Nên Cấy Chỉ Nâng Mũi Hay Tiêm Filler Làm đẹp? - VnExpress Sức Khỏe

Thạc sĩ, bác sĩ Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng Khoa Hàm Mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang Hà Nội, cho biết nâng mũi không phẫu thuật có thể tiêm filler hoặc cấy chỉ để cải thiện độ cao sống mũi. Đây là hai phương pháp làm đẹp phổ biến và được ưa chuộng, nhất là dịp sát tết.

Theo bác sĩ, nâng mũi không phẫu thuật không gây tím, sưng, không ăn kiêng, nghỉ dưỡng hay uống thuốc và đẹp ngay sau khi làm. Tuy nhiên, mỗi phương pháp lại có ưu điểm và hạn chế riêng.

Filler là chất làm đầy trong phẫu thuật thẩm mỹ, được tiêm trực tiếp vào sống mũi và chóp mũi giúp thay đổi hình dáng, định hình mũi ngay sau khi tiêm. Thời gian tiêm 15-20 phút, chỉ giữ dáng mũi từ 6 đến 9 tháng. Ngoài ra, filler còn được dùng trong thẩm mỹ để xóa nếp nhăn vùng mặt, các vùng giảm thể tích (teo, lõm, mất mô...) do lão hóa hoặc do bệnh lý.

Cấy chỉ nâng mũi là phương pháp xuất hiện tại Việt Nam trong 5-6 năm nay. Muốn cấy chỉ vào mũi phải gây tê, bác sĩ phải dùng kim ấn vào sóng mũi để đưa các sợi chỉ vào. Phương pháp này có xâm lấn vào da thịt nên phải được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện, giữ được 2-5 năm tùy dáng mũi.

Chi phí tiêm filler mũi giá từ 7 đến 9 triệu một cc còn cấy chỉ mũi 15-20 triệu đồng. Chi phí tại bệnh viện công thường ổn định, không tăng nhiều so với các năm. Giá dịch vụ này ở các spa rất rẻ, chỉ khoảng 800.000 đến 2 triệu đồng cho một cc.

"Dù là phương pháp làm đẹp đơn giản nhưng không tránh được nguy cơ tai biến, biến chứng nếu filler không nguồn gốc, kém chất lượng", bác sĩ nói.

Nâng mũi không phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện nhưng không được chủ quan, ham rẻ, chọn cơ sở không uy tín. Ảnh: Medicotrips

Nâng mũi là thủ thuật đơn giản nhưng có thể gây tai biến. Ảnh: Medicotrips

Bác sĩ cho biết tiêm filler tại các cơ sở spa, dịch vụ làm đẹp không uy tín tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tiêm lệch, không đều, tiêm vào mạch máu gây ứ tắc, mạch máu. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng filler giả, không có nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường được gắn mác hàng xách tay hoặc thực hiện ở cơ sở làm đẹp và bác sĩ không có chuyên môn.

Thông thường, sau khi tiêm filler, phản ứng tự nhiên của cơ thể có thể sưng nề ở mức độ nhẹ tùy cơ địa từng người. Tình trạng này sẽ giảm dần các ngày tiếp theo và mức độ đau cũng giảm theo. Nếu biểu hiện sưng nề quá lâu, mưng mủ hay đau nhức cần đến gặp các bác sĩ để kiểm tra và can thiệp kịp thời.

Một số biến chứng khác như hoại tử, nhiễm trùng, cong sống mũi không thể phục hồi... do cấy chỉ, nâng mũi ở các trung tâm thẩm mỹ, spa nhỏ không đảm bảo điều kiện y tế, thậm chí có cả trường hợp thực hiện tại nhà không được vô trùng. 

Bác sĩ khuyến cáo nên lựa chọn một cơ sở y tế có điều kiện cơ sở vật chất tốt và đảm bảo an toàn. Trước khi làm thủ thuật, cần được bác sĩ thăm khám vì tùy vào tình trạng, cấu trúc mũi, mặt của từng người mà có chỉ định loại chỉ phù hợp, không phải ai cũng có thể sử dụng cùng một loại chỉ.

Khác với tiêm filler, khi cấy chỉ gặp tai biến bắt buộc phải phẫu thuật để lấy hết chỉ ra, có thể để lại sẹo. 

Thùy An 

Từ khóa » Cấy Ha Mũi Là Gì