Nét Văn Hóa Truyền Thống Trong đời Sống Xã Hội Của Cộng ... - Andesco

Về ăn, uống:  Lương thực chính của người Chăm là gạo. Cũng  như  các  gia đình khác ở đồng bằng sông Cửu Long, người Chăm chế biến  gạo  thành  cơm, cháo, bún, bánh… để ăn hàng ngày. Người Chăm đặc biệt thích gia vị cay, béo để chế biến thức ăn và có những món ăn hết sức độc đáo đó là các món càri bò, càri trâu, càri dê, cơm nị, tung lò mò,… Món Càri được xem là món khoái khẩu và là một trong những niềm tự hào của người Chăm. Bánh Hatpaychal tức “bánh tổ chim” là một đặc sản của người Chăm với những sợi bột  mõng mảnh  tạo thành một khối tròn rất đẹp mắt. Về vấn đề kiêng cữ trong ăn uống, người Chăm ở An Giang cử ăn thịt heo, chó, khỉ, rùa,  rắn, mèo,  chuột, những  con  chim bay mà dùng chân quắp mồi (quạ,  diều  hâu, kênh kênh…). Riêng những gia súc, gia cầm, các loại chim ăn được nhưng phải đọc kinh Coran để cắt cổ  trước khi giết như bò, dê, cừu, gà, vịt…Về uống, người Chăm ở An Giang rất thích uống trà. Theo họ, trà không những thơm ngon mà còn  có  lợi cho  sức khỏe. Rượu là thức uống bị cấm. Trong ăn uống, thói quen ăn bốc đã được thay đổi, thức ăn, nước uống được nấu chín và đun sôi cẩn thận.

Về trang phục: Đàn ông thường mặc xà-rông, áo sơ mi, dùng mũ Kapeak. Những người già có loại áo Chêva (kiểu áo cộc) màu  trắng còn có tên  là  áo  Java. Những người có chức sắc tôn giáo còn có áo Achuba trắng thân áo  dài  chấm gót, xà-rông trắng, đội khăn Hadji trắng. Phụ nữ thường quấn khăn the mỏng. Ngày lễ, họ mặc mặc áo dài “Tăk” và váy truyền thống. Váy phải phủ kín chân. Có ba loại: váy kah dùng cho phụ nữ lớn tuổi; váy kek (pteh); váy pa thuôm là loại váy cổ chỉ có ở lớp người khá  giả. Khi  cầu nguyện bên  ngoài  hàng hiên Thánh đường, phụ nữ mặc áo trăng chui đầu, che kín  từ  đầu  đến  chân, chỉ chừa khuôn mặt nên trông chị em rất “huyền bí”.

Về nhà ở: Nhà quay mặt ra sông hoặc quay ra lộ, ít nhà có hàng rào và thường là nhà sàn. Kiểu dáng hình chữ Y có cửa cái và cửa sổ  hai bên. Trong  nhà, không có bàn thờ để thờ tổ tiên, ông bà hay đức thánh Allah; những kinh sách quí như kinh Coran và kỷ vật của ông bà, cha mẹ qua đời, người Chăm chỉ làm những cái kệ treo ở trên cao, sát vách nhà để cất giữ trên ấy. Khi xây cất, người Chăm không coi ngày, coi  hướng và cúng kiếng gì  cả. Nguyên tắc khi  làm nhà lớn, trước lúc dựng cột, dưới mỗi cây cột đều phải để vài ba hột đậu xanh, hột bầu trái dài, người giàu có  để thêm một ít vàng, rồi dựng cột đè lên    với hàm ý mát mẽ và thuận lợi cho gia đình sống, làm ăn.

Về tín ngưỡng, tôn giáo: Cộng đồng Chăm ở An Giang là tín đồ của Hồi giáo Islam. Đối với người Chăm Islam, tôn giáo trở thành nhân tố chi phối mọi hoạt động văn hóa, các phong tục, tập quán và sinh hoạt đời sống hàng ngày.    Tín đồ đạo Islam luôn giữ gìn nghiêm ngặt những qui định về giáo lý, giáo luật của  Hồi giáo chính thống, thể hiện qua  việc thực hành nghiêm túc “năm tín  điều” cơ bản (hay còn gọi là năm nghiêm luật). Họ phải nghiêm  chỉnh chấp  hành, thực hiện đầy đủ  năm tín điều trong suốt cuộc đời mình mới được coi là   tín đồ trung thành của Giáo hội Hồi giáo và của Đức thánh Allah. Đó là các tín điều: Kalimah Sahadat, Sămbahyăng, tháng Thánh lễ Ramadan (tháng nhịn ăn hay ăn chay), Roya Fitri (đại lễ xả chay), lễ Joji Hadji. Ngoài ra, người Chăm Islam còn thực hiện một số lễ tục  trong giai đoạn thành niên:  Tục cắt da  quy  đầu (Khotanh) chứng nhận người nam đã đến tuổi thành niên và tục cấm cung (Gasâm) khi thiếu nữ đến tuổi dậy thì.

