Nga Dùng Màn Khói Bảo Vệ Cầu Nối Crimea - VnExpress

Chuyên gia quân sự H.I. Sutton thuộc Viện Hải quân Mỹ (USNI) hôm 4/7 đăng ảnh do vệ tinh thương mại chụp cầu Kerch nối bán đảo Crimea với lãnh thổ Nga, cho thấy hai xà lan được kéo từ căn cứ hải quân Novorossiysk đến sát cây cầu.

Hai xà lan được lắp hàng loạt bộ phản xạ tín hiệu radar, thường được dùng làm mục tiêu bám bắt trong các cuộc diễn tập bắn đạn thật của Hạm đội Biển Đen hải quân Nga. Thiết bị này có thể làm chệch hướng tín hiệu radar của các loại vũ khí được dùng để tập kích cây cầu.

Xà lan mục tiêu và màn khói được Nga triển khai tại cầu Kerch đầu tháng 7. Ảnh: Twitter/CovertShores.

Xà lan mục tiêu và màn khói được Nga triển khai tại cầu Kerch đầu tháng 7. Ảnh: Twitter/CovertShores.

Video được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 1/7 cũng cho thấy màn khói trắng dày đặc phủ kín cầu. Biện pháp này thường được sử dụng để che giấu tung tích các đội hình quân sự, che chắn mục tiêu khỏi cảm biến hiện đại của máy bay và vệ tinh, cũng như vô hiệu hóa hệ thống chiếu xạ laser thường dùng trong vũ khí chính xác cao.

"Đây là những biện pháp bất thường, cho thấy Nga đang tùy cơ ứng biến. Không có biện pháp phòng thủ nào được coi là tiêu chuẩn, quân đội các nước luôn tìm mọi cách để giảm tối đa nguy cơ trong thời chiến", Sutton nhận xét.

Theo chuyên gia này, xà lan mục tiêu không được thiết kế để bảo vệ công trình hạ tầng, nhưng có thể phát huy hiệu quả nếu Ukraine tấn công cầu Kerch bằng tên lửa Harpoon.

Đây dường như là một phần nỗ lực gây khó khăn cho thiết bị trinh sát và vũ khí dẫn bắn bằng radar, bảo vệ cây cầu dài nhất châu Âu khỏi những cuộc tập kích của Ukraine. Quân đội Nga cũng đang tăng cường lực lượng phòng không và tác chiến điện tử trên bán đảo Crimea, khu vực vốn sở hữu lưới phòng thủ đa tầng dày đặc.

Loạt động thái diễn ra hai tuần sau khi tướng Ukraine Dmitry Marchenko, người phụ trách bảo vệ tỉnh miền nam Mykolaiv, đề xuất tấn công cầu Kerch sau khi tiếp nhận vũ khí hiện đại của phương Tây.

Dự án cầu vượt qua eo biển Kerch được khởi công năm 2015, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và hoàn thiện năm 2018. Cây cầu trị giá hàng tỷ USD nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Với chiều dài 19 km, đây là cây cầu dài nhất châu Âu, cho phép ôtô và tàu hỏa qua lại.

Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga sử dụng cầu này để vận chuyển xe bọc thép vào các khu vực phía nam nước láng giềng.

Giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng cầu Kerch là mục tiêu rất hấp dẫn với quân đội Ukraine, nhưng nhận định họ không có vũ khí hiệu quả để tung đòn tập kích địa điểm này. Cây cầu nằm cách xa lãnh thổ Ukraine, khiến phương án tấn công khả dĩ nhất là bằng đường không. Tuy nhiên, các tổ hợp phòng không S-300 và S-400 tại Crimea có thể ngăn cản máy bay Ukraine tiếp cận mục tiêu để không kích.

Cầu Kerch nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Ảnh: Roscosmos.

Cầu Kerch nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Ảnh: Roscosmos.

Ukraine cũng chưa sở hữu những tên lửa phóng từ mặt đất có thể tấn công cầu Kerch. Tên lửa RGM-84 Harpoon được Mỹ và Đan Mạch chuyển cho Ukraine có tầm bắn 120 km trong điều kiện lý tưởng, không thể vươn tới cây cầu nếu phóng từ những khu vực do quân đội Ukraine kiểm soát.

Các phiên bản Harpoon cải tiến có đầu đạn nhỏ hơn và tầm bắn gần 300 km, nhưng không rõ Ukraine có được chuyển giao mẫu tên lửa này hay không.

Ngay cả khi cầu Kerch nằm trong tầm bắn, tên lửa Harpoon cũng không được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất ở khu vực ven biển. Đầu dò radar của nó được tối ưu cho nhiệm vụ bám bắt tàu chiến trên các vùng biển xa bờ, đồng thời có thể bị đánh lừa bởi xà lan mục tiêu được Nga triển khai.

Vũ Anh (Theo Drive)

Từ khóa » Cầu Kerch