NFT: Cơ Hội, Rủi Ro Và Khuyến Nghị
Khái quát chung về NFT
NFT tạm dịch là Token không thể thay thế, được hiểu là một dạng chuỗi số mã hóa mang tính duy nhất, chứa thông tin nhận dạng và xác minh tài sản được lưu giữ trên hệ thống chuỗi khối. Nếu Bitcoin có tính tương đương và có thể thay thế thì mỗi NFT tồn tại duy nhất và không thể hoán đổi cho nhau. Người dùng có thể đổi một đồng Bitcoin này và lấy một đồng Bitcoin khác có giá trị tương đương nhưng điều này không thể áp dụng tương tự với NFT. Xuất phát từ 3 đặc tính nổi bật: (i) tính duy nhất (không thể phân chia); (ii) tính độc lập (không thể làm giả, không bị phụ thuộc); (iii) tính xác minh (nhận dạng chủ sở hữu) nên NFT thường được dùng để lưu trữ, xác định sự tồn tại và quyền sở hữu của các sản phẩm, tài sản và giao dịch trên thế giới số.
Về bản chất, NFT chính là một dạng chuỗi số mã hóa được xây dựng trên hệ thống blockchain, có tính chất tương tự các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Ethereum. Với NFT, người ta có thể theo dõi thời gian tạo NFT, chủ sở hữu cùng các số nhận dạng duy nhất khác. Bất cứ ai cũng có thể tạo ra NFT thông qua các sản phẩm số như tranh, ảnh, bài hát, bộ phim… với các thủ tục đơn giản, nhanh gọn, tiết kiệm chi phí. Khi bán một bức tranh dưới dạng NFT, người mua sẽ phải trả tiền và trở thành chủ nhân của nó. Những người khác vẫn có thể xem bức tranh, nhưng chỉ người mua mới có quyền sở hữu chính thức.
Vậy với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như hiện nay, liệu có nhiều cơ hội cho NFT phát triển tại Việt Nam? Liệu pháp luật Việt Nam đã bao quát được các vấn đề mới phát sinh này để đưa ra được những định hướng phát triển phù hợp nhất cho NFT?
Cơ hội phát triển của NFT tại thị trường Việt Nam
Trong giai đoạn nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trên đà phục hồi sau những tác động to lớn của đại dịch Covid-19 thì sự xuất hiện và phát triển của NFT có thể coi là bước tiến quan trọng, đánh dấu sự chuyển giao trên thị trường giao dịch trực tuyến và thay đổi tư duy về giá trị của tài sản số (hình 1).
Hình 1. Sự phát triển NFT trong kỷ nguyên công nghệ số.
Cùng với xu thế phát triển chung hiện nay, Đảng ta đã đề ra những định hướng cho phát triển công nghệ giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đó là: Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3D, Internet kết nối vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế [1].
Chủ trương này cũng được minh chứng trên thực tế qua sự xuất hiện của tựa game NFT Axie Infinity được phát triển bởi Sky Mavis - một studio có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh cùng với CEO, Art Director và Game Designer đều là người Việt Nam. Tính đến đầu tháng 7/2021, tổng vốn hóa thị trường của game đạt mức 874 triệu USD và đang trên đà tăng trưởng với giá trị mã AXS (mã chính thức của game) tăng 17,2% tính đến hết ngày 13/7/2022. Không dừng lại ở game, NFT cũng len lỏi vào các lĩnh vực khác tại thị trường Việt Nam. Năm 2021, một họa sỹ nhí 14 tuổi có tên Xèo Chu đã số hóa bức tranh “Hoa mai may mắn” (The Lucky Apricot Blossoms) bằng công nghệ NFT trên nền tảng blockchain và bán thành công trên sàn giao dịch tài sản số quốc tế Binance với mức giá hơn nửa tỷ đồng (xấp xỉ 22.900 USD) (hình 2) [2]. Đặc biệt, một phòng trưng bày nghệ thuật mang tên Hoi An Soul cũng được xây dựng trở thành phòng trưng bày nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam chào bán các tác phẩm nghệ thuật trên công nghệ blockchain.
Hình 2. Bức tranh "Hoa mai may mắn" của Xèo Chu được chuyển sang công nghệ NFT và bán trên sàn Binance NFT.
