Ngã Ba Đồng Lộc - Những đóa Hoa Bất Tử - Công An Nhân Dân

  • Sáng mãi huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc
  • Ở ngã ba Đồng Lộc

Vào những ngày tháng 7, đất trời Đồng Lộc tấp nập đón những đoàn người hành hương ở khắp mọi miền Tổ quốc về với nơi trong chiến tranh mệnh danh là “tọa độ chết”, nơi mà 1m2 đất phải hứng chịu 3 quả bom cày xới, thấm đẫm máu xương của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Cùng với Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong là khu Tượng đài Tổ quốc ghi công Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, phía đằng sau có mười ngôi mộ trắng nghi ngút khói nhang được bao bọc bởi rừng cây xanh mát.

Một thời “tiếng hát át tiếng bom”

Ngày 24 tháng 7 năm 1968 (dương lịch) là ngày hy sinh của tiểu đội 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Nắng cháy da đổ lửa ở miền Trung, nóng hầm hập oi bức của những cơn gió Lào không ngăn nổi bước chân của dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây vào dịp tháng 7 hàng năm để tưởng nhớ, để tri ân những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì một cuộc sống hòa bình tươi đẹp hôm nay.

untitled-8.jpg -0
Ngày 16/7/2022, Đoàn công tác Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an do đồng chí Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng làm trưởng đoàn vào làm lễ dâng hương tại khu mộ của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc.

Ông Đào Anh Tuân, Phó trưởng ban Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Tại địa danh này cũng như trên mảnh đất Hà Tĩnh, dọc tuyến đường Trường Sơn tất cả đều dồn mọi tiềm lực, sức lực kể cả sự hy sinh cho chiến trường. Tại Ngã ba Đồng Lộc, sự hy sinh của 10 cô gái là biểu tượng về sự kiên cường, bất khuất. Sau hòa bình lập lại thì khu Ngã ba Đồng Lộc trở thành một khu di tích lịch sử có một vai trò hết sức quan trọng, là một địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống. Từ đầu tháng 7 này, trung bình mỗi ngày đón 140-150 đoàn khách ở khắp nơi về dâng nhang, cụm di tích đón hàng nghìn người mỗi ngày. Mỗi năm nơi đây đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, dâng hương. Họ là những cựu chiến binh, thanh niên, thiếu nhi, công nhân viên chức... về tri ân các anh hùng liệt sĩ.”

Lùi về quá khứ, Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Hồ Chí Minh, giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh, là huyết mạch quan trọng giao thông chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Từ những năm 1964 -1972, nơi đây bị giặc Mỹ đánh phá liên tục, đỉnh điểm nhất từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 1.900 lượt ném bom, với hơn 50.000 quả bom các loại. Bom trút xuống như mưa, mặt đất biến dạng, những hố bom toang hoác khắp nơi.

Để người dân có thể trụ nổi tại mảnh đất khói lửa mù trời này, là một điều gần như không thể, vậy mà ngày cũng như đêm vẫn có hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, người dân địa phương làm nhiệm vụ để đảm bảo thông tuyến cho xe đi qua, tất cả vì tiền tuyến thân yêu, vì miền Nam ruột thịt. Khẩu hiểu nơi đây: “Tim có thể ngừng đập nhưng đường phải thông”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Đường chưa thông không tiếc xương, tiếc máu” đã trở thành kim chỉ Nam, ngọn lửa soi sáng cho lý tưởng, phương châm sống và chiến đấu của các lực lượng lúc bấy giờ.

Ngày nay, nhà Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc vẫn lưu giữ những kỷ vật khoác lên màu thời gian, những bằng chứng của tội ác chiến tranh thể hiện tinh thần bất khuất quật cường của những cô gái thanh niên xung phong quả cảm.

Trong đó có bức thư của Đội trưởng Võ Thị Tần - Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP55 Hà Tĩnh viết gửi cho mẹ trước lúc hy sinh 5 ngày. “...Ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cánh rừng, nhưng không có thể làm rung chuyển được trái tim của chúng con. Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này. Mẹ ơi, thời gian này địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Quyển sổ tay dạo nọ mẹ gửi ra đã gần hết rồi...”. Những nét chữ thân thương trong bức thư gửi mẹ, cùng lọn tóc thề và chiếc lược hẹn ước của chị Võ Thị Tần với chàng trai cùng làng năm xưa đã làm lay động trái tim biết bao thế hệ.

