Nền Văn Minh Sông Ấn [Lịch Sử Ấn Độ Cổ đại] - LichSu.Org

Nền văn minh sông Ấn vùng Harappa và Mohenjo-daro

Nền văn minh sông Ấn vùng Harappa và Mohenjo-daro của người Dravidian trong lịch sử Ấn Độ cổ đại tồn tại vào khoảng từ 3000 đến 2000 năm trước Công nguyên.

Những sử liệu nói về thời kỳ tan rã của chế độ công xã nguyên thủy ở Ấn Độ cho biết rằng cuối thiên niên kỷ IV, bước sang đầu thiên niên kỷ III trước Công nguyên, ở Ấn Độ đã bắt đầu sử dụng công cụ bằng kim loại. Nhiều học giả cho rằng dãy núi Vindhya Range là nơi trung tâm chế tạo đồ kim loại của người Ấn Độ thời thượng cổ. Nhưng nơi chôn rau cắt rốn của nền văn minh Ấn Độ cổ đại không phải là vùng núi Vindhya Range mà là ở lưu vực sông Ấn, vùng có những điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp.

Những cuộc phát quật khảo cổ ở vùng Harappa và Mohenjo-daro đã chứng minh rằng từ giữa thiên niên kỷ III đến đầu thiên niên kỷ II trước Công nguyên, ở lưu vực sông Ấn, đã xuất hiện một nền văn minh rực rỡ. Những di tích văn hóa tìm được ở các vùng phát quật chứng tỏ xã hội Ấn Độ đã phân chia thành giai cấp và dân cư lúc đó đã biết chế tạo đồ dùng bằng đồng, tuy rằng đồ đá hãy còn được dùng khá phổ biến. Nhưng lúc đó thì chưa có đồ sắt. Ngành sản xuất kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, dùng lưỡi cày bằng đá (sillex). Người ta chưa rõ trình độ kỹ thuật canh tác lúc ấy như thế nào, nhưng điều chắc chắn là lúc đó người Dravidian đã biết trồng đại mạch, tiểu mạch và có thể biết trồng cả lúa tẻ nữa. Họ là bộ tộc đầu tiên trên thế giới biết trồng bông và biết dùng bông để dệt vải. Những di tích về các công trình thủy lợi ở thời kỳ này còn chưa phát triển được, nhưng căn cứ vào trình độ phát triển chung của nền văn minh đó, người ta có thể suy đoán được rằng người Dravidian đã biết đào mương, đắp đập để dẫn nước vào ruộng.

Ngoài nông nghiệp đã trở thành nghề chính, nghề chăn nuôi cũng giữ một địa vị quan trọng trong đời sống của nhân dân. Các nhà khảo cổ đã phát hiện thấy xương của đủ các loài động vật khác nhau như: trâu, bò, cừu, dê, ngựa, lạc đà, lợn, chó và nhiều gia súc khác nữa.

Thủ công nghiệp, nhất là nghề làm đồ gốm, nghề làm đồ trang sức, nghề chạm trổ trên đá,… rất phát đạt. Việc tìm thấy những quả cân bằng đá chứng tỏ rằng lúc này đã bắt đầu có quan hệ trao đổi, buôn  bán phát triển. Người ta đã biết dùng những đơn vị đo lường để tính chiều dài, trọng lượng và thể tích các loại hàng hóa đem trao đổi.

Trong nền văn minh Harappa, nghệ thuật kiến trúc đã đạt tới trình độ khá cao. Những di chỉ thành thị cổ kính ở Harappa và Mohenjo-daro chiếm một diện tích mấy trăm hecta. Những di chỉ đó cho biết rằng thành phố đã được xây dựng theo một quy hoạch thống nhất, chặt chẽ. Các đường phố đều rộng rãi, thẳng tắp, có lát đá, chạy ngang, dọc theo hai hướng Đông – Tây và Nam – Bắc. Hai bên đường phố là những dãy nhà hai tầng xây bằng gạch nung. Ở khu trung tâm thành cổ có di tích của hoàng cung được xây dựng trên một đồi cao, có thể nhìn bao quát toàn thành. Khu hoàng cung có nhiều di tích cung điện, dinh thự, kho tàng và có lẽ cả di tích của đền, miếu nữa. Ở Mohenjo-daro, người ta còn phát hiện thấy cả một hệ thống cống ngầm rất hoàn bị, đường kính của cổng rộng tới 2m, dùng để thoát nước mưa cho thành phố khỏi bị ngập lụt. Thành phố có nhiều bể tắm công cộng rất lớn, không rõ có mang ý nghĩa tôn giáo hay không.