Có thể thấy rằng, Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng cho sự phát triển của NFT. Nhận định này được minh chứng qua 3 lý do: (i) cộng đồng người Việt Nam có sự hưởng ứng tích cực, có nền tảng kỹ thuật vững chắc trong việc tiếp cận với NFT; (ii) NFT đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam; (iii) NFT xuất hiện trên cơ sở Đảng và Nhà nước ta đang định hướng “chuyển đổi số” và tiến tới xây dựng hành lang pháp lý điều chỉnh công nghệ số.
NFT và những nguy cơ tiềm ẩn khi chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh
Tính “mới” khiến NFT nổi lên như một hiện tượng thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người, nhưng đây cũng là thách thức cho hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh hoạt động của NFT, điều này dẫn đến những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn cho các hoạt động giao dịch xoay quanh loại “tài sản số” này.
Thứ nhất, rủi ro về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Không phủ nhận NFT đã tạo ra nhiều thuận lợi cho quá trình thương mại hóa các tác phẩm, các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng sản phẩm, giúp người mua có thể xác minh, truy xuất nguồn gốc và quyền sở hữu tài sản... Tuy nhiên, trên thực tế, việc này chỉ có khả năng phân biệt sản phẩm gắn NFT với sản phẩm tương tự chứ không có khả năng ngăn chặn việc sao chép và sử dụng sản phẩm trái phép.
Hiện nay, dễ thấy các bức ảnh, đoạn nhạc... đều được gắn phiên bản NFT có trả phí, tuy nhiên tâm lý của người tiêu dùng thay vì bỏ tiền mua phiên bản NFT của bức ảnh thì mọi người sẽ lựa chọn lên mạng tải một bức ảnh tương tự và miễn phí. Vậy, một câu hỏi khác được đặt ra là liệu NFT có được xem là một tác phẩm thuộc đối tượng của bản quyền không, bởi vì khi có bản quyền thì những bên vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của luật. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lại xét về điều kiện để tác phẩm được bảo hộ. Điều kiện đầu tiên là tác phẩm phải là kết quả của quá trình lao động sáng tạo. NFT hiện nay chưa đáp ứng được điều kiện này bởi việc mã hóa NFT lên ảnh, bài nhạc, video không phải là sự sáng tạo của tác giả mà là kết quả của việc thiết lập các mã Token được thao tác trên máy tính khác. Dễ thấy, người dùng chỉ cần tải một bức ảnh lên sàn NFT với một vài thao tác và một khoản phí nhỏ là đã có thể tạo ra một bức ảnh có gắn NFT.
Cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm công nghệ, kéo theo đó là nhiều rủi ro mất an toàn về bảo hộ bản quyền tác phẩm. Việc có thể dễ dàng tạo ra một tác phẩm NFT đã thực sự tạo ra những lỗ hổng bản quyền lớn, khiến NFT mất đi bản chất ban đầu và trở thành một “tài sản” kiếm lời, thậm chí nhiều tác phẩm được gắn NFT và được rao bán trên thị trường mà không hề có sự đồng ý của tác giả. Có thể kể đến việc bán các hình ảnh của người nổi tiếng dưới dạng NFT như một trào lưu mà các đối tượng xấu dùng để trục lợi đang làm hiện nay, không cần là chủ sở hữu của bức ảnh, cũng không cần biết chủ sở hữu có đồng ý hay không, những hình ảnh này vẫn được bán tràn lan, trục lợi hàng triệu USD một cách dễ dàng. Chỉ cần là những người được công chúng biết đến, hình ảnh của họ rất dễ bị rao bán dưới dạng NFT, càng nổi tiếng thì giá càng cao. Như trường hợp ảnh của ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh được rao bán ngày 6/4/2022 trên sàn giao dịch OpenSea bởi tài khoản Nguyengocthiennb với giá 13 Ethereum (tương đương 43.432 USD) [3]. Và còn rất nhiều hình ảnh khác của bà Nguyễn Phương Hằng, ông Trịnh Văn Quyết, nghệ sỹ Hoài Linh… cũng được mã hóa và rao bán trên nền tảng này.
