Ngành Cá Tra Trên đà Phục Hồi Mạnh

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản nước ta quý I/2022 đạt kết quả tích cực với mức tăng trưởng 2,45%, trong đó nông nghiệp tăng 2,35%, lâm nghiệp tăng 3,86% và thủy sản tăng 2,54%. Ngành thủy sản tuy gặp khó khăn, trở ngại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh Nga – U-crai-na nhưng vẫn có sự phục hồi mạnh mẽ, ấn tượng cả về sản xuất và xuất khẩu. Tính chung quý I năm 2022, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1.863,6 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.385,2 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 180,5 nghìn tấn, tăng 5,7%; thủy sản khác đạt 297,9 nghìn tấn, tăng 1,2%, là năm có sản lượng thủy sản quý I cao nhất trong 5 năm từ 2018-2022. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản nước ta trong tháng 3/2022 ước đạt 900 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, quý I năm 2022 cũng là năm đạt giá trị xuất khẩu thủy sản cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, báo hiệu một năm xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt.

Kết quả ấn tượng ngành thủy sản chủ yếu do ngành hàng cá tra đang trên đà hồi phục mạnh. Sản lượng cá tra tháng Ba ước tính đạt 140,7 nghìn tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2022, sản lượng cá tra đạt 342,6 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra quý I năm nay đạt mức sản lượng cao nhất quý I các năm từ 2018-2022, tăng trưởng tuy không cao bằng cùng kỳ năm 2019 (13,82%) nhưng vẫn là mức tăng ấn tượng 6,46%, tăng 7,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, giá cá tra nguyên liệu cũng ghi nhận mức tăng mạnh trong các tháng đầu năm. Giá cá tra tăng cao do nguồn cung cá tra trong nước và toàn cầu thấp. Giá cá tra nguyên liệu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh sau hơn hai năm liên tiếp ở mức thấp. Tháng 01/2022, giá cá tra nguyên liệu loại 0,9 kg/con tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ dao động ở mức 23,5-24 nghìn đồng/kg, tăng 3,5-4,0 nghìn đồng so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Mức giá này được duy trì đến đầu tháng Hai. Trung tuần tháng Hai, giá cá tra lên mức 26-28 nghìn đồng/kg và tuần đầu tháng Ba đạt mức 32 nghìn đồng/kg[1].

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, chiếm 27% giá trị xuất khẩu toàn ngành. Xuất khẩu cá tra tháng 3/2022 ước đạt 262 triệu USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường các nước nhập khẩu cá tra phục hồi, tăng trưởng tốt, các thị trường này đều có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm 2022 đạt 94,6 triệu USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc – Hồng Kông đạt 85,8 triệu USD, tăng 239,6%; khối CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gồm) đạt 52,5 triệu USD, tăng 51,4%; châu Âu (EU) đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76%. Ngoài ra, giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiềm năng khác như Brazil, Thái Lan,Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE, Anh…cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước.

Sự sụt giảm lượng cá thịt trắng đột ngột của Anh do tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Nga, trong đó có sản phẩm cá thịt trắng khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra đã đẩy giá nguyên liệu thủy sản tại thị trường này tăng, các nhà nhập khẩu của Anh đang gặp nhiều khó khăn để tìm nguồn sản phẩm thay thế. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nắm bắt cơ hội đẩy mạnh thị phần xuất khẩu sang Anh. Đối với thị trường EU, ngành hàng cá tra cũng có nhiều cơ hội thay thế cho nguồn cung cá Minh Thái nhập khẩu từ nước Nga trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra. Dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt trong năm 2022, độ phủ vắc xin rộng giúp cho xuất khẩu thủy sản có khả năng phục hồi hoàn toàn, đặc biệt ở những thị trường tiềm năng như Mexico, Canada, Nhật Bản… sẽ là động lực để các doanh nghiệp cá tra phát triển hơn nữa.

Hiện tại Việt Nam đang chiếm 90 – 94% thị phần cá tra trên thế giới, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã chủ động từ ký kết đủ đơn hàng xuất khẩu cá tra đến hết quý II/2022, chuẩn bị kho hàng dự trữ, xây thêm nhà máy chế biến có công suất cao, tập trung nguồn lực vào nuôi trồng, đa dạng hoá sản phẩm từ cá tra…Ngành cá tra phấn khởi với các dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2022, nhưng người nuôi cần lên kế hoạch thả nuôi hợp lý, đảm bảo cân đối cung – cầu ổn định để ngành cá tra phát triển bền vững.

[1] Nguồn: http://agromonitor.vn/group/48/280/giam-sat-gia.

Từ khóa » Giá Cá Tra Xuất Khẩu Thị Trường