"Nằm Yên Kệ đời Ngả Nghiêng" - Triết Lý Sống Mới Của Giới Trẻ Trung ...

Vào một ngày đẹp trời cách đây 5 năm, Luo Huazhong chợt nhận ra mình đang rơi vào trạng thái “bỗng dưng muốn… oải”.

Thế là chàng thanh niên 31 tuổi này quyết định bỏ công việc ở nhà máy, đạp xe vượt hơn 2.100km từ tỉnh Tứ Xuyên đến Tây Tạng tìm chỗ trú chân, cũng như quyết định sẽ làm “thợ đụng” (làm công việc lặt vặt) và chi tiêu gói ghém trong khoảng 60 USD/tháng (tương đương 1,4 triệu đồng) từ nguồn tiền tiết kiệm của mình.

Giới trẻ Trung Quốc đang theo đuổi lối sống chậm và giản đơn thay vì phải cố gắng hết sức cho những nhu cầu nặng về vật chất - Ảnh: Qilai Shen/NYT
Giới trẻ Trung Quốc đang theo đuổi lối sống chậm và tối giản thay vì phải cố gắng hết sức cho những nhu cầu nặng về vật chất - Ảnh: Qilai Shen/NYT

Anh Luo gọi cách sống của mình là “nằm yên và buông xuôi mọi thứ”, hay còn được biết đến với triết lý "nằm yên” (tiếng Anh: lying flat) vốn đang thịnh hành ở Trung Quốc hiện nay.

“Tôi thích lối sống này và thấy nó chẳng có gì là sai trái cả”, Luo viết trên trang cá nhân của mình hồi tháng Tư vừa rồi cùng tấm hình của chính mình đang nằm trên giường trong căn phòng tối với tấm rèm buông xuống.

Ý tưởng này của Luo ngay lập tức thu hút sự chú ý của hàng triệu bạn trẻ Trung Quốc, và thuật ngữ “nằm yên” trở thành trào lưu được chia sẻ rộng rãi trên khắp đất nước tỷ dân này.

Từ hàng thập niên qua, công thức chung của sự thành công ở Trung Quốc được gói gọn trong vài từ: làm việc chăm chỉ, kết hôn và có con. Thế nhưng, nhịp sống hối hả, cường độ và thời gian làm việc căng thẳng, giá nhà ở tăng cao vượt quá mức thu nhập của người lao động đang khiến giới trẻ Trung Quốc ngày nay cảm thấy hụt hơi trong vòng quay “cơm áo gạo tiền” mà không tìm ra lối thoát cho bản thân.

Áp lực nặng nề để thành công khiến giới trẻ Trung Quốc cảm thấy mệt mỏi - Ảnh: Yongyuan Dai/Getty Images
Áp lực nặng nề để thành công trong xã hội hiện đại khiến giới trẻ Trung Quốc cảm thấy mệt mỏi - Ảnh: Yongyuan Dai/Getty Images

Và thế là nhiều người trẻ đã quyết cưỡng lại sức ép nặng nề đó bằng cách… không theo đuổi “chuẩn mực vàng” mà xã hội đã tạo ra và họ phải cố gắng hết sức từ lâu nay.

“Sau một thời gian dài đâm đầu vào công việc, tôi chợt nhận ra mình không khác gì một cỗ máy”, anh Luo nói. “Và thế là tôi quyết định bỏ việc”.

Để thực hành lối sống “nằm yên”, giới trẻ buộc phải từ bỏ các kế hoạch kết hôn, không có con, chấp nhận tình trạng thất nghiệp cũng như tránh xa các nhu cầu vật chất như sở hữu nhà cửa, xe hơi. Mặc dù xu hướng này đi ngược với chủ trương của chính quyền Trung Quốc; thế nhưng có vẻ như một bộ phận không nhỏ giới trẻ nước này tỏ ra... mặc kệ.