Thứ hai, rủi ro về tính bình ổn của thị trường. Sự phát triển nhanh chóng của NFT gây ra những biến động lớn đối với thị trường trong và ngoài nước, bởi lẽ, hiện nay chưa có bất cứ cơ chế nào được xây dựng nhằm quản lý thị trường giao dịch NFT. Việc thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước khiến thị trường này tồn tại nhiều rủi ro về nạn lừa đảo. Theo báo cáo của Chainalysis, qua phân tích blockchain và theo dõi giao dịch phát hiện có tới 262 khách hàng bán đi bán lại cùng một NFT ít nhất 25 lần với khả năng cao là giao dịch thao túng giá cả. Dù đã có những giải pháp được đưa ra nhằm phòng ngừa các hành vi bất hợp pháp liên quan đến mua bán NFT, tuy nhiên đây vẫn là những đề xuất thiếu khả thi. Chẳng hạn như việc kiểm tra các giao dịch được ghi lại trên chuỗi khối, quá trình này tương đối phức tạp và tốn thời gian, thêm nữa, hầu hết mọi người đều không đủ kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện thao tác này.
Một vấn đề nữa cần quan tâm hiện nay là chưa có một quy trình cụ thể và rõ ràng cho việc định giá NFT. Hiện nay, giá trị NFT đang được xác định chủ yếu dựa trên nhu cầu và nhận thức của các chủ thể đối với NFT đó. Điều này dẫn đến có những NFT có thể quý hiếm và mang giá trị cao tại một thời điểm nhưng lại nhanh chóng mất đi giá trị. Việc “thổi phồng” giá trị thực của NFT làm tiềm tàng những rủi ro, nguy cơ đối với các chủ thể.
Thêm vào đó, vì bất kỳ ai trên internet đều có thể tạo ra NFT, điều này giúp tạo ra khối lượng “tài sản số” phong phú nhưng cũng đồng nghĩa với việc tồn tại một lượng không nhỏ những sản phẩm vô giá trị. Theo đánh giá của các chuyên gia từ Đại học London (Anh), hiện nay chỉ có khoảng 1% trong số 4,7 triệu tác phẩm NFT có giá trị trên 1.500 USD, số còn lại hầu như rất rẻ và thậm chí là vô giá trị [4].
Thứ ba, rủi ro về tội phạm rửa tiền gia tăng. Việc biến động giá cả của NFT kết hợp với tính chất ẩn danh của tiền điện tử dẫn đến nguy cơ tạo ra một thị trường “béo bở” cho hoạt động rửa tiền. Cụ thể, người dùng có thể dễ dàng mua NFT bằng các khoản tiền bất hợp pháp sau đó bán lại “tài sản số” này để đổi lấy các loại tiền điện tử “sạch”. Tình trạng này sẽ ngày càng phổ biến khi hiện nay thị trường đang có xu hướng chuyển sang sử dụng tiền điện tử cho các giao dịch. Có thể nói, những rủi ro này phần nào bắt nguồn từ tính không rõ ràng của thị trường NFT. Bởi lẽ, NFT chủ yếu được mua bán trực tuyến, thanh toán bằng các loại tiền điện tử và được mã hóa bằng phần mềm. Tuy nhiên, liệu có tồn tại rủi ro về tính hợp pháp của chính NFT khi nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay vẫn chưa công nhận tiền điện tử?
Một số đề xuất, kiến nghị
Tiềm năng phát triển của NFT trong tương lai cùng những thách thức trong việc điều tiết và quản lý loại “tài sản số” này đặt ra yêu cầu cần sớm ban hành cơ chế và chính sách pháp luật điều chỉnh nhằm bắt kịp với tình hình thực tế, giúp thị trường NFT phát triển theo đúng định hướng và kỳ vọng.
