Nga, Trung Muốn Có Vũ Khí Diệt Vệ Tinh Mỹ? - Báo Cần Thơ Online

Lầu Năm Góc vừa lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc và Nga đang tiếp tục phát triển cũng như triển khai các loại vũ khí có thể tấn công các vệ tinh của Mỹ.

Tổ hợp vũ khí laser Peresvet của Nga. Ảnh: TASS

Lầu Năm Góc đánh giá không gian nhiều khả năng sẽ trở thành chiến trường trong tương lai, nơi vũ khí ngoài không gian đặt ra mối đe dọa đối với các vệ tinh mà Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng để thực hiện các hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát, liên lạc, định vị…

Vũ khí laser

“Trung Quốc có nhiều vũ khí laser trên mặt đất với các mức công suất khác nhau, có thể làm gián đoạn, suy yếu hoặc hư hỏng các vệ tinh. Từ giữa cho đến cuối thập niên 2020, Trung Quốc có thể sở hữu các hệ thống năng lượng cao hơn để mở rộng mối đe dọa đối với các cấu trúc của vệ tinh không quang học”, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) nhấn mạnh trong báo cáo được công bố ngày 12-4. Theo tài liệu, tổng các tài sản trong không gian của Trung Quốc và Nga đã tăng xấp xỉ 70% trong giai đoạn 2019-2021, sau khi tăng 200% ở giai đoạn 2015-2019.

Trung Quốc liên tục mở rộng đội ngũ vệ tinh tình báo, giám sát và do thám (ISR). Tính đến tháng 1-2022, đội ngũ ISR của Trung Quốc có hơn 250 hệ thống, con số này chỉ đứng sau Mỹ. Hầu hết trong số đó có thể hỗ trợ giám sát, theo dõi và nhắm vào các lực lượng Mỹ cùng đồng minh trên toàn thế giới, đặc biệt là trên toàn khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Các vệ tinh này cũng cho phép Bắc Kinh giám sát các “điểm nóng” trong khu vực, bao gồm bán đảo Triều Tiên, Ðài Loan, Ấn Ðộ Dương và Biển Ðông.

Trong khi đó, Nga coi sự phụ thuộc của Mỹ vào không gian là “gót chân Achilles”, nên Mát-xcơ-va đang “theo đuổi các hệ thống ngoài không gian để vô hiệu hóa hoặc chặn các dịch vụ trên không gian của Washington”. DIA còn nói Nga “có thể sẽ phát triển các hệ thống laser có khả năng làm hỏng các vệ tinh trong giai đoạn từ giữa đến cuối những năm 2020”.

Nga được cho là đang “có một số hệ thống laser đặt trên mặt đất có thể làm mù các cảm biến vệ tinh, bao gồm vũ khí Peresvet”. Lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã nhận một hệ thống này vào năm 2018. Giới lãnh đạo và truyền thông Nga từng công khai ca ngợi năng lực tấn công tàu vũ trụ của các vũ khí laser này. “Theo đánh giá của tôi, tổ hợp Peresvet bắn hạ được thiết bị vũ trụ gần Trái đất ở quỹ đạo có độ cao tới 500km. Hầu như tất cả các vệ tinh do thám và vệ tinh hoạt động thăm dò Trái đất đều hoạt động ở quỹ đạo này với số lượng tăng lên hàng năm”, chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev nhận định. Từ cuối năm 2019, Nga đã sử dụng Peresvet để bảo vệ các tổ hợp tên lửa di động.

Mối đe dọa từ các tên lửa ASAT

Tuy nhiên, vũ khí laser không phải là loại khí tài duy nhất của Nga và Trung Quốc có thể tấn công các tàu vũ trụ, mà họ còn có cả tên lửa diệt vệ tinh (ASAT), các hệ thống tác chiến điện tử, không gian mạng và quỹ đạo. Kevin Ryder, chuyên gia về không gian tại DIA, lưu ý Trung Quốc đã phóng nhiều tên lửa có khả năng phá hủy vệ tinh. Các ASAT của Bắc Kinh được thiết kế để tấn công các hệ thống trong quỹ đạo thấp của Trái đất (LEO), nhưng DIA nhận định tầm bắn của chúng có thể được mở rộng đến quỹ đạo địa tĩnh (GEO, ở độ cao khoảng 36.000km so với mặt nước biển).

Trong khi đó, đến năm 2030, Nga cũng có thể triển khai “các hệ thống có mức năng lượng cao hơn, mở rộng mối đe dọa đối với cấu trúc của tất cả vệ tinh chứ không chỉ là các cảm biến điện quang”. Theo chuyên gia Ryder, Nga đang phát triển một tên lửa di động với khả năng kết liễu vệ tinh và phi thuyền có người lái. Mặc dù Nga mô tả Nudol là hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng bản thân vũ khí này lại có khả năng tấn công ngoài không gian. Lần gần nhất Nudol được thử nghiệm là vào tháng 11 năm ngoái và nó cho thấy khả năng bắn hạ các vệ tinh trong LEO. Mặt khác, Nga cũng đang chế tạo Burevestnika, tên lửa ASAT có thể được phóng từ máy bay quân sự và nhắm vào các tàu vũ trụ trong LEO.

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP, fedscoop.com)

Từ khóa » Hệ Thống Vệ Tinh Nga