Nắng Nóng "như địa Ngục” ở Iraq - Báo Lao động

Nắng nóng "như địa ngục” ở Iraq
Một người đàn ông đẩy xe hàng trong cơn bão cát ở Baghdad, Iraq, ngày 23.5. Ảnh: AP.

Umm Mohammed, 74 tuổi, liên tục phe phẩy quạt để làm mát nhưng dưới ánh nắng chói chang tại thành phố Basra, miền nam Iraq, nơi đây chỉ có gió nóng.

Người dân Basra đã quen với mùa hè thiêu đốt nhưng năm nay, nắng nóng bắt đầu sớm hơn thường lệ, khiến họ càng thêm khốn khổ bởi thành phố này luôn trong tình trạng thiếu điện.

“Chúng tôi mệt lắm rồi”, Umm Mohammed nói một cách uể oải. Bà thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm vì nóng.

Mùa hè chỉ mới bắt đầu được vài ngày, nhiệt độ ở Basra đã lên đến quanh 45 độ C. Xa hơn về phía bắc, tại thủ đô Baghdad, nhiệt độ đã vượt 50 độ C đo trong bóng râm.

Hạ tầng Baghdad đã hư hại đáng kể sau hàng chục năm xung đột trong khi đó, Iraq đang phải vật lộn với hạn hán, bão cát, sa mạc hóa và mực nước tại một số sông giảm.

Tình trạng cắt điện kéo dài càng thêm trầm trọng vào mùa hè. Chỉ những người mua được máy phát điện mới có thể giữ cho tủ lạnh hoặc máy điều hòa không khí của họ duy trì hoạt động.

Tại Basra, độ ẩm cao càng khiến không khí thêm ngột ngạt. Và với nhiều người Iraq đang chật vật để kiếm sống, chi khoảng 105 USD/tháng cho một máy phát điện riêng không phải là lựa chọn họ có thể chấp nhận.

Nhà chức trách “phải hỗ trợ những người nghèo” - Umm Mohammed nói, chỉ trích chính quyền vì không cung cấp đủ nguồn điện.

Um Mohammed ngồi trong nhà ở thành phố Basra, miền nam Iraq. Ảnh: AFP
Um Mohammed ngồi trong nhà ở thành phố Basra, miền nam Iraq. Ảnh: AFP

“Đó là địa ngục”

Iraq là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức Các quốc gia Xuất khẩu Dầu (OPEC). Nhưng quốc gia này lại mua khí đốt nhiều năm nay từ nước láng giềng Iran – đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu của ngành điện Iraq.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ với dầu và khí đốt Iran khiến quá trình thanh toán nhập khẩu của Iraq trở nên khó hơn, Baghdad bị truy thu và Tehran định kỳ “khóa van”.

Hệ quả, tình trạng cắt điện càng kéo dài với hầu hết 41 triệu người dân Iraq, nhiều người đổ lỗi cho các chính trị gia và tình trạng tham nhũng đã dẫn đến tình hình hiện tại.

Mất điện dẫn tới một số cuộc biểu tình chết người từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2020, nhiều trường hợp xảy ra ở miền nam Iraq.

Nataq al-Khafaji, sống ở Nasiriyah, phía bắc Basra, cho biết mùa nóng mà không có điện thì “rất cực khổ cho trẻ em và người lớn tuổi”.

“Đó là địa ngục” - ông bổ sung.

Trong kỳ nghỉ hè, ba đứa trẻ nhà Khafaji không có nơi đi chơi và việc để làm. Chúng chỉ ở trong nhà để tránh cái nóng bên ngoài.

Khafaji mua một quạt chạy ắc quy nhưng lo rằng như vậy là không đủ để đối phó với những tháng xấu nhất, “khi nhiệt độ sẽ cận kề 50 độ C”.

“Ưu tiên quốc gia”

Liên Hợp Quốc xếp Iraq vào một trong năm quốc gia dễ tổn thương nhất với biến đổi khí hậu.

Từ giữa tháng 4, Iraq đã phải hứng chịu 10 trận bão cát – “sản phẩm” của hạn hán kéo dài, suy giảm đất đai, nhiệt độ cao và lượng mưa giảm liên quan biến đổi khí hậu.

Tổng thống Barham Saleh cảnh báo ứng phó biến đổi khí hậu “phải trở thành ưu tiên quốc gia với Iraq bởi đó là nguy cơ hiện hữu đe dọa các thế hệ tương lai của chúng ta”.

Sa mạc hóa đã ảnh hưởng tới 39% diện tích Iraq, nguồn cung nước giảm đáng kể và năng suất cây trồng cũng đi xuống.

Các đợt nóng và bão bụi “dự kiến tăng trong những năm tới”, kéo theo đó sẽ là vấn đề sức khỏe, Seif al-Badr, người phát ngôn Bộ Y tế Iraq nói. “Chúng tôi dự đoán phải điều trị cho nhiều người phải nhập viện vì các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu hơn”.

Tuy nhiên, những nỗ lực giải quyết các vấn đề như vậy đang bị gác lại, khi Iraq trong thế bế tắc chính trị khiến nước này không thể lập chính phủ mới từ sau cuộc bầu cử tháng 10.2021.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo trừ khi tìm ra giải pháp, Iraq có thể mất 20% tài nguyên nước vào năm 2050 do biến đổi khí hậu.

Từ khóa » Khí Hậu Iran Nóng Hay Lạnh