Ngăn Chặn Tình Trạng Tin Giả Trên Mạng Xã Hội

Quang cảnh Hội thảo.

Ngày 30/6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo Đánh giá hoạt động thông tin điện tử 06 tháng đầu năm và định hướng 06 tháng cuối năm 2022. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn chủ trì.

Báo cáo tại hội thảo cho biết, tính đến tháng 6 năm 2022, cả nước có 1895 trang thông tin điện tử (TTĐT) tổng hợp được cấp phép. Trong đó, số lượng trang TTĐT tổng hợp được cấp phép mới hàng năm nhiều nhất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp 561 giấy phép, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cấp 524 giấy phép, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh còn lại cấp 355 giấy phép, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và truyền thông điện tử cấp 455 giấy phép. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng trang TTĐT tổng hợp được cấp phép giảm 46%.

Đối với mạng xã hội, tính đến tháng 6 năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 932 Giấy phép thiết lập mạng xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng trang mạng xã hội được cấp phép giảm 35%. Trong 06 tháng đầu năm 2022, chỉ có 69 giấy phép được cấp so với 106 giấy phép của cùng kỳ năm 2021, giảm 35%.

Đại biểu tham dự.

Đối với trò chơi điện tử trên mạng, tính đến tháng 6 năm 2022 số doanh nghiệp đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng là 233 doanh nghiệp (trong đó có 52 doanh nghiệp đã dừng hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép). Số lượng doanh nghiệp được cấp phép giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động là 503 đơn vị, giảm 94 % so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, là tình trạng "báo hóa" trang tin điện tử tổng hợp và báo hóa mạng xã hội có xu hướng gia tăng. Hiện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã lập danh sách 69 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” để theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý. Ngoài ra, tổ chức 02 đoàn thanh, kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” nghiêm trọng để xử lý nghiêm, mang tính cảnh báo, răn đe; đồng thời, không cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có tên miền có những từ, ngữ có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí...

Bên cạnh đó, nhiều trò chơi không phép, game đánh bạc, đổi thưởng chủ yếu cung cấp trên các kho ứng dụng xuyên biên giới vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý người chơi, đặc biệt là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Trước tình trạng này, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế các trò chơi không phép, game đánh bạc, đổi thưởng, như: Tạm dừng cấp phép đối với các game lá bài vì dễ bị lợi dụng để hoạt động đánh bạc. Thường xuyên rà soát, lập danh sách và gửi Apple, Google ngăn chặn, gỡ các game không phép, game cờ bạc, đổi thưởng phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam…

Về việc lan truyền tin giả trên mạng xã hội, thời gian qua, Bộ đã thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế, xử lý tình trạng phát tán, lan truyền tin giả như: Nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật; bổ sung nhiều quy định về chống tin giả, tăng chế tài và mức phạt tin giả; Thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) để xác minh, công bố tin giả trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội và blog cá nhân; chỉ đạo các cơ quan báo chí chính thống chủ động tìm hiểu, xác minh tin đồn khi có kết quả xác minh đẩy mạnh việc lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực trên không gian mạng, các thông tin cảnh báo người dân về tin giả.

Ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác xử lý và công bố tin giả trên không gian mạng.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đề nghị các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, các đơn vị tiếp tục công tác cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh để từng người sử dụng trong nước có đủ “sức đề kháng” trước những thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng; tuyên truyền để nâng cao ý thức sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để người sử dụng khai thác được những mặt tích cực, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của trò chơi điện tử trên mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước. Đồng thời, tiếp tục đấu tranh, tăng cường áp dụng các biện pháp hiệu quả để tạo áp lực buộc Facebook, Google, Tiktok... phải tuân thủ luật pháp Việt Nam; phối hợp với các bộ, ngành đấu tranh, đàm phán để Facebook, Google, Apple, Tiktok... phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên nền tảng này.

Nhân dịp này, Cục Phát thanh, truyền hình và truyền thông điện tử với các Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác xử lý và công bố tin giả trên không gian mạng./.

Từ khóa » Giải Pháp Phòng Chống Tin Giả Trên Mạng Xã Hội