Trước hết, cần ban hành dự thảo luật điều chỉnh NFT để tạo khung pháp lý tổng thể, thiết lập môi trường thuận lợi cho sự phát triển của NFT nói riêng và công nghệ số nói chung. Theo đó, cần xây dựng quy chế quản lý đối với thị trường blockchain, tài sản kỹ thuật số và các giao dịch NFT; hình thành cơ chế bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư người dùng cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp trong môi trường số. Điều này nhằm đáp ứng tính cấp thiết của việc bình ổn thị trường, ngăn chặn các tệ nạn lừa đảo và rửa tiền. Đặc biệt, cần xây dựng quy chế định giá NFT dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của NFT. Hiện nay, có thể xác định 3 yếu tố cơ bản có tác động tới giá trị của NFT bao gồm: (i) mức độ tiện ích và độ hiếm; (ii) tính hữu hình và khả năng thanh khoản; (iii) lịch sử sở hữu và giá trị tương lai [5]. Việc xác định những yếu tố này giúp các chủ thể có một tiêu chuẩn và thước đo nhất định để định giá NFT, đồng thời, định hướng được tiềm năng của NFT đó trong tương lai.
Hai là, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản luật liên quan nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật trên thực tế. Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cần bổ sung các quy định điều chỉnh về NFT, chẳng hạn như các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự nhằm xử lý, ngăn chặn các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới NFT. Hay các quy định của Bộ luật Dân sự cần xem xét, cân nhắc việc có hay không nên công nhận NFT cũng như các loại tài sản ảo khác là một loại “tài sản số” có giá trị giống như các loại tài sản được quy định tại Điều 105 (gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản).
Ba là, cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ số và ứng dụng công nghệ số, thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường NFT, phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm, rủi ro đối với người dùng. Song song với đó, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả pháp luật về NFT, đáp ứng yêu cầu “chuyển đổi số quốc gia” và xây dựng “Chính phủ điện tử”.
Cuối cùng, việc bất cứ ai cũng có thể gắn NFT và rao bán trên thị trường là minh chứng cho lỗ hổng trong quản lý thông tin. Vậy các cơ quan quản lý nên thành lập một tổ chức đứng ra bảo lãnh cho việc mua bán NFT trên thị trường. Đây sẽ là một tổ chức được ủy quyền để xác minh danh tính của chủ sở hữu các hàng hóa được bán trên thị trường dưới dạng NFT, đảm bảo độ tin cậy của việc mua bán NFT cũng như các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, tạo nên một môi trường mua bán lành mạnh, phát triển theo đúng định hướng và kỳ vọng.
Dù còn nhiều tranh cãi xoay quanh NFT và bản quyền nhưng không thể phủ nhận, NFT nổi lên không phải là một hiện tượng nhất thời mà đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng, hứa hẹn mang lại những giá trị to lớn hơn nữa trên thị trường công nghệ số trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị sự thật.
[2] https://bitcoininus.com/2021/08/13/hoa-si-nhi-viet-nam-dau-gia-thanh-cong-buc-tranh-nft-dau-tien-tren-binance-voi-gia-22-899-usd.
[3] https://vietnambiz.vn/nft-cua-ong-do-anh-dung-duoc-rao-ban-day-dac-tren-opensea-gia-cao-gap-doi-hinh-ong-trinh-van-quyet-20224674840305.htm.
[4] https://cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/con-sot-nft-trien-vong-va-nguy-co-tiem-an-i646083/.
[5] https://coinvn.com/gia-tri-cua-nft-duoc-xac-dinh-dua-tren-nhung-yeu-to-nao/.
Từ khóa » Cho Nft
-
Announces The Launch Of CHO NFT Sale And Introduces ...
-
Mint NFTs That Contain Access To CHO Tokens
-
World's First MetaFi CHO NFT Collection Sold Out Instantly
-
С Announces The Launch Of CHO NFT Sale And ...
-
Binance NFT | Thị Trường Dành Cho NFT Và Hộp Bí ẩn
-
Mr. Cho Statistics - NFT Stats
-
About Us - KLKTN
-
NFT Là Gì? Giải Mã Sức Hút Của Cơn Sốt NFTs | CyStack Security
-
Cho-nft-community - Profile - OpenSea
-
Follow Brian Cho's (@brianjcho) Latest Tweets / Twitter
-
Cactus Custody Của Matrixport Ra Mắt Dịch Vụ Cho NFT
-
CHO NFT | Facebook
-
Hình Đại Diện NFT Là Gì Và Làm Thế Nào Để Có? - Bybit Learn