Ngành Thực Phẩm, đồ Uống: Kích Cầu Tiêu Dùng Mạnh Mẽ

Trong năm 2021, các DN trong ngành thực phẩm, đồ uống đều giảm sản lượng tiêu thụ do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Nhằm thích ứng với bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19, các DN trong ngành đã thực hiện nhiều thay đổi từ quản trị, chuyển đổi số đến việc xây dựng hệ thống phân phối trên nền thương mại điện tử (TMĐT). Đặc biệt trong thời gian phục vụ Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2022, các DN đang nỗ lực bình ổn giá và giảm giá thành để kích cầu tiêu dùng.

Trong những năm qua, thực phẩm và đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển với tốc độ tăng trưởng được dự báo từ 5%-6%/năm trong giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, trong năm 2020, 2021 dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khiến cho các DN ngành này phải giảm sản lượng tiêu thụ do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, bức tranh kinh tế ngành Thực phẩm – Đồ uống đã “nhuốm màu” Covid-19. Theo đó, hoạt động của nhiều DN trong ngành đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn từ nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ. Năm 2021, do tác động của đại dịch kéo dài khiến tỷ lệ DN chịu tác động ở mức nghiêm trọng đã lên tới hơn 91%. Điều này cho thấy các DN đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn.

nganh thuc pham do uong kich cau tieu dung manh me
DN thay đổi rất nhiều hình thức tiếp cận người tiêu dùng trong giai đoạn mới

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, ngành công nghiệp thực phẩm đồ uống Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn và thách thức lớn do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh nông sản và thực phẩm chế biến trên thị trường nội địa và quốc tế. Bối cảnh đó buộc DN phải có những giải pháp thích nghi và định hướng mục tiêu người tiêu dùng. Mặc dù phải đối mặt với những thách thức, nhưng đây lại là cơ hội để DN phát triển thương hiệu thực phẩm – đồ uống trong việc cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm và chinh phục người dùng trong, ngoài nước.

Trong những năm gần đây, Tân Hiệp Phát luôn dẫn đầu thị phần trà đóng chai trong nước và đang có tiềm lực lớn mạnh để tiếp tục khai thác mảnh đất tiêu dùng màu mỡ tại Việt Nam và các quốc gia khác. Trong đó, DN triển khai tương tác trực tuyến tối đa trên các kênh như Facebook, Youtube, Tiktok… Đặc biệt trong thời qua, mặc dù giá nguyên vật liệu tăng đều, chi phí vận chuyển tăng nhưng Tân Hiệp Phát chấp nhận không tăng giá sản phẩm để chia sẻ khó khăn với khách hàng là cửa hàng nhỏ lẻ , đại lý, nhà phân phối và kể cả người tiêu dùng, chấp nhận cắt giảm các khoản khác để duy trì được mức độ ổn định sản xuất. Với những nỗ lực không ngừng của DN, Tân Hiệp Phát đã vinh dự nằm trong Top 10 Công ty đồ uống uy tín năm 2021 - nhóm ngành: Đồ uống không cồn (nước giải khát, trà, cà phê…), bà Trần Uyên Phương nhấn mạnh.

Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngành thực phẩm, đồ uống vẫn khá lớn. Nhưng do tác động của dịch bệnh, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng cũng có sự thay đổi ở mức độ nhất định nên nhiều DN phải chú trọng hơn đến việc nhận diện thương hiệu, nắm bắt xu hướng khách hàng để đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Nhằm tháo gỡ các khó khăn, đồng hành và hỗ trợ DN kịp thời, Bộ Công thương đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai hàng loạt các chương trình chuyển đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số vào xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp, trực tuyến. Một số chương trình như Triển lãm quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2021 trên môi trường số, Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2021) với chủ đề “Nông sản, thực phẩm: Thích ứng - Chuyển đổi - Tăng tốc”… đã giúp các DN trong ngành tiếp cận, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, trải qua một năm đầy khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời điểm cuối năm các DN ngành thực phẩm, đồ uống đang nỗ lực hồi phục để thực hiện kế hoạch của mình, đồng thời cung ứng các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý khách hàng trong thời điểm mua sắm nhộn nhịp cuối năm, nhiều thương hiệu Việt nhanh chóng triển khai các chương trình khuyến mại sớm để giành lợi thế trong “cuộc đua” cuối năm. Đặc biệt, Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" mới được ban hành được coi như một cú hích giúp địa phương và DN trong ngành giải quyết nút thắt về logistics và lao động, từ đó thúc đẩy tốc độ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, trong năm 2022, các DN cần đẩy mạnh phát triển các chiến lược toàn diện liên quan đến quản trị vận hành, chiến lược sản phẩm, tương tác khách hàng và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin của người tiêu dùng.

Từ khóa » Ngành Thực Phẩm đồ Uống ở Việt Nam