Ngành Chăn Nuôi đối Mặt Với Nhiều Khó Khăn - Tổng Cục Thống Kê

Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn khi vừa phải phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị chậm lại, giá bán giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người chăn nuôi lao đao. Đây chính là nguyên nhân khiến người chăn nuôi khó ổn định sản xuất.

Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Mười năm 2021 giảm khoảng 1,5% so với cùng thời điểm năm 2020. Chăn nuôi lợn liên tục gặp khó khăn, mặc dù dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, chỉ còn phát sinh những ổ dịch nhỏ lẻ nhưng nếu không có biện pháp phòng chống sát sao vẫn sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại.

Cùng với đó, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng khiến việc tái đàn đã khó nay càng khó hơn. Giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, tăng từ 3-5 lần so với trước đây, có loại tăng 6-7 lần. Nguyên nhân của sự tăng giá này chủ yếu đến từ việc giá nhập khẩu của các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng cao. Trong những tháng đầu năm, thời tiết bất lợi bất lợi ở một số nước xuất khẩu lớn, cước tàu biển tăng vọt vì khan hiếm container, Trung Quốc đẩy mạnh thu mua, nhập khẩu ngũ cốc… đã tác động lớn tới giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới và giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng nhưng giá thịt lợn hơi lại giảm liên tục từ cuối tháng Tư. Sang đến tháng Mười năm 2021, giá thịt lợn hơi giảm sâu so với tháng trước, có thời điểm chạm mức đáy khoảng 32.000 – 35.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 70% – 80% so với tháng trước. Tuy nhiên trong những ngày cuối tháng Mười giá lợn hơi tăng trở lại nhưng không ổn định. Do đó các cơ quan chức năng, các Bộ, ngành có liên quan cần có những biện pháp nhanh và mạnh để kịp thời kiểm soát vấn đề này, đảm bảo môi trường sản xuất để người chăn nuôi yên tâm tái đàn.

Ước tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Mười năm 2021 giảm khoảng 3,9%, tổng số bò tăng khoảng 1,1% so với cùng thời điểm năm 2020. Mặc dù chăn nuôi trâu, bò phát triển tương đối ổn định, dịch viêm da nổi cục đang dần được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát vẫn còn cao. Để công tác kiểm soát dịch bệnh được kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Mười năm 2021 giảm khoảng 1,2% so với cùng thời điểm năm 2020. Chăn nuôi gia cầm cũng cũng gặp nhiều khó khăn. Chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tình trạng thua lỗ kéo dài. Nhiều cơ sở chăn nuôi cũng giảm đàn hoặc tạm ngừng nuôi.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, du lịch đình trệ… khiến nhu cầu tiêu thụ thịt các loại giảm, chuỗi tiêu thụ thực phẩm bị đứt gãy. Do đó giá thịt gia súc, gia cầm giảm mạnh, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ. Trong tháng Mười, dù các biện pháp giãn cách xã hội đã tạm dừng, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng hơn so với tháng trước nhưng giá bán vẫn chưa được cải thiện, vẫn thấp hơn nhiều so với thời gian trước khi có dịch Covid-19 lần thứ tư trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng càng gây áp lực cho người chăn nuôi,

Như vậy, mặc dù số đầu con tại thời điểm cuối tháng Mười giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng nguồn cung vẫn lớn hơn cầu do nhu cầu thị trường chưa khôi phục hoàn toàn, các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi bị thua lỗ dẫn đến sản xuất cầm chừng hoặc không muốn tái đàn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến nguồn cung sụt giảm vào những tháng đầu năm sau. Trước tình hình nhiều biến động, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ thu mua các sản phẩm chăn nuôi đang tồn đọng, kích cầu tiêu dùng, kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi; từng bước quy hoạch lại sản xuất, kiểm soát các nguồn nguyên liệu nhập khẩu, các khâu trung gian từ sản xuất đến tiêu dùng; triển khai các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, ổn định sản xuất để đảm bảo nguồn cung dịp Tết Nguyên đán sắp tới và cho những tháng đầu năm 2022.

Từ khóa » Tổng Cục Thống Kê Chăn Nuôi 2021