Ngăn Bệnh ''sợ Trách Nhiệm''

Ảnh minh họa

Không nói đến những người cố tình làm sai cần phải xử lý nghiêm mà nói đến những người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu “né việc”. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, ngoài lý do khách quan là quy định của pháp luật có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và chưa có quy định về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thì còn có nguyên nhân chủ quan.

Cụ thể: năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai; người có thẩm quyền quyết định thiếu chuyên môn lại không tin tưởng cấp dưới; cấp dưới có trình độ còn hạn chế. Tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm, trông chờ ý kiến cấp trên. Vì thế, một số cơ quan, địa phương đã chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan công an vào cuộc ngay từ giai đoạn đầu của việc thực hiện dự án.

Tình trạng “sợ trách nhiệm” nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các năm tiếp theo. Do đó, việc cần làm sớm là tập trung rà soát những bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng hơn, minh bạch hơn; cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân. Trong đó, cần rà soát, nghiên cứu để làm sao phải chặt chẽ trong quản lý, có tính răn đe, giáo dục; không để người xấu lợi dụng nhưng cũng tạo sự yên tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, để khuyến khích tinh thần dám đương đầu với khó khăn thì cách đánh giá cán bộ cũng cần được triển khai phù hợp; xóa tư tưởng “an phận thủ thường” vì “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” trong một bộ phận công chức, viên chức. Cách đánh giá cần phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng nếu mình hành động vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng, sẽ không gặp rắc rối.

Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cần thực hiện phương châm “6R” (rõ quy trình, rõ đối tượng, rõ người thực thi, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian) một cách triệt để. Đi liền với đó là coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá trên cơ sở mở rộng, đề cao dân chủ nhằm kích hoạt tinh thần dám nghĩ, dám làm và các nhân tố mới. Đây cũng là cách thiết thực để cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Trong đó, tập thể phải là “bệ đỡ” cho tinh thần trách nhiệm của cá nhân người cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Ngoài ra, để ngăn chặn tư tưởng, cách làm việc “cầm chừng”, cần đẩy mạnh cơ chế giám sát thực chất của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Rõ ràng, nếu để bệnh “sợ trách nhiệm” kéo dài thì sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, giảm lòng tin của Nhân dân./.

Theo: hanoimoi.com.vn

Từ khóa » Sợ Chịu Trách Nhiệm