Anh Leon Ding, 22 tuổi, thực hành lối sống “nằm yên” đã hơn 3 tháng qua. Anh bỏ ngang năm cuối đại học chuyên ngành Khoa học máy tính như một cách “chống đối” sự ép buộc của bố mẹ cho ngành học mà mình không hề yêu thích.

Sau khi rời trường đại học, Ding sử dụng khoản tiền tiết kiệm của mình để thuê một phòng trọ ở Thẩm Quyến và cố gắng tìm một công việc văn phòng bình thường. Thế nhưng anh nhận ra rằng, hầu hết các vị trí đều đòi hỏi người lao động phải làm việc nhiều giờ trong ngày trong khi anh chỉ muốn một công việc không quá căng thẳng để còn có thời gian thư giãn.

Lối sống nằm yên đang thu hút sự hưởng ứng rộng rải của giới trẻ Trung Quốc - Ảnh: Verve Times
Lối sống "nằm yên" đang thu hút sự hưởng ứng rộng rãi của giới trẻ Trung Quốc - Ảnh: Verve Times

Theo Ding thì người trẻ nên làm việc chăm chỉ cho công việc mà mình yêu thích, nhưng không phải theo công thức phổ biến “996” (có nghĩa là: làm việc liên tục từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, liên tục 6 ngày trong tuần) do giới chủ đề ra lâu nay, mà điển hình là Jack Ma - ông chủ của "đế chế" khổng lồ Alibaba của Trung Quốc.

Và để có thể duy trì cuộc sống, Ding nhận công việc chơi game theo giờ để được trả tiền công, đồng thời cắt luôn khoản tiền chi cho trà sữa vốn là món khoái khẩu hàng ngày của mình trước đây. Khi được hỏi về kế hoạch lâu dài của mình, anh chàng tuổi teen này chỉ trả lời ngắn gọn: “Hãy quay lại đây sau 6 tháng nữa cho câu hỏi của bạn. Bởi tôi chỉ lập kế hoạch cho bản thân mỗi 6 tháng mà thôi”.

Trong khi đại bộ phận thanh niên Trung Quốc vẫn tiếp tục tuân thủ định hướng công việc theo chuẩn mực mà nhà nước vạch ra thì triết lý sống “nằm yên” lại phản ánh một phong trào văn hóa nảy sinh theo cách tiếp cận mới, đồng thời cũng là một chỉ dấu của sự “phản kháng” với môi trường làm việc cạnh tranh cao theo kiểu vắt kiệt sức ở Trung Quốc.

Giáo sư Xiang Biao, chuyên gia Xã hội học tại Đại học Oxford (Anh) và là người nghiên cứu chuyên sâu về xã hội Trung Quốc gọi trào lưu “nằm yên” của giới trẻ Trung Quốc là một bước ngoặt của quốc gia này.

“Thế hệ trẻ cảm nhận được một sức ép quá lớn mà họ không thể giải thích được. Đã đến lúc người ta nhận ra rằng, sự thỏa mãn về cuộc sống vật chất không còn là thứ có ý nghĩa duy nhất trong đời sống của con người”.

Phấn đấu bằng mọi giá để có cuộc sống giàu sang không còn là mục đích tối thượng của giới trẻ Trung Quốc nữa - Ảnh:
Nỗ lực bằng mọi giá để có cuộc sống giàu sang không còn là mục đích tối thượng của giới trẻ Trung Quốc nữa - Ảnh: AFP

Tất nhiên là chính quyền Trung Quốc không hề muốn lối sống mà họ cho là “cá nhân, ích kỷ” này làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của số đông người trẻ ở đất nước mình; thế nhưng cũng không thể phủ nhận sự lan rộng của trào lưu “nằm xuống và mặc kệ đời nghiêng ngả” đang được không ít thanh niên ủng hộ và theo đuổi nhằm tìm kiếm một cuộc sống “chậm rãi, tối giản nhưng đầy ý nghĩa” cho cuộc đời mình.

Nguyễn Thuận (theo New York Post)

Từ khóa » Trào Lưu Nằm Yên Mặc Kệ đời