Ngành Gỗ Xuất Khẩu Bứt Phá Trong Dịch Covid-19 - Tổng Cục Thống Kê

Năm 2020, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực vượt bậc, vượt qua thách thức, duy trì ổn định sản xuất, khẳng định vị thế của ngành trên trường quốc tế.

Sáu tháng đầu năm 2020, các sản phẩm chủ yếu của ngành lâm nghiệp chững lại, đặc biệt là sản phẩm gỗ khai thác do chuỗi tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ như gỗ bóc, bột giấy và dăm gỗ của các doanh nghiệp, nhà máy bị gián đoạn. Sáu tháng cuối năm, thị trường gỗ được đánh giá có phần khởi sắc, sản phẩm gỗ khai thác tăng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Gỗ và sản phẩm gỗ vẫn là một trong những mặt hàng mũi nhọn của cả nước và là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu gỗ quý I/2020 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; quý II đạt 2,5 tỷ USD, giảm 3,6%; quý III đạt 3,45 tỷ USD, tăng 28,7%; quý IV đạt 3,8 tỷ USD, tăng 23,2%; tính chung cả năm 2020 đạt 12,3 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2019. Đây cũng là mặt hàng dẫn đầu trong việc đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm sản cả nước tăng lên trong thời gian vừa qua.

Mặc dù khó khăn về kinh tế, sản xuất bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ rừng và nhà quản lý trong toàn ngành vẫn liên tục nghiên cứu, sáng tạo, thay đổi nhiều phương thức và hình thức tiếp thị, bán hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ. Tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cây lâm nghiệp có giá trị cao, kinh doanh gỗ lớn, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu hay chuyển đổi mô hình trồng rừng lấy gỗ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng giá trị rừng trồng sản xuất.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhiều chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh như: chính sách miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước); chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất (Nghị định số 41 của Chính phủ); chính sách hỗ trợ người lao động bị nghỉ việc (Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ). Những chính sách trên đã giúp các doanh nghiệp, người lao động ngành chế biến gỗ và lâm sản vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất trong thời gian ảnh hưởng do dịch bệnh, tạo thêm động lực để ngành gỗ phát triển trong năm 2020.

Sản lượng gỗ khai thác quý IV/2020 ước tính đạt 4.800 nghìn m3, tăng 7,3%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao như Nghệ An tăng 13,2%; Quảng Nam tăng 24,7%; Quảng Ngãi tăng 57,7%; Bình Định tăng 9,1%; Bình Thuận tăng 10,1%. Sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh do nhiều diện tích rừng trồng của hộ dân và doanh nghiệp đã đến kỳ khai thác, thị trường nguyên liệu gỗ được phục hồi, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng mạnh mẽ sau thời gian bị đóng băng bởi dịch Covid -19. Sản lượng gỗ khai thác cả năm 2020 ước tính đạt 16.910 nghìn m3, tăng 3,7% so với năm trước.

Thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu quan trọng các mặt hàng gỗ và lâm sản Việt Nam trong năm 2020. Ước tính giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dự kiến, đến hết năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam sẽ đạt mức 13 tỷ USD, cao hơn so với mức 11,3 tỷ USD đạt được vào năm 2019. Theo Bộ NN&PTNT, bước sang năm 2021, ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu 14,5 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020.

Để đạt mục tiêu trên, ngành gỗ cầnkiên định phát triển thương hiệu uy tín, chất lượng sản phẩm, duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, thị trường tiềm năng và chú trọng phát triển thị trường trong nước. Đặc biệt, cần nghiên cứu có chính sách ưu đãi thuế để tạo điều kiện khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Tổ chức tuyên truyền người dân, doanh nghiệp không khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh gỗ lớn, tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng cho công nghiệp chế biến gỗ. Ngoài ra, cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ và các sản phẩm gỗ. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại.

Từ khóa » Giá Dăm Gỗ Xuất Khẩu 2019