Mohenjo-daro là một thành thị thủ công và thương nghiệp lớn. Những xưởng chế tạo đồ dùng bằng kim loại như vàng, bạc, đồng, chì, thiếc và rất nhiều đồ trang sức làm bằng các loại đá quý tìm thấy ở nơi di chỉ chứng minh rõ điều đó. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy ở phía nam thành phố di tích của một cái chợ lớn có những quầy bán hàng sắp xếp rất ngay thẳng. Rất nhiều đồ gốm trang trí bằng những hình vẽ động vật và thực vật, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật về hội họa, điêu khắc, chạm trổ trên đá hoặc trên xương thú đều nói lên rằng nghệ thuật tạo hình lúc này đã tiến tới một trình độ khá cao. Nhưng điều có ý nghĩa quan trọng là việc phát hiện những con dấu có khắc một thứ chữ tượng hình đặc biệt, gồm có 400 phù hiệu rất giống các loại văn tự ở các nước phương Đông cổ đại thời tảo kỳ. Đáng tiếc là loại văn tự này đến nay vẫn chưa có ai đọc ra được.

Những tài liệu có về nền văn minh Harappa và Mohenjo-daro vẫn chưa có thể cho phép chúng ta xác định một cách dứt khoát tính chất chế độ, kinh tế, xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Nhưng đa số các học giả đều cho rằng xã hội Ấn Độ thời kỳ này là xã hội chiếm hữu nô lệ mới hình thành. Nhiều hiện tượng đã chứng minh điều đó. Trong thành phố, bên cạnh khu vực có những cung điện, dinh thự, nhà cửa, phố xá rộng rãi của những người giàu sang, có những khu nhà tranh vách đất lụp xụp của dân nghèo thành thị và nô lệ. Trong rất nhiều di vật được đào được, bên cạnh một số đồ vật quý giá, trang trí rất tinh xảo và đẹp đẽ, cũng có một số đồ vật khác làm rất thô kệch. Điều đó chứng tỏ rằng hiện tượng bất bình đẳng về tài sản, sự phân hóa giữa giàu và nghèo đã rõ rệt và sâu sắc. Khu hoàng cung ở trung tâm thành phố có thành lũy kiên cố bao bọc, che chở, những kho tàng chứa đựng đầy lương thực và sản phẩm thủ công chứng tỏ lúc đó quyền lực của nhà nước đã xuất hiện.

Theo sự nghiên cứu của các nhà khảo cổ học thì nền văn minh Harappa và Mohenjo-daro cũng còn gọi là nền văn minh sông Ấn – tồn tại khoảng từ 3000 đến 2000 năm trước Công nguyên. Chủ nhân của nền văn minh tối cổ đó là giống người thổ dân Dravidian. Một số tượng và đồ dùng của người Dravidian này cũng tìm thấy được ở lưu vực Lưỡng Hà và ở cao nguyên Iran. Từ đó, người ta suy rằng: Từ thời đại xa xưa, đã có sự giao lưu văn hóa và kinh tế giữa Ấn Độ, Lưỡng Hà và Ba Tư.

Nền văn minh Ấn Độ cổ đại đứng về mặt thời gian mà nói, cũng không chậm gì lắm so với nền văn minh cổ Ai Cập và Lưỡng Hà. Về mặt nào đó mà nói, đời sống văn hóa của người Dravidian lại còn cao hơn cả người Ai Cập và người Lưỡng Hà cổ đại sống cùng thời kỳ là đằng khác. Nhà khảo cổ học Anh chỉ đạo công tác phát quật ở lưu vực sông Ấn tên là John Marshall còn khẳng định rằng nền văn minh lưu vực sông Ấn là một nền văn minh tiên tiến nhất thế giới hồi bấy giờ. Ý kiến đó cần được nghiên cứu thêm, nhưng chính nền văn minh đó đã đặt cơ sở cho văn hóa và kinh tế của người Ấn Độ cổ đại phát triển lên về sau này.

Từ cuối thiên niên kỷ II trước Công nguyên trở đi, nền văn minh Harappa và Mohenjo-daro bắt đầu suy tàn. Nguyên nhân gì làm cho nền văn minh đó tàn tạ? Hiện nay các nhà học giả chưa trả lời được câu hỏi đó một cách dứt khoát. Có lẽ do những cuộc biến động lớn xảy ra trong nội bộ xã hội người Dravidian mà chúng ta chưa biết? Hay cũng có thể là do sự xâm nhập của những bộ lạc Aryan có trình độ văn hóa thấp kém hơn nhiều so với người Dravidian? Điều chắc chắn là thời kỳ tàn lụi của nền văn minh Harappa là tương đương với thời kỳ người Aryan xâm nhập Ấn Độ hay sớm hơn một tí. Còn cuộc xâm nhập đó của người Aryan có gây ra xung đột vũ trang với người Dravidian bản địa hay không, điều đó cũng là vấn đề giả thuyết.

Nền văn minh sông Ấn vùng Harappa và Mohenjo-daro – Lịch sử Ấn Độ cổ đại – LichSu.Org –

Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ là một nước đất rộng, người đông với những thành phần chủng tộc và ngôn ngữ phức tạp. Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.

Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại cùng với sự xuất hiện của những Đế quốc cường thịnh và các tuyến đường mậu dịch thông thương quốc tế.

Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại

Từ khóa » Chữ Cổ Vùng Sông ấn