Nét đẹp Văn Hoá Truyền Thống Dân Tộc Sán Chỉ

Tỉnh Quảng Ninh với nhiều thành phần dân tộc, trong đó đồng bào Sán Chỉ là một trong các dân tộc có dân cư đông, chiếm khoảng 12% dân số toàn tỉnh. Người Sán Chỉ sinh sống chủ yếu ở huyện Tiên Yên và Bình Liêu, đến nay đồng bào còn giữ được nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống quý báu.Những nếp nhà sàn là một minh chứng rõ nét về sức sống lâu bền văn hoá của đồng bào Sán Chỉ. Nhà sàn của người Sán Chỉ có hai loại nhà là 4 mái và 2 mái. Nhà thường được làm bằng gạch đất, lợp ngói âm dương. Mỗi ngôi nhà là một không gian văn hoá rất đặc biệt.Ngôi nhà của ông Nình A Liềng, xã Đại Dực (Tiên Yên) được làm từ năm 1969, do chính tay ông đi kiếm đá cuội, gạch, ngói để xây. Ông Liềng cho biết, ở đây không còn nhiều nếp nhà như thế này, bởi người dân xây dựng nhà mới hiện đại hết rồi. Đã từng đi bộ đội, đặt chân đến nhiều nơi nên ông hiểu, ngôi nhà chính là gốc tích để lưu giữ lại văn hóa của dân tộc mình.

Một tiết mục hát Soóng Cọ (giao duyên) của nam, nữ thanh niên người Sán Chỉ trước ngôi nhà của ông Nình A Liềng, xã Đại Dực (Tiên Yên) được xây dựng từ năm 1969.

Ông Liềng cho biết thêm, bài trí nội thất trong ngôi nhà sàn của người Sán Chỉ gắn liền với tín ngưỡng của đồng bào. Đối diện với cửa chính có bàn thờ tổ tiên. Gian chính dành cho đàn ông ngủ. Gian nhỏ hai bên là chỗ ngủ của phụ nữ. Nhà của người Sán Chỉ thường dùng đá suối xây bao quanh che kín khu vực gầm sàn. Bếp được đặt ở vị trí trung tâm của nhà, phía trên bếp có giàn gác để chứa các loại hạt giống và nông cụ, đồ dùng gia đình. Hai đầu hồi có hai chái nhà không làm sàn, một chái là nơi để cối xay thóc, giã gạo; một chái đựng chum hứng nước chảy từ khe về.Trong đời sống tâm linh của người Sán Chỉ, đồng bào rất coi trọng các lễ cúng, các vật tổ với quan niệm, các vị thần luôn bảo trợ, che chở họ mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, để hiểu được các nghi lễ cúng bái thì việc tìm hiểu và gìn giữ chữ viết cũng rất quan trọng. Người Sán Chỉ không có chữ viết riêng mà sử dụng hệ thống bộ chữ Hán, phần biểu nghĩa, phần biểu âm ghép lại thành chữ nôm Sán Chỉ, giống như chữ Hán Nôm người Kinh để ghi chép các bộ sách cúng, sách dạy học, các tập sách hát Soóng Cọ.Nghệ nhân Lỷ A Sáng là “kho báu sống” của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực (Tiên Yên). Năm 2014, trước tình cảnh nhiều thanh niên trong bản quên cái chữ và quên bản sắc của dân tộc, ông Sáng đã thành lập CLB nghệ thuật dân tộc xã Đại Dực. Đến nay, CLB đã có gần 30 người. Không kể nắng, mưa, ông Sáng vẫn đến Nhà văn hóa thôn Phài Giác vào thứ bảy, chủ nhật để truyền dạy các điệu múa, hát của đồng bào mình cho thế hệ trẻ.Người Sán Chỉ làm ruộng là chính, có nghề thủ công như làm mộc, đan lát mây tre, rèn. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ mang tính tự cung, tự cấp trong cộng đồng, chưa trở thành hàng hóa phổ biến.Trang phục của người Sán Chỉ do những bàn tay khéo léo của phụ nữ Sán Chỉ làm ra, đơn giản và không rực rỡ như trang phục của người Mông, người Dao, nhưng vẫn có những nét độc đáo riêng. Khi mặc trang phục truyền thống, phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, đội khăn màu xanh và kèm theo các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Trang phục nam của người Sán Chỉ mộc mạc, đơn giản hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp với áo màu chàm, có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rộng để thuận lợi cho việc leo núi đồi.Đồng bào Sán Chỉ đang gìn giữ khá tốt tục cưới hỏi truyền thống. Mỗi bộ trang phục truyền thống, đặc biệt là trang phục ngày cưới chính là một tác phẩm nghệ thuật mà người Sán Chỉ đã tạo nên từ sự cần cù, khéo léo, tinh tế. Không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần mà còn chứa đựng trong đó cả giá trị nhân văn sâu sắc, giá trị thẩm mỹ cao. Ngày cưới của người dân tộc Sán Chỉ cũng là ngày vui chung của cả bản làng.

Từ khóa » Dân Tộc Sán Chỉ ở Bình Liêu