/2017 Theo Theo Dân trí

Từ khóa » Bỏ Học đại Học Y