“Nếu Giữ Trọng Trách ở Triều Nguyễn, Em Sẽ Làm Gì?” - Tuổi Trẻ Online

Cô Lê Thu chỉ dẫn cho học sinh về dòng tranh kính phổ biến ở Đông Nam Á trong tiết học về tính thống nhất trên đa dạng của văn hóa Đông Nam Á tại một bảo tàng - Ảnh: L.T.
Cô Lê Thu chỉ dẫn cho học sinh về dòng tranh kính phổ biến ở Đông Nam Á trong tiết học về tính thống nhất trên đa dạng của văn hóa Đông Nam Á tại một bảo tàng - Ảnh: L.T.

Câu hỏi đó là: “Nếu em là một người giữ trọng trách ở triều Nguyễn, em sẽ làm gì để nước ta không rơi vào tay thực dân Pháp?”.

Cô Lê Thu - tổ trưởng tổ lịch sử nhà trường - giải thích: “Trẻ con sợ học lịch sử vì sợ các bài kiểm tra đòi hỏi ghi nhớ chính xác số liệu, trình bày đúng ý nghĩa, nhận định về sự kiện lịch sử. Vì thế trong những đổi mới “chữa bệnh sợ sử” cho học sinh, chúng tôi rất chú ý phần ra đề kiểm tra”.

Nhiều sáng kiến từ học sinh

Nếu đột ngột đưa ra câu hỏi trên, học sinh sẽ lúng túng, nhưng theo cô Lê Thu, những tình huống “đóng vai” như thế này đã được giáo viên cho học sinh làm quen khá nhiều trong quá trình học. Bởi vậy, đọc những bài viết của học sinh lớp 8 mọi người không khỏi bất ngờ. Tuy các em vẫn thể hiện sự ngây thơ, non nớt của lứa tuổi nhưng có nhiều “sáng kiến” cho thấy các em đã đọc, tìm hiểu và quan trọng là không hề thờ ơ với những vấn đề của cuộc sống xung quanh.

Chẳng hạn một bài viết bám khá sát với tư liệu lịch sử nhưng cũng bày tỏ suy nghĩ cá nhân: “Lực lượng của chúng ta yếu, vũ khí thô sơ, vì thế để thắng quân xâm lược cần tìm ra điểm yếu, lợi dụng lúc giặc bị phân tán thì mới đánh. Ví dụ năm 1896 khi phần lớn quân Pháp được điều động sang Trung Quốc, chỉ còn khoảng 1.000 quân đóng ở Gia Định và rải rác một số nơi. Nếu Nguyễn Tri Phương khi đó nhìn thấy được điều này và tấn công thì cục diện đã thay đổi”.

Cô Lê Thu xác nhận những thông tin về lịch sử em học sinh trên viết là chính xác. Tướng Nguyễn Tri Phương là một tướng có tài thao lược nhưng do chần chừ không quyết định đánh thành Gia Định vào thời điểm thuận lợi nên đã bị quân Pháp chiếm. Em học sinh nắm khá tốt kiến thức và biết trình bày theo hiểu biết, suy nghĩ riêng.

Ngoài ra, nhiều bài viết khác đã thể hiện chính kiến rất rõ. “Nếu là một người giữ trọng trách trong triều Nguyễn, em sẽ đề xuất thay đổi chính quyền quan lại phong kiến, cơ cấu lại quân đội. Em sẽ đề xuất chính sách ngoại giao mềm mỏng với các nước, mở cửa biển cho tự do buôn bán, gỡ lệnh cấm vận...” - một học sinh viết.

Có học sinh lại cho rằng: “Cần cải tổ giáo dục, có chính sách trọng dụng hiền tài, gửi người có đức, có tài sang các nước phát triển học tập để họ quay về phục vụ đất nước”.

Theo cô Lê Thu, “ngân hàng” câu hỏi của tổ lịch sử có rất nhiều câu tạo hứng thú, phát huy khả năng phân tích, đánh giá, sáng tạo của học sinh. Ví dụ như câu hỏi dành cho học sinh lớp 6 yêu cầu “tìm những dấu tích của văn hóa thời Văn Lang trong đời sống hiện đại hôm nay”.

