Nâng Cao Hiệu Quả Nguồn Vốn Chương Trình Giảm Nghèo 30a

Chú thích ảnh
Gia đình chị Lê Thị Trang (bản Hủa Na, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) thoát nghèo từ Chương trình hỗ trợ bò sinh sản. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Các công trình kết cấu hạ tầng được triển khai kịp thời đã giúp bộ mặt vùng nông thôn Nghệ An khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được nâng lên, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Đơn cử tại huyện Kỳ Sơn, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình, huyện đã được hỗ trợ hơn 710 tỷ đồng, trong đó trên 680 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hơn 36 tỷ đồng từ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Huyện đã triển khai 8 nhóm chính sách nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh qua từng năm. Nếu như năm 2015, số hộ nghèo là gần 10.000 hộ, chiếm trên 65%, thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 42%.

Tại xã Hữu Kiệm, một trong 20 xã khó khăn của huyện Kỳ Sơn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là gần 73%. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, diện mạo Hữu Kiệm đã có nhiều thay đổi. Người dân được hỗ trợ giống, công cụ sản xuất đã mạnh dạn chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước từng bước được xóa bỏ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,1%. Năm 2020, xã Hữu Kiệm được công nhận là xã chuẩn nông thôn mới, đây cũng là xã chuẩn nông thôn mới duy nhất của huyện Kỳ Sơn.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định: Chương trình 30a cùng với các chương trình giảm nghèo 135 với hàng trăm công trình, dự án được triển khai đã giúp Kỳ Sơn phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đời sống người dân được nâng lên từng ngày. Để thoát nghèo bền vững, bên cạnh việc giao đất giao rừng, tạo sinh kế cho người dân, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thay đổi ý thức, lấy việc tự thoát nghèo làm vấn đề cốt lõi chứ không phải trông chờ, ỷ lại từ các chính sách của Nhà nước. Huyện cũng đã ban hành Chỉ thị 17, trong đó phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo.

Tại huyện Tương Dương, nhờ thực hiện nghiêm túc ngay từ khâu lựa chọn công trình, dự án đầu tư, quá trình thi công, huyện đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, phòng, ban chức năng của huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh giám định, giám sát từng loại công trình. Vì vậy, hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả. Những công trình về điện, đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nơi đây đi lại, làm ăn, phát triển kinh tế. Chỉ trong 5 năm, từ 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 49,84% xuống còn 24,28%. Câu chuyện người dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo không còn là chuyện hiếm ở huyện miền núi Tương Dương.

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết, chỉ riêng năm 2019, toàn huyện có 490 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Hằng năm, huyện đều rà soát các đối tượng, đặc biệt tập trung vào hộ nghèo, sau đó đầu tư xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản phù hợp, nhờ đó mang lại hiệu quả rất lớn. Trong ba năm gần đây, huyện đã đầu tư cho 751 hộ nghèo, đến nay tất cả các hộ này đều đã thoát nghèo. Hiện nay, Tương Dương cũng là huyện 30a duy nhất trong cả nước có đến 5 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ khóa » Chương Trình 30a Là Gì