Ngân Hàng Nhộn Nhịp Chia Cổ Tức, Giá Cổ Phiếu Sẽ Ra Sao?
Có thể bạn quan tâm
Trên thị trường chứng khoán, trường phái đầu tư "đón sóng cổ tức" luôn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Bởi lẽ trước những đợt chia cổ tức, cổ phiếu của doanh nghiệp đó thường được hưởng xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, lý thuyết này dường như không dành cho cổ phiếu ngân hàng.
"Cổ tức, tức cổ"
Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB, Mã: MSB), đơn vị này vừa thực hiện phân phối xong 352,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông được hưởng quyền trả cổ tức theo danh sách đã chốt vào ngày 8/10. Dự kiến số cổ phiếu này sẽ được niêm yết bổ sung trong quý IV/2021.
Trên thị trường chứng khoán, trước khi chia cổ tức, cổ phiếu MSB dao động trong khoảng giá 29.000-30.000 đồng/cp và sau đó điều chỉnh về 22.200 đồng vào ngày 7/10 (ngày giao dịch không hưởng quyền). Kể từ sau chia cổ tức, cổ phiếu MSB biến động trong biên độ từ 21.900-22.450 đồng/cp.
Cổ phiếu ngân hàng đã từng là niềm tự hào của các nhà đầu tư. |
Tương tự, ngày 7/10 vừa qua cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB). Với mức chia lên tới 80%, cổ phiếu VPB đã bị pha loãng từ vùng giá 62.000 đồng/cp xuống còn hơn 34.000 đồng/cp.
Không chỉ MSB, VPB, trước khi chia cổ tức, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã tăng giá mạnh mẽ từ vùng chưa đến 30.000 đồng lên trên 54.000 đồng/cp chỉ trong hơn 2 tháng.
Tuy nhiên, đến ngày giao dịch không hưởng quyền (7/7) cổ phiếu CTG đã pha loãng giá trị tương đương với tỷ lệ chia cổ tức gần 29% về vùng hơn 37.500 đồng/cp. Kể từ khi điều chỉnh giá đến nay, CTG đã liên tục giảm, hiện chỉ còn giao dịch mức 29.900 đồng/cp - tiệm cận mức thấp nhất ghi nhận kể từ cuối tháng 2/2021 (29.750 đồng/cp- giá đã điều chỉnh).
Điều đó có nghĩa là, những ai đã trót ôm cổ phiếu CTG để nhận cổ tức và chờ giá hồi phục về vùng sau chia hồi tháng 7 còn đang "cách bờ" ít nhất gần 21%. Chưa kể, nếu nhà đầu tư mua với số lượng ít, cổ tức nhận về là lô lẻ, muốn bán luôn họ sẽ phải bán với giá sàn, chịu lỗ thêm 7%.
"Thảm" hơn Vietinbank, cổ đông của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, mã: VIB) khi phải nhận cổ phiếu phạt bởi lẽ ngay sau khi công bố thông tin sẽ chia cổ phiếu thưởng lên đến 40% cho nhà đầu tư, giá cổ phiếu VIB đã tăng mạnh mẽ lên tới 70.000 đồng/cp, chỉ xếp sau "ông lớn" VCB.
Thế nhưng, tại ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/6, VIB điều chỉnh tương ứng về 52.500 đồng/cp và từ đó đến nay cổ phiếu VIB chỉ còn 36.800 đồng/cp, tương đương giảm gần 30%.
Kể từ đầu năm đến nay, ngoài các trường hợp trên còn có MBB, OCB, SHB, HDB và SSB cũng đã chia cổ tức cho cổ đông nhưng mới chỉ có nhà đầu tư SHB là có lãi khi đón sóng cổ tức, còn lại cổ đông các ngân hàng khác đều phải ngậm ngùi vì giá giảm đáng kể so với lúc điều chỉnh giá.
Lo sóng giá cuối năm
Giữa bối cảnh nhiều nhà đầu tư "ôm" cục tức vì cổ tức ngân hàng như hiện nay, nhiều người đang tỏ ra lo ngại cho giá cổ phiếu của các ngân hàng tới đây sẽ chi trả cổ tức bởi nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với làn sóng "tháo chạy" trước khi sự pha loãng diễn ra.
Có thể kể đến ngày 28/10 tới đây Ngân hàng TMCP Kiên Long (mã: KLB) sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 41,58 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 13%. Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 415,8 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC năm 2020 đã kiểm toán.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo phương án đã được ĐHĐCĐ thông qua. Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt 8% nâng vốn điều lệ lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Sau đó, Vietcombank sẽ tiếp tục phát hành riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ nâng tổng vốn lên hơn 50.400 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên ngân hàng được phép tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu kể từ năm 2011.
Không chỉ Vietcombank, Ngân hàng TMCP TPBank (mã: TPB) cũng vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2021 bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn với tỷ lệ 35%. Dự kiến thời gian thực hiện trong năm 2021.
Lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở bởi bên cạnh những bài học "cổ tức, tức cổ" thì nhóm cổ phiếu ngân hàng đang cũng đang là "nỗi đau" của nhiều nhà đầu tư chứng khoán khi liên tiếp chìm trong sắc đỏ bất chấp đây là giai đoạn công bố BCTC quý III với những con số lợi nhuận khổng lồ.
Những câu hỏi như "bao giờ bank về bờ?" "chuyện gì đang xảy ra với nhóm bank?", "có nên cắt lỗ bank không?'...đang tràn lan trên các diễn đàn đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, diễn biến này cho thấy lo ngại của các nhà đầu tư với kết quả kinh doanh cũng như rủi ro trong thời gian tới; trong đó có việc tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn được dự báo sẽ tăng mạnh trong cuối năm.
"Lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay vẫn cao chủ yếu là do thực hiện Thông tư 01 nên tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro đã giảm được khá lớn chi phí. Tôi cho rằng, con số lợi nhuận cao mà các ngân hàng công bố chính là lãi dự thu và nếu trừ đi khoản này, thì sẽ chẳng còn là bao nhiêu", TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính chia sẻ.
Minh Khuê
Từ khóa » Cách Chia Cổ Tức Của Ctg
-
Cổ Phiếu CTG - Vốn Và Cổ Tức - VietinBank
-
CTG: Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Tin Tức Và Sự Kiện
-
CTG: Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VIETINBANK
-
VietinBank Muốn Giữ Lợi Nhuận Năm 2021 để Chia Cổ Tức Bằng Cổ ...
-
Cổ Phiếu CTG Mãi "chưa Về Bờ", VietinBank Trả Cổ ... - Báo Lao Động
-
Mục Tiêu Lợi Nhuận Tăng Trưởng 15%, Chia Cổ Tức Tỷ Lệ 11,85%
-
CTG : Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Công Thương Việt Nam
-
VietinBank Trả Cổ Tức Tiền Mặt - VnExpress Kinh Doanh
-
Cổ đông Vietinbank Sắp được Nhận 8% Cổ Tức Bằng Tiền Mặt
-
VietinBank Trả Cổ Tức Năm 2020 Bằng Tiền Mặt - Báo điện Tử Chính Phủ
-
CTG: Tổ Chức Đại Hội đồng Cổ đông Bất Thường Năm 2021 - VSD
-
Cổ Phiếu CTG Mãi "chưa Về Bờ", VietinBank Trả Cổ Tức Bằng ... - VCCI
-
VietinBank Securities (CTS) Dự Kiến Chia Cổ Tức Tỷ Lệ 10% Năm 2022
-
Chi Trả Cổ Tức VietinBank Và BIDV: Tiền Mặt Hay Cổ Phiếu? - Hànộimới