Nêu Suy Nghĩ Của Em Về Vấn đề Bạo Lực Học đường Giữa Học Sinh ...
Có thể bạn quan tâm
Nêu suy nghĩ của em về vấn đề bạo lực học đường giữa học sinh với nhau hiện nay – Văn mẫu 8
Câu chuyện bắt nạt, tranh cãi, thậm chí là đánh nhau ở nhà trường không phải là câu chuyện mới xảy ra gần đây. Tuy vậy khi mà nó đã trở thành quá quen thuộc thì mức độ nguy hiểm của nó không dừng lại mà còn ngày một tăng thêm. Vượt qua những mâu thuẫn bình thường của tuổi mới lớn, bạo lực học đường trở thành gánh nạn của nhà trường, nỗi lo của gia đình và toàn xã hội.
Bạo lực học đường chỉ một thực trạng bạo lực xảy ra ở môi trường giáo dục, ngay trong nhà trường hoặc khuôn viên trường. Bạo lực học đường có thể hiểu là những hành vi ngang ngược, dùng vũ lực dùng lời uy hiếp, lấn át, đánh đập, xúc phạm đến người khác và gây tổn hại đến tinh thần lẫn thể xác, sức khoẻ của người bị bạo lực. Để có cái nhìn tổng quan về tình trạng bạo lực học đường, chúng ta phải tiếp cận hành vi này ở nhiều góc độ khác nhau. Bạo lực học đường thường được biết đến là hành vi xâm phạm thân thể bằng xô xát tay chân, nặng hơn là gây tổn thương đến người bị bạo lực bằng cả vũ khí và những vật dụng có khả năng gây thương tích như ghế, cây gỗ, nón bảo hiểm…Hành vi bạo lực thứ hai là bạo lực bằng lời nói. Đây là dạng bạo lực khá phổ biến xảy ra ở học đường. Hành vi này bao gồm những lời chửi bới, dọa nạt, trêu ghẹo, xúc phạm, miệt thị, bình phẩm thiếu tôn trọng đối với bạn bè mình. Dạng bạo lực thứ ba cần quan tâm là bạo lực xã hội, đây là một hình thức khác của bạo lực bằng lời nói. Bạo lực xã hội chỉ những hành vi, cử chỉ, lời nói nhầm cô lập, xa lánh một đối tượng nào đó ra khỏi nhóm, khỏi lớp hoặc tẩy chay đối tượng ấy ra khỏi tầm ngắm của mọi người. Hình thức bạo lực cuối cùng là bạo lực mạng. Hình thức này liên quan đến những bình phẩm chê bai, những hình thức cắt ghép ảnh, châm chọc, đả kích bằng các phương tiện của mạng xã hội ở chế độ công khai hoặc giả danh, mượn danh.
Bạo lực là một điều không thể chấp nhận trong xã hội văn minh, bạo lực học đường lại càng không nên xảy ra khi mà học sinh đang trong độ tuổi rèn luyện đạo đức, nhân cách, bồi dưỡng tình cảm bạn bè. Vậy mà thực tế đau xót vẫn xảy ra hàng ngày, hàng năm, chưa có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù chẳng phải là một vấn đề nóng hổi. Sự lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội đã phơi bày nhiều chiều gánh nạn này từ các vụ đánh nhau do mâu thuẫn, xích mích trong mối quan hệ bạn bè, tình cảm tuổi mới lớn, đến các vụ đâm chém mang tính phạm pháp, gây chết người hoặc tổn thương nặng nề. Trong đó phải kể đến những vụ bạo lực nghiêm trọng như câu chuyện một em nữ sinh cấp hai bị các bạn mình đánh hội đồng ngay trong lớp học bằng hành vi tàn nhẫn không thể chấp nhận được. Chua xót hơn là những học sinh khác làm ngơ hoặc đứng nhìn mà không hề có động thái bất bình. Hay vụ một nam sinh bị bạn cùng trường đâm tử vong chỉ vì “nhìn đểu”. Vấn đề bạo lực học đường nhan nhản ở khắp mọi nơi, đầy rẫy trên các clip chia sẻ trên mạng xã hội. Chỉ cần tìm kiếm trên google 0,33 giây là có đến gần 28 triệu kết quả có cụm từ “bạo lực học đường”. Theo số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ công an mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Đó chỉ mới là những thống kê sơ bộ về thực trạng của bạo lực thân thể dễ dàng nhận ra. Trên thực tế những hình thức bạo lực học đường khác không ngừng ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý lứa tuổi của các em học sinh.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Có thể tạm chia thành ba nguyên nhân chính xuất phát từ các phía: bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết nguyên nhân chính dẫn đến những vụ bạo lực tranh chấp, mâu thuẫn thường thấy xuất phát từ chính sự bồng bột của các bạn học sinh. Ở lứa tuổi THCS và THPT, tâm sinh lý của học sinh thay đổi. Sự phát triển về mặt sinh lý không cân đối với tâm lý tạo ra những nét bất ổn, bốc đồng khó lòng kiểm soát được hành vi. Các bạn thường ganh ghét, đố kỵ với ai đó, muốn chứng tỏ mình nổi trội, hơn hẳn bạn bè hoặc muốn thỏa mãn cảm giác được người khác nể phục.