Về hôn nhân: Người Chăm coi sự độc thân như là điều tội lỗi. Gia đình người Chăm ở An  Giang là  gia đình phụ quyền. Giáo luật qui  định, những người chưa làm đám cưới mà ăn  ở  với  nhau dẫn đến có thai mới làm đám cưới thì con của họ sau này sẽ không được làm chủ hôn trong gia đình có đám cưới. Bởi vì, đó là đứa con ngoài giá thú, không phải là đứa con của người cha mà là đứa con của người mẹ. Khi kết hôn, người Chăm vẫn giữ các nguyên tắc cơ bản sau: Cô dâu chú rể là những người trưởng thành và có đủ trí khôn; bắt buộc hôn  lễ phải được sự chấp thuận của cha vợ và chú rể (biểu hiện của chế độ phụ  quyền); phải trao đủ số tiền đồng cho cô dâu;…

Về nghệ thuật: Người Chăm An giang rất có năng khiếu về ca hát múa. Nhiều đội văn nghệ được thảnh lập, tham gia hát múa phục vụ bà con trong các dịp lễ hội hoặc tham gia thi diễn các nơi và đã mang về hàng chục chiếc huy chương vàng, huy chương bạc và nhiều bằng khen từ các hội diễn ca múa nhạc . Một loại hình âm nhạc mang đậm tính nhân đạo gọi là Rija hay múa nghi  lễ. Nét đẹp của Rija thể hiện rõ sự kết hợp hài hòa, nhịp nhàng của các sự kiện lịch sử  với nghi lễ  truyền thống, và sự  kết hợp giữa ca hát với nhảy múa. Đối  với người Chăm, Rija là biểu tượng không thể tách rời khỏi nghệ thuật trong     đời sống văn hóa tinh thần. Múa Chăm rất phong phú và độc đáo. Những điệu múa cổ xưa thường được trình diễn trong các lễ hội. Múa quạt là điệu múa phổ thông của người Chăm, khi múa các vũ nữ dùng quạt làm đạo cụ để biểu diễn những loại múa khác nhau. Ngoài ra, còn có các điệu múa đặc sắc như:  múa  trống Paranưng, múa đoa pụ (đội bình nước trên đầu),… Người Chăm ở An  Giang dùng nhiều loại nhạc cụ, trong đó có các nhạc cụ cổ truyền phổ biến của dân tộc Chăm như đàn Kani, đàn Tapăp, kèn Saranay, kèn Rakle.

Về lễ hội: Người Chăm có nhiều ngày lễ lớn trong năm

Chúng tôi sẽ viết về các lễ hội của người Chăm tại An Giang trong một bài viết riêng để các bạn theo dõi.

Về tang lễ, ma chay:  Khi có người hấp hối, bà con lân cận đến để cùng  đọc kinh cầu cho linh hồn người chết bình thản rời khỏi cõi đời. Khi bệnh nhân  tắt thở, người nhà sẽ dùng tay thấm nước sạch vuốt mặt người chết. Thông thường, người chết được chôn trong ngày. Nếu chết buổi sáng thì chôn vào buổi chiều; nếu chết buổi tối thì sáng hôm sau chôn. Nghi thức tang lễ của người  Chăm theo đạo Islam ở An Giang được thực hiện theo bốn bước sau: Thứ nhất, tắm rửa sạch sẽ; thứ hai, bó tử thi cho kín toàn thân bằng vải trắng sạch; thứ ba, mọi người khiêng tử thi để trong “Madu” (là một tấm ván có mui cong để tử thi nằm) và khiêng tử thi đem đến Thánh đường làm lễ; thứ tư, đem chôn tử  thi.  Buổi tối ngày chôn cất, bạn bè người thân của tang chủ đến nhà tang chủ để cầu nguyện. Việc cầu nguyện như thế sẽ diễn ra trong ba đêm liền. Sau đó, người ta còn cầu nguyện vào các đêm thứ 7, thứ 10, thứ 40, thứ 100 và một lần nữa vào đúng 1 năm kể từ lúc người mất. Một điều đặc biệt trong  đám tang của cộng  đồng người Chăm ở An Giang là người thân không được khóc lóc, kể lể, nếu có cảm động thì có thể rơi một ít nước mắt, tuyệt đối không thờ cúng tử thi, không lạy và cũng không đốt nhang. Nghi thức tang lễ của người Chăm thực hiện nghiêm trang, gọn gàng, chu đáo, vệ sinh, văn  minh, tiết kiệm thể hiện tình  làng nghĩa xóm.

Từ khóa » Trang Phục Truyền Thống Người Chăm An Giang