Năng Lực Quân Sự Của Châu Phi Tới đâu? - Báo Cần Thơ Online

Trang mạng Global Fire Power (GFP) của Mỹ vừa công bố bảng xếp hạng 2022 về sức mạnh quân sự của 140 nước trên thế giới. Trong đó, 36 quốc gia châu Phi đã được nghiên cứu để xác định tiềm lực quốc phòng.

Binh sĩ Rwanda. Ảnh: Reuters

Bảng xếp hạng của GFP dựa trên 50 tiêu chí, từ sức mạnh quân sự, tài chính đến khả năng hậu cần và địa lý. Cũng như năm 2021, Ai Cập tiếp tục là cường quốc quân sự hàng đầu châu Phi và đứng thứ 12 trên thế giới.

Vị thế của không quân Ai Cập đã giảm đáng kể từ thập niên 1980, khi nước này hầu như chỉ dựa vào vũ khí Mỹ, trong khi Washington hạn chế cung cấp vũ khí tiên tiến cho Cairo. Tuy nhiên, từ năm 2013, quốc gia Bắc Phi đã đầu tư mạnh vào cuộc cách mạng hóa khả năng tác chiến trên không, chủ yếu là khí tài có nguồn gốc từ Nga, sau khi chính phủ Hồi giáo do phương Tây hậu thuẫn bị lật đổ. Cuộc tấn công bất ngờ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) nhằm vào nước láng giềng Libya khiến cả Ai Cập tập trung cao độ cho việc hiện đại hóa lực lượng không quân để tránh trở thành nạn nhân tương tự. Trong đợt mua hàng đầu tiên, Ai Cập có được 46 máy bay chiến đấu hạng trung MiG-29M, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300V4 cùng các hệ thống tầm trung BuK-M2 và tầm ngắn Tor-M2. MiG-29M đã trở thành chiến đấu cơ đầu tiên của Ai Cập triển khai tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar chủ động R-77.

Ðến nay, với việc sở hữu hơn 1.062 máy bay chiến đấu các loại, Ai Cập xếp thứ 8 toàn cầu về sức mạnh không quân. Ðất nước đông dân thứ 3 châu Phi này hiện có hơn 4.000 xe tăng, 245 tàu chiến, 450.000 quân nhân tại ngũ và 480.000 quân dự bị. Ngân sách quốc phòng của Ai Cập ở mức 4,3 tỉ USD mỗi năm.

Xếp thứ 2 trong danh sách sức mạnh quân sự tại châu lục là Nam Phi. Nước này đã nhảy từ vị trí thứ 32 lên 26 trên bảng xếp hạng thế giới. Quy mô lực lượng vũ trang của Nam Phi khoảng 267.000 lính, trong đó có 72.000 quân nhân tại ngũ. Về kho vũ khí, Nam Phi có trong biên chế 225 chiến đấu cơ các loại, 195 xe tăng tác chiến, 47 khí tài hải quân. Chi tiêu cho quốc phòng hàng năm của Nam Phi là gần 3 tỉ USD.

Các thứ hạng quân sự tiếp theo trong tốp 10 tại châu Phi thuộc về Algeria (thứ 31 thế giới), Nigeria (thứ 35), Maroc (thứ 55), Ethiopia (thứ 65), Angola (thứ 66), Libya (thứ 72), Sudan (thứ 73) và Tunisia (thứ 74).

Còn nhiều hạn chế

Các quân đội ở lục địa đen vốn có lịch sử đảo chính và những vụ vi phạm nhân quyền. Trong đó, chỉ riêng khu vực châu Phi cận Sahara từng trải qua 80 cuộc đảo chính thành công và 108 cuộc đảo chính bất thành trong giai đoạn 1956-2001, tức trung bình 4 cuộc/năm. Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), ít nhất 20 quốc gia ở vùng châu Phi cận Sahara liên quan đến các cuộc xung đột vũ trang trong năm 2020.

Ngoài ra, quân đội một số nước châu Phi được huấn luyện, trang bị nghèo nàn và hoạt động kém hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm thiếu kinh phí, vấn đề thường bộc lộ khi quân đội được huy động để chống các nhóm nổi dậy, như từng thấy ở Nigeria và Mozambique.

Theo bảng xếp hạng GFP năm 2022, 10 quân đội hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Pakistan và Brazil.

HẠNH NGUYÊN (Theo DW)

Từ khóa » Top Quân Sự Thế Giới