Nguyên nhân thứ hai đến từ phía gia đình. Gia đình là môi trường đầu tiên định hướng tính cách của con cái. Sự giáo dục của cha mẹ là bài học quan trọng nhất. Có nhiều gia đình cha mẹ không làm gương cho con, dùng cách giáo dục bạo hành, đòn roi, mắng chửi dần sẽ khiến những đứa trẻ có xu hướng chống đối, phản kháng, thích bạo lực hoặc chai dần cảm xúc tích cực mà trở nên vô cảm. Chính thói vô cảm đã tác động đến hành vi bạo lực với bạn bè.
Một nguyên nhân khác xuất phát từ phía môi trường xã hội. Nhiều thanh thiếu niên lớn lên trong môi trường xung quanh toàn là tệ nạn, trình độ dân trí thấp sẽ tiêm nhiễm những thói xấu từ cuộc sống bên ngoài và đem vào nhà trường. Những cái xấu, cái ác lại vô tình trở thành những thứ mới lạ, kích thích bản tính tò mò, đánh vào sự phát triển thiếu toàn diện về nhân cách ở một số học sinh. Từ đấy khiến cho các bạn học sinh có quan điểm sai lệch, suy nghĩ không đúng đắn về cuộc sống, dẫn đến những hành động bạo hành đáng tiếc. Chưa kể đến những tác động từ thế giới mạng, phim ảnh tràn lan không kiểm soát của phía truyền thông mạng, những hình ảnh kinh dị, văn hoá phẩm không lành mạnh tác động tiêu cực đến lối sống của học sinh, khiến cho một số học sinh trở nên chai lì, có xu hướng bạo lực hoặc lấy bạo lực làm trò tiêu khiển, như thế thật sự rất tai hại vì hệ luỵ kéo theo của nó là cả sự suy đồi đạo đức.
Không thể bỏ qua nguyên nhân về phía nhà trường. Nhiều môi trường giáo dục còn nặng về lý thuyết và những kiến thức khô khan mà chưa thực sự quan tâm đến giáo dụ kỹ năng, tình đoàn kết và tình bạn đẹp ở lứa tuổi học sinh. Một số ít thầy cô chưa thực hiện đúng trách nhiệm của một người lái đò cần mẫn, chưa thực quan tâm đến học sinh, tỏ ra thờ ơ trước những điều sai trái của học sinh mình.
Bạo lực học đường gây ra những hậu quả nghiêm trọng về phía học sinh gây bạo lực và cả người bị bạo lực. Về phía học sinh bị bạo lực sẽ là một tổn thất lớn lao về mặt thể chất lẫn tinh thần khó mà bù đắp được. Những chấn thương, đau đớn, chảy máu và cả tổn hại bên trong cơ thể sẽ để lại di chứng lâu dài. Thậm chí có nhiều vụ bạo lực dẫn đến mất mạng, gây đau thương cho những người ở lại. Đối với hành vi bạo lực tinh thần nói xấu, trêu chọc, doạ nạt, cô lập..sẽ khiến các nạn nhân đang trong tuổi đời tươi đẹp bị xa lánh, không thể hòa nhập trường lớp, xã hội. Các bạn ấy luôn sống trong nỗi uất ức, bất an, sợ hãi và đề phòng, lâu dần tinh thần chán nản dẫn đến trầm cảm. Các bạn bị bạo lực không thể tập trung học hành, không dám giao thiệp. Có nhiều trường hợp học sinh bị bạo lực tinh thần khi còn nhỏ sẽ hình thành nên tính cách nhút nhát, tự ti cho đến lúc lớn lên, hoặc trường hợp ngược lại người bị bạo lực sẽ trở nên vô cảm, mất kiểm soát hành vi. Không chỉ những bạn học sinh bị bạo hành mà học sinh chứng kiến cũng bị ảnh hưởng nặng nề tâm lý theo hai hướng. Một là các bạn ấy sợ hãi, ánh ảnh, hai là sẽ hùa theo đám đông, thích thú cổ vũ ủng hộ hành vi này, nhiều khả năng sẽ trở thành kẻ bạo lực.
