NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CƠ ...

Chương trình tổng thể cái cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 30cNQ-CP của Chính phủ ngày 08 - 11 - 2011 đã xác định nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là khâu then chốt trong sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước[1]. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18 - 10 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, trong đó đề ra nhiệm vụ phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

Đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở là một bộ phận của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững chính trị - xã hội để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới. “Cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[2].

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường và kể cả vai trò của cán bộ công chức nói chung, cán bộ, công chức cấp cơ sở nói riêng. Chính điều này, đã mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay là “phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ quản lý nhà nước phù hợp với vị trí việc làm, có kiến thức chuẩn về tin học, ngoại ngữ, có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ mới, biết áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước ở địa phương, thay đổi tư duy từ quản lý - cai trị sang tư duy hỗ trợ, phục vụ, kiến tạo, sáng tạo, đồng hành thúc đẩy sự phát triển, tập trung xây dựng chính quyền tương tác, đối tác, liêm chính, kiến tạo, vì nhân dân phục vụ”[3].

Để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0, cán bộ, công chức ở cơ sở không chỉ nắm vững lý luận chính chính trị, chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn phải có tư duy sáng tạo, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách hiệu quả, tiếp nhận và vận dụng thành quả khoa học công nghệ của nhân loại vào phát triển đất nước. Đồng thời, cán bộ, công chức cơ sở không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng thu thập và xử lý thông tin nhanh nhạy, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin. Do vậy, cần tập trung vào những giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cán bộ, công chức cơ sở phải tự rèn luyện, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ

Cán bộ, công chức cơ sở là mắt xích quan trọng trong tổng thể các thành tố vận hành hệ thống chính trị ở Việt Nam. Cán bộ, công chức cơ sở giữ vai trò hiện thực hóa đường lối, chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước trong đời sống xã hội. Để có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình thực hiện vai trò của mình, đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở phải không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giải quyết công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “học để biết, học để làm việc, học để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, học để làm người”. Tự học tập, rèn luyện bền bỉ suốt đời là con đường cơ bản tự vươn lên hoàn thiện mình. Quá trình tự hoàn thiện, tự giáo dục, tự rèn luyện không phải nhất thời mà là quá trình tự giác phấn đấu thường xuyên, liên tục, có mục đích, có kế hoạch, bám sát tình hình để điều chỉnh, thích nghi với công việc, với thời cuộc và hợp với lòng dân, ý Đảng. Tuy nhiên, quá trình tự học trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có nhiều luồng quan điểm, tư tưởng khác nhau, thậm chí có các quan điểm sai trái, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của đảng cũng như sự quản lý của nhà nước. Đó là sự thử thách, đòi hỏi cán bộ, công chức cơ sở phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của đảng.

Bên cạnh đó, hiện nay trình độ dân trí của nhân dân đã được nâng cao, tính chất quản lý ngày càng phức tạp, đòi hỏi việc quản lý nhà nước cần phải khoa học, bài bản. Do vậy, cán bộ, công chức cơ sở cần phải có trình độ, nhất là kỹ năng thực hành tổng hợp. Nếu cán bộ, công chức cấp trên cần phải chuyên sâu, thì cán bộ, công chức cơ sở lại phải có tri thức ở diện rộng, đa ngành, lĩnh vực, có thể giải quyết được hoặc ít ra cũng biết được thủ tục và cách giải quyết nhiều vấn đề rất khác nhau trực tiếp nảy sinh ở cơ sở, để hướng dẫn cho người dân thực hiện.

Thứ hai, đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ, công chức cơ sở

Tuyển dụng công chức cơ sở là khâu đầu tiên trong quá trình quản lý công chức. Việc tuyển dụng được những công chức có năng lực là nhân tố quan trọng giúp cho hoạt động công vụ đạt hiệu quả cao. Do đó, tuyển dụng công chức cơ sở phải gắn với chỉ tiêu biên chế, chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển công chức cơ sở. Cách làm này sẽ đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh khách quan, công bằng, minh bạch, chống được tiêu cực trong thi cử.

Ngoài ra, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra sát hạch chất lượng cán bộ, công chức cơ sở nhằm chuẩn hóa và chọn lọc nhân lực có chất lượng cao vào các vị trí, lĩnh vực mà địa phương đang cần. Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức ở cơ sở gắn với đề án vị trí việc làm và công tác cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp và hiện đại. Giải pháp này vừa đảm bảo tính khách quan, công bằng vừa đúng năng lực thật sự của cán bộ, công chức cấp cơ sở với mục đích nâng cao chất lượng chuyên môn, điều chỉnh thái độ ứng xử đúng mực, nâng cao bản lĩnh chính trị để giải quyết tình huống thực tế trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba, nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cơ sở

Hằng năm, chính quyền cấp cơ sở căn cứ vào những tiêu chí quy hoạch cán bộ, căn cứ vào nguồn lực cũng như đặc thù phát triển của địa phương cử cán bộ, công chức cấp cơ sở tham gia học các khóa học đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị huyện, thành phố. Thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp với từng cấp, từng đối tượng (sơ cấp, trung cấp, cao cấp), đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở sẽ được củng cố bản lĩnh chính trị, góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khơi gợi sự cống hiến vì sự phát triển của đất nước, của địa phương. Do đó, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở phải không ngừng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đánh giá “hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất hợp lý”[4]. Những thông tin đánh giá thiết thực này là cơ sở để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có sự điều chỉnh nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu của địa phương đặt ra.

Như vậy, để có thể thích ứng phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở phải chủ động thay đổi, chủ động học hỏi nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của mình dựa trên một nền tảng năng lực, trình độ và phẩm chất cần thiết để hiện thực hóa đường lối chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Đồng thời, đổi mới phương thức quản lý và thường xuyên kiểm tra sát hạch chất lượng cán bộ, công chức cơ sở./.

[1] Phấn đấu đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011,t.5, tr.313.

[3] Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các tỉnh Đông Nam Bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 có trích dẫn bài viết củaThS Phạm Hồng kiên: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tr362, 2019 .

[4] Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.193

Từ khóa » Giải Pháp Xây Dựng đội Ngũ Cán Bộ Công Chức