Hay “Trong vai một nhà khảo cổ học, nhà văn hóa, em hãy giới thiệu về một công trình kiến trúc phương Đông cổ đại” - câu hỏi cho học sinh lớp 10. Hoặc khi yêu cầu trình bày hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất, có câu hỏi kèm theo cho học sinh lớp 11: “Theo em, chúng ta nên làm gì để giải quyết các xung đột?”.

Giáo viên không là người kết luận

Các giáo viên dạy lịch sử ở Trường Nguyễn Tất Thành đều cho biết trong các tiết học lịch sử, học sinh đã được làm quen với việc “đóng vai”, tranh biện về một vấn đề nào đó, hoặc tham gia các dự án nghiên cứu, các tiết học lớn tích hợp các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý tại bảo tàng, di tích lịch sử...

“Khi dạy về hệ quả của phát kiến địa lý, trong sách chỉ có vài dòng, đọc cho học sinh chép 3 câu là xong. Nhưng như thế sẽ chẳng học sinh nào nhớ. Tôi đưa cho các em xem một bức ảnh, trong đó thương nhân phương Tây đang xem răng của thổ dân da đỏ trong một cuộc mua bán nô lệ và để các em tranh biện” - một cô giáo cho biết.

Học sinh sẽ được chia làm hai nhóm, một nhóm đóng vai người châu Á - phe bị bắt làm nô lệ, một nhóm đóng vai người phương Tây - phe mua người làm nô lệ. Các em đã tranh luận rất sôi nổi.

Phe “phương Tây” thì cho rằng nếu không có họ khai hóa thì các nước nghèo sẽ không thể thay đổi, không có sự du nhập văn hóa, phát triển giao thương. Phe châu Á thì phản ứng việc buôn bán, hành hạ nô lệ.

Theo cô Lê Thu, các giáo viên trong tổ lịch sử đều thống nhất “giáo viên không bao giờ kết luận nhóm nào đúng, nhóm nào sai trong các buổi học tranh biện”. Bởi sẽ không có cái đúng tuyệt đối trong những bài học tương tự như bài học qua bức ảnh ở trên.

“Với bài học trên, tôi chỉ đưa ra những gợi ý về yếu tố tích cực và tiêu cực chứ không cho rằng nhóm học sinh nào đúng, nhóm nào sai, vì rõ ràng các em đang đề cập tới các khía cạnh khác nhau cùng tồn tại trong một vấn đề” - một giáo viên chia sẻ.

“Việc đảm bảo kiến thức, kỹ năng cơ bản để học sinh đi thi là cái cần, nhưng mục tiêu nhà trường hướng tới không phải những kiến thức thuộc lòng vô nghĩa mà là thái độ, ứng xử của học sinh trước những vấn đề lịch sử; cảm nhận của các em về giá trị của lịch sử trong cuộc sống hôm nay theo cách riêng của mỗi người” - cô Thu Anh, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, nói.

Cái khó của việc thay đổi

Tuy vậy, theo cô Lê Thu, do cách phổ biến hiện nay là học gì thi nấy nên dù đổi mới vẫn phải cân nhắc để học sinh nắm được những kiến thức cơ bản, có thể đủ cho các em tham dự các kỳ thi ở tầm quốc gia như thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH-CĐ.

“Chúng tôi vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc để các câu hỏi kiểm tra có thể phủ được kiến thức lịch sử ở các giai đoạn theo các mức độ. Hình thức kiểm tra có cả tự luận, trắc nghiệm hoặc thực hiện các dự án nghiên cứu, học tập... Tuy vậy, cả những câu hỏi mang tính kiểm tra theo đúng chương trình SGK chúng tôi cũng chú trọng tới kỹ năng của học sinh, thay cho kiểm tra học thuộc lòng. Ví dụ yêu cầu học sinh vẽ hoặc quan sát bản đồ, biểu đồ để phân tích, giải thích các nội dung lịch sử, bày tỏ thái độ...” - cô Lê Thu nói.

Từ khóa » Nho Sĩ Thức Thời Dưới Thời Nhà Nguyễn Có Chủ Trương Cải Cách Và Mở Cửa đất Nước Là