Hậu quả của bạo lực học đường còn tác động không nhỏ đến chính những học sinh gây ra bạo lực. Các bạn ấy sẽ bị lên án, chỉ trích từ nhiều phía, mọi người xa lánh, kỳ thị dù sau này mọi chuyện có thay đổi thì các bạn ấy vẫn khó lòng mà hoà nhập được với mọi người. Những hành vi bạo lực nhẹ sẽ bị xử phạt từ nhà trường, bị kỷ luật đình chỉ học thậm chí là buộc thôi học. Nếu như thế sẽ rất nguy hại đến tương lai của các bạn gây ra bạo hành. Về mặt nhận thức, những học sinh có hành vi bạo lực và lạm dụng quyền hành từ bé sẽ dẫn đến những vi phạm tội ác khi lớn lên hoặc dễ sa ngã vào các tệ nạn rượu bia, ma tuý…
Bạo lực học đường liên luỵ đến gia đình và những người thân. Dù là gia đình có con gây bạo lực hay là nạn nhân bạo lực thì cũng xáo trộn, bất an, lo lắng. Không khí gia đình trở nên nặng nề, cha mẹ không thể tập trung làm việc. Nhất là khi hậu quả mà con em mình gây ra hoặc gánh chịu quá lớn sẽ là nỗi đau không thể xoa dịu được của gia đình. Một môi trường học đường có bạo lực sẽ khiến không khí học tập mất tự nhiên, thiếu sự trong sáng, tươi đẹp ban đầu, nỗi bất an bao trùm những học sinh còn lại. Phụ huynh cũng không vui lòng cho con đến lớp. Uy tín ngôi trường và hình ảnh thầy cô cũng sẽ chịu ảnh hưởng không tốt. Bạo lực học đường làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lạnh mạnh trong sáng.Ảnh hưởng đến những nét văn hóa truyền thống, những chuẩn mực đạo đức quý giá, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về mặt hành vi một cách đáng báo động, làm mất trật tự xã hội.
Để bạo lực học đường không còn là mối đe dọa lớn đối với ngành giáo dục, mỗi học sinh chúng ta cần có suy nghĩ, nhận thức đúng đắn về bạo lực, tác hại của nó cho bản thân, cho người khác. Cần rèn luyện đạo đức tốt, sống chan hoà yêu thương, giúp đỡ bè bạn, lễ phép với người lớn, chăm ngoan, vâng lời cha mẹ, thầy cô…Là học sinh cần tuân thủ nề nếp của trường học, tránh xa bạo lực, nói không với những hành động cổ suý, ủng hộ bạo lực. Nếu bắt gặp các trường hợp bạo lực diễn ra ở nhà trường cần tìm cách ngăn chặn, báo với thầy cô, nhà trường hoặc cơ quan chức năng. Bản thân chúng ta nên mở rộng lòng với bạn bè, học cách kiềm chế cảm xúc, điều khiển hành vi lúc nóng giận, sống vị tha và hoà nhã, hướng đến những điều thiện trong cuộc sống.
Đối với nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục:Tích cực hoàn thiện rèn luyện kỹ năng sống và đưa bộ môn dạy kỹ năng sống vào trong nhà trường.Tổ chức các hoạt động sân trường, hoạt động tình nguyện mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp trong bản thân. Có hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh gây ra bạo lực, và có hình thức hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân của các vụ bạo lực.Phối hợp với gia đình và cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn xã trong công cuộc phòng tránh bạo lực học đường. Đối với gia đình:Bố mẹ cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học.
Tuổi trẻ là tương lai đất nước, là thế hệ gánh vác trọng trách lớn trên vai. Thế nên học sinh chúng ta cần ý thức được vai trò của mình mà phấn đấu không ngừng không chỉ trong học tập mà cả trong rèn luyện tính cách, nhân phẩm, hành vi. Tránh xa bạo lực, nói không và đấu tranh chống lại bạo lực học đường là việc làm cần thiết, cấp bách để trả về cho học sinh một môi trường giáo dục lành mạnh. Để nhà trường thật sự là ngôi nhà chung của thế hệ trẻ, là nơi ươm mầm những ước mơ, hy vọng đẹp.
Từ khóa » Trình Bày 1 Vấn đề Về Bạo Lưc Học đường
-
Top 12 Mẫu Nghị Luận Về Vấn đề Bạo Lực Học đường Hay Nhất
-
TOP 31 Bài Nghị Luận Về Bạo Lực Học đường - Văn 9
-
Nghị Luận Về Vấn đề Bạo Lực Học đường
-
Top 9 Mẫu Nghị Luận Về Vấn đề Bạo Lực Học đường Hay Nhất
-
Vấn đề Bạo Lực Học đường Và Giải Pháp Khắc Phục - Vgbc
-
Nghị Luận Xã Hội Về Bạo Lực Học đường: Dàn ý & Văn Mẫu
-
Văn Mẫu Lớp 9: Nghị Luận Về Vấn đề Bạo Lực Học đường Hiện Nay
-
Nghị Luận Xã Hội Về Bạo Lực Học đường - Đọc Tài Liệu
-
Nghị Luận Xã Hội 200 Chữ Về Bạo Lực Học đường - Dàn ý + 8 Bài Văn ...
-
Môn Văn Lớp: 10 Trình Bày Vấn đề Bạo Lực Học đường - MapleBear
-
Thuyết Trình Phòng Chống Bạo Lực Học đường - Trường THCS
-
Bài Văn Ngắn Nêu Lên Những Suy Nghĩ Về Nạn Bạo Lực Học đường ...
-
Nghị Luận Về Vấn đề Bạo Lực Học đường
-
Soạn Bài Viết Bài Văn Trình Bày ý Kiến Về Một Hiện Tượng (vấn đề) Mà ...