Buổi chiều hôm ấy, khi đang kho cá thì đơn vị nhận được lệnh ra lấp hố bom cho xe thông qua. 10 cô gái như mọi lần hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống, sau tiếng gầm rít của tiếng bom dội xé trời là bầu không khí tĩnh lặng, và mùi khói thuốc xông lên mịt mù, tất cả 10 cô gái trẻ tuổi của tiểu đội 4, đại đội 552 ở tuổi 18, đôi mươi đã hy sinh. Đồng đội đã tìm thấy nồi cá kho, kỉ vật còn lại cùng với mấy tấm áo của mấy cô gái còn lấm lem bùn đất, chỗ lành chỗ rách để sau này trở thành kỷ vật vô giá được trưng bày ở bảo tàng.

Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ

Trong một chương trình truyền hình, bà Nguyễn Thị Hường, nhân chứng sống của chiến tranh, từng là thanh niên xung phong của tiểu đội ngày ấy kể: Ngày hy sinh, đầu tóc của những nữ đồng đội dính đầy đất cát, nước khan hiếm, bom không ngừng trút, khi khâm liệm nhiều nữ thanh niên đầu chưa kịp gội, nhiều đồng đội ước có quả bồ kết để gội đầu cho các cô thì tốt biết bao. 

untitled-9.jpg -0
Thắp nhang bên mộ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc.

Vào một ngày đầu tháng 7 năm 1995, nhà thơ Vương Trọng khi đi thăm mộ của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã xúc động viết bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”, trong đó có đoạn: “Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều/ Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang...”.

Ba năm sau ngày nhà thơ Vương Trọng làm bài thơ “Lời thỉnh cầu...”, vào đúng ngày 19 tháng 8 (ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và cũng là ngày truyền thống của CAND Việt Nam), Đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã về Hương Sơn tìm hai cây bồ kết mang đến trồng bên cạnh mộ phần của các nữ thanh niên xung phong. Bao năm nay, hai cây bồ kết nhỏ ngày nào đã mọc lên xanh tốt, tỏa bóng mát cho cả khu mộ. Và từ dạo đó, mỗi dịp các đoàn về viếng khu mộ, ngoài sắm nón trắng, áo quần quân trang, gương lược, bên cạnh những đoá cúc trắng, hoa hồng trắng, nhiều người không quên mua thêm những chùm quả bồ kết.

Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc đã và đang được đầu tư ngày một khang trang với nhiều công trình kiến trúc được xây dựng như: Khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong, Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc, cụm tượng 10 nữ thanh niên xung phong và nhiều công trình văn hóa tâm linh khác. Tháng 11 năm 2020 đã hoàn thành xây dựng 1 cổng bằng đá vào di tích với tổng kinh phí đầu tư 15 tỉ đồng bằng nguồn xã hội hóa.

Khu mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc tiểu đội 4 đã được xây dựng khang trang từ nhiều năm nay nằm cách tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc gần 200m. Tượng đài người thanh niên xung phong giơ tay phất cờ báo hiệu mở đường cho xe băng qua là biểu tượng ý chí quật cường, vượt qua gian nguy rà phá bom mìn, mở đường sửa đường thông tuyến Bắc Nam trong những tháng ngày chiến tranh ác liệt nhất của những chiến sĩ thanh niên xung phong.

Đặc biệt nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc trên bia đá khắc tên và quê quán các anh, các chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc, từ những nơi có làn điệu quan họ như Bắc Giang, Bắc Ninh hay thành phố biển Hải Phòng, đất chèo Thái Bình, rừng cọ đồi chè Phú Thọ...

Rời mảnh đất Đồng Lộc thân thương, chào tạm biệt các anh, các chị vĩnh viễn nằm lại nơi đây dưới hàng thông reo để chúng tôi được hưởng mùa xuân yên bình không tiếng súng. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, những người đã viết nên bản tráng ca lịch sử anh hùng.

Từ khóa » Thông Tin Về Ngã Ba